May 3, 2024, 7:16 pm

Đội ngũ văn nghệ sĩ phải “ra tay”…

Nói đến “cơ sở” là nói đến tổ chức hành chính trực tiếp với dân. Cũng có nghĩa là xây dựng môi trường văn hóa phải từ người dân và vì người dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc cuối năm 2021: “Vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân”.

Trong thực tiễn, tất cả những hành động để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh đều được thực hiện từ người dân. Chương trình tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 được Chính phủ phê duyệt, là căn cứ để Ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung trong phong trào có trọng tâm, trọng điểm; ban hành kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện đến các cấp, các ngành và tận từng người dân. Đến nay, các địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào cụ thể và thiết thực. Những năm vừa qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo nên sự lan tỏa, tác động tích cực vào các mặt của đời sống xã hội và xây dựng đời sống văn hóa trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam mới. Thông qua phong trào này, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được bảo tồn và phát huy…

Nhớ lại thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành trên đất nước ta, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, thì văn hóa nghệ thuật quần chúng ở cơ sở đã thể hiện sức mạnh của mình, đưa tiếng hát lời ca, trang sách… đến cổ vũ những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch; nâng đỡ, động viên người bệnh, góp phần đầy lùi đại họa. Hiện nay, tuy còn những hiện tượng bất cập, hạn chế yếu kém do chủ quan và khách quan, nhưng nhìn chung ở khắp các cơ sở, sinh khí văn hóa mới đang có những khởi sắc đáng mừng. Nhiều sự kiện văn hóa, như: Lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh thực hành Then Tày, Nùng và nghệ thuật Xòe Thái được được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra trọng thể, thu hút đông đảo công chúng tham dự. Môi trường văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được chăm lo với nhiều hoạt động mới mẻ, hiệu quả, trong đó có nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số được tổ chức thành công. Các loại hình nghệ thuật dân gian khác, như Quan họ, hát Xoan, bài Chòi, Vọng cổ… cùng với các hoạt động văn nghệ không chuyên diễn ra khắp nơi, đem đến không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy ý thức bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc.

Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” được tiến hành từ năm 2021. Chương trình triển khai và phê duyệt gồm 17 đề tài nhánh, nghiên cứu về xây dựng môi trường văn hóa trong nhiều lĩnh vực như: “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững ở các điểm du lịch cộng đồng”, “Xây dựng môi trường văn hóa tại công sở”, “Xây dựng môi trường văn hóa tại các thiết chế văn hóa”, “Xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng”, “Xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình”, “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp” v.v... Kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình trên đây, sau khi nghiệm thu sẽ cung cấp những luận cứ khoa học về môi trường văn hóa, mối quan hệ giữa xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, với phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... Có thể nói việc triển khai Chương trình trên đây là hoạt động thiết thực đóng góp cả về lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong những năm tới.

Cách nay gần 2 năm, được tham dự một Hội nghị của ngành Văn hóa, tôi rất thú vị khi thấy vấn đề thông tin, truyền thông về văn hóa được chính Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu ra và thuyết trình hết sức cặn kẽ. Tôi thực sự ấn tượng khi nghe ông nhiệt thành kêu gọi văn nghệ sĩ hãy tích cực tham gia mạng xã hội để lan tỏa những giá trị văn hóa trong môi trường mạng. Đây là một môi trường ảo, nhưng lại tác động vô cùng mạnh mẽ đến đời sống thực tế. Thời gian vừa qua, lĩnh vực này dường như còn bị bỏ ngỏ, và nhiều hiện tượng quái dị, xấu xa đã hoành hành làm ô nhiễm môi trường mạng, từ đó đầu độc con người. Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, công nghệ số đã khiến cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật vượt lên hoàn cảnh giãn cách, phát huy tác dụng tích cực của mình. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật không khán giả (tại chỗ) nhưng lại có vô vàn khán giả trên môi trường ảo được phổ biến rộng rãi thông qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội… đạt hiệu quả cao. Đông đảo văn nghệ sĩ thiết lập các trang mạng cá nhân quảng bá cho hoạt động sáng tạo, biểu diễn, làm cho môi trường mạng trở nên tươi mới, sinh động, lành mạnh. Nhìn nhận ở góc độ nào đó, có thể nói hoạt động Văn học nghệ thuật trên không gian mạng của các văn nghệ sĩ cũng chính là một biểu hiện về ưu thế, sức mạnh của môi trường văn hóa cộng đồng, tại chỗ, từ cơ sở.

Sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa trong thời kỳ mới đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là nền tảng hết sức quan trọng. Muốn xã hội “chung tay” xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thì trước hết đội ngũ văn nghệ sĩ phải “ra tay”!

Nhà văn Phạm Việt Long

Nguồn Văn nghệ số 45/2023


Có thể bạn quan tâm