May 5, 2024, 2:21 pm

Duyên nghiệp quê nhà

- Chiếu đây! Ai mua chiếu đây!

Trên những con đường làng ở quê tôi, thỉnh thoảng lại nghe réo rắt vang lên cái điệp khúc ấy từ những người đi bán chiếu rong. Tiếng rao ấy mang đủ âm hưởng khác nhau, lúc mềm mại, trẻ trung của một cô gái, lúc khỏe khoắn của một chàng trai. Lại cũng có lúc thâm trầm của một người đàn ông, hoặc ngân lên du dương đến mượt mà, sâu lắng của một người đàn bà. Bốn mùa xuân hạ thu đông, lúc sáng sớm tinh mơ, khi nắng trưa đứng bóng, và cả lúc trời chiều chạng vạng, trên khắp mọi nẻo đường quê hương, tôi vẫn thường nghe tiếng rao ấy cất lên thật thiết tha, khẩn khoản. “Chiếu đây! Ai mua chiếu đây!”. Ôi, tiếng rao ấy sao mà gần gũi, thân thương; sao mà ngọt ngào, quyến luyến đến lạ lùng! Và giữa trưa hè nắng như đổ lửa, tiếng rao ấy mới nặng nề, khó nhọc làm sao!

Minh họa: Đặng Tiến

Những người bán chiếu, họ là ai, ở đâu? Thật tình ban đầu tôi cũng không quan tâm lắm với những việc thường nhật, tưởng như giản đơn, bình dị ấy, mặc dù đã có tới cả chục lần, gia đình tôi từng mua chiếu của những người đi bán rong ấy. Nhưng rồi có một lần gần đây, để thay đôi chiếu mới, nghe tiếng rao ấy, tôi đã mời họ vào nhà. Mục đích của tôi ngoài mua chiếu, tôi còn rất muốn được trò chuyện với họ để có thể tìm hiểu biết được đôi chút về công việc vất vả mà họ đang làm. Người bán chiếu rong lần này là một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi tuổi. Anh chở theo một xe đạp đầy chiếu. Mặt anh nhễ nhại mồ hôi. Qua giới thiệu, tôi biết được tên anh là Nguyễn Văn Toản, người làng Lâm Xuân, xã Gio  Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Mới chỉ nghe hai tiếng tên làng và mặc dù chưa một lần đến Lâm Xuân, nhưng tôi vẫn biết Lâm Xuân là một làng quê trước đây rất nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói. Quảng Trị là một tỉnh nghèo lại kinh qua nhiều năm chiến tranh, từng bị bom đạn kẻ thù tàn phá hết sức nặng nề. Cứ ngỡ nhắc đến Quảng Trị, người ta chỉ biết nhiều, nhớ nhiều đến những tên đất, tên làng được gắn với mỗi chiến công, kỳ tích; chứ khi nhắc đến Quảng Trị mấy ai có thể biết rằng ngay chính trên mảnh đất “ăn không ngon ngủ không yên” vì đạn bom ròng rã này lại vẫn có những làng nghề từng được sử sách chép lại. Và những làng nghề ấy chỉ cần nhắc đến tên thôi ta đã thấy quen quen, nhớ nhớ như chính những nơi ấy là quê hương ta vậy. Những ngôi làng bình dị từng cả trăm năm, vài trăm năm tuổi gắn bó với lũy tre, sân đình, bến nước... Người dân ở những ngôi làng ấy cũng đã từng làm ruộng, trồng tiêu, nuôi heo... những công việc vốn thuần túy nhất của nhà nông. Nhưng rồi sau do đặc thù về thiên nhiên và con người ở mỗi làng mà dần dần hình thành thêm những nghề mới. Những nghề mới này theo thời gian phát triển mãi lên đến độ hưng thịnh rồi được gọi là làng nghề. Quảng Trị từng có những làng nghề như làng nghề trồng dâu nuôi tằm; làng nghề mộc khảm trai, khảm xà cừ; làng nghề tráng bánh cuốn, bánh đa; làng nghề nấu rượu đặc sản, làng nghề đan quạt, làng nghề dệt chiếu... Có những ngôi làng từng cả trăm năm gắn bó với nghề để đến nỗi khi gọi tên làng người ta ghép luôn cả nghề làng ấy làm. Ví như làng quạt Phương Ngạn, làng chiếu Lâm Xuân, làng nón Văn Quỹ, làng bún Cẩm Thạch... Rồi cũng như một lẽ tự nhiên, những làng nghề ấy, trải qua ba đào chìm nổi với vô số những nguyên nhân khác nhau đã không còn tồn tại nữa hoặc mai một dần. Sự xuất hiện của làng nghề và sự biến mất của làng nghề âu cũng là quy luật của cuộc sống. Làng dệt chiếu Lâm Xuân có lẽ cũng nằm trong quy luật ấy. Tôi từng nghe nói làng nghề dệt chiếu Lâm Xuân đã có thời gian lên đến hàng chục năm phát triển hết sức ngoạn mục.Và chiếu của Lâm Xuân ngày ấy tuy chỉ là chiếu trắng, không hoa văn, màu mè sặc sỡ, nhưng nhờ chất liệu cói và những đôi bàn tay tài hoa của những người thợ dệt mà chiếu của Lâm Xuân vừa dày vừa đẹp, vừa bền vừa mát, đã không những được tiêu thụ  ở trong huyện trong tỉnh mà còn ra cả ngoài Bắc, vào cả trong Nam, đến với mọi nhà.

Tôi hỏi anh Toản:

- Làng Lâm Xuân nay còn dệt chiếu không anh?

- Còn! - Anh Toản trả lời - Nhưng không còn lại mấy gia đình làm nghề này, và lại cũng không được thường xuyên lắm!

Tôi đọc được trong giọng nói và cả trong đôi mắt của anh Toản có một nét gì đó buồn buồn như là tiếc nuối một thời đã qua. Trên chiếc xe đạp của anh vẫn còn gần đến chục đôi chiếu bao gồm cả chiếu trắng lẫn chiếu hoa, với đủ kích cỡ rộng hẹp khác nhau, nhiều loại màu mè hoa văn rất đẹp.

- Chiếu này là của làng Lâm Xuân?

Tôi chỉ một chiếc chiếu trắng thơ ngây hỏi. Anh Toản mỉm cười trả lời:

- Không, chiếu này ở ngoài Bắc, một của Nga Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, một của Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình.

- Anh làm nghề bán chiếu lâu chưa? - Tôi lại hỏi. Và anh Toản trả lời:

- Hơn chục năm nay, còn trước kia tôi làm nghề dệt chiếu!

- Ở Lâm Xuân có đông người đi bán chiếu không?

- Đông, đông lắm!

Cuộc hành trình của một người đi bán chiếu rong thật là xa lắc xa lơ, thật là gian nan vất vả. Theo như lời anh Toản kể thì ngay từ chiều hôm trước anh đã đến đại lý lấy chiếu đưa về nhà. Lấy nhiều hay ít là tùy theo sức chuyên chở của mỗi người. Riêng với anh mỗi chuyến chiếu anh thường lấy từ mười lăm đến hai mươi đôi. Sáng hôm sau, anh chỉ việc thức dậy thật sớm, ăn uống qua loa rồi chất chiếu lên xe và ra đi. Anh đạp xe bon bon trên đường 75B, qua hết địa bàn hai xã Gio Thành, Gio Mỹ, thuộc huyện Gio Linh. Từ quốc lộ 1A, anh leo lên Dốc Miếu rồi rẽ vào làng Lễ Môn, xã Gio Phong, hết làng Lễ Môn thì đến làng Đồng Thị, làng Kinh Môn của xã Trung Sơn cũng ở huyện Gio Linh quê anh. Tại đây, anh vượt cầu sắt Tiên An “đổ bộ” vào hai xã phía tây huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, sau đó qua cầu Châu Thị xuôi về các xã phía đông huyện là Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân rồi đến Vĩnh Quang, qua cầu Cửa Tùng ở cuối nguồn sông Bến Hải, về lại Lâm Xuân theo đường liên xã Trung Giang - Gio Mỹ - Gio Mai. Cuộc hành trình đi bán chiếu của anh trong một chuyến từ điểm xuất phát đến khi trở lại điểm xuất phát gần như là một đường vòng cung qua rất nhiều làng mạc với thời gian tròn trịa đúng một ngày và với quãng đường có lẽ phải ngót nghét cả trăm cây số. Mỗi chuyến đi là hai chục đôi chiếu. Hai chục đôi chiếu là bốn chục chiếc chiếu. Bốn chục chiếc chiếu là bảy, tám chục kilôgam. Trọng lượng ấy sau rồi giảm dần theo độ dài của chặng đường. Có thể trong một tháng anh Toản không thể đi bán chiếu đủ cả ba chục ngày. Nhưng nếu trong một tháng anh chỉ đi khoảng mười lăm ngày thôi thì vị chi chặng đường trong nửa tháng anh đi - về đã là một con số về khoảng cách không nhỏ.

Tôi hỏi anh Toản: Có bao giờ anh có ý định bỏ nghề không?

Anh Toản trả lời ngay: Không! Dẫu vất vả tôi vẫn phải cố gắng. Không đi bán chiếu thì còn biết làm gì ngoài mấy sào ruộng ra. Vả lại, nghề đi bán chiếu cũng gần như là duyên nghiệp của quê hương anh à!

Bán cho tôi đôi chiếu anh Toản lại tất tả đạp xe đi. Bóng anh nhòa dần trong nắng chiều vàng rực. Được một lúc, tôi lại nghe tiếng anh văng vẳng cất lên: Chiếu đây! Ai mua chiếu đây!

Từ ngày gặp anh Nguyễn Văn Toản, nghe anh kể chuyện đi bán chiếu rong, tôi thấy mình như người có duyên nợ với làng Lâm Xuân. Chả thế mà hơn một năm qua, tôi đã phải mấy lần cất công tìm đến ngôi làng này. Làng Xuân Lâm nằm giữa trục đường 9, còn gọi là đường xuyên Á, và trục đường 75B. Lần đầu tiên đến đây tôi như có cảm tưởng mình đang đi giữa một làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nghĩa là ở đây, nơi làng quê bình dị này từ lũy tre, bến nước, đình chùa, miếu mạo... tất cả đều mang một dáng vẻ nề nếp, xưa cũ. Tâm tình với tôi chuyện quê hương là cựu chiến binh Nguyễn Bá Phù. Hồi đó, tuy đã cao niên, vị thiếu tá quân đội nghỉ hưu này vẫn hăng hái đảm đương chức vụ trưởng thôn. Theo ông cũng như các bậc cao niên trong làng mà tôi có dịp gặp gỡ hỏi chuyện sau này như ông Nguyễn Liễn, bà Võ Thị Quyên... thì nghề dệt chiếu ở làng Lâm Xuân đã có từ cách đây cả trăm năm. Các ông còn bảo, hồi ấy dệt chiếu là nghề chính của làng nên ở làng Lâm Xuân này nhà nào cũng say sưa sống chết với nghề. Có rất nhiều gia đình tất cả mọi thành viên từ ông bà, cha mẹ, con cái cùng làm nghề dệt chiếu. Vợ sánh vai chồng. Ông thi đua cùng cháu. Mọi người, mọi nhà quanh năm lúc nào cũng bận bịu với cây lác cây trinh. Thế nên đã có một thời, ở vùng đông Gio Linh này đi đâu cũng nghe người ta ngâm nga:

Lâm Xuân trinh lác bộn bề

Ngó về Nhĩ Hạ bốn bề cỏ lươn.

Cỏ lươn ở Nhĩ Hạ ngày ấy là dùng để nấu bếp, còn trinh, lác ở Lâm Xuân là hai loại nguyên liệu để người Lâm Xuân làm nên sản phẩm chiếu cói. Những người thợ dệt chiếu xưa kể với tôi rằng, để có hai loại nguyên liệu này, người Lâm Xuân đã phải lặn lội ra tận Bãi Hà, Bến Quan của huyện Vĩnh Linh để lấy vỏ cây trinh và vào tận Trà Liên huyện Triệu Phong hay sang vùng Thủy Khê, Cẩm Phổ xã Gio Mỹ ở huyện Gio Linh để lấy cây lác. Cây trinh ở trên rừng là loại cây thân gỗ có lớp vỏ dày, vừa dai vừa dẻo, dùng để làm sợi dệt chiếu. Còn cây lác mọc hoang ở ven sông hay đầm bàu nước mặn là một loại cói thuộc họ cỏ dùng để làm thân chiếu. Mỗi buổi sáng người Lâm Xuân thức dậy khi gà chưa gáy, cơm đùm nước bới, chia thành nhiều tốp ra đi. Và chiều đến, lúc ông mặt trời đã khuất bên kia đỉnh Dốc Miếu họ mới mang theo trinh, lác trở về. Trinh, lác được chẻ nhỏ, phơi khô, riêng với vỏ trinh thì sau khi chẻ nhỏ, phơi khô người ta còn phải chuốt, phải chắp, phải vo tròn thành sợi rồi mới cất kỹ cả hai thứ vào nhà để lấy ra dệt dần. Vào những năm nghề chiếu làng Lâm Xuân phát triển rực rỡ, bước vào thời kỳ hoàng kim nhất thì nhà nào ở Lâm Xuân cũng đầy trinh và lác. Có những gia đình phải dành hẳn cả một gian nhà để làm kho chứa hai loại nguyên liệu này. Và những tấm chiếu từ đây theo thời gian thứ tự ra đời. Cứ vậy, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, trừ những lúc mùa màng, thời vụ, còn thì lúc nào người Lâm Xuân cũng tảo tần, bận bịu với manh chiếu quê nhà. Nhiều gia đình ở đây có đến mấy thế hệ gắn bó với nghề. Bí quyết của nghề chiếu được người đời trước truyền lại cho người đời sau, người đời sau truyền lại cho người đời sau nữa. Nhà nhà cùng học hỏi lẫn nhau. Cả làng, cả xã cùng học hỏi lẫn nhau. Tấm chiếu của Lâm Xuân cũng vì thế mà mỗi ngày dệt ra càng dày hơn, bền hơn, đẹp hơn. Tấm chiếu của Lâm Xuân cũng vì thế mà mỗi ngày càng được vươn ra xa hơn với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhưng đó lại là chuyện của trước đây. Còn như bây giờ khi tôi đang có mặt ở Lâm Xuân thì người dân ở làng này đã không còn làm nghề này nữa. Nói đúng ra thì cái nghề đã từng thấm vào máu thịt họ trong suốt cả trăm năm qua đã hoàn toàn tắt lửa trong lòng họ ít nhất là từ cách đây mười lăm, hai mươi năm nay rồi. Bằng một chất giọng ngậm ngùi, tiếc nuối, ông Phù cho rằng có hai lý do khiến cho nghề dệt chiếu ở làng Lâm Xuân mai một dần rồi mất hẳn. Một là do hồi đó người ta ngăn sông làm đập thủy lợi Cánh Hòm lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nên vùng Thủy Khê, Cẩm Phổ không còn nước mặn cho cây lác phát triển. Không có nguyên liệu thì có nghĩa là nghề dệt chiếu của làng Lâm Xuân cũng không còn tồn tại nữa. Thứ hai là do sản phẩm chiếu Lâm Xuân không thể cạnh tranh nổi với nhiều loại chiếu vừa đẹp, vừa rẻ của cả trong Nam ngoài Bắc ùn ùn đổ về. Thế nên cả một làng có tới mấy trăm hộ làm nghề truyền thống, nay chỉ còn ngo ngoe vài người thỉnh thoảng đi cắt lác về dệt chiếu cho đỡ nhớ nghề.

Không còn nghề dệt chiếu nhưng người Lâm Xuân chưa mất hẳn sự vấn vương, duyên nợ với manh chiếu, cho dẫu manh chiếu đó không còn do đôi bàn tay họ làm ra. Ấy là họ cũng đã tìm được cho họ một nghề mới. Đó là nghề bán chiếu. Nghề bán chiếu ở làng Lâm Xuân ban đầu chỉ lác đác vài hộ, nay đã nở rộ ra cả xóm cả làng. Ông Phù phấn khởi nói rằng, làng Lâm Xuân có 300 hộ, thì có đến hai phần ba số gia đình có người làm nghề bán chiếu. Đó là những người đi bán chiếu rong như anh Toản mà tôi đã gặp. Ở Lâm Xuân có những gia đình kết thúc mùa màng thời vụ hay những lúc nhu cầu về chiếu đòi hỏi như trong dịp hè, dịp tết... thì cả vợ lẫn chồng hay cả gia đình cùng đi bán chiếu. Cái nghề tưởng như chẳng có gì hấp dẫn lại có phần vất vả này ấy thế mà có sức cuốn hút đối với người Lâm Xuân lạ lùng. Phải chăng ngoài lợi nhuận, ngoài miếng cơm manh áo ra thì nghề bán chiếu còn là duyên nợ đối với người Lâm Xuân? Vâng, nếu không phải như vậy thì tại sao người Lâm Xuân lại quá ư gắn bó với nghề mà không phải người ở một làng nào khác. Nói cho tách bạch ra thì cả huyện Gio Linh này, cả tỉnh Quảng Trị này chỉ duy nhất có một làng Lâm Xuân làm nghề bán chiếu, cũng như trước đây cả huyện cả tỉnh này cũng chỉ duy nhất có một làng Lâm Xuân làm nghề dệt chiếu mà thôi. Tôi có thể tự hào mà nói rằng, trên địa bàn Quảng Trị có bao nhiêu huyện thị, thậm chí có bao nhiêu làng xã thì gần như tất cả những nơi ấy đều đã từng có mặt người Lâm Xuân. Bàn chân họ in dấu trên khắp mọi nẻo đường quê hương. Và như thế là mỗi gia đình người Quảng Trị chắc chắn đã có ít nhất một lần từng mua chiếu của người làng Lâm Xuân.

Ở Lâm Xuân ngoài một lực lượng đông đảo những người bán lẻ, bán chiếu rong thì còn có một số ít người đứng ra mở hẳn đại lý kinh doanh chiếu. Những đại lý chiếu lớn nhất ở chợ Đông Hà hay ở chợ Cầu phần lớn là của người làng Lâm Xuân. Những cái tên như chị Bê anh Ban, chị Lươn anh Đặng, chị Loan anh Mục, chị Lan anh Tẩy, bà Thuyền chị Cháu... bây giờ đã không còn xa lạ đối với khách hàng. Bởi đại lý chiếu của họ quanh năm lúc nào cũng có tới cả ngàn, vạn đôi chiếu các loại, lúc nào cũng đủ sức cung cấp chiếu cho tất cả các điểm bán lẻ chiếu trong tỉnh.Vừa có đại lý chiếu ở chợ, họ vừa có kho dự trữ chiếu ở làng. Âu đó cũng là điều kiện thuận lợi đối với người làm nghề bán chiếu ở làng Lâm Xuân.

Có ai đó đã từng nói với tôi, mỗi nghề - dù to nhỏ lớn bé hay cao sang thấp hèn gì thì tất cả đều là kế mưu sinh. Và kế mưu sinh nào thì cũng có cái khó khăn, gian khổ riêng của nó. Nhưng không vì thế mà mỗi người, mỗi nhà, mỗi làng lại không tìm lấy cho mình một nghề. Rồi khi đã chấp nhận nó là nghề của bản thân mình, gia đình mình hay của làng quê mình thì người ta sẽ mãi mãi yêu nó, mãi mãi gắn bó với nó trọn đời. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao người Lâm Xuân lại yêu thương đến da diết nghề bán chiếu của làng mình. Vì sao một cụ bà Lâm Xuân đã xấp xỉ tuổi chín mươi như cụ Nguyễn Thị Mực lúc còn sống lại khăng khăng không nghe lời con cháu ở nhà nghỉ ngơi mà vẫn ngày ngày thích được ngồi bán chiếu ở chợ Đông Hà? Và vì sao lại có những áng văn thơ hay đến như thế dành viết về nghề chiếu làng Lâm Xuân? Đến làng quê một thời nổi tiếng làm nghề truyền thống này tôi được nghe kể rằng, có một người con trai sinh ra và lớn lên ở làng Lâm Xuân, ngay từ nhỏ, người con trai ấy đã ngày ngày vừa đi học vừa giúp mẹ dệt chiếu. Tuy nhỏ nhưng anh rất say sưa với nghề. Những sợi trinh anh chuốt rất trơn và khi giúp mẹ dệt chiếu anh thao chỉ rất đều. Rồi sau này lớn lên, anh xa vòng tay mẹ, xa làng Lâm Xuân ra đi ăn học thành đạt trở thành người làm báo viết văn. Trong rất nhiều những sáng tác của mình anh đã dành rất nhiều bài văn, bài thơ nói về làng Lâm Xuân và nghề dệt chiếu của làng mình. Riêng với cái nghề rất đỗi cực nhọc của người Lâm Xuân hôm nay anh đã dành hẳn những bài thơ gan ruột như bài Thơ tặng người bán chiếu, bài Chị tôi để tặng cho người bán chiếu làng anh. Trong bài Chị tôi có những câu anh viết:

Trên những con đường rét cắt thịt

da đều dẫn về bếp lửa.

Người đàn bà gánh chiếu ra đi.

Tôi đã thấy chị từ lúc thơ bé.

Tiếng rao dài tận bây giờ...

Người con làng Lâm Xuân ấy, tác giả những vần thơ ấy là Nguyễn Tiến Đạt. Tiếc rằng khi tôi viết những dòng này thì anh đã thành người thiên cổ. Bây giờ mỗi khi đọc lại những vần thơ dào dạt cảm xúc ấy của anh, hay cả khi đã ngả lưng trên tấm chiếu mát mẻ, dịu êm từ tay người Lâm Xuân trao cho hôm nào, tôi lại nghe điệp khúc “Chiếu đây! Ai mua chiếu đây!” vang lên ngân nga trong lòng. Và tôi lại thấy nhớ người bán chiếu làng Lâm Xuân. Vâng rất nhớ! Nhớ như chính họ là người thân thích ruột thịt của tôi vậy.

Bút ký của Nguyễn Ngọc Chiến

Nguồn Văn nghệ số 14/2023


Có thể bạn quan tâm