April 27, 2024, 10:25 pm

Đời cây, đời người…

Mấy mươi năm về trước, thuở chúng tôi học lớp hai, lớp ba trường xã là đã biết tham gia Tết trồng cây do nhà trường phát động. Tết ấy thường vào ngày mùng năm tháng Giêng âm lịch. Những cây non gầy guộc bé xíu như ngón tay trẻ con được chúng tôi sưu tầm từ những vạt đồi hoang, những rộc ruộng hay khe suối, nơi con chim chén quả thả hạt xuống và mọc lên. Chúng tôi thường bứng lên đem về nhà từ trước tết, giâm xuống một góc vườn nào nào đó gần nguồn nước và tưới cho chúng. Sáng mùng năm, mỗi đứa mang theo từ 3 đến 5 cây con ấy đến trường. Thường thì bọn trẻ con chọn những loại cây gọn gàng, dễ kiếm để còn mang đi suốt mấy cây số đường đất đá sỏi và dốc cao mà không bị trầy vỏ, gãy rễ. Đấy là những cây trẩu, cây xoan, cây quế, cây mít, cây bạch đàn... Đi kèm với cây là xô chậu, cuốc, thuổng, nan rào, dao, lạt buộc... Chúng tôi cắt cử nhau mang đi, người thứ này người thứ kia…

Trường cấp một của chúng tôi ở trên đỉnh một quả đồi, dốc lên cao vọi đầy đá cuội, mưa lũ tạo ra những vết xói trơ đầy đá sắc khiến đứa nào đứa ấy mặt đỏ phừng phừng mà chân vẫn cứng lại vì rét. Ngày xưa, tết sao mà rét thế không biết. Khi được cô giáo chủ nhiệm phân công khu vực trồng cây của lớp mình trong vườn trường, bọn tôi nhìn thấy những vạt cỏ tranh cằn cỗi, lại nhìn những cây non trứng nước mà ái ngại. Những cái đầu trẻ con khi ấy chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc trồng cây là như thế nào. Bác Hồ bảo trồng cây đầu năm là tốt thì hẳn là tốt rồi. Chúng tôi đi xin nước giếng đổ xuống đất cho mềm rồi dùng thuổng đào những cái hố nhỏ có đường kính khoảng ba gang tay trẻ con, sâu độ tầm thước kẻ học sinh, sau đó đặt cây xuống, cho đất vụn dầm chặt xung quanh cây, cắm một cái que nhỏ cứng, thẳng sát với thân cây, lấy lạt tre buộc lại, để cây con nương vào, tránh bị đổ, rồi tưới nước, chẻ nan tre, rào xung quanh…

Khoảng một tuần sau, trong giờ chơi, chúng tôi kéo nhau ra vườn trường thăm cây mình trồng. Kỳ lạ chưa, cây nào cũng bật chồi, khoan khoái rung rinh trong làn mưa xuân. Chúng tôi vội vàng thò tay cởi mối lạt buộc vì sợ cây lớn lên sẽ bị lạt cứa vào vỏ. Kỳ thực, chỉ sau ít thời gian nắng mưa, lạt sẽ tự đứt. Nhưng mà bọn trẻ con thì cứ nghĩ thế. Rồi thi thoảng lại chạy ra xem cây lớn chưa. Cái niềm hạnh phúc của một đứa trẻ lần đầu tạo ra một nguồn xanh, một đời cây trên mảnh đất cằn cỗi nhưng là ngôi trường thân thương gắn bó của mình thì thật là khó tả. Mọi lời giáo huấn, giảng giải của cha mẹ, thầy cô có thể đã trôi hết từ lâu nhưng cảm xúc bên những mầm xanh thì còn đọng mãi… Càng lớn lên, những cây con chúng tôi trồng vào mỗi dịp tết cũng lớn hơn. Nó có thể là những cây xoan có thân cao hơn đầu chúng tôi và những bộ rễ rất lớn chúng tôi phải cuộn lại để mang đi cho thuận tiện. Những cái hố trồng cây rộng hơn, sâu hơn, đến tận đầu gối. Nhưng tuyệt đối không phải là những cái cây to bằng bắp đùi người lớn hay những cái cây cổ thụ mà sau này tôi được nhìn thấy trong những tết trồng cây của cán bộ, lãnh đạo một số cơ quan, đoàn thể… Và chúng tôi cũng dần quen với cảnh những buổi lễ trồng cây long trọng. Loa đài tưng bừng, trống giong cờ mở, biểu ngữ khẩu hiệu rất là khí thế. Số người tham gia trồng cây nhiều hơn số cây được trồng. Thậm chí số tuổi của cây được trồng ngang ngửa hoặc lớn gấp đôi gấp ba số tuổi của người trồng cây. Có những ngày lễ trồng cây được tổ chức như một sự kiện có quy mô hoành tráng. Người ta phải dùng xe đầu kéo kèm theo nhiều nhân lực chở những cái cây rất lớn, cành lá bị cắt trụi đến khu vực trồng cây. Ở đó, có những cái hố to sâu hoắm mà máy múc đào sẵn xuống tận đất cái. Rồi máy cũng làm nốt công đoạn hạ cây xuống hố. Những người tham gia trồng cây thì quầng áo sang trọng, chân giày da bóng loáng, xếp vòng tròn quanh cây, tay cầm xẻng, mỗi người xúc vài xẻng đất lấp vào cái hố theo kiểu thủ tục. Sau đó những người khác cầm ô roa tưới cây, nước tưới cây cũng là nước máy. Cái cây vừa trồng xuống đã có cơ số tuổi làm vốn và đeo lủng lẳng trên thân một cái bảng ghi tên, ghi ngày, ghi đơn vị, người trồng... Trồng cây như thế vừa nhàn hạ, vừa nhanh chóng, phù hợp với xu thế chung của thời đại, máy móc và người cùng trồng. Nhưng thú thật, cái sự trồng cây ấy không tạo ra một cảm xúc nào cả. Bởi vì, suy cho cùng, nếu trồng cây như thế, đồng nghĩa với việc không có cái cây nào được trồng thêm trên mặt đất này cả. Chỉ là “điều chuyển” cây từ vùng này đến vùng khác, từ vườn này đến vườn khác. Trồng những cái cây đã sắp hết một vòng đời thì thứ thu được sẽ là sự thui chột chứ không phải là bóng râm hay tiếng chim hót. Chả thế mà cái cây vừa trồng xuống vài năm đã bị gió quật đổ, bộc gốc, bong rễ…

Những năm gần đây, cái bệnh hình thức, phong trào có vẻ như đã thuyên giảm. Đã tới lúc con người dũng cảm gạt ra những thứ rườm rà, vô bổ để dành chỗ cho những chân giá trị. Ở thời điểm này, chân giá trị của con người nằm trong cách ứng xử với những vấn đề lớn của toàn cầu, những mối quan tâm lớn của toàn nhân loại. Mà một trong số những vấn đề lớn đó chính là biến đổi khí hậu. Ai cũng biết, nguyên nhân của biến đổi khí hậu chính là do lượng khí thải quá lớn. Khí thải lớn gây ra hiệu ứng nhà kính bao trùm trái đất. Hiệu ứng nhà kính giữ lại nhiệt của mặt trời và tăng lên không ngừng. Thế giới đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử được ghi lại. Có rất nhiều biện pháp bắt buộc và khuyến cáo để giảm lượng khí thải đã và đang ráo rốt tiến hành, trong đó có biện pháp ở ngay trong tầm tay của người Việt, một dân tộc từng có nghề sản xuất nông nghiệp lâu đời. Vào đầu năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt đề án trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn này tới cuối 2025. Trong đó khoảng 2/3 số cây trồng tại các khu đô thị và các vùng nông thôn. Phần còn lại trồng tập trung ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và lâm trường. Mục đích hướng tới của đề án này là bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất và bảo vệ cảnh quan. Đề án nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể. Tuy nhiên, vẫn còn khá là cồng kềnh về hình thức. Nhớ ơn Bác Hồ, trồng cây theo khởi xướng của Bác: “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” thì nên học luôn tác phong sống và làm việc giản dị của Bác mà trồng, sao phải rườm rà? Sáu chục năm đã qua đi kể từ cái tết trồng cây đầu tiên tới giờ, nếu chúng ta duy trì đều đặn theo cái cách mà chúng ta từng làm thì đã hạn chế được bao nhiêu điều đáng tiếc. Tám tuổi tôi đã được cô giáo hướng dẫn trồng cây trong vườn trường. Nhưng hoạt động ấy chỉ diễn ra trong khoảng mười năm sau đó. Còn ba chục năm nay, tôi không đóng góp vào môi trường hay cảnh quan thêm bất cứ một bóng râm nào nữa. Những trưa hè, trên đường nhựa bỏng rẫy tôi vẫn ao ước được dừng chân dưới một bóng mát, tận hưởng gió trời. Tôi vẫn thường ca thán nếu thấy những đoạn phố xá trơ trọi không bóng cây. Nhưng tôi không làm gì cả suốt ba chục năm nay. Và có rất nhiều người như tôi (!)

Vì thế, tôi ủng hộ đề án trồng một tỷ cây xanh của nhà nước. Tôi muốn đề án này được phổ biến rộng rãi đến từng khu dân cư, trường học, bệnh viện, các công trình dân sinh... để đông đảo các tầng lớp dân cư tham gia như ngày xưa, làm xanh chính ngôi nhà chúng ta đang sống, nơi chúng ta học tập, làm việc. Chúng ta cùng nhau chung tay biến một triết lý nhân sinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh thành một thực tiễn giàu tính thời đại. Và người hưởng lợi là chính chúng ta và con cháu chúng ta. Mỗi ban mai thức giấc, mở cánh cửa ra, không khí tràn vào nhà, không khí ấy trong sạch hay ô nhiễm đều do chúng ta cả thôi…

Nhà văn Tống Ngọc Hân

Nguồn Văn nghệ số 7/2023


Có thể bạn quan tâm