April 27, 2024, 4:40 pm

Đường về bảy núi năm non

Dù đã cố tình cho nhan đề mang một ý nghĩa cụ thể, nhưng tôi vẫn luôn xem “năm non bảy núi” là một thành ngữ. Không biết nó có từ bao giờ. Nhưng rồi người miền Nam hay dùng, dùng riết thành quen.

Và hình như không ai buồn giải thích. Mọi người đều hiểu là nó chỉ về cái sự lăn lộn vòng vo, vượt qua bao nhiêu ngăn trở, biền biệt cách xa bởi trăm ngàn gian truân bất trắc. Nhưng chung cuộc cũng sẽ được sum họp đoàn viên. Lời cửa miệng sau đây chắc nhiều người rất quen thuộc: “Đi năm non bảy núi cho đã rồi cũng trở về”… Coi… nó còn lãng du tận trời tây biển bắc, hay tận bên kia nửa vòng trái đất nữa đó chớ có… hèn gì!

Người xưa hẳn đã hữu ý khi sáng tạọ, sử dụng, làm đầy thêm kho tàng văn hóa Việt và để lại cho muôn đời con cháu mai sau một thành ngữ hay.

Bởi lạ một điều là ở An Giang có không ít hơn bốn mươi ngọn núi. Nhưng khi được hỏi, hầu như ai cũng trả lời là Thất Sơn. Có thể người ta chỉ đến viếng núi Ba Thê rồi về thôi, thì… cũng cứ nói như vậy! Khác với núi, non ít được nhắc tới hơn, dù chúng có cùng một nghĩa:

Trèo non ước những non cao

Anh đi đò dọc ước ao sông dài

- Non cao chi lắm non ơi

Non che mặt trời khuất bóng

người thương

(ca dao)

Vài mở ý bên trên, chắc sẽ có vài bạn thống nhất với người viết rằng, năm bảy ở đây ta không nên hiểu là số từ. Vậy thì phải hiểu sao đây? Và cũng từ mở ý gần như khẳng định ở trên, chắc các bạn cũng thông cảm là tôi không dễ bị thuyết phục qua cách giải thích của nhiều người, cho rằng Bảy Núi gồm: Thiên cấm sơn, Anh vũ sơn, Phụng hoàng sơn, Liên hoa sơn, Ngọa long sơn, Ngũ hổ sơn và Thủy đài sơn. Và Năm Non gồm có các vồ: Bồ hong, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ông Bướm, vồ Thiên tuế. Hóa ra non nghĩa là vồ ư?! Không. Tôi trộm nghĩ, nếu giải thích kiểu ba bảy hăm mốt như trên thì Thất Sơn chẳng còn gì gọi là linh thiêng huyền bí, để khơi gợi sự ham muốn khám phá của mình nữa.

Dẫu biết khó, nhưng rồi như là thuộc tính của những người ham chữ nghĩa, tôi đã thử tìm hiểu xem sao… Nhưng do kiến văn hạn hẹp, tôi không biết mình phải bám víu vào đâu để giải thích. Cuối cùng tôi chỉ còn biết “lần mò” vào cổ thư thử xem sao: Kinh Dịch.

Sau khi tra cứu, thấy 2 số quẻ này khá tốt. Người xưa đã dựa vào đây để giải thích, rồi đoán định… rồi đặt trọn niềm tin vào một vùng đất còn giấu trong lòng nó vô vàn tiềm năng và đầy bí hiểm chăng? Thì đây, hai quẻ số 5 và số 7 trong Dịch chính là: Thủy thiên nhu và Địa thủy sư. Chúng chỉ rằng: Địa thủy sư với lời giảng là cát, tức mọi sự hanh thông suôn sẻ tốt đẹp. Như mang bệnh tật sẽ khỏi, người thân đi xa có tin về, mất của ắt tìm lại được. Riêng chữ sư còn được giảng nghĩa là quần chúng, là sức mạnh không thể đánh bại… Còn Thủy thiên nhu nghĩa là đạo của người quân tử. Với lời giảng thêm là chờ đợi với lòng tin thành thật, sắt đá, trong sáng… tất sẽ viên mãn tròn đầy, dù gặp nhiều hiểm nguy. Chung cuộc cũng sẽ thành công...

Đứng trước ngọn nguồn đất đai sông núi, như có điều gì đó thiêng liêng thường khiến tôi lặng lẽ cúi đầu. Hay do tư tưởng Thiên nhân hợp nhất vẫn thường lảng vảng trong tôi. Nhớ có lần, khi ngang qua một đoạn kinh Vĩnh Tế, vụt nhớ lời bài văn với chữ nghĩa thô vụng thời mở đất, tôi bàng hoàng xúc động… Người xưa đâu…!

Nhớ xưa đào sông, chẳng biết

phiên nào

Dựng nhà giữ cõi, dẹp giặc

làm binh

Bãi cát máu rơi, da ngựa bọc thây

Không mang hòm về, bởi nhà

xa xôi

 (Thừa lịnh vua,

tế cô hồn kinh Vĩnh Tế)

Mới vừa “bác học” da ngựa bọc thây ở trên, liền câu tiếp sau đã lộ rõ sự mộc mạc chân thành của người phương Nam, không khỏi khiến tôi thẫn thờ xúc động, muốn rơi nước mắt!

Lấy đâu ra da ngựa bọc thây, trong khi chiếu cói đệm bàng cũng chưa chắc đã đủ ấm cho những thân phận thấp hèn trong bão bùng giá rét. Bài văn được viết sau khi kinh Vĩnh Tế hoàn thành vào năm Minh Mạng thứ năm. Sau 5 năm vì lao nhọc, thiếu ăn và bệnh tật, có không biết bao nhiêu lương dân đã hòa xương thịt của mình vào trong lòng đất nước để “làm phân xanh cây lá”. Đếm sao cho hết bởi dân phu lỡ như có chết đi, ở “phiên nào chẳng biết” nữa kia mà… Theo các tài liệu còn lưu, số dân phu được huy động cho công trình trị thủy này có lúc lên đến 4 vạn người.

Thất Sơn - Bảy Núi (An Giang) được xem là nơi quy tụ tinh hoa của đất trời

Dám bán mạng mình nơi sơn cùng thủy tận, vậy nhưng vẫn một mực… trung quân, mà chắc gì mai sau “quân… nào đó” sẽ cư xử hiếu thuận với mình. Hay lại là hôn quân vô đạo?! Thì thôi, thân phận cùng đinh mạt hạng chỉ còn biết ngẩng lên năm non bảy núi kia mà nguyện cầu. Dù chỉ là “Giấc mộng con”, được trở về sum họp cùng gia đình nơi mái lá đơn sơ, nhưng xem ra đối với họ cũng đã là điều xa xỉ.  

Nói gì thì nói, núi non sông nước ở đâu cũng vậy thôi. Chưa bao giờ là sẵn của trời cho mà chúng luôn thách thức khả năng chịu đựng, đấu tranh dù ít hay nhiều của con người. Những khu vườn cây trái và các sản vật trên núi Tượng, núi Dài, núi Cô Tô, Ô Tà Sóc… kia, giờ đây chỉ hàng ngày lên xuống để thu hoạch dù bằng xe máy, đã thấy núi đá đổ mồ hôi! Thì thôi… kể làm gì những ngày đầu tiên ông cha mình tiên chinh khai sơn phá thạch.

Tôi càng hiểu và thương bạn Trần Thế Vinh của mình nhiều hơn. Giữa cái thời mà đất đai sôi động còn hơn cá chốt huơ râu vào mùa nước nổi, trên khắp các dòng kinh đâm ngang xẻ dọc ở xứ sở này. Năm công đất tầm vông trên lưng núi Lương Phi, anh dễ dàng dứt bỏ nó để đút túi bạc tỉ. Nhưng không, anh vẫn chấp nhận cuộc sống đạm bạc với thu nhập hưu trí còm cỏi cùng với hơn chục triệu bán tầm vông hàng năm. Anh trèo non bám núi, ráng gìn giữ “công khó ông cha lập ra” kia, hay đang cố tình… tàng trữ “kho vũ khí” của một thời Nam bộ hào hùng vẫn còn đó chưa xa. Nói thế nào tôi cũng thấy mình vô cùng được an ủi và ấm lòng khi có được người bạn là anh.

Đất đai đã vậy, với sông nước cũng muôn vàn thách thức. Nói đến An Giang, ngoài vị trí cửa ngõ tiếp nhận lượng nước đến hàng triệu tỉ mét khối từ Cửu Long giang đổ vào hàng năm qua hai ngã sông Tiền, sông Hậu. Không kể kinh rạch tự nhiên, trong lòng nó còn có hàng chục con kinh đào. Chính những con kinh đào đã tạo cho An Giang một nét đẹp rất riêng. 

Và đứng ở góc độ này mà xét, An Giang xứng đáng được coi là… anh hai của đồng bằng sông Cửu Long. Chính anh hai đã tiên phong lập công trong việc sửa trị và thuần hóa dòng Cửu Long. Trước là cho mình, để thuận tiện đi lại lưu thông hàng hóa, để cho đất đai bớt chua phèn và ngày thêm phì nhiêu… Sau là còn để gánh vác cho mấy đứa em, khi sông tấn công xuống phía hạ nguồn nó trở nên nhu thuận hiền lành tử tế hơn. Đến nay, sau hàng ngàn năm sông đã hiền hòa vận hành như một thói quen. Cũng gần gũi, mến khách, lấy trái tim đặt trên lòng bàn tay, sống chuộng khí tiết trọng nghĩa khinh tài giống như người ở nơi đây. “Lộ kiến bất bình, bạt kiếm tương trợ”. Dù đang trong mùa nước dâng nhưng sông vẫn chậm rãi khoan hòa, chớ không ầm ào, dữ dằn quyết liệt như những nơi khác. Và quan trọng hơn tất cả, là để… anh hai giữ gìn cho an yên bờ cõi.

Về vấn đề nước ở An Giang thật khó để mà nói cho hết. Nước, tiêu chí thiết cốt trên mặt trận nông nghiệp. Nó liên quan đến sự tồn sinh của con người. Nhưng giữa mênh mông nước kia, thiên nhiên chỉ ban tặng cho con người chút lộc nhỏ nhoi, muốn có thêm buộc phải vắt óc đổ mồ hôi xuống mà tìm sinh lộ.

Những hạt lúa trời bất quá chỉ đủ cho người tạm no lòng đỡ dạ để lây lất qua ngày. Ngoài cây-lúa-Sơn-Tinh ấy ra, không anh hùng nào sống nổi trước sức công phá tàn khốc của chàng Thủy Tinh đang trong cơn ghen tức. Nhưng rồi thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, vẫn ráo riết một lòng đầu quân về dưới trướng SơnTinh, con người đã lần hồi tìm được cho mình những giống lúa thích nghi, “chạy nước” tài ba: Tàu Binh, Nàng Sáp, Nàng Rừng, Thâm Đưng… Trong cuộc chiến oai hùng ấy, phần thắng luôn thuộc về những vị-tướng-già trấn giữ biên thùy vừa kể trên. 

Ven bờ các con kinh Ba Thê, Bình Hòa, Bốn Tổng, Tri Tôn, Vĩnh Tế… ngày càng vươn xa đến tận làng mạc, thị tứ và tỉnh thành khác, đời sống của người dân ngày một đỡ vất vả khấm khá lên.

Nhưng những nếp nhà mọn mong manh bên dòng kinh giữa mùa nước nổi ấy, thân phận chúng cũng có khác gì những ngôi nhà ẩn hiện giữa đồng ruộng bao la kia. Trước nước, hình như mọi nhà đều bình đẳng! Vâng, chúng như cũng đang bập bềnh nhấp nhô theo từng đợt sóng gió, với bao nhiêu nỗi niềm thầm kín chất chứa bên trong.

Đã buồn lại giục cơn buồn

Mưa dông chưa tạnh nước

nguồn lại dâng

(ca dao)     

Là thầm kêu, là len lén chút nỗi niềm vậy thôi. Chớ thiên nhiên vốn công bằng. Họa đó rồi phúc đó, ông trời có lấy hết của ai bao giờ. Giữa mù mù giăng giăng như sương khói ấy, Ngài đã ưu ái ban tặng cho An Giang vô số cá tôm. Nếu kể ra “vài loại” thôi cũng sẽ dài lắm! Nên thôi, cứ thử lấy con cá tra để mà tiêu biểu vậy: tra sóc, tra bần, tra dầu, tra đém, tra hú, tra hóp và… tra hỏi! Coi… vậy chớ trong mờ mịt nhân gian kia, nào ai dám nói rằng mình đã hỏi tường tận rồi.

Nói đến An Giang là nói đến tinh thần cộng cư của nhiều tộc người. Chủ yếu là Việt, Hoa, Khơ-me và Chăm. Chính sự cộng cư, giao thoa văn hóa ngày càng sâu nặng, nên chẳng lạ gì khi tình nghĩa anh em các dân tộc ngày càng ruột rà thắm thiết. Mà đâu chỉ riêng trong lĩnh vực lao động, dựng xây và kiến thiết. Ngay từ xa xưa tinh thần ấy còn được thể hiện qua các câu chuyện thần thoại, truyện cổ tích, ca dao tục ngữ, còn lưu truyền tới ngày nay. Chúng cơ bản giống nhau, thậm chí có khi trùng khít. Tuy vậy, hồn cốt tinh hoa của mỗi dân tộc vẫn muôn đời là nét đặc trưng để mạnh ai nấy giữ gìn và cùng được cộng đồng Tri-Tôn cho nhau.

Có ngờ đâu, tục cưới vợ của người Chăm ở đây đã rất khác so với đồng bào Chăm ở Nam Trung phần. Giống như con trai Việt, con trai Chăm ở đây phải đi cưới vợ chớ không phải là ngược lại… Trải qua thời gian đan xen hòa quyện nhiều yếu tố văn hóa, kinh tế xã hội và cả chính trị quân sự, người ta nói các dân tộc ở An Giang đều bình đẳng và có cùng chung lịch sử là vì vậy. Từ thời hợp đoàn để chống lại tầng lớp địa chủ cường hào ác bá, chuyên phát canh thu tô áp bức bóc lột. Đến chung lưng đấu cật đấu tranh chống thực dân đế quốc qua nhiều thời kỳ… Các cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương…, các tên làng tên núi tên sông cùng những kỳ tích quanh vùng Thất Sơn đều ghi nặng máu xương của tất cả các dân tộc anh em. Những tên tuổi Pu Căm Pô, A Cha Soa, Si Va Tha… và nhiều tổ chức bí mật, đến nay vẫn còn sáng ngời và luôn được trân trọng nhắc nhớ trong các buôn làng phum sóc.

Chuyện như mới vừa đây thôi, chắc mọi người hẳn chưa quên… Khi đất nước vừa im tiếng súng, người dân chưa kịp cất lên bài vọng cổ hoan ca, tấm lụa chào đón người đi xa trở về còn dở dang trên khung dệt, điệu múa Xâyăm mừng đôi lứa nên duyên, vở Yukê đang soạn… tất cả đành phải xếp lại! Quân gian ác hôn ám nghe theo lời xúi giục của đám quỷ vương, đã toa rập bóp méo lịch sử, khoét sâu mâu thuẫn nhằm kỳ thị, chia rẽ và kích động hận thù giữa các dân tộc. Nhưng mối tình sâu đậm gắn bó keo sơn từ bao đời giữa những người anh em đã tỏ rõ bản lĩnh, không dễ dàng gì để bị lợi dụng. Và chung cuộc thế nào thì mọi người đều đã rõ.

Chiến tranh đã lùi xa, hình như cũng không ai muốn nhắc lại, nhất là những chuyện đau lòng. Nhưng tôi trộm nghĩ, mỗi người trong chúng ta đều nên ít nhất một lần trong đời mình hãy đến với Nhà mồ Ba Chúc. Trong thư tịch về lịch sử và tội ác chiến tranh của loài người, cho tới bao lâu đi nữa tôi tin hai từ Ba Chúc vẫn sẽ luôn tồn tại.

Tôi đã đến đó lần đầu cách nay vài năm với người bạn cựu binh. Sau giây lát tìm hiểu, trong không gian khép kín và cảm giác lạnh người ghê rợn, tôi vội vã nói nhỏ với anh, thôi mình đi ra… Bởi tôi không đủ can đảm ở lại lâu hơn, giữa hơn một ngàn bộ hài cốt trắng toát trong gần bốn ngàn người bị thảm sát tàn ác và man rợ. Chừng đó như đã quá đủ, tự nhủ lòng hẹn lại lần khác, nếu cần để viết lên điều gì đó về những oan hồn trẻ thơ, phụ nữ và bao người dân lành uổng tử ở Ba Chúc này. Cho nên trở lại Tri Tôn lần này, tôi chỉ dám lảng vảng quanh chùa Tam Bửu, Phi Lai gần đó. Nhưng chỉ nhìn những tấm ảnh lưu lại tội ác, tôi cũng rợn người không khác gì hai năm trước. Và tôi lại cúi đầu rồi… lặng lẽ quay ra!

Buổi sáng trước khi về, anh em tôi lưu luyến ghé chợ Tri Tôn điểm tâm. Tuy không theo Ấn giáo, nhưng vì sức khỏe hiện tại không cho phép tôi ăn món cháo mà mình biết là sẽ rất ngon. Bên ngoài, trời vẫn còn đang lâm râm kéo dài từ cơn mưa đêm qua. Tôi ngồi nhấm nháp đậu phộng rang và uống nước lọc. Nhìn qua bộ ván đối diện, thấy ông lão chủ nhà nhỏ thó người, cụt nửa cánh tay với nước da đen cũng bất chợt ngó lại tôi cười chào xã giao. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi đáp lại và bước sang chào ông… Ông nói điều gì đó với đứa cháu trai một thôi một hồi, như dặn dò điều gì rồi quay lại tôi, đổi sang tiếng Việt. Ông cho thêm trà mới vào bình rồi chậm rãi châm nước sôi.

Sau một lúc giao đãi, như được khơi đúng nguồn mạch từ bạn tôi, ông Chau Sa Im huyên thuyên về người quen kẻ lạ, về kẻ mất người còn. Và nhất là những người mà cả ông và bạn tôi cùng biết. Ông nhắc và kể… Ông kể về một thời ở Mặt trận phía Tây Nam. Cho đến khi các bạn đi chung đã lần lượt ra ngoài xe hết rồi nhưng ông vẫn còn kể…

Bạch đầu quân sĩ lại

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong

(Trần Nhân Tông)

Ôi! Cái giá của hòa bình…      

Tôi đã lang thang khắp năm non bảy núi ròng rã mấy ngày liền, khi đang trong cơn bão dữ dằn đầu tiên của năm 2023. Nhưng thật may mắn, hanh thông suốt lộ trình và kịp trở về nhà bình an. Trong khi sau lưng tôi, ông trời vẫn quát ầm lên và trút những cơn mưa tầm tã xuống vùng Bảy Núi…

- A lô Trần Thế Vinh đó hả… tôi đây…

- Từ sáng giờ… mưa lớn quá Hiên ơi!... Nói nghe không rõ… để tôi gọi lại cho ông sau nhe…

Dù nghe không rõ, nhưng tôi tin rằng bạn đã đoán được ý, là tôi sẽ còn trở lại đây vào dịp lễ hội Sen Đôn-ta, ngày xá tội vong nhân và cúng kính tưởng nhớ công ơn ông bà tổ tiên của bà con Khơ-me, sẽ diễn ra trong vài tháng tới và chắc chắn sẽ còn nhiều lần nữa. Bởi qua hai đêm thức trắng cùng bạn ở vùng biên tái này, tôi đã bị thuyết phục, ám ảnh và réo gọi từ trong sâu thẳm của vùng Thất Sơn linh diệu.

An Giang, mùa mưa 2023

Bút ký của Từ Phạm Hồng Hiên

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023


Có thể bạn quan tâm