May 2, 2024, 6:24 pm

Đơn giản Nguyễn Nhật Ánh

Chơi với người nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh sự thật chẳng có gì khó khăn cầu kỳ, bởi sự nổi tếng của họ đã thành một sự bình thường, là đồng nghiệp càng không phải do có đi có lại, mê những cuốn sách, những chai rượu quý cho tặng nhau.

Có lẽ tất cả đều do cái ý của ông giời cả! Các cụ ta có câu: “phải duyên phải số nó vồ lấy nhau” là thế. Có duyên giời nên ngay từ khi quen biết là đã chịu nhau, bắt được hồn vía của nhau, cả hai đều thấy thoải mái “nổ” như ngô rang, chém gió phần phật cứ như đã từng chơi với nhau, thân với nhau từ hồi nảo hồi nào. Nó cứ tự nhiên như nhiên, cái mà hình như ông giời ông ấy chỉ phát riêng cho giới văn nghệ sĩ, ngày nay người ta gọi là “đặc thù”, một sự  “đặc thù” chả giống ai  ấy, xuất xứ cũng đơn giản bởi lối sống tự nhiên, hay nói đúng hơn, hồn nhiên, buông thả, ham chơi ham bạn ham bè với tiêu chí lấy vui làm gốc. Có lẽ vì rứa mà tôi cũng chả nhớ hôm nào lần nào là lần đầu ngồi với Nguyễn Nhật Ánh nữa. Nhưng cái bận sau này, cũng lâu lâu rồi, thì tôi nhớ. Đó là hôm Ánh ra Hà Nội để dự cuộc hội thảo và ra mắt cuốn truyện Kính vạn hoa đặc sắc của chàng mới tái bản. Phải nói thêm chi tiết này, không cuốn sách mới nào Ánh quên dành cho tôi một suất, để tôi có một món quà “từ miền Nam gửi ra” cho ba đứa nhóc nhà tôi với dòng chữ rất nắn nót: “Chú Ánh thân mến gửi bố Đỉnh tặng các cháu Cún yêu quý”. Lần này Ánh cho tôi một cơ số lớn hơn hẳn, tôi phải chở xe máy về nhà một bao tải các cuốn trước đó Ánh chưa kịp gửi. Lúc ấy ba Cún nhà tôi, đứa lớn nhất mười bẩy, đứa lớn nhì mười ba, đứa út ít chín tuổi, tức là nhóm “Cún” này là fan hâm mộ của chú Ánh. Cái tên “Cún” chúng tôi gọi ở nhà quen rồi, chứ chúng nó không còn là “Cún” theo cái nghĩa “nhóc” nữa, mà mỗi đứa đều đã có của nả riêng tư. Lần này ba đứa phô ra ba cái “góc riêng tư” của mình rất hào hứng, tôi thật sự ngỡ ngàng gom lại cái “đống” sách ấy thì té ra sách của Nguyễn Nhật Ánh đã được chúng mua từ hồi nào. Chúng khai chúng có “nhà đầu tư” bự, ấy là mẹ chúng ủng hộ tối đa. Sướng thật, có lần tôi nói với Nguyễn Nhật Ánh, ông là “trùm”, là “vua” sách của lũ trẻ nhà tôi đấy. Nguyễn Nhật Ánh cười hiền, một cái sự hiền rất đáng yêu theo cái cách cũng chả giống ai của Ánh.

Hình như cái “chả giống ai” ấy đã làm nên một Nguyễn Nhật Ánh như hiện nay và sẽ mãi mãi sau này.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng bạn đọc trong buổi giao lưu.

Tôi có thói quen, đã chơi thân với ai thì đều ít nhiều tò mò tìm hiểu thêm, không phải do lo ngại điều chi, mà là do cái ý thức mến yêu bạn, để mình có chút khái niệm về hoàn cảnh, tính cách, về số phận tạo nên con người của bạn mình, ngõ hầu siết chặt thêm mối quan hệ thường ngày. Nhưng với Nguyễn Nhật Ánh thì không, nếu có là vì tôi đã biết anh là trai xứ Quảng, đặc tính cách Quảng, nơi tôi đã gắn bó từ hồi đánh Mỹ, rất ngưỡng mộ nhiều người ở đây. Viết về Nguyễn Nhật Ánh không có chút ý thức tìm hiểu thêm “ngoài luồng”, càng chưa bao giờ để ý tới các lời khen chê: khen chê lối sống, khen chê tính cách và khen chê các tác phẩm hay dở của anh. Tôi mang sẵn cái mặc định trong mình rằng, phàm đã đem thân vào chốn văn chương thì phải thường ngày tu rèn cho mình cách sống, cách chơi, lấy cái đức chân thật làm nền, lấy cái sự nhìn nhận đúng sai chuẩn mực theo cái chuẩn mực của riêng mình tự đưa ra! Và như vậy sẽ cực đoan. Vâng, cực đoan. Tôi hay bị các nhà cực đoan mê hoặc. Có thể chuyện ấy đối với đa số như thế là sai, nhưng không phải, các nhà cực đoan có cách nhìn độc lập và họ tự tin hơn số đông rất nhiều.

Có một anh bạn nhà văn nói với tôi, mình đọc Nguyễn Nhật Ánh mãi mà không hiểu sao, quyển nào cũng chỉ được mấy trang là bỏ. Lại có một bữa quanh bàn nhậu lai rai hai ba bạn văn của tôi nói với nhau, một anh bảo, tớ không hợp gu. Một anh khác nói, tôi đọc mãi cũng không vào, nhưng con tôi thì đều mê như điếu đổ. Nhất định tay Nguyễn Nhật Ánh này có một thủ pháp đặc biệt nào đó, không thể ngẫu nhiên bọn trẻ nó mê! Một chị vừa là cô giáo dạy văn, vừa làm mẹ hai đứa con, đứa cấp hai, đứa cấp ba, vừa là chủ xị bữa nhậu hôm ấy thì bảo, con tớ đều mê truyện Nguyễn Nhật Ánh. Truyện Nguyễn Nhật Ánh có câu chuyện nhưng ít có văn, mà với trẻ con, nó không để ý văn chương, chỉ mê câu chuyện. Một anh khác lại phát, nhất định tay này là tay cao thủ, có một bí quyết nào đó, không phải đơn giản mà quyển sách nào vừa ra mắt là trẻ con ùn ùn hào hứng kéo nhau xếp hàng mua, tạo nên hiệu ứng đám đông?

Tôi nghĩ, ở đây, chỗ này, đang có một câu hỏi, nhưng xem ra các câu trả lời ở trên mới chỉ được hé ra một phần!

Vậy phần còn lại là gì?

Có lần tôi nghe Nguyễn Nhật Ánh trả lời câu hỏi của một phóng viên nổi tiếng, hỏi rằng, khi viết cho thiếu nhi thì anh có bí quyết gì không? Ánh cũng trả lời nhẹ nhàng rằng tôi chả có bí quyết gì ghê gớm, chắc chỉ là do tôi yêu nghề và yêu trẻ.

Vâng. Câu trả lời rất đúng vì nó rất chung chung, nhưng chúng ta có thể nói, tất cả các nhà văn chân chính cũng đều rất yêu nghề và yêu trẻ!

Thế thì theo tôi, câu chuyện nhà văn viết văn và độc giả, hình như có một sự cắc cớ nào đó? Tôi nhớ có lần tôi nghe được một bài nói chuyện chuyên sâu về người viết văn và người đọc văn, của ông Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, trước các nhà văn trẻ. Và ông đã động đến một đề tài nhạy cảm là, các nhà văn của ta ít ai để ý đến một cái cốt lõi của nghề mà nó chỉ là “một chi tiết nhỏ”. Chi tiết nhỏ, rất nhỏ ấy, nó thường xuyên bám riết vào quá trình sáng tác của anh ta. Tôi xin nhắc lại, nó tuy rất nhỏ tí xíu nhưng nhất thiết phải có nó, đấy là tài năng. Vâng, tài năng! Cái ông giời ông ấy ki bo, bủn xỉn lắm. Ông ấy chỉ nhỏ giọt cho người này người kia mỗi người một tí tẹo thôi. Ai mà hứng được cái “giọt” tài năng tí tẹo ấy, cộng với mồ hôi mồ kê lao động sáng tạo miệt mài thì mới trở thành. Nhưng nên nhớ rằng, cái “giọt” li ti ấy, hứng được rồi, nó trượt đi rất nhanh. Nó biến người ta thành con người khác, cứ tưởng mình là vĩ nhân. Vĩ nhân loại này luôn sống trong ảo tưởng. Họ có không ít ở đời và họ tự khuyếch đại, tự tâng bốc nhau, gọi nhau một cách trịnh trọng là nhà này nhà nọ, thậm chí vì lợi ích nhóm, người ta xúm vào tung hô kê nhau lên hết giải thưởng này đến giải thưởng nọ! Trong dân gian đương thời gọi họ là những kẻ “giầu trí tưởng bở”. Càng tưởng bở càng ra sức nỗ lực phấn đấu, càng nỗ lực cố gắng phấn đấu, càng lún sâu vào bế tắc, ngõ cụt. Thế nên mới có câu: “Các tài năng 99 phần trăm là do sức lao động mà thành”. Ở đời, tất cả mọi công việc, không có cái gọi là cái chi tiết tí ti tài năng ông giời ông ấy phú cho, mà cố gắng phấn đấu trở thành thiên tài? Lạy chúa tôi, dù cả 99 phần trăm lao động mướt mồ hôi hột kia cũng nói thật, chỉ cao lắm là tay thợ lành nghề mà thôi. Không bao giờ cố găng rèn luyện phấn đấu mà thành nghệ sĩ chân chính được ạ!

Đọc Nguyễn Nhật Ánh, đặc biệt là đọc cuốn Tôi là Bêtô viết xuất sắc về con vật, một con chó được chị Ni đặt tên, hơn thế, chị Ni là một người mê bóng đá, hâm mộ cầu thủ BêBêTô và đội tuyển BraZil đúng lúc đội bóng này đoạt giải vô địch bóng đá thế giới. Tên con chó nhà, lấy cái tên một cầu thủ nước ngoài, một ngôi sao bóng đá nổi tiếng thế giới đặt tên đúng thời điểm ấy thật đắc địa. Nhân vật con chó tên là Bêtô kể chuyện đời mình, ở nhà chị Ni, kể chuyện bằng đại từ xưng danh “tôi” thật thú vị. Và vì thế, tôi, người đọc không thể không nhớ đến cụ nhà văn Tô Hoài trứ danh và truyện Dế mèn phiêu lưu ký ra đời non một thế kỷ nay vẫn hấp dẫn, hấp dẫn qua nhiều thế hệ độc giả, cho dù bây giờ đã đến cái thời bốn chấm không và cả “trí tuệ nhân tạo” nữa! BêTô của Nguyễn Nhật Ánh hấp dẫn tôi ngay từ trang đầu đến trang cuối với các chương hồi theo đoạn 1234 giản dị. Tôi là Bê tô đọc vô cứ thấy háo hức mỗi mẩu chuyện nhỏ được tác giả cho tự mang vác lấy ý tưởng của riêng mình, mẩu nào cũng tự nhiên thú vị, và nó được gắn kết với nhau bởi cái thú vị của những trang trước hay trang sau, giằng xích nhau, giống như cây cầu có trở thành cây cầu hoàn chỉnh hay không phải nhờ sự chắp nối mỗi thanh cầu thành nhịp cầu vậy.

Nguyễn Nhật Ánh không triết lý nghiêm trang, không bày đặt giáo lý sâu xa mà câu chuyện kể ngắn gọn từ cuộc sống vụn vặt thân thiết hàng ngày, tạo nên không gian truyện được kể thân ái gần gũi sát với cuộc sống của mọi người đọc bình thường.

Có lẽ đó là một bí quyết.

Con chó Bêtô Nguyễn Nhật Ánh đi tới đâu cũng hồn nhiên dân dã, cái cách sống mơ mộng không giống ai mà lại thu hút trí tò mò không phải chỉ có ở giới trẻ, mà ai đọc cũng thấy có mình, mặc dù đó là câu chuyện của chú Cún Bêtô:

Sau bữa Bêtô và Binô được chị Ni cho ra nghĩa trang thăm mộ bà nội về.

 “Binô hớn hở nói:

- Betô bà vẫn sống với chúng ta!

- Ờ. - Tôi tán thành ngay.

Binô hăng hái:

- Con người ta có thể sống bằng nhiều cách.

Tôi lại “Ờ”, vẫn thấy nó nói đúng.

Nhưng đến khi nó bảo “Và cũng có thể chết bằng nhiều cách” thì tôi bắt gặp mình băn khoăn. Sống bằng nhiều cách thì tôi đã biết rồi, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết theo cùng một kiểu.

- Chết bằng nhiều cách ư?

- Ừ. Như lão Hiếng đó. Lão đã chết từ lâu.

Tiết lộ của thằng Bino khiến tôi ngạc nhiên quá sức.

- Lão Hiếng chết hồi nào?

- Bêtô, có những người đã chết ngay lúc đang còn sống.”

Đấy, triết lý của Bêtô Nguyễn Nhật Ánh đơn giản vậy đó.”

Càng nghĩ thêm trong cái câu đơn giản ấy ta càng thấy sâu sắc và chí lý thật…

“Nếu không tin, bạn hãy thử gọi tên bạn một lần đi, bạn sẽ thấy lòng bạn nảy mầm một cảm xúc gì đó như là sự trìu mến, nỗi hân hoan và niềm kiêu hãnh - cùng một lúc.

Đó cũng là một trong vô vàn điều thú vị mà cuộc sống cố tình giấu kín ở ngóc ngách nào đó trong tâm hồn của mỗi chúng ta theo cái cách mà các bậc cha mẹ vẫn giấu quà tặng con cái ở những nơi bất ngờ nhất trong nhà.

Khám phá những điều thú vị, hay tìm thấy những món quà đó, chính là làm giầu thêm ý nghĩa của cuộc sống và bổ sung thêm lý do để cuộc sống trở nên đáng sống.

Nhà hiền triết Bi nô đã nói như thế.”

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã kết thúc câu chuyện kể của chú chó Bêtô đơn giản vậy đó. Càng đơn giản càng gần gũi đáng yêu vô cùng.

Trung Trung Đỉnh

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm