May 5, 2024, 11:41 am

Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ…

Chào mừng Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ Nhất

Tháng 5 năm 2022, nhà thơ Hữu Thỉnh được trao huân chương Độc lập hạng Nhì. Lễ trao giải được tổ chức trọng thể, hoành tráng và… nhiều Văn, nhiều Thơ tại nhà hát lớn Hà Nội. Vào thời khắc ấy nhà thơ Hữu Thỉnh chợt hiện. Phong độ, ưu tư và hào sảng “Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942 trong một gia đình có truyền thống nho học, trải qua tuổi ấu thơ không dễ dàng. Chỉ thực sự được đi học sau hòa bình lập lại năm 1954. “Sự học của Hữu Thỉnh muộn màng, cực nhọc. Cũng hết phổ thông rồi dừng lại để đi bộ đội…”. Mãi 15 năm sau, ở tuổi 37 mới “đặt chân” vào giảng đường trường Đại học - Đó là khóa Một Trường Đại học viết văn Nguyễn Du.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, tặng hoa cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Nhà văn Việt Nam tại Đại hội X

“Sự học” với Hữu Thỉnh là niềm khát khao, mê mải. Không chỉ học ở trường, lớp mà học nhiều ở trường đời. Quan trọng lắm. Hiểu cực kỳ sâu sắc điều đó, sau này Hữu Thỉnh với các cương vị lãnh đạo của mình ở Hội Nhà văn Việt Nam đã “vật lộn” để trường Viết văn Nguyễn Du “tồn tại hay không tồn tại”. Rồi khi trường Viết văn Nguyễn Du dừng lại ở khóa VI - Nhà thơ Hữu Thỉnh đã “dựng” ở Hội nhà văn Việt Nam Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tiếp tục công việc bồi dưỡng và đào tạo các nhà văn, nhà thơ. Đó là một đóng góp không hề nhỏ của nhà thơ Hữu Thỉnh mà vì những lý do nào đó có thể đã bị lãng quên và trở nên “xưa cũ”.

Với sự học, Hữu Thỉnh không bao giờ trễ nải!. Học không chỉ để bồi bổ “hàm lượng trí tuệ” mà chủ yếu để lại chữ cho đời. Ông luôn tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn học mới, tạo điều kiện bồi dưỡng để phát triển. Ở phương diện này quả đúng “Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới tài”. Những Nguyễn Quang Thiều “Biên giới giờ này, giặc vẫn bắn vào đêmNàng Tô Thị bồng con đi lối tắt”; Y Phương “Người đồng mình đục đá xây cao quê hương”; Nguyễn Ngọc Tư “Cánh đồng bất tận”… Và tôi nhớ, vào năm 1984, Hữu Thỉnh lên Cao Bằng đã phát hiện một bài thơ hay của tác giả Hàn Thái Lang, khi đó đã ở tuổi trên sáu mươi, bài: Đêm Cao Bằng. Bài thơ đó đã vào giải cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội 1984-1985.

Nói về việc phát hiện, bồi dưỡng lực lượng viết văn, Hữu Thỉnh có những đóng góp quí báu và xuất sắc. Một dấu ấn, năm 1985, trong tình hình kinh tế khó khăn, biên giới phía Bắc căng thẳng, trong cương vị Trưởng ban nhà văn trẻ, Hội nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh đã cùng Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang tổ chức rất thành công trại viết cho các tác giả thuộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc mà những trại viên dự trại sau này trở thành những cây bút chủ lực: Cao Duy Sơn, Hữu Tiến, Hồ Thủy Giang, Đoàn Thị Ký, Cao Xuân Thái, Thái Sinh… Ở trại chúng tôi được nghe các nhà thơ Xuân Diệu, Nông Quốc Chấn, các nhà văn Nguyễn Thành Long, Lê Lựu, Vương Trí Nhàn… truyền nghề. Kỷ niệm ngày ấy ở Tuyên Quang vẫn chưa hề cũ. Năm 2011, Hữu Thỉnh tặng tôi cuốn Lý do của hy vọng - Nhà xuất bản Hội nhà văn 2010 “Thân quí tặng Hoàng Quảng Uyên, với những kỷ niệm đẹp của tình bạn, tình thơ từ Tuyên Quang dạo ấy”.

Là Tổng thư ký (sau đó là Chủ tịch Hội nhà văn) từ những năm 2000 (Đại hội VI), nhà thơ Hữu Thỉnh đã cùng Ban chấp hành Hội nhà văn lèo lái con thuyền văn học trên nhiều sóng gió. Bản lĩnh, tầm nhìn đã giúp nhà thơ Hữu Thỉnh nâng tầm vị thế, tạo ra những đóng góp xứng đáng cho văn học nước nhà. Cuối năm 1989, Tuần báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam “khủng hoảng” Tổng biên tập, Hữu Thỉnh khi đó là phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội (hàm Trung tá) được điều về, đứng đầu một hội đồng biên tập gồm 7 thành viên, cầm trịch báo Văn nghệ. Đó quả là một cơn sóng dữ ở Tuần báo Văn nghệ. Hữu Thỉnh với uy tín văn chương, lòng tận tâm và trách nhiệm công dân cao cả đã đưa con tàu Tuần báo Văn nghệ - Đè trên sóng dữ, lướt trên đại dương mênh mông. Sau này, ông là Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ nhiều năm, nhiều khóa. Ngay cả khi đã là Tổng thư ký, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam ông vẫn giữ chân Tổng biên tập. Có chút gì đó… sai sai. Nhưng lại được hiện thực xác nhận!.

Rồi Hữu Thỉnh vào Đại biểu Quốc hội (2 khóa). Công việc chất nặng lên vai ông. Đi họp nhiều, phát biểu nhiều, viết nhiều “chính trị” (ký là Ngôn Thanh) nhưng Hữu Thỉnh không biến mình thành một ông quan văn cao đạo, răn dạy. Giới Văn chương quí ông, tin ông về điều cốt lõi ấy nên ông vẫn luôn nhận được tín nhiệm cao.

Ở Hội nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh dường như “đi nhiều trên dây” trong hành xử, trong giải quyết công việc, chỉ cần lệch chút xíu về bên nào là lập tức ngã nhào!. Không ba phải, gật gù. Ông tỉnh táo, công tâm, trách nhiệm quyết đoán đưa ra những cách giải quyết đúng, kết luận đúng nhất.

Trong rất nhiều công việc, nhà thơ Hữu Thỉnh có sự nhìn nhận lại lịch sử Văn học với cái nhìn nhân văn, tôn trọng lịch sử. Hội nhà văn đã khôi phục tư cách hội viên, đề nghị xét tặng các giải thưởng của nhà nước cho những nhà văn, nhà thơ (Các nhà văn Lan Khai, Vũ Đình Văn, Vũ Bằng, Huỳnh Văn Nghệ, Cầm Giang, Phùng Khắc Bắc, Trương Tửu). Một số nhà văn, nhà thơ được truy tặng giải thưởng nhà nước như nhà thơ Thâm Tâm, Trần Đăng, Vũ Bằng, Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh…

Trong những nhà văn, nhà thơ trên, đặc biệt có nhà thơ Cầm Giang. Nhà thơ họ Cầm, ắt hẳn là Người thơ dân tộc Thái (Tây Bắc). Không một ai nghi ngờ về điều đó! Cuối năm 1999, khi đó tôi làm ở Báo Văn nghệ “nghe tin” nhà thơ Cầm Giang sống ở quê - Xã Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Phúc. Tôi xin phép Tổng biên tập về Vĩnh Phúc “khảo sát”. Đến quê ông tìm hiểu, tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết rằng Cầm Giang là người dân tộc Kinh (tên là Lê Gia Hợp) quê Thanh Hóa! Ông là người làm thơ từ những năm 1950. Có những bài nổi tiếng: Núi Mường Hung - Dòng sông MãEm TắmNhớ Vợ… Ông cũng là người tham dự Đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957.

Sau chuyến đi ấy tôi viết bài Ẩn số Cầm Giang - Giải mã cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của ông. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, nhà thơ Hữu Việt làm ở báo Tiền phong chủ nhật cho in vào số đầu năm 2000. Sau đó tôi có viết hẳn một cuốn sách vẫn tên là Ẩn số Cầm Giang và làm phim Ẩn số Cầm Giang với VTV1. Và tôi rất mừng, 10 năm sau, năm 2010, Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam ra quyết định công nhận 6 nhà văn có đóng góp cho nền văn học Việt Nam đã mất là hội viên Hội nhà văn Việt Nam (trong danh sách có tên nhà thơ Cầm Giang).

Với các nhà thơ, nhà văn bậc trưởng lão nhà thơ Hữu Thỉnh đã chăm sóc, lắng nghe, giải quyết thật có lý, có tình. Những bài viết của ông về các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Anh Thơ, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoài Thanh… (In trong cuốn Lý do của hy vọng), không chỉ là những trang ghi lại tiểu sử và đóng góp của các vị với nền văn học nước nhà mà cao hơn là tình người, nhân cách và lối ứng xử về nhân tình thế thái. Không chỉ thấy văn hay, chỉ thấy đời mà Văn và Đời trở thành hai thực thể gắn kết. Chính vì thế đọc những trang văn này của Hữu Thỉnh ta thấy cảm động thực sự và đặc biệt là nhiều ngẫm ngợi về con người và cuộc đời.

Dường như có sự liền mạch, khi nhà thơ Hữu Thỉnh viết điếu văn các vị lãnh đạo hội. Trong cả việc này, Hữu Thỉnh đã dành hết trách nhiệm, dành hết tình cảm và lòng quí trọng cho những nhà thơ, nhà văn lãnh đạo Hội Nhà văn trong những câu văn sang trọng vượt thoát ra khỏi lối điếu văn truyền thống, trở thành những áng văn tuyệt mỹ. Có người đã nói không hề bông phèng: “Nếu tập hợp các bài điếu văn của Hữu Thỉnh viết in thành một tập sẽ có một tập sách hay!”.

Nhân đây, nói về việc Hội Nhà văn Việt Nam “quản” các cơ sở vật chất như số 9 Nguyễn Đình Chiểu, số 65 Nguyễn Du, số 17 Trần Quốc Toản và đặc biệt là khu Sáng tác Quảng Bá (275 đường Âu Cơ - Tây Hồ). Khu Quảng bá là khu đất rộng, trên đó có vườn cây, vài căn nhà nhỏ trải qua nhiều đời lãnh đạo, đất dần thu hẹp, bị lấn chiếm. Cuộc giữ đất này cam go bắt đầu từ sau năm 2000, để sau đó khi xác định được ranh giới cắm mốc thì đất Quảng Bá đã mất gần một nửa! Trên phần đất còn lại Hội Nhà văn Việt Nam đã xây dựng nên Bảo tàng Văn học Việt Nam bề thế. Đó là công cuộc xây dựng mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành trong lặng lẽ, không phô trương ghi nhận sự đóng góp của các nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân…

*

Cũng đã lan man rồi khi viết về Hữu Thỉnh mà kể lể về cơm, áo, gạo, tiền… Của Hội nhà văn!. Nhưng đó là một thực thể không thể thiếu… Điều mà không ai không công nhận là sức làm việc của Hữu Thỉnh là ghê gớm. Là Chủ tịch Hội nhà văn lại được giao thêm chức Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Ông làm việc hai nơi, chạy đi chạy lại. Có lúc tưởng như sức khỏe sẽ tự hạ gục ông nhưng ông vẫn vững vàng, mê mải. Ngày làm việc của ông không chỉ 8 tiếng. Căn phòng Chủ tịch Hội nhà văn ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu hầu như không vắng khách. Giải quyết sự vụ lớn nhỏ, tiếp khách văn, lãnh đạo văn nghệ địa phương… Ai cũng hài lòng, ai cũng vui vẻ. Không chỉ làm việc ở văn phòng ông còn làm việc trên máy bay, trên những chuyến công tác. “Khi quay ra, anh Trần Hoàn gọi tôi đến gần và nói: Em viết điếu văn anh Thi đi, tôi phóng vội ra sân bay và là hành khách cuối cùng bước lên máy bay. Ngồi yên chỗ, tôi gạt mồ hôi và nước mắt bóc tấm bàn trước mặt ngồi viết” (Lý do của hy vọng - Trang 227).

Có cảm giác như… Không phải cảm giác mà là thực tế - Hữu Thỉnh lúc nào cũng thiếu thời gian, một thời gian được chia tách rạch ròi: “Buổi sáng lo kiếm sống/ Buổi chiều tìm công danh/ Buổi tối đem trí khôn ra mài dũa”. Công việc, sự nghiệp, công danh đuổi nhau, giành giật, chen lấn. cần thời gian thương lượng sắp xếp lại! Nói thương lượng với thời gian chỉ là cách nói hình tượng cũng như nói “Sự mất ngủ của lửa”. Thương lượng kiểu gì đây? “Tỉnh thức/ Những hàng cây bật khóc!”.

Thơ Hữu Thỉnh gắn với số phận của nhân dân, đất nước, với những thăng trầm, đổi thay từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến chiến tranh biên giới và sau thống nhất đất nước, với giọng thơ tinh tế nhiều gợi mở. Thơ nhiều hàm lượng trí tuệ mà không cứng, không thô. Ông là người có thành tựu và sức bền ở thể loại Trường Ca: Sức bền của đấtĐường tới thành phốTrường ca BiểnTrăng Tân Trào… Những tác phẩm được sáng tạo với tư duy mạnh, có tính thời đại bên cạnh những yếu tố trữ tình. Giọng thơ tinh tế, trữ tình hồn hậu đã làm nên những phẩm chất thơ ông. Những câu thơ ám ảnh, neo đậu trong người đọc trong nhiều bài: Thư Mùa ĐôngSang Thu, Phan Thiết Có Anh Tôi, Trường Ca Trăng Tân Trào

Nhà thơ Hữu Thỉnh luôn trăn trở: “Chúng ta còn mắc nợ nhân dân về những tác phẩm xuất sắc viết về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, về những người anh hùng của nhân dân. Hội nhà văn phải cảm ơn những tác phẩm xuất sắc về đề tài đó đóng góp cho nền văn học nước nhà”.

Và chính ông với Trường Ca Trăng Tân Trào (Giải A - Cuộc vận động sáng tác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - 2020) đã là việc trả ơn. Tác giả chọn một khoảnh khắc thời gian làm nền, làm bối cảnh, ấy là những ngày ở Tân Trào, tháng 8 năm 1945, chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Bác Hồ ốm nặng, Người đã trăng trối: “Lúc này thời cơ đã đến, dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Trong những ngày đen tối ấy, Người đã được đồng chí, đồng bào địa phương chăm sóc, cứu chữa. May thay vận nước vẫn còn. Một ông lang người dân tộc - Người trời - Đã đem thuốc đến kịp cứu Người - Tác phẩm nói về một khúc đoạn của cả một hành trình giải phóng dân tộc mà nói được cả một hành trình với những gian khổ, đớn đau và vật vã:

Linh hồn của tự do

Thở dồn, trong lán cỏ

Chí lớn thu giang sơn

Dấu mình trong tre nứa.

Đặc biệt trong Trường Ca này, Hữu Thỉnh chọn thể thơ 5 chữ - Với lối viết mộc như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Với Trường Ca Trăng Tân Trào, Hữu Thỉnh lại chọn một lối viết mộc - Câu thơ cũng mộc với một hiện thực dường như nguyên bản. Hiện thực là âm hưởng chủ đạo của Trường Ca này. Những người quen với bút pháp thơ Hữu Thỉnh có lẽ sẽ thấy ngỡ ngàng. Hữu Thỉnh chọn lối viết mộc, có lẽ là cách tốt nhất để tiếp cận với một cuộc đời, tâm hồn cao đẹp và tư tưởng vĩ đại của Bác”.

Hữu Thỉnh đã khởi bút cho tác phẩm này mùa thu 2015, hoàn thành đầu Xuân năm 2017, bổ xung và sửa chữa tháng 8/2019. Có thành công nhưng trong thâm tâm nhà thơ thấy chưa thật sự ưng thuận và cảm thấy vẫn còn mắc nợ.

Nhân đây xin nói thêm một chút về đề tài cách mạng! Năm 2006, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cấp một phần kinh phí và giấy giới thiệu cử tôi làm Đặc phái viên Hội nhà văn Việt Nam thực hiện chuyến khảo sát “Hành trình Nhật Ký Trong Tù” theo chân Bác qua 13 huyện, 18 nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc) để tìm hiểu những năm tháng Bác Hồ bị tù đầy - Thời gian ra đời kiệt tác Nhật Ký Trong Tù. Tôi đã có nhiều cuộc làm việc với các giáo sư Hoàng Tranh - Viện phó Viện khoa học xã hội Quảng Tây; Phó giáo sư Nông Lập Phu - Viện trưởng Viện Đông Nam Á; Phó giáo sư Ôn Kỳ Châu - Giám đốc nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Liễu Châu; Nhà văn Phùng Nghệ - Chủ tịch Hội Nhà văn Quảng Tây… Những tư liệu, những kiến giải tôi thu nhận được từ chuyến công tác đặc biệt ấy sau này được Hội Nhà văn Việt Nam thu nhận và lưu tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Cũng nhờ chuyến đi ấy tôi có thêm nhiều tư liệu, nhiều cảm hứng viết bộ tiểu thuyết 3 tập: Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Hội nhà văn - 2019. Kỷ niệm sâu đậm ấy vẫn còn đây.

Viết về nhà thơ Hữu Thỉnh nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đã viết. “Để có thể nói được đầy đủ về Hữu Thỉnh, ở cả ba bài, tôi đều tìm đến ba khu vực, cả 3 anh để lại nhiều dấu ấn: Đó là nhà quản lý, nhà lý luận và nhà thơ!” (Hữu Thỉnh - Những bộ ba ấn tượng - Giáo sư Phong Lê). Đó là một hành trình tự nhiên. Với tôi, một nhà văn sinh hoạt trong Hội nhà văn Việt Nam chỉ kể lại và luận về con người và thơ Hữu Thỉnh. Có thể là nhiều vụn vặt để nhìn nhận về một con người tôi yêu quí và kính trọng, góp thêm những cảm nhận hoàn thiện một tài năng thơ, một nhà lý luận Văn nghệ, một nhà quản lý văn học có nhiều đóng góp lớn trên mặt trận Văn hóa Nghệ thuật của nước nhà.

Giờ thì anh đã nghỉ việc chỉ còn nồng nàn với thơ. Với đời. Với tỉnh thức. Với những hàng cây bật khóc!. Nhà thơ Hữu Thỉnh với những đóng góp của mình trong Tiến trình văn học sẽ vẫn tiếp tục được khám phá, ghi nhận ở tầm cao hơn. Thời gian chính là người đánh giá chính xác nhất, quyền lực nhất.         

Hoàng Quảng Uyên

Nguồn Văn nghệ số 39/2023


Có thể bạn quan tâm