May 2, 2024, 10:15 pm

Đức Phật thầy Tây An và giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương ở Nam Bộ

Vùng châu thổ sông Cửu Long sáp nhập vào lãnh thổ nước ta tương đối muộn so với tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây là vùng đất mới được khai phá vỏn vẹn hơn 300 năm trở lại đây.

Chủ thể là cộng đồng người Việt từ vùng Ngũ Quảng di cư vào, người Hoa phản Thanh phục Minh từ phía Bắc sang, người Chăm từ đất Champa cũ ở miền Trung, và người Khmer là giống dân đã định cư lâu đời tại đây, cũng có thể coi là dân bản xứ. Chính vì lẽ đó, miền Tây Nam Bộ hội đủ nhóm người quần cư tứ chiếng. 

Đầu thế kỉ XIX, người dân vùng này vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, rừng sâu nước độc, lại chịu nhiều chính sách hà khắc từ triều đình. Thêm bọn địa chủ, hào lí chiếm đoạt ruộng đất, quan lại tham nhũng, tô thuế, lao dịch nặng nề. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra triền miên. Đi kèm theo đó là mất mùa, đói kém làm cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực.

Chân dung Đức Phật Thầy Tây An được
lưu truyền trong dân gian.

Khi bí bách về mặt vật chất, nhu cầu tìm kiếm điểm tựa tinh thần của người dân càng nâng lên mức cấp thiết. Lúc này, đạo Phật miền Nam đương trong lúc suy vi, các bậc cao tăng ít ỏi không đủ sức hoằng hóa khắp hết các nơi. Đa phần là các nhà sư mượn việc cúng kiếng để duy trì đời sống. Đạo giáo chỉ là thể hiện ở khía cạnh phù thủy càng làm cho dân chúng thêm phần mê tín. Nho giáo ảnh hưởng ở miền Nam nhợt nhạt, những luân lý khô cứng hoàn toàn không có khả năng cứu vãn tình cảnh thống khổ của nhân dân. Thiên Chúa giáo thời điểm này cũng đã có mặt tại miền Nam, nhưng mắc phải lịnh cấm đạo cũng khó bề tự do hoạt động.

Dựa trên trào lưu tư tưởng “Tam giáo” cùng bộ môn phong thủy, một hình thái tôn giáo mới đã xuất hiện tại miền Nam. Từ giữa thế kỉ XIX, người ta thấy dân chúng nô nức quy tụ về Tòng Sơn, Trà Bư, Xẻo Môn, Long Kiến (các địa danh thuộc Đồng Tháp và An Giang ngày nay)… rồi đến Châu Đốc và sau này là vùng Thất Sơn, Láng Linh… để nương tựa dưới một hệ tư tưởng mới, hay nói cách khác là một tôn giáo mới mang tên “Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời năm Kỷ Dậu (1849) tại Cốc Ông Đạo Kiến mà sau này là Tây An Cổ Tự (Chợ Mới, An Giang), tôn giáo này lấy giáo lý Phật Đà làm nòng cốt, chủ trương thống nhất ba hệ tư tưởng Phật - Lão - Nho và tín ngưỡng dân gian Việt Nam để xây dựng nên một pháp môn mới gọi là “Học Phật - tu Nhân” và gọi những tín đồ là hạng “Tại gia cư sĩ”.

Bửu Sơn Kỳ Hương mang hàm nghĩa “núi báu tỏa mùi thơm lạ”, chỉ vùng núi thấp trong tỉnh An Giang mà sau này được vị giáo tổ của tôn phái ấy chọn 7 ngọn núi tiêu biểu trong gần 40 ngọn núi có mặt trong vùng để định danh là “Thất Sơn”, xem nơi đây là vùng Thánh địa và tiên tri rằng đây là nơi được chọn để Đức Phật Di Lặc mở “Đại Hội Long Hoa” trong thời kỳ “Thượng Nguơn thánh đức”.

Vị giáo tổ của Bửu Sơn Kỳ Hương chính là ông Đoàn Minh Huyên, sinh năm Đinh Mão (1807), quê quán tại làng Tòng Sơn (Lấp Vò, Đồng Tháp); tịch năm Bính Thìn (1856) tại Tây An Cổ Tự (Núi Sam, Châu Đốc). Người ta chỉ biết đến ông từ khi ông xuất hiện với những hành trạng dị thường và thực hiện công việc cứu chữa bịnh dịch cho nhân dân một cách tài tình từ năm Kỷ Dậu (1849). Đó cũng là năm ông dựng nên mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và bắt đầu được dân chúng tôn xưng là “Đức Phật Thầy” - một vị cứu tinh của những lớp người khắc khổ miền Nam lúc bấy giờ.

Giở lại trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, ta hiếm thấy có trường hợp nào một vị tổ được tôn lên hàng “Phật”. Duy chỉ thấy hai trường hợp: Một là vào thế kỷ thứ XIII, đức vua Trần Nhân Tông được tôn xưng là “Phật Hoàng” vì có công thâu nhiếp ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông, mở ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đem lại lợi lạc cho hàng thiện tín. Hai là ông Đoàn Minh Huyên ở thế kỷ XIX, một nông dân bình thường, khai sáng mối đạo BSKH, trị bệnh và thuyết pháp đem lại nguồn sống mới cho nhân dân miền châu thổ lúc bấy giờ nên được tôn xưng là “Phật Thầy”.

Phật Thầy Tây An truyền dạy cho đời pháp môn “Học Phật - tu Nhân” là một cách thức tu hành đơn giản, thức thời, phù hợp hoàn cảnh, mang lại hiệu quả cao cho quần chúng mà đại đa số là những nông dân chất phác tay lấm chân bùn.

Với pháp môn này, người tín đồ lấy đạo Phật làm gốc nhưng không phải xuống tóc, trường trai hay ly gia cắt ái để dựa mình vào núi non am cốc. Học Phật - tu Nhân là pháp môn chủ trương nhập thế, nhắm thẳng những nỗi khổ niềm đau của con người mà tiến đến. Bửu Sơn Kỳ Hương dạy tín đồ giữ tròn luân lý trong các giềng mối từ gia đình, xã hội, quốc gia… Đặt trách nhiệm và bổn phận của mỗi tín đồ phải đền trả “Tứ Đại Trọng Ân” là: Ân Tổ tiên cha mẹ, ân Đất nước, ân Tam Bảo, Ân Đồng bào và nhân loại. “Loài cầm thú còn hay biết tổ/ Huống chi người nỡ bỏ Tứ Ân” [Đức Phật Thầy Tây An]. Đó là những điều thiết thực trong cuộc sống. Họ tích cực chăm lo đời sống theo những khuôn khổ đạo đức được đặt ra. Những khuôn khổ ở đây không phải là những giáo điều khe khắt, mà là những phạm trù căn bản trong Phật giáo như: Ngũ Giới cấm, Thập thiện, Bát Chánh đạo hay đơn giản là đạo Ngũ luân, Ngũ thường trong Nho giáo… Nhiều làng xã mới ở miền Tây đã được dựng lên dưới sự quần cư của những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương như Hưng Thới, Xuân Sơn (Tịnh Biên, An Giang), Láng Linh - Bảy Thưa, Cái Dầu (Châu Phú, An Giang) hay Trà Bông, Cần Lố, Ông Bường (Cao Lãnh, Đồng Tháp)... 

Khi đất nước lâm nguy dưới nạn thực dân giày xéo, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã anh dũng đứng lên khởi nghĩa, kiên quyết bảo vệ giống nòi, bởi họ hiểu rằng nước có yên thì đạo mới thạnh và “Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên/ Quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm” [Đức Huỳnh Giáo Chủ]. Những vị anh hùng dân tộc mà nhân dân còn mãi tôn thờ như Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành… đều là những tín đồ tiêu biểu của Bửu Sơn Kỳ Hương.

Trong phương pháp tu giải thoát, Bửu Sơn Kỳ Hương bày trừ hết tất cả những hình thức mê tín dị đoan, phù thủy, bói toán hay xá mã lầu kho, cúng kiếng lễ mễ… Thay vào đó, trong yếu chỉ tu hành của Bửu Sơn Kỳ Hương, “tâm” là điều đầu tiên hành giả cần phải tu và được đề cao hơn hết, Bửu Sơn Kỳ Hương chú trọng việc tu tâm (vô vi) hơn là những hình thức (hữu vi) bên ngoài. Bửu Sơn Kỳ Hương không bày chuông mõ, đọc tụng cao thanh, hay cúng dường trai đám như các nhà chùa, mà chỉ dạy tín đồ chuyên cần về trao tâm trỉa tánh, tự mình sửa lấy mình và dùng phương pháp niệm Phật để thanh tịnh tâm hồn… Một điểm đặc biệt trong hệ tư tưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương mang yếu tố tâm lý hối thúc, giục giã tín đồ tu hành là thuyết “tận thế và hội Long Hoa”. Bửu Sơn Kỳ Hương chia thế giới làm ba thời kỳ gọi là: Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn. Trong mỗi nguơn như thế lại chia làm ba kỳ nhỏ là thượng, trung, hạ. Bửu Sơn Kỳ Hương cho rằng con người đang ở vào thời kỳ cùng cuối của “Hạ nguơn hạ”, gộp với học thuyết Phật Giáo Bắc Truyền gọi chung là “Hạ nguơn Mạt pháp”. Theo thuyết này, Đức Phật Thầy Tây An báo hiệu rằng đời sống con người hiện tại sắp kết thúc để chuyển sang một chu kỳ mới tốt đẹp hơn thông qua “Hội Long Hoa” là một cuộc sàng sảy, lọc lừa những người thiện, ác mà những điềm báo chính là thiên tai, địa ách, dịch bịnh đang xảy ra.

Ông đưa ra nhiều lời tiên tri trong “Sấm Giảng”, nổi tiếng nhất là bài “Tứ Bửu linh tự”, viết theo lối tung hoành đọc (đọc ngang dọc đều được):

“Bửu ngọc quân minh thiên

việt nguyên,

Sơn trung sư mạng địa nam tiền.

Kỳ niên trạng tái tân phục quốc,

Hương xuất trình sanh tạo

nghiệp yên”.

Bài thơ khoán thủ bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” ở đầu mỗi câu, nội dung ẩn ý nhiều lời tiên tri về thời vận mà đến nay đã có nhiều chú giải nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thuyết “Hạ nguơn mạt pháp” mà Phật Thầy Tây An truyền giảng tương tự như “Thế mạt luận” hay còn gọi là “Chung thời học” (eschatology). Những lời cảnh báo có tác dụng răn đe, và hối thúc tín đồ hành trì pháp môn cho thêm phần tinh tấn. Nhờ những yếu tố ấy, chỉ trong thời gian ngắn, Phật Thầy đã gây dựng nên một làn sóng tôn giáo mới ở miền Tây, ảnh hưởng sâu sắc vào hệ tư tưởng, đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của một bộ phận lớn nhân dân trong vùng mà đến nay những giá trị ấy vẫn còn tồn tại và ngày càng ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa.

Ông Đoàn Minh Huyên được người đời biết đến là Đức Phật Thầy Tây An của giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương. Ít ai biết rằng, ông cũng từng thế phát xuất gia vào năm Tân Hợi (1851), tại chùa Tây An dưới chân núi Sam và thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 38 với pháp danh Minh Huyên, hiệu Pháp Tạng thiền sư. Tuy nhiên, việc này chỉ là tùng theo sắc lịnh từ vua Tự Đức để ông được tự do truyền đạo.

Phật Thầy Tây An có 12 người đệ tử giỏi nhất gọi là “Thập nhị hiền thủ”. Đây là những người thay mặt Phật Thầy để dẫn dắt tín đồ trong đời sống canh tác và tu hành. Họ cũng là những người góp phần phổ biến đạo Bửu Sơn Kỳ Hương sâu rộng trong dân chúng. Ngoài những câu chuyện về Phật Thầy Tây An, ngày nay, còn nhiều giai thoại ly kỳ liên quan đến những nhân vật này vẫn còn được truyền tụng như ông Trần Văn Thành (Cố Quản), Bùi Văn Tây (Đình Tây) hay ông Phạm Thái Chung (Đạo Lập),..

Từ sau sự xuất hiện của Phật Thầy Tây An, nhiều nhân vật và tôn giáo ra đời đều thừa nhận sự ảnh hưởng của tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương và pháp môn Học Phật - tu Nhân. Trong đó có thể kể như ông Ngô Lợi (Đức Bổn Sư) với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ông Huỳnh Phú Sổ (Đức Huỳnh Giáo Chủ) với đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Ngoài ra còn nhiều ông đạo như Tà Paul (Phật Trùm) hay ông Sư Vãi Bán Khoai (không rõ tên),... cũng có lối giảng đạo tương tự. Những tín đồ trong các hệ phái này đều tin rằng những ông đạo kể trên có sự tương quan mật thiết với nhau về mặt tâm linh, có thuyết cho rằng chính Đức Phật Thầy Tây An đã tái sanh lại nhiều lần…

Ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam) thành lập Hòa Đồng Tôn Giáo ở Bến Tre hay Ông Nhà Lớn (Lê Văn Mưu) lập đạo Ông Trần ở Long Sơn đều có gốc gác tư tưởng từ Bửu Sơn Kỳ Hương ở Thất Sơn… Có thể nói, Phật Thầy Tây An là “ông đạo” đầu tiên, mở đầu cho “phong trào các ông đạo” ở miền Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Vì sự thiết thực và lợi ích cho quần chúng nên Bửu Sơn Kỳ Hương đến nay vẫn ngày càng lan rộng. Bửu Sơn Kỳ Hương là sự phản ánh trung thực của hoàn cảnh lịch sử. Đó không chỉ về mặt tôn giáo, mà còn đi sâu vào nhiều khía cạnh của đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Nam Bộ, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, để lại nhiều di tích quan trọng trong tiến trình lịch sử, đặc biệt là di tích “Bốn Ông Thẻ”, chùa và đình Thới Sơn, chùa Phước Điền, chùa Bồng Lai, mộ Phật Thầy Tây An… minh chứng cho một thời kỳ ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo này và đó cũng là những điểm nhấn, nét riêng trong bức tranh văn hóa của cư dân vùng đồng bằng mới - châu thổ sông Cửu Long.

Lạc Phong Nguyễn Minh Nguyên

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm