May 10, 2024, 4:16 am

Em đây, chị ơi!

1.

Ngày thứ 7 đợt giãn cách xã hội đầu tiên của thành phố, cái răng số 36 của Ng bị đau. Những cơn đau âm ỉ về đêm.

Minh họa của TRẦN NGỌC QUỲ

Cơn đau làm Ng khó ngủ. Chị trở dậy nhiều lần. Uống viên thuốc giảm đau, ngậm nước muối pha loãng, súc miệng nước ấm, vài giọt tinh dầu Đinh hương cho vào tăm bông rồi ấn vào chỗ đau. Làm nhiều cách, Ng cũng chỉ cầm cự cơn đau. Ng biết, mình sẽ phải chịu đựng cơn đau dai dẳng này cho tới lúc cơ sở nha khoa được hoạt động trở lại, sau đợt đóng cửa theo yêu cầu phòng chống đại dịch Covid-19.

Cùng với cơn đau có lúc xoáy vào nướu, vào hàm, vào xương, vào tủy là một cơn đau khác, cũng lặng lẽ, song hành.

Cơn đau tuy không chạm vào thịt da xương tủy nhưng lại lấy đi nhiều sinh lực, khiến Ng phờ phạc. Chị có cảm giác mình đang hứng chịu những cú đấm vô hình. Thương tổn từ những cú đấm không thể chống đỡ khiến Ng đau ran cả vùng ngực. Trái tim nhiều lúc cồn lên, đập những nhịp đập bất thường.

Ng tắt martphone, tắt đèn ngủ, nằm trong bóng tối, vỗ về cơn đau, cố nhắm mắt.

Tiếng thở rì rì và luồng khí phả ra từ chiếc máy lạnh lại làm Ng liên tưởng đến hơi thở khó nhọc của nạn nhân virus Corona, những bệnh nhân đang nằm trong phòng cấp cứu, mũi miệng được nối với những cái ống nhựa của chiếc máy thở. Chị lại nghĩ đến những nạn nhân dần cạn ô xy nơi buồng phổi và không thể tiếp được nguồn dưỡng khí nhân tạo. Họ, đông như những binh đoàn bại trận, đang thoi thóp ở nhiều bệnh viện, nhiều nhà dưỡng lão, nhiều căn hộ bị cách ly trong những thành phố bị phong tỏa. Những thành phố vừa cổ kính, vừa hiện đại, vừa là điểm tìm đến của hàng triệu lượt du khách mỗi tuần, chỉ sau vài tuần, vắng lặng, im lìm, trơ khấc như những nghĩa trang khổng lồ. 

Chưa lúc nào cái chợp mắt đi vào giấc ngủ lại khó khăn với Ng đến vậy. Những ngọn nến đưa tiễn nạn nhân của Coronavirus ra đi trong cô độc ở Lombardy, ở Madrid, ở Paris, ở Luân Đôn, ở Brussel, ở New York... chẳng khác vô số ngọn lửa ma trơi, lúc xanh, lúc tím, lập lòe, nhảy múa trước mắt Ng.

Ng thấy mình may mắn khi sống trong một quốc gia, cho tới đợt giãn cách đầu tiên này, chưa có người nào phải tử vong vì loại virus đang giết người hàng loạt. Tuy vậy, ngọn lửa ma trơi, cứ lập lòe, lập lòe. Không thể nào chợp được mắt, Ng với tay lấy martphone, ấn phím, mở.

Màn hình hiện ra tin nhắn từ Viber. Tim Ng giật thót khi đọc: “Em đây, chị ơi!”. M nhắn tiếp: “Dịch bệnh khắp nơi. Em giật mình thản thốt. Em nhớ mình còn có người chị. Cả hơn năm qua em không có tin gì cho chị. Em thấy mình thật tệ hại. Do em đánh vật với bệnh tật để lấy lại “cái tôi” bên ngoài mà em từng hãnh diện. Em ngốc quá chị ạ. Khi thế giới chết như rơm như rạ, chết không được trăn trối, không một người thân bên cạnh, em tỉnh ra, chỉ cần được sống là hạnh phúc…”. M viết dài. Viết như không ngưng nghỉ. Viết những bao bọc giấu kín bất chợt, bục vỡ…M viết như trước mặt cô, Coronavirus hiện hình là những cỗ xe tóc tang đang lừ lừ tiến đến. Viết trong sự hãi hùng. Viết trong cơn dư chấn. Viết, như trốn thoát. Và viết để trải lòng. Viết, để bù đắp cho tháng ngày M và Ng bặt tin nhau.


Có thể bạn quan tâm