April 28, 2024, 11:47 am

Đừng nhìn em như thế - Một bức tranh “Trì biệt” duyên tình muôn thuở...

Hôm qua vào trang “Văn chương thành phố Hồ Chí Minh”, tình cờ tôi thấy tin Lê Thị Kim được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải “Nữ nhà văn ấn tượng nhất năm 2023” của thành phố mang tên Bác. Thực tình, tôi vốn không thích thứ bậc nhất nhì... cụ thể của các loại giải thưởng... nhưng lại rất thú vị với cái danh xưng “ấn tượng”... đầy khiêu khích trí tò mò kia. Nên lần hồi tìm kiếm, mới hay, Lê Thị Kim đích thực là Nhà thơ, Họa sỹ, lại còn là một Doanh nhân thành đạt nữa.

 

Nhà thơ Lê Thị Kim (trái) đoạt giải Nữ nhà văn ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh Việt Thắng

 

Phải mất mấy giờ lướt Web... tôi mới biết từ lâu Lê Thị Kim đã nổi tiếng trên “thương trường Thi – Họa”...  Tôi chăm chú đọc được khá nhiều lời giới thiệu, bài bình luận và cả ca khúc phổ nhạc bài thơ “Đừng nhìn em như thế”, (có đến bốn nhạc sỹ phổ nhạc bài thơ này). Rồi tôi biết, chẳng phải mới đây, mà thi phẩm “Đừng nhìn em như thế” đã có mặt trên thi đàn, từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng đến nay nó vẫn dành được mến mộ của công chúng yêu Thơ, yêu Nhạc. Thế thì phải vào Thi Việt đọc bài thơ thôi!...

Và đây là bài thơ: Đừng nhìn em như thế

Đừng nhìn em như thế
Cháy lòng em còn gì
Sự nồng nàn của bể
Cuốn mất hồn em đi

Đừng nhìn em như thế
Khắc giờ thành thiên thu
Mắc nợ đời dâu bể
Mắc nợ đời thơ si

Em đành làm chim nhỏ
Đứng hót chơi trong chiều
Thả đôi lời hoa cỏ
Cho đời bớt tịch liêu

Bởi tình yêu có thật
Vĩnh cửu trong cuộc đời
Bởi ghen tuông có thật
Xuống mồ biết có thôi

Đừng nhìn em như thế
Sự dịu dàng nhường kia
Sẽ làm em chết ngạt
Hết một đời thơ si.

Tôi đã đọc “Đừng nhìn em như thế” trong xúc cảm ngập tràn... Và,... rồi tôi bỗng thấy những gì đã được bình phẩm về bài thơ, mà tôi đã đọc được trên Web, khác hẳn với cảm thức của mình. Dưới đây, tôi muốn góp thêm cái thức cảm khác ấy, về bài thơ của “Nhà văn ấn tượng nhất...” Lê Thị Kim dưới tiêu đề: “Đừng nhìn em như thế - Một bức tranh “Trì biệt” duyên tình muôn thuở...” . Nhưng Trì biệt  là gì? Trước tiên, ở đây tôi muốn bạn hãy đem từ khóa kia hỏi Google, sẽ biết khái niệm Trì biệt, do Jacques Derrida đề xuất, được hình thành từ sự kết hợp giữa từ difference (nghĩa là sự khác) và deferral (nghĩa là sự trì hoãn) [chữ tiếng Pháp]. Đó là một trong những khái niệm cốt lõi thuộc hệ thống triết học nổi tiếng thế giới hiện đại của triết gia Jacques Derrida ...

Và, theo GS.TS Lê Huy Bắc thì, xin trích: Trì biệt “nghĩa” trong “chữ” của Derrida đến từ cấu trúc nội tại của nó trong mối tương tác từ vựng của chữ viết trước và sau nó, của những cấu trúc diễn ngôn lộ rõ hay ngầm ẩn, mà nó được đặt vào. Ngoài ra, trì biệt còn là sản phẩm của những tương tác văn hoá. Vấn đề này khá phức tạp, bởi chí ít là có ba lớp văn hoá (hay mã) được lưu giữ trong chữ: ấy là văn hoá của chính chữ đó, văn hoá của người sáng tạo và văn hoá của người tiếp nhận. Vậy nên, chữ là nơi giao nhau của nhiều lớp văn hoá để định hình nghĩa. Trong nhiều trường hợp, chữ được khai sinh cũng nhờ sự trì biệt này”(1).

Vâng, với tôi, “Đừng nhìn em như thế”“một bức tranh “Trì biệt” duyên tình muôn thuở...” mà nhà thơ Lê Thị Kim đã khắc họa bằng ngôn ngữ Thơ. Bức tranh ngôn ngữ Thơ ấy đã được tôi cảm nhận với những sắc màu... là như thế này đây:  Thoạt đầu, “Đừng nhìn em như thế” hiện ra trước mắt tôi là hình ảnh một người con gái đang độ xuân thì, ngồi đó, một mình, trong tâm trạng còn chưa hết bàng hoàng... khi vừa bỗng tiếp nhận được cái ánh nhìn “sét đánh” của chàng trai đang yêu... trong cái khoảng khắc gặp gỡ duyên tình “đường xa nghĩ nỗi sau này...” biết có còn gặp lại, như cái nhìn như thế... nữa không? Bởi người thì đã đi... nhưng ánh nhìn kia thì vẫn ghi tạc trong tâm thức em, thiêu đốt lòng em, khiến em miên man, em hoang mang, em tự bủa lưới vây mình trong muôn vàn câu hỏi... không lời đáp...

Tôi thấy, “Đừng nhìn em như thế”, đúng là tâm thức của em ở chính cái khoảnh khắc tiếp nhận ánh nhìn kia rồi; nhưng chưa phải đã là lời em thốt ra, mà chỉ là tiếng lòng em vẫn còn giấu kín. “Đừng nhìn em như thế” không phải là lời trách cứ, van xin, mà chỉ là trạng huống hoảng hốt của em trước một điều đang đợi chờ chẳng ngờ đã đến. Để rồi “Đừng nhìn em như thế” trổi dậy biết bao hy vọng, nhập nhòa ánh lửa tình ước nguyện chung đôi. Và, chen lẫn nỗi niềm duyên lành đang đến, là cả dự cảm niềm yêu có phải sự tình biết đâu rồi có thể sẽ chia xa?...

Bạn thấy sao? Có phải thế không ư? Phải đấy! Bạn hãy đọc “Đừng nhìn em như thế” với tư cách là một câu trong ngữ cảnh của cả văn bản bài Thơ. Cũng chớ cảm nhận “Đừng nhìn em như thế” như một lời nói –  kể cả khi nó là những tiếng câm –  đứng ngoài văn bản. Bạn hãy nhìn để thấy đó là những chữ viết ra để định hình một kết cấu ngôn từ. Chỉ khi đọc với một cảm quan như thế, bạn sẽ thấy sức trì biệt vô tận ngữ nghĩa của cái ánh nhìn yêu đương, như một phúc hạnh tạo hóa đã ban tặng cho con người; sẽ thấy trong chữ có lời, mà không phải chữ chỉ là ký tự của lời như xưa nay người ta vẫn tưởng thế!

Tôi bắt đầu từ chữ “thế” ở cuối câu cảm thán, trong kết cấu nơi đầu đề bài thơ, mà trên kia tôi nhận thấy đó như là tông màu chủ, tạo ra bức tranh với sức trì biệt ngữ nghĩa diệu kỳ của thi phẩm này... Mách bạn ngay, là hãy tìm xem: Từ điển Tiếng Việt 1998, trang 901, mục từ {THẾ}, để xem, khi được dùng ở cuối câu, chữ “thế”  “trợ từ” đã “biểu thị ý ngạc nhiên khi nhận thức ra mức độ cao của một (...) tác động trực tiếp đến mình, hoặc của một trạng thái tình cảm của (chính) bản thân mình”.

Bởi thế, ngay từ đầu, tôi đã nói, “Đừng nhìn em như thế” là cái nhìn “sét đánh” từ phía đối tác, bỗng ánh lên trong chỉ một khoảnh khắc; nhưng thực thì ngọn lửa chung tình kia đã âm ỉ từ lâu, để giờ mới đến, như một định mệnh, của phút cơ duyên định quyết này. Chưa hết, chữ “thế”  “trợ từ” đứng cuối câu cảm thán, kết hợp với “như”, một “kết từ”, đã chỉ ra mức độ rất cao của quan hệ tương đồng. Và, khi cùng nhau tạo nên kết cấu “như thế”, nó cho ta thức nhận rằng, ánh nhìn với cường lực “tia chớp” ấy, quyết không thể là một ngẫu hứng, hay vô duyên bất chợt.

Hai chữ “như thế”, đến lượt nó lại tạo thêm sức trì biệt ánh nhìn, để nói với ta rằng ngọn lửa tình anh –  em đã nhóm từ lâu. Ánh nhìn “như thế”, sở dĩ xuất hiện, chính bởi nó vừa bị một tác nhân nào đó kích hoạt, nhưng ánh nhìn rõ ràng là một nhân tố được sinh ra từ độ chín của cả một quá trình. “Như thế”..., vậy là đã thông điệp sức mong đợi đã đến từ mong đợi; là ánh nhìn phát ra từ chờ đợi, đã được tiếp nhận bằng tất cả đợi chờ. Cái nhìn, với ánh nhìn “tia chớp” đã “kích hoạt” miền ý thức yêu đương, như mây đã tích tụ, như sấm chớp sẽ nổ ra, như là... một tất nhiên phải đến!...

Giờ đến “nhìn” – “động từ” chính của câu thơ đầu đề, được buộc phải đứng sau “phụ từ” “đừng” làm nên kết cấu “đừng nhìn”, khiến ánh lửa tình trì biệt cháy suốt thi phẩm. Bởi “đừng nhìn” nổi lên đối tượng là “em”, nhưng cái đích của sự nhìn, chìm dưới ánh nhìn, lại là “như thế”, mà không phải là “em”. “Như thế” trong kết cấu câu thơ bỗng tạo sinh nghĩa mới, là ý niệm mà không phải là khái niệm, như một kết quả về đối tượng. Ý niệm đó là một cái vô cùng, tùy vào tâm trạng, hoặc tùy vào linh cảm mách bảo, mà thả sức định biệt, thế thôi. “Nhìn” mà, nhất lại là ánh nhìn chói sáng ngọn lửa tình, chứ không phải là cái nhìn của một sự quan sát thị giác để nhận biết đối tượng... là như thế đấy!...  

Và bạn thấy đấy, ánh nhìn cứ thế rực lên sức sáng lớp lớp xung động sóng trào! 

Lớp sóng xung động “Như thế” đầu tiên là sức cháy có thể thiêu đốt “lòng em”, đẩy đến bước sóng tiếp theo là “Sự nồng nàn...”, nhưng là “nồng nàn của bể” lớn, trì biệt nhịp điệu và cường độ, trào lên rồi dội xuống... tưởng có thể “Cuốn mất hồn em”

Ánh nhìn tạo lớp sóng sáng “như thế” thứ hai, tưởng chỉ “khắc giờ”, nhưng là “thiên thu”, nhưng là “dâu bể”, “thơ si” thiên di muôn mãi một tình yêu, như “nợ đời” nhận – chia của kiếp sống con người, trong tình yêu thương bất diệt...

Rồi vô thường trở lại, con “chim nhỏ” lơ đãng “hót chơi”, buông vào chiều những lời “hoa cỏ”. Bởi có thật, là tình yêu vẫn “như thế”  tồn sinh, ngọt bùi, cay đắng, trách cứ, hờn ghen... Tình ta đó anh, sẽ trải hết, thấu hết, biết hết... “Bởi tình yêu có thật/ Vĩnh cửu trong cuộc đời/ Bởi ghen tuông có thật/ xuống mồ biết có thôi”. Là không thôi được đâu anh! Bởi tình yêu là trải nghiệm những cung bậc xuân thì, khởi thủy – chung cuộc... hạnh phúc nào ai biết trước...

“Đừng nhìn em như thế” rốt rồi cũng đã trở lại – một trì biệt ngữ nghĩa sau cuối:

Đừng nhìn em như thế
Sự dịu dàng nhường kia
Sẽ làm em chết ngạt
Hết một đời thơ si.
  

Và tôi biết, tôi tin Sự dịu dàng nhường kia”, sẽ đưa cuộc tình “tia chớp” đi Hết một đời thơ si ...

“Đừng nhìn em như thế” là câu chuyện về cái khoảnh khắc ánh nhìn bừng sáng một tình yêu đẹp! Nhịp điệu đồng dao xưa thật đắc dụng dưới bàn tay khắc họa tài hoa của thi sỹ – họa sỹ Lê Thị Kim. Tôi không ngạc nhiên khi đã có đến bốn nhạc sỹ lấy bài thơ của bà làm lời cho nhạc khúc tình ca của mình. Để gần nửa thế kỷ qua, cả thơ và nhạc vẫn giữ được tình yêu của công chúng. Lê Thị Kim thật xứng danh nữ “Nhà văn ấn tượng” của Thành phố Hồ Chí Minh, vừa được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh...

Lê Xuân Lâm

_________

1. (Nguồn: https://daihoctantrao.edu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/jacques-derrida-va-tri-biet-ngon-tu-966.html).


Có thể bạn quan tâm