May 1, 2024, 4:05 pm

Dòng chảy đa dạng và năng động của văn trẻ TP.HCM

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế mà cũng là nơi nhiều hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật sôi nổi. Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết lực lượng viết trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh rất dồi dào, có cá tính đa dạng trong sáng tác, năng động trong việc tiếp cận các kênh xuất bản, độc giả.

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh

- Thưa nhà văn Bích Ngân, nói về đời sống sáng tác văn học trẻ hiện nay (trong đó có văn học trẻ TP.HCM) không chỉ giới phê bình văn học mà ngay cả bạn đọc yêu văn chương cho rằng, đang có những chuyển động đáng kể trong cách tiếp cận văn chương của các nhà văn trẻ. Họ không còn bị bó hẹp ở thể loại truyền thống mà mở rộng ra nhiều hình thức sáng tác mới như: tiểu luận, blog, và thậm chí là truyện tranh cũng trở thành phương tiện thể hiện ý tưởng và tâm huyết của tác giả. Nhà văn có đồng tình với quan điểm này không?

- Thế hệ đầu tiên của những người viết trẻ được sinh ở cuối những năm 60 đầu những năm 70 thế kỷ trước, mà Phan Thị Vàng Anh là đại diện tiêu biểu với một loạt truyện ngắn viết “khi người ta trẻ”, rồi Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Gia Bảo... Thế hệ thứ hai với Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thu Phương, Lê Thiếu Nhơn, Phan Hồn Nhiên… Thế hệ thứ ba với Nguyễn Vĩnh Nguyên, Ngô Thị Hạnh, Anh Khang... Thế hệ thứ tư với Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Huỳnh Trọng Khang... Và thế hệ thứ năm với Trần Đức Tín, Trần Ngọc Mai, Võ Chí Nhất, Lâm Phương Lam, Vĩ Hạ, Đoàn Nguyễn Anh Minh...

Nói đến văn học trẻ TP.HCM hôm nay, không thể không đề cập đến những cây bút sinh ra sau năm 2000. Họ hoàn toàn là công dân của kỷ nguyên số và có tâm thế công dân toàn cầu. Họ tự tin thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của họ trước những hiện trạng xã hội một cách chân thành. Trong cuộc thi Truyện ngắn hay 2022 do Tạp chí Văn nghệ TP.HCM và Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức, hai nữ học sinh sinh năm 2007 và năm 2008 đã được trao giải thưởng Tác giả trẻ.

Tác giả 17 tuổi Hoàng Yên đến với trang viết bằng cái nhìn trực diện vào chính mình, nhìn vào hành vi bạo hành học đường với trái tim thống thiết muốn được bảo vệ, muốn được yêu thương như một hồi chuông ngân dài cảnh tỉnh sự thờ ơ của con người. Đặc biệt, nhiều tác giả sinh sau năm 2000 có thể sáng tác song ngữ, mà tiêu biểu là Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007, đại biểu trẻ nhất Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022 tổ chức tại Đà Nẵng). Trần Phú Minh Anh viết trực tiếp bằng tiếng Anh, với hai cuốn sách đã xuất bản là tập truyện Bức tranh huyền bí (2021) và tập thơ Một ngày từ bên trong (2023) thể hiện sự trưởng thành già dặn khi tác giả còn quá trẻ ở thời đại kỹ thuật số và ở trong một thế giới phẳng có thể tương tác với mọi chiều kích của không gian và thời gian. Giỏi ngoại ngữ, giỏi tương tác và sáng tác trực tiếp bằng song ngữ hiện là xu hướng của người viết trẻ, trong số này, có những tác giả có nhiều nội lực văn chương tuy chưa có đầu sách xuất bản...

Lực lượng viết trẻ ở TP.HCM rất dồi dào là điều dễ nhận ra. Thế nhưng, văn học trẻ TP.HCM có một đặc trưng, đó là không gian văn hóa cởi mở đã chấp nhận mọi sự khác biệt trong sáng tạo. Cả người viết lẫn người đọc đều không kỳ thị lối viết phá cách của người này hoặc lối viết giản dị của người kia. Ngay trên các diễn đàn, người tôn sùng trào lưu hậu hiện đại nhưng vẫn tôn trọng những người trung thành với thi pháp truyền thống. Do đó, khi đã nhập cuộc vào dòng chảy văn học trẻ TP.HCM, các cây bút trẻ không vì xao động trước một thứ mốt thời thượng nào mà khước từ sở trường của bản thân. Thậm chí họ mang những giá trị rất riêng tư đã hình thành ở nơi chôn nhau cắt rốn của họ để góp vào vẻ đẹp chung cộng đồng. Chính đặc trưng này tạo nên một đội ngũ tác giả TP.HCM và đội ngũ sáng tác văn học phương Nam có cá tính đa dạng.

- Có một thực tế, những sáng tác của nhà văn trẻ hiện nay được xem là một cách để tác giả thể hiện sự quan tâm và tương tác với thế giới xung quanh… Đây có phải là cách để họ khẳng định bản sắc cá nhân và giọng điệu riêng của mình?

- Các cây bút trẻ TP.HCM làm nhiều nghề khác nhau để sống, nhưng đều không xem văn chương như một thú vui nhàn rỗi mà coi đó là cái nghiệp đòi hỏi nỗ lực không ngừng. Và tác phẩm văn học với ý nghĩa trọn vẹn của nó là tác phẩm phải được đọc, phải có độc giả, phải được tương tác. Lâu nay, sách xuất bản mỗi tác phẩm hàng trăm ngàn bản của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xuất bản hàng chục ngàn bản cũng đã tác động không nhỏ đối với người sáng tác. Vì vậy tác giả trẻ quan tâm đến thị trường xuất bản và thị hiếu công chúng. Họ tự tìm đầu ra cho tác phẩm của mình một cách hiệu quả. Ngay từ khi chuẩn bị bản thảo, họ đã lên kế hoạch tỉ mỉ về đối tượng độc giả và phương pháp marketing. Họ không xem việc phát hành một cuốn sách là trò chơi may rủi hay chỉ giao phó cho nhà xuất bản. Các tác giả trẻ như Anh Khang, Hamlet Trương hay Iris Cao có những đầu sách in hàng vạn bản và bán rất nhanh. Riêng trường hợp tác giả trẻ Nguyễn Phong Việt khá độc đáo, với những tập thơ Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn... trở thành hiện tượng xuất bản trong bối cảnh không còn đơn vị nhà sách nào chịu đứng ra phát hành thơ. Nhà văn viết sách văn học cho thiếu nhi như Văn Thành Lê, Phương Huyền, Võ Thu Hương… cũng tìm độc giả thiếu nhi ở nhiều trường học, không chỉ trong phạm vi TP.HCM.

Và khi những trang báo dành cho văn chương bị thu hẹp lại, thì các tác giả trẻ TP.HCM tận dụng thành tựu công nghệ thông tin để có kênh tiếp cận khác với công chúng. Ngoài những buổi giao lưu trực tiếp, họ tổ chức giao lưu trực tuyến qua Facebook với độc giả để chia sẻ tâm tư và tìm kiếm tri âm. Bên cạnh sách điện tử e-Books, các tác giả trẻ TP.HCM cơi nới biên độ lan tỏa cho tác phẩm, bằng những sản phẩm sách nói audio-books trên những nền tảng phổ biến như Youtube và TikTok…

- Hội Nhà văn (tôi nghĩ vậy) ủng hộ các nhà văn trẻ tìm ra giá trị riêng, bà nghĩ sao về vai trò cá nhân người sáng tác, và họ cần làm gì để tỏa sáng trong đời sống văn học, văn hóa, hiện  nay?

- Tác phẩm của người viết trẻ cũng tương đồng với sáng tác của những người từng trẻ ở nhiều thế hệ trước, là phản ánh chân thực đời sống và thân phận của con người trong không gian sống mà dòng xoáy của kinh tế thị trường vừa đem đến nhiều tiện nghi vật chất nhưng cũng ít nhiều làm xoáy lở và cuốn trôi nhiều giá trị tinh thần, giá trị văn hóa. Người viết đã thoát khỏi cách viết mà thế hệ cầm bút trước đây thường viết, theo cảm thức thiện thắng ác, chính thắng tà, thông điệp sáng rõ. Kiểu mô-típ tạo dựng câu chuyện theo sự sắp đặt chủ quan và thường tạo ra những nhân vật hoàn hảo một cách khiếm khuyết ít khi thấy ở các sáng tác của tác giả trẻ. Cái mới dễ nhận ra ở hầu hết các cây bút trẻ là họ chọn cho mình một góc nhìn, một cách nhìn và tìm cách thể hiện cách nhìn đó vào tác phẩm. Họ thẳng thắn, chân thành nhìn nhận cuộc sống như vốn có, đa dạng, phức tạp, nhiều chiều kích, nhiều cung bậc cảm xúc và luôn vận hành cùng sự thay đổi không ngừng của cuộc sống. Đặc biệt, người viết trẻ coi trọng cách thể hiện, phát huy tối đa thế mạnh của ngôn từ, trang viết của người trẻ nhiều chất văn và tác phẩm của họ chú trọng việc tạo ra diễn ngôn, những diễn ngôn không chỉ cho tuổi trẻ của mình.

Bằng khả năng sáng tạo, những thế hệ trẻ tiếp nối của TP.HCM đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học với nhiều thể loại tương ứng với kích cỡ tài năng của mình. Dấu ấn của họ, đóng góp của họ là các tác phẩm văn học được viết bằng đau đáu ưu tư của một công dân sống trong lòng một đô thị vừa xây đắp, vừa có nhiều công trình và cũng vừa có những rạn nứt, đổ vỡ

- Bà có kỳ vọng nhiều về tài năng của những người viết trẻ?

- Viết văn, ngàn năm trước và ngàn năm sau, có lẽ vẫn ngần ấy ký tự và dù với những nỗ lực cựa quậy, xê dịch kiếm tìm thủ pháp mới, thi pháp mới, kể cả thế giới phẳng bốn chấm không, năm chấm không và cả sự bành trướng của trí tuệ nhân tạo và vô vàn những đổi thay, những tác động không ngừng của những Chat GPT… thì hồn vía của tác phẩm sáng tạo vẫn là cảm xúc. Và dù ở thời đại kỹ thuật số, tác phẩm sáng tạo của nhà văn, dù độ dày mỏng khác nhau, giá trị và tuổi thọ không giống nhau nhưng đều giống nhau, phải được ấp ủ và dưỡng nuôi, dưỡng nuôi bằng cảm xúc của trái tim và cảm xúc của trí tuệ. Vậy nên, điều khó nhất, có lẽ là sự tự thân nỗ lực để đủ sức đối diện với thực tế, với khó khăn và giữ cho trái tim không khô cằn. Và yếu tố cũng hết sức quan trọng là tác giả trẻ được sáng tạo trong không gian văn minh cởi mở, trong môi trường văn hóa tôn trọng cá tính sáng tạo và khao khát đổi mới, trước hết là đổi mới chính mình, vượt qua chính mình bằng tác phẩm góp phần làm sâu sắc hơn giá trị tư tưởng, giá trị văn hóa mà mình được thụ hưởng, kế thừa và tiếp tục làm cho giá trị cốt lõi sâu sắc hơn, nhân văn hơn.

Cảm ơn bà đã tham gia cuộc trò chuyện!

Anh Thư thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 14/2024


Có thể bạn quan tâm