May 2, 2024, 5:53 am

Dòng ban mai…

Tập thơ Mắt mắt khuya từng đàn (Nxb Hội Nhà văn, 2023) của Trần Hùng dẫn tôi vào một sớm đang tan sương, có thể ứng với bất kỳ mùa nào trong năm. Khi ấy hừng đông đã rạng, sưởi ấm cho khắp miền không gian nơi con người cùng vạn vật vừa thức dậy. Một ban mai không ngưng đọng mà dịch chuyển, cuộn chảy trong bầu không khí thanh sạch, tinh khôi. Dòng chảy ấy khai mở một ngày mới trong tâm tưởng bạn đọc, bảng lảng, đột sáng và trong suốt. Một ly vỉa hè/ Lặng im và chuyển động/ Giọt giọt trên đường/ dòng dòng đen bò vào miệng cống/ Vừa khóc vừa hát/ Mở to trong veo đi nào (Café vỉa hè Khâm Thiên).

Có thể nói, một dòng chảy lạ kỳ đã xuyên suốt tập thơ này, với tốc độ và nhịp điệu này. Nếu coi mỗi bài thơ của Trần Hùng là một cột mốc trong hành trình sáng tạo, câu hỏi đặt ra là: những đoạn chảy qua từng địa phận kia có khác nhau không? Câu trả lời là khác, dĩ nhiên khác. Khác từ kết cấu bài thơ, độ mở ánh sáng, đến kiến tạo hình ảnh, sử dụng tu từ. Mỗi đoạn chảy đều dung chứa áp lực riêng, tùy vào lưu lượng thơ. Đây là đoạn trong tập thơ có “lưu lượng” lớn, áp lực mạnh: Tận cùng đường hoang mây hoang rồi/ Dừng lại đi nào vó hoang ơi/ Bên bờ vực sâu đầy hoa/ Dòng hoa dâng dâng đỏ/ Dưới vực sâu là một lâu đài/ Lâu đài đầy khói/ (Vào ngực).

Dĩ nhiên khó ước định chính xác “lưu lượng” của đoạn thơ trên, nhưng những chỉ số của nó (mây hoang, vó hoang, bờ vực, lâu đài, khói...) xuất hiện tựa những điểm sáng nhấp nháy đa bội, vẫy gọi sự tưởng tượng, gợi hình dung về một dòng chảy vô hình, cuộn xiết. Những hình ảnh thoắt ẩn thoắt hiện trong bài thơ trên cũng nhắc ta nhớ tới một trò chơi “cút bắt” trong dân gian xưa. Ở đây tâm trạng trì níu, cuốn hút của cảm xúc đã khiến người đọc không thể dứt ra khỏi văn bản, mà phải chiêm ngẫm thêm. Đây có lẽ là một thủ pháp rất ảo diệu, có phần “ma thuật” của Trần Hùng trong nghệ thuật cấu tứ, kiến tạo hình ảnh cho một số tập thơ gần đây của ông. Xin dẫn một đoạn thơ khác trong tập có cách viết tương tự: Đinh/ Tự nhổ khỏi tường/ Cây/ Tự bật khỏi đất/ Cá heo từ chối sóng/ Bóng người buông từ tầng cao/ Rung lắc từ đâu (Biệt sinh). Lối liệt kê những hình ảnh cách xa sự tương tác giữa chúng trong một bài thơ dường như là phong cách của phần lớn những tác giả theo khuynh hướng cách tân hiện nay. Những hình ảnh ấy dịch chuyển trong không gian rộng, được nối thông với nhau bằng liên tưởng và cảm xúc mạnh của người viết, tạo một trường liên tưởng thống nhất, có chung hấp lực. Ở thơ Trần Hùng, ngoài giềng mối tôi vừa nêu, phần lớn những thi ảnh của ông như có sợi dây vô hình dẫn tới nền tảng thơ truyền thống. Sợi dây ấy không vướng vít, buộc chặt mà chỉ “dẫn tới” cái đích mà nhà thơ đặt định. Chúng xuất hiện tựa những dấu mốc chỉ đường trên con lộ thênh thang trước khi tới nhiều ngã rẽ. Cái “dấu mốc” mà tôi vừa liên tưởng trong bài thơ trên cũng chính là lát cắt, thước phim quay nhanh về một đời sống hiện đại, tiện nghi nhưng đầy bất an, sôi động và quá nhiều áp lực. Khổ thơ trên cho thấy, cái đinh quen thuộc tự nhổ ra khỏi tường, cái cây (bất kể cây gì) đang tự bật ra khỏi mặt đất. Và con người, muốn đoạn tuyệt với cội nguồn, từ bỏ thân phận, trốn chạy khỏi tổ ấm gia đình, xã hội, tìm đến cuộc sống ẩn dật, hoặc quyên sinh. Tại Nhật Bản, một cường quốc công nghiệp phát triển, người ta gọi những đối tượng như vậy là những người “bốc hơi” (johatsu). Những “johatsu” thay tên đổi họ, muốn xóa đi mọi dấu vết mà họ đã để lại trong đời sống này. Trong một đời sống xáo trộn, đổ vỡ, ngổn ngang đặt bày trong bài thơ trên, tôi thực sự bất ngờ và thán phục trước sự xuất hiện của nhân vật “Tôi” trong đoạn kết bài thơ Biệt sinh này của Trần Hùng. Tôi như thạch sùng/ lặng im bên những chiếc đinh/ Nghe đêm vỡ từ sợi chuông rất mảnh. Nhân vật “Tôi” chính là tác giả bài thơ mang thân phận mỏng manh với trái tim lớn, tự treo mình lên, rung những hồi chuông cảnh báo.

Trong những bài thơ có “lưu lượng” lớn, các thi ảnh thường xuất hiện trên văn bản không lâu, chỉ thoáng qua đôi lúc. Chúng tựa những con sóng nhấp nhô, hoặc thấp thoáng trong không trung rồi nhanh chóng hòa vào dòng chảy. Một lát gừng/ Một chút muối/ Lặng lẽ trước cơm/ (Sợ hơn cái chết). Hay: Cây cao lân tinh thân cau/ Nâu nâu rơm phơi trăng thâu/ Cây thu/ Không lá không hoa/ Vươn lên âm u/ (Cây thu)

Đỉnh của “những con sóng nhấp nhô” mà tôi vừa dẫn tựa những nét phác thảo của bức tranh khổ lớn, gồm nhiều nét vẽ dở dang, những khoảng trống, để bạn đọc tiếp tục tự hoàn thiện nó bằng sắc màu tưởng tượng. Đặc trưng lối kiến tạo dòng chảy có “lưu lượng” lớn của Trần Hùng, theo tôi, được quy tụ trong bài thơ “Len sáng”: Cá hoang suối xa/ Áo đen núi xa/ Sương treo đầu kiếm/ Đâu đó ơi/ Có gì không dứt/ Mỏng mảnh như tơ/ Len theo mạch vào tim/ Rồi trở lại/ .../ Tôi - căn phòng không cửa. Những hình ảnh trong bài thơ trên xuất hiện tựa nghệ thuật sắp đặt hiện đại, nó nằm trong không gian ba chiều, khiến người đọc vừa là chủ thể vừa là khách thể, vừa chiêm ngưỡng sự vật bên ngoài vừa hòa mình vào những ý thơ. Sự đan xen của những Cá hoang suối xa, Áo đen núi xa, Sương treo đầu kiếm còn cho ta liên tưởng tới những nét vẽ cổ xưa, bằng nét màu tươi sáng và thanh tịnh trong tranh thủy mặc, thấp thoáng hình bóng tráng sĩ, khuôn trăng, cảnh vật... Câu thơ “Đâu đó ơi” chính là tâm điểm để kết nối những phân mảnh, hình ảnh đơn lẻ, vụn rời của bài thơ này. Câu thơ ấy tựa tiếng gọi, vang xa tới những điểm chạm của đôi bờ dòng chảy, mang lại cảm giác thân thuộc, như có thể với tay là tới được mọi vật dụng, chạm được vào niềm thương mến khôn nguôi; và, có thể nghe được từng nhịp chuyển động, hơi thở của đời sống đang biến động. Hình ảnh kế tiếp hình ảnh, không gian nối tiếp, đan cài không gian trong bài thơ trên cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của tác giả được phô bày, ẩn hiện, cả những nỗi niềm ẩn giấu trong đó như dần được khơi lộ.

Và đây là đoạn chảy với khoảng cách đôi bờ hẹp hơn, độ sâu “mớn nước” của nó cũng dễ dàng nhận biết, có thể nhìn thấy đáy nước: Chữ chữ/ Hút vào nếp nhăn/ Trên những gương mặt/ Vừa nghẹn vừa nuốt/ Chữ chữ/ Như tóc rối/ Trong ống nước/ Như mắt cá/ Trong bùn/ Như bulong/ Như nan hoa/ Xoay (Phận chữ). Trong đoạn thơ trên, khoảng cách giữa các thi ảnh và đích đến của nó dường như gần lại, nhưng vẫn nằm trong kết cấu phân mảnh, vụn rời, tạo cảm giác chênh vênh, gai góc.

Những thi ảnh có mối quan hệ gần, được đặt cạnh nhau, nhưng lại vươn tới những mục đích khác biệt. Đôi lúc tác giả cũng cố ý như đánh đố người đọc về cái đích mà ông muốn hướng tới, như bài thơ Rắn xanh: Nhói/ Rắn xanh trong giầy/ Ga rô/ Ga ra/ Như ong/ Người đi rồi. Nhưng đa phần, ông bộc lộ rõ ý đồ của mình ngay trong từng hình ảnh cụ thể: Rưng rưng lá non từ đâu về/ Trên lá non một giọt sương hồng/ (Sớm mùng ba).

Khá nhiều hình ảnh đứng gần nhau, cùng chung manh mối, được Trần Hùng kiến tạo trong tập thơ Mắt mắt khuya từng đàn. Khoảng cách giữa những thi ảnh ấy chính là độ mở của không-thời-gian mà tác giả ước định. Đoạn thơ dưới đây tựa một khu vườn vừa mở ra, lạ lẫm mà thân quen, lao xao mà tĩnh mịch. Căn nhà kia có gì/ Mà vào ra như ong/ Bờ trăng kia có gì/ Mà chuồn kim lao xao/ Thẳm sâu kia có gì/ Mà bóng bóng lặng im (Mộ trăng).

Một số bài thơ trong tập tuy không sử dụng điệp từ, nhưng âm hưởng của chúng khá gần với đồng dao, với nhịp điệu quen thuộc, kết cấu hiện đại, ngôn từ gần với dân dã mà đa nghĩa: Ngày ấy lâu rồi/ Phơi phơi đâu đó ơi/ Bậm chân đều đều/ Giăm cối thóc vỡ/ Áo đơm cúc vỡ/ Tre thơm ngỡ trưa/ Chim động vườn khuya/ (Ới a). Hay: Rồi mưa rung mưa rây zích zắc/ Ai mang áo tơi mang áo tôi/ Rồi gai lên lơn tơn lóc tóc/ Sấm lên măng sấm ngồng (Đồng dao).

Ngôn ngữ thơ Trần Hùng thường hướng tới sự tối giản mà hàm súc. Thi ảnh của ông khoáng hoạt, thơ mộng, thoáng ẩn thoáng hiện như những bức tranh lụa, mang cho người đọc cảm giác trong suốt, thanh thoát, hàm chứa nhiều bí ẩn cần tiếp tục giải mã. Theo cách vẽ tranh lụa hiện đại, khi màu đã khô, họa sĩ có thể rửa lụa nhiều lần cho sạch mặt lụa và để màu ngấm vào từng thớ lụa, rồi tiếp tục vẽ cho tới khi vừa ý. Trần Hùng dường như đã áp dụng thủ pháp này để tạo những hình ảnh ẩn hiện, lung linh, nhưng đầy tính hiện đại. Những câu thơ dưới đây cho thấy tác giả đã cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng biện pháp tu từ, nhưng biết buông thả hình ảnh đúng lúc để tứ thơ được cất cánh, thênh thang. Nghe lũ chim câm/ Ngủ mê trong bóng cây đáy nước (Chim câm); Mở to nhìn về bầu trời/ Tiếng khóc đâu đó cao như tiếng sếu (Cây thu); Vết thương lên lá non rồi/ Mà trăng vẫn bầu đêm vắng (Sương nữ ca).

Có thể nói, thủ pháp “tranh lụa” trong tập thơ Mắt mắt khuya từng đàn là bước đi tiếp theo của một số tập thơ mà Trần Hùng đã xuất bản trước đây, như Thảm thắc, Vườn khuya, Mùa xa... Chúng có chung một không gian thơ bảng lảng, trong trẻo và giàu nhạc tính. Nhưng Mắt mắt khuya từng đàn là nơi lắng đọng, có kết cấu hiện đại và tối giản hơn so với những tập thơ đã in.

Khép lại với Mắt mắt khuya từng đàn, tập thơ mà tác giả của nó đã bước qua tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” (Luận Ngữ, Khổng Tử), theo học giả Nguyễn Hiến Lê câu này có nghĩa “Sáu mươi tuổi thì thuận theo mệnh trời”. Nhà thơ Trần Hùng đã đi được những chặng đường dài trên hành trình sáng tạo. Qua những cung bậc cuộc đời, thơ của ông được lọc đến trong suốt, ngày càng giản dị và gần gũi. Điều kỳ diệu này không phải ai cũng làm được. Tôi xin mượn bài thơ “Đẳng cấp” của Trần Hùng để thay cho lời kết, cũng là lời chúc mừng chân thành của tôi gửi tới ông: Đâu phải lúc nào cũng hót/ Đâu phải cứ hót là mê ly/ Nhưng chỉ cần cất tiếng/ Biết đó là họa mi.

Mai Văn Phấn

Nguồn Văn nghệ số 46/2023


Có thể bạn quan tâm