April 29, 2024, 5:00 am

Đừng để sức mạnh mềm của dân tộc bị thui chột!

Gần đây người ta hay nói đến sức mạnh mềm của dân tộc: tức là sức mạnh văn hoá, nhiều dân tộc bị chinh phục bởi sức mạnh mềm của các dân tộc khác! Những năm gần đây, sức mạnh mềm của dân tộc có phần bị lấn át bởi văn hoá phương Tây.

Các bạn trẻ (và một phần tầng lớp trung niên), nhớ vanh vách ngày lễ tình nhân, ngày của cha, ngày của mẹ, ngày lễ tạ ơn và đặc biệt là ngày lễ Nô-en. Gần đến ngày Nô-en không chỉ trong dư luận xã hội mà trên cả các phương tiện truyền thông, báo chí… cũng được tuyên truyền rôm rả, đậm đà, có khi còn hơn cả ngày Tết ta của dân tộc, tức là ngày Tết nguyên đán. Trong khi đó những ngày lễ tết của dân tộc như ngày Phật đản (mấy năm gần đây dồn vào ngày Rằm tháng Tư Âm lịch kỷ niệm một thể!), rằm tháng Bảy (cúng cô hồn), rằm tháng Tám (Tết Trung thu của thiếu nhi) ngày lễ tịch điền, ngày lễ cầu ngư, ngày cúng cơm mới… rất ít người biết (biết một cách rạch ròi lại càng ít). Không biết tự bao giờ Tết Trung thu của các em đã bị tước đoạt và trở thành ngày cấp dưới đi biếu xén cấp trên với những cặp bánh có khi lên tới hàng triệu - hàng chục triệu đồng. Trước đây ông cha ta coi tết trông trăng của các em trang trọng chỉ kém Tết Nguyên đán (Tết ta). Ông cha ta chọn những ngày thời tiết thật đẹp làm tết của trẻ em. Trung thu (tức giữa thu), trời không còn nóng nữa, nhưng cũng chưa lạnh, để tổ chức cho các em trông trăng và phá cỗ. Rằm tháng Bảy Âm lịch, ngoài việc vu lan báo hiếu theo tích của ông Mục Kiều Liên trong giáo lý nhà Phật, ông cha ta (đặc biệt là các tỉnh phía Bắc) còn coi tháng Bảy là tháng cô hồn. Người ta cho rằng báo hiếu bố mẹ là việc làm cả năm, cả đời chứ không riêng gì rằm tháng Bảy. Do vậy ông cha ta đã dành rằm tháng Bảy Âm lịch để cúng cô hồn_một việc làm rất nhân ái, tức là những người chết đường chết chợ, những người không có người cúng giỗ (có lẽ bởi sự tích này, nên đại thi hào Nguyễn Du đã viết Văn tế thập loại chúng sinh?). Vì là cúng “cô hồn” nên “lễ vật” cũng thật là giản dị: cháo lá đa, bỏng ngô, khoai luộc… Trẻ con được mời “hưởng” cỗ, vì người ta cho rằng những linh hồn khốn khổ kia đã nhập vào con trẻ (có lẽ cũng vì thế mà cỗ cúng cũng thật là giản dị và toàn là những thứ trẻ con, đặc biệt là con nhà nghèo ưa thích). Bây giờ cỗ cúng cô hồn ít được nhắc tới (ngay cả trên các phương tiện thông tin đại chúng), trong khi theo chúng tôi đây là nét đẹp nhất, thể hiện triết lý và tấm lòng nhân ái của dân tộc. Bây giờ người ta chỉ nhắc tới lễ Vu lan, báo hiếu và “bông hồng cài áo”. Cần phải nói ngay rằng đây là “kết quả” của một buổi thuyết giáo của một nhà sư nổi tiếng, nhưng ông ta không biết rằng mình đã nhiễm tư tưởng của phương Tây mà không tự biết. Bởi “bông hồng cài áo” là niềm vui của những người con còn mẹ! Tiện đây cũng xin kể một chuyện vui (nhưng có thật) mà tôi được chứng kiến cách đây gần bảy chục năm. Khi đó ông cha ta chưa có khái niệm gì về ngày của cha, ngày của mẹ (mới được các bạn trẻ du nhập vào nước ta những năm gần đây). Lúc đó gia đình tôi đang sơ tán (ngày đó người ta gọi là tản cư) ở làng cổ Bách Cốc (thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định) ở đây người ta có tục: các ông bố đã mất, ngoài ngày giỗ còn được cúng một lần nữa (sau ngày cúng ông Công ông Táo) với lễ vật là bánh trái, hoa quả, do các cô gái đã đi lấy chồng mang về cúng bố. Lý do được các ông, các bà già ở đây giải thích rất tự nhiên là các bà mẹ thường xuyên đi chợ và thế nào cũng ăn quà không ít thì nhiều là bánh trái hoa quả… Trong khi đó các ông bố không bao giờ đi chợ đã thế khi mẹ có mua về đồng quà tấm bánh… thì các ông bố cũng nhường cho con. Do vậy khi sống các ông bố đã bị “thiệt”, vì thế phải “bù” cho các ông một ngày ngoài ngày giỗ và cỗ cúng là bánh trái, hoa quả… những thứ mà khi còn sống các ông không được hưởng. Tất nhiên đây là một quan niệm đơn giản của ông cha ta xưa kia về sự “công bằng” giữa cha và mẹ, nhưng cũng thể hiện tư tưởng: kính trọng bố và mẹ như nhau của ông cha ta.

Bây giờ chúng ta quá coi trọng ngày sinh nhật trong khi ông cha ta coi trọng ngày giỗ (ngày kỵ). Ông cha ta cho rằng con người  ta sinh ra đã là một tuổi vì có 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, trong khi phương Tây coi là không tuổi (Bây giờ không ai bảo ai, nhưng tất cả các cáo phó đều tự động thêm 1 tuổi vào_mà thế mới là đúng). Ngày xưa ông cha ta cũng coi trọng sinh nhật nhưng chỉ trong các trường hợp thôi nôi (tròn 1 tuổi), 1 hoa giáp (60 tuổi, bắt đầu lễ mừng thọ) và ở các tuổi: 70, 80, 90… Rất nhiều người lớn tuổi không nhớ cụ thể ngày sinh tháng đẻ của bố mẹ mình, nhưng nhớ rất rõ ngày các cụ từ biệt thế giới này: tức là ngày giỗ. Ngày giỗ thường được con cháu tổ chức rất trọng thể (không biết có linh hồn hay không, nhưng từ hàng nghìn năm nay ông cha ta vẫn tổ chức trang trọng như thế). Ngày giỗ không chỉ để tưởng nhớ công lao của tổ tiên, cũng là ngày con cháu sum họp, gắn kết tình nghĩa anh em, cháu con lại vì có khi vì hoàn cảnh sống đã ít nhiều bị xa cách.

Về tôn giáo cũng vậy. Trước đây vì quan niệm ấu trĩ chúng ta không thật sự tôn trọng tôn giáo, nhiều nơi đã phá bỏ các đình chùa, miếu mạo. Trong khi đó trước khi các tôn giáo nước ngoài du nhập vào Việt Nam, chúng ta chỉ có một tôn giáo phổ biến rất rộng là Phật giáo, với quan niệm tất cả chúng ta đều là con em nhà Phật, không nhất thiết phải đi tu ở chùa, nên có thể tu tại gia. Một anh bạn tôi nhiều lần đi nước ngoài, các bạn hay hỏi anh đều trả lời: tôn giáo không. Bây giờ anh mới hiểu các bạn ngại là rất đúng vì nước ngoài người ta rất sợ những người không có đạo (bọn vô đạo!). Ngày nay quan niệm của chúng ta thông thoáng hơn: con người phải có tôn giáo, vì đó là đời sống tâm linh. Nhưng hiện nay do không hiểu biết, người ta lại phục hồi cả những điều không đúng với giáo lý của các tôn giáo. Mà điển hình nhất là đua nhau làm những ngôi chùa to nhất Đông Nam Á, nhiều tượng nhất Đông Nam Á, tượng to nhất Đông Nam Á… mà không biết rằng đạo Phật bắt nguồn từ đời sống cần lao của nhân dân, là liều thuốc phù hợp với đời sống tâm linh của nhân dân. Bây giờ nhiều người đi lễ chùa với tâm lý “trần sao âm vậy”, lễ vật to nhất là lễ được thần phật chứng giám, trong khi đó người xưa trọng lòng thành. Thuở chúng tôi còn trẻ, vào các nhà chùa không bao giờ thấy nhiều bàn công đức như bây giờ nhưng các thiện nam tín nữ vẫn có cách để nhà chùa không bao giờ thiếu lễ vật và hương khói.

Viết những dòng này chúng tôi không nhằm phê phán ai và cũng không nhằm khuyến khích phải trở về lối sống ngày xưa. Chúng tôi chỉ muốn mọi người tôn trọng những điều đã trở thành truyền thống văn hoá của dân tộc. Đừng vì không hiểu biết mà vô tình tiếp tay cho văn hoá ngoại lai du nhập vào đất nước. Mỗi người đều có căn cước văn hoá của mình_dù muốn hay không muốn. Do vậy nếu chối bỏ nếp sống văn hoá của cha ông, tức là bạn đã nhiễm văn hoá lai căng mà không tự biết. Đừng để sức mạnh mềm của dân tộc ngày càng bị thui chột.

Nhà văn Trần Bảo Hưng

Nguồn Văn nghệ số 34/2023


Có thể bạn quan tâm