April 28, 2024, 10:47 pm

Đừng quay về cái đã lỗi thời

Công cuộc đổi mới sự nghiệp GD&ĐT đã được triển khai nghiêm túc, chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu giáo dục.

Đó là cơ sở cho chủ trương xã hội hóa, bắt đầu từ kinh tế rồi mở rộng sang các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao, lao động - thương binh - xã hội,... Thực tiễn đã chứng minh sự cần thiết, đúng đắn và hiệu quả của quan điểm đổi mới này. Nhờ đó, đất nước ta hiện nay đã có một diện mạo mới tốt đẹp. Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhờ xã hội hóa mà sự nghiệp giáo dục đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng.

Để tiếp tục thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” theo quan điểm của Đảng, Quốc hội đã có Nghị quyết về việc đổi mới CT và SGK GDPT, theo đó CT là văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, còn SGK được biên soạn theo phương châm xã hội hoá, có nhiều SGK cho mỗi môn học. Thực tiễn hơn 5 năm qua cho thấy, chủ trương đó đã có những hiệu quả bước đầu đáng khích lệ, thể hiện một hướng đi đúng đắn và chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.

Cần cân nhắc kỹ việc Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa

Đặt kết quả ấy trong bối cảnh phải thay đổi hoàn toàn trong tư duy của những người làm giáo dục truyền thống (theo kiểu bao cấp) và một cách làm mới chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo dục cách mạng nước ta, đặc biệt là việc biên soạn nhiều bộ SGK theo hướng xã hội hóa cả về nguồn nhân lực và kinh phí ở tất cả các khâu Biên soạn - Biên tập - Thẩm định - Giới thiệu sách - Bồi dưỡng giáo viên - In ấn - Phát hành mới thấy rằng kết quả trên thật quan trọng, có nhiều ý nghĩa trên nhiều mặt.

Công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã được triển khai nghiêm túc, CT, SGK đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu giáo dục, được nhà trường và xã hội đón nhận, Nhà nước không phải đầu tư ngân sách mà vẫn có được những bộ SGK đáp ứng yêu cầu dạy và học; đội ngũ những người làm SGK được tập hợp, phát huy và có thêm nhiều kinh nghiệm quý trong hoạt động nghiệp vụ.

Tất nhiên, biên soạn nhiều bộ SGK cho một CT là việc quan trọng, mới và khó nên ban đầu không thể tránh khỏi những lúng túng, hạn chế, thậm chí những khuyết điểm, thiếu sót.

Tuy vậy, không thể vì một số khó khăn và khuyết điểm đó mà phủ nhận tính đúng đắn của quan điểm Đổi mới, sự cần thiết và hiệu quả quan trọng của một chủ trương mang tính đột phá cho sự phát triển giáo dục trên nhiều lĩnh vực mà quay về cơ chế độc quyền lỗi thời. Một số người đang lấy Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT làm căn cứ để yêu cầu Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) tổ chức biên soạn một bộ SGK “chuẩn”.

Xã hội hoá sách giáo khoa phù hợp với xu thế hiện nay

Đúng là Nghị quyết 88 có quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học […] Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở CT GDPT. Để chủ động triển khai CT GDPT mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Nhưng có thể thấy Nghị quyết không quy định bộ SGK mà Bộ GDĐT tổ chức biên soạn là “chuẩn”. Yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK là việc cần thiết lúc bấy giờ để dự phòng khả năng các lực lượng xã hội không tham gia hoặc không đủ năng lực để biên soạn một bộ SGK bảo đảm chất lượng theo CT GDPT.

Đến nay, vào năm học cuối cùng để có các bộ SGK mới từ lớp 1 đến lớp 12, nhìn lại quá trình thực hiện CT mới và thay SGK theo phương thức mới, về cơ bản và nhìn tổng thể có thể nói rằng SGK theo hướng XHH đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện CT GDPT mới. Dự báo có khó khăn trong việc xã hội hoá biên soạn SGK đã không xảy ra.

Cùng với NXB GDVN, các lực lượng xã hội khác (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty VEPIC,...) đã khẳng định vai trò và năng lực của mình trong việc bảo đảm chất lượng và số lượng SGK các lớp, các cấp học theo yêu cầu của sự nghiệp giáo dục nước nhà thờì gian qua, hiện tai cũng như trong tương lai.

Do đó, đến thời điểm này và trong tình hình thực tiễn, việc yêu cầu Bộ GD&ĐT cũng phải xây dựng một bộ SGK là hoàn toàn không cần thiết và không còn phù hợp.

Giáo viên được chủ động chọn sách giáo khoa trong chương trình mới

Quốc hội khoá XIV cũng đã ra Nghị quyết số 122/2020, trong đó quy định: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.

Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì phải đổi mới căn bản tư duy, không nên quay về với cách nghĩ, cách làm đã lỗi thời!

Trong tình hình mới với những kết quả quan trọng và có nhiều ý nghĩa như vậy, việc đặt lại vấn đề Bộ GDĐT cần có bộ SGK có thể gây ra những hệ quả tai hại không cần thiết. Trước hết, có thể tạo ra tâm lý quay về cơ chế cũ khi Bộ có thể dùng vai trò quản lý nhà nước để chi phối việc xây dựng và phát hành bộ SGK của Bộ, tạo sự thiếu công công bằng đối với các bộ SGK không phải của Bộ. Mặt khác, để có một bộ SGK (hay nhiều bộ SGK), Bộ phải hình thành một tổ chức, một bộ máy, một lực lượng nhân sự,... ít nhất là để tổ chức công việc.

Đây là điều không nên làm khi đang thực hiện chủ trương giảm đầu mối, tinh giản bộ máy, rút gọn biên chế. Nếu không có bộ máy, nhân sự riêng mà giao cho doanh nghiệp trực thuộc là NXB GD thực hiện thì sẽ tạo ra sự thiếu công bằng giữa NXB này với các đơn vị khác cũng làm SGK, trong đó có nhiều đơn vị cũng là thành viên của đơn vị trực thuộc Bộ.  

Cũng có người nêu giải pháp Bộ mua lại bản quyền của một số quyển SGK “có chất lượng nhất” từ các bộ SGK hiện có, để tập hợp thành bộ SGK của Bộ. Phương án này chắc chắn sẽ tạo nên một bộ SGK “đầu Ngô mình Sở”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đó là chưa kể Nhà nước lại phải bỏ ra một khoản kinh phí trên dưới 400 tỉ đồng để mua lại những sản phẩm đã có sẵn nhờ nguồn lực xã hội.

Vì vậy, trong tình hình mới, việc giao cho Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK mang “thương hiệu” Bộ vừa không cần thiết, vừa gây nhiều phiền toái, tốn kém. Nhưng điều tệ hại nhất là việc làm này sẽ dẫn đến cản trở, thậm chí xoá bỏ chủ trương xã hội hoá. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì phải đổi mới căn bản tư duy, không nên quay về với cách nghĩ, cách làm đã lỗi thời

Nguyễn Hoàng Long

(Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Đà Nẵng)

Theo https://www.nguoiduatin.vn/


Có thể bạn quan tâm