May 9, 2024, 10:23 pm

Đừng xóa ký ức về Hội Văn nghệ giải phóng!

Trong thời gian cuộc kháng chiến “chống Mỹ cứu nước”, giới văn nghệ kháng chiến miền Nam Việt Nam đã có một tổ chức đoàn thể là Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam.

Như đã biết, ngay sau ngày Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập (20/12/1960), các giới hoạt động văn nghệ yêu nước tại miền Nam đã cùng nhau thành lập Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam (15/7/1961), chủ tịch hội là nghệ sĩ cải lương Trần Hữu Trang, tổng thư ký hội là nhà văn Lý Văn Sâm. Nhiều văn nghệ sĩ tại các vùng ở miền Nam hoặc từ miền Bắc vào chiến trường đã đứng trong Hội Văn nghệ giải phóng.

Bài viết về Đại hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ đăng trên Cờ giải phóng. Ảnh: tư liệu

Năm 1965, Hội đã tổ chức xét và trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888); 54 tác phẩm đã được vinh danh, tên gọi mỗi tác phẩm hầu như đều đánh dấu ký ức của người Việt về cuộc kháng chiến này, như: Từ tuyến đầu tổ quốc (tập thư, nhiều tác giả thường dân), Sống như Anh (Phan Thị Quyên kể, Trần Đình Vân ghi), Những ngày gian khổ (tập bút ký, nhiều tác giả), Cửu Long cuộn sóng (bút ký, Trần Hiếu Minh), Người mẹ cầm súng (ký, Nguyễn Thi), Rừng Xà-nu (truyện ký, Nguyễn Trung Thành), Hòn Đất (truyện, Anh Đức), Bài ca chim Chơ-rao (trường ca, Thu Bồn), Quê hương (tập thơ, Giang Nam), Những đồng chí trung kiên (tập thơ, Thanh Hải), Đâu có giặc là ta cứ đi (tập kịch, Nguyễn Vũ), v.v.

Sau ngày thống nhất (30/4/1975), cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng trở về hoạt động tại thành phố; trụ sở Hội đặt tại thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ vừa đổi tên). Cơ quan ngôn luận của Hội, tờ Văn nghệ giải phóng, từng xuất bản gần 100 số tại chiến khu, đã bắt đầu xuất bản tại Tp. Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5/1975, đánh số từ số 49 (ngày 28/5/1975). Tòa soạn ban đầu đặt tại 190 Công Lý; sang tháng 7/1976 chuyển tới số 117 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1977, hội nghị liên tịch Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và Ban Chấp hành Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định chính thức hợp nhất hai hội, lấy tên chung là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Cũng từ đầu năm 1977, Tuần báo Văn nghệ và Tuần báo Văn nghệ giải phóng hợp nhất thành Tuần báo Văn nghệ của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trên đây là nhắc lại vắn tắt lịch sử thực tế của một tổ chức văn học nghệ thuật chính thức ở nước ta. Lẽ ra lịch sử ấy phải được mô tả đầy đủ trong các công trình văn hóa sử, nghệ thuật sử.

Tiếc rằng đã thấy có những quên lãng và sai lẫn đáng tiếc.

Xin nêu một trường hợp.

Cuốn sách 65 năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, 1948-20131 do Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam tổ chức biên soạn (Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2013), có phần lược sử 65 năm phát triển của mình, từ Hội văn nghệ Việt Nam (1948-1957) đến Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1957-1995), đến Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam (từ 1995), và các phần lược sử 9 hội chuyên ngành thành viên (kiến trúc sư, mỹ thuật, nhà văn, nghệ sĩ sân khấu, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, nghệ sĩ múa, VHNT các dân tộc thiểu số), cùng lược sử 63 hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Điều rất đáng ngạc nhiên là, trong phần lược sử từ Hội Văn nghệ Việt Nam (1948) đến Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam (từ 1995), hoàn toàn không có mục nhỏ nào đề cập lịch sử Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam (1961-1977)! Vì sao hầu hết các chặng phát triển của hội đoàn văn nghệ sĩ do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, đều được các soạn giả cuốn sơ sử này ghi nhận, nhưng chính các soạn giả ấy lại không hề viết về sự ra đời và hoạt động của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam?

Những soạn giả cuốn sơ sử này còn mắc một sai lầm nghiêm trọng khi đã ghi nhận sai lầm thời điểm hợp nhất Hội Văn nghệ giải phóng và hội Liên hiệp VHNT Việt Nam.

Ở mục IV. “Bắc Nam một nước, văn nghệ một nhà, tiến hành đổi mới, xây dựng nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” có đoạn viết như sau:

“Đại thắng mùa xuân 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đất nước thống nhất một dải […..]. Về văn học nghệ thuật, lực lượng văn nghệ cả nước hợp lại từ ba nguồn: văn nghệ sĩ miền Bắc, văn nghệ sĩ giải phóng, văn nghệ sĩ trong các đô thị tạm chiếm, thành một đội ngũ đông đảo. Để thống nhất lực lượng, đáp ứng sự phát triển mới của phong trào văn nghệ Việt Nam, Hội nghị đại biểu các hội văn học nghệ thuật toàn quốc đã được tổ chức vào các ngày 26, 27/4/1984 tại Hà Nội. Hội nghị đã thống nhất các tổ chức văn nghệ hai miền cùng một mái nhà chung là Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Cũng trong hội nghị này, Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam được đổi thành Ủy ban trung ương Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ tịch là nhà thơ Huy Cận, các phó chủ tịch là họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Nguyễn Đình Thi”2 

Đoạn viết trên có những sai lầm và nhầm lẫn rất cần đính chính.

Thứ nhất, các soạn giả sách đã ghi nhận sai ngày hợp nhất Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam vào Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam.

Người ta biết, ngay sau ngày Bắc Nam thống nhất 30/4/1975, trên cả hai miền đã có cuộc tổng tuyển cử toàn quốc (25/4/1976) tuyên bố thống nhất hai miền, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất với Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc thống nhất về mặt nhà nước cũng yêu cầu thống nhất các tổ chức đoàn thể, kể cả đoàn thể văn nghệ.

Sau các lần họp trù bị, ngày 18/1/1977 tại Hà Nội, Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, gồm chủ tịch Đặng Thai Mai, các phó chủ tịch Nguyễn Đình Thi (kiêm tổng thư ký), Thế Lữ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Xuân Khoát, các phó tổng thư ký: Bảo Định Giang, Huỳnh Văn Thuận, Nông Quốc Chấn, Đỗ Nhuận; đã họp với Ban lãnh đạo Hội Văn nghệ giải phóng, gồm chủ tịch Lưu Hữu Phước, tổng thư ký Lý Văn Sâm, các phó tổng thư ký Giang Nam, Bùi Kinh Lăng, các ủy viên thường vụ Nguyên Ngọc, Thanh Hải; cùng các ủy viên chấp hành của 2 hội. Tham dự hội nghị còn có các phó trưởng ban tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Độ, Hà Huy Giáp, các thứ trưởng bộ văn hóa Hà Xuân Trường, Cù Huy Cận, Viện trưởng viện văn học Hoàng Trung Thông. Hội nghị đã quyết định chính thức hợp nhất hai hội, lấy tên chung là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, do Đặng Thai Mai làm Chủ tịch. 

Thông tin quan trọng này đã được Thông tấn xã Việt Nam loan báo trong bản tin ngày 19/01/1977; được đưa lại trên tuần báo Văn nghệ tại Hà Nội (s.4, ngày 22/1/1977, tr.2: “Tin Văn nghệ: Hội nghị hợp nhất Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội văn nghệ giải phóng”), trên tuần báo Văn nghệ giải phóng tại Tp. Hồ Chí Minh. (s. 134, ngày 22/1/1977, tr. 14: Tin VNTTX 19/1/1977: Một sự kiện quan trọng, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của chúng ta: Thống nhất tổ chức văn học nghệ thuật trong cả nước”) và trên nhiều tờ báo khác.

Rất đáng ngạc nhiên là nhóm soạn giả sách 65 năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, 1948-2013 đã không tham khảo nguồn tin chính thức và trực tiếp này! Hậu quả là họ đã ghi nhận sai ngày hợp nhất hai hội là 27/4/1984, chậm 7 năm so với sự thực lịch sử!

Quả là một lỗi không hề nhẹ về ghi nhận sử liệu!

Thứ hai, luôn thể nói thêm về cuộc họp các ngày 26 và 27/4/1984 mà các soạn giả sách trên nói tới, -- đó thực sự là sự kiện gì?

 Đó là hội nghị đại biểu các hội VHNT trong cả nước, do Hội liên hiệp VHNT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, 150 đại biểu thuộc 7 hội chuyên ngành ở trung ương (hội nhà văn, hội NS sân khấu, hội NS tạo hình, hội nhạc sĩ, hội điện ảnh, hội kiến trúc sư, hội NS nhiếp ảnh) và đại diện của 35 hội VHNT của 35 tỉnh, thành phố tham dự. Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam Đặng Thai Mai đọc lời khai mạc, nêu bước phát triển của mặt trận văn nghệ 40 năm qua, từ “Hội văn hóa Cứu quốc Việt Nam” (1943), “Hội văn nghệ Việt Nam” (1948), “Hội liên hiệp VHNT Việt Nam” (1957) với các hội chuyên ngành; cùng với các tổ chức đó là những thành tựu văn nghệ cách mạng đã được nghị quyết các Đại hội Đảng IV, V ghi nhận. Từ sau 1975 đến lúc này, hàng loạt hội văn học nghệ thuật ở các địa phương được thành lập, 7 hội chuyên ngành ở trung ương được củng cố, đủ sức đảm nhiệm công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo các hoạt động chuyên ngành, vì vậy, hội Liên hiệp VHNT Việt Nam cũng cần có thay đổi, bổ sung về vị trí, chức năng, quy mô và phương thức hoạt động.

Hội liên hiệp VHNT cần thay đổi thế nào khi các hội chuyên ngành ở trung ương đã đủ sức đảm nhiệm công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo các hoạt động chuyên ngành? Có ý kiến cho rằng Liên hiệp hội có thể ngừng hoạt động, song nhiều ý kiến muốn Liên hiệp tiếp tục nhưng cần thu hẹp phạm vi hoạt động, ví dụ chú trọng nghiên cứu đề xuất với nhà nước về chính sách đối với văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ cao tuổi.

Hội nghị nhất trí cử ra “Ủy ban trung ương Liên hiệp văn học và nghệ thuật Việt Nam” với 69 ủy viên, đại diện đầy đủ cho các chuyên ngành, các hội VHNT các tỉnh, thành phố và một số văn nghệ sĩ tiêu biểu, và Đoàn chủ tịch gồm 12 người, gồm: chủ tịch: Cù Huy Cận, phó chủ tịch: Nguyễn Đình Thi, Trần Văn Cẩn, Lưu Hữu Phước, ủy viên: Tô Hoài, Bảo Định Giang, Lý Thái Bảo, Huy Du, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Trực Luyện, Hoàng Tư Trai, Dương Viên.3

Nói gọn lại, theo cách của các nhà báo thì hội nghị này đã đổi tên “ban chấp hành” hội liên hiệp VHNT Việt Nam thành “ủy ban trung ương” liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; đồng thời chấp thuận đề nghị của học giả Đặng Thai Mai được thôi chức chủ tịch hội (sau 27 năm, từ 1957); từ đây (1984) người giữ chức vụ này là nhà thơ Huy Cận. 9 năm sau, từ 1995, chủ tịch Liên hiệp hội là Nguyễn Đình Thi, và “ủy ban trung ương” liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đổi thành “ủy ban toàn quốc các hội VHNT Việt Nam”.

Trở lại câu chuyện chính của bài báo này. Ta thấy rõ, cái tên và lịch sử Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam hiện đã bị quên lãng và có khi bị thông tin sai lạc ở mức rất đáng lo ngại.

Mọi sự kiện, mọi thực thể lịch sử đều nên được lưu giữ trong ký ức cộng đồng, bởi chúng đều gắn với những trải nghiệm lịch sử của dân tộc.

Trong bộ Từ điển bách khoa Việt Nam (4 tập, Nxb. KHXH, 1995, 2002, 2003, 2005) không hề có các mục từ “Hội Văn nghệ giải phóng” (tuy có mục từ “Hội Văn hóa cứu quốc”, “Hội Văn nghệ Việt Nam”), “Nhà xuất bản Giải phóng” (tuy có các mục từ về các nhà xuất bản Sự thật, Khoa học xã hội, Thanh niên, Văn học, Văn hóa-thông tin, v.v.), báo “Văn nghệ giải phóng”!

Thiết nghĩ, đó là những tình trạng cần báo động. 

Lại Nguyên Ân

Nguồn Văn nghệ số 24/2023

_______

1. 65 năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, 1948-2013, Hội đồng biên tập: Thường trực: Hữu Thỉnh, Đỗ Kim Cuông, Tùng Điển; Ủy viên: Trần Khánh Chương, Vũ Quốc Khánh, Đỗ Hồng Quân, Lê Tiến Thọ, Nguyễn Tấn Vạn, Tô Ngọc Thanh, Đặng Xuân Hải, Chu Thúy Quỳnh, Nông Quốc Bình, Ca Lê Thuần; Ban biên tập: Trưởng ban: Tùng Điển, Ủy viên: Đỗ Kim Cuông, Tô Ngọc Thanh. Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2013.

2. Sách đã dẫn, tr. 37-38.

3. “Hội nghị đại biểu các hội văn học và nghệ thuật toàn quốc”, Văn nghệ, Hà Nội, s.20 (12/5/1984), tr.3,10.


Có thể bạn quan tâm