May 5, 2024, 11:09 pm

Đọc Yêu dấu của Toni Morrison

1. Nhà văn Nga Mikhail Prishvin từng có một suy tư làm tôi ngỡ ngàng vì độ sâu sắc của nó. Ông bảo, chúng ta vẫn hay nghĩ trên đời này còn có gì xinh đẹp hơn, tự do hơn một chú chim.

Ta vẫn ngước nhìn với niềm ngưỡng vọng hình ảnh một con chim sải cánh giữa bầu trời khoáng đạt kia như là sự phóng chiếu của khát khao lớn nhất trong ta. Nhưng có ai để ý rằng dưới đôi cánh của con chim ấy là những chỗ sưng u đau đớn. Tự do, để có nó, phải trải qua đau đớn, phải chấp nhận giá của nó luôn là cái giá nghiệt ngã nhất. Và bởi thế lựa chọn tự do của con người luôn là sự lựa chọn nhọc nhằn và đồng thời cao cả hơn hết thảy.

Văn chương không chỉ ngợi ca tự do, nó tìm cách để ta thấy được nỗi đau đớn để được tự  do và cả sự can đảm tột cùng khi dám đau đớn, thậm chí, dám chết, để tự do.

2. Có đến ba bản dịch Beloved (1988) của Toni Morrison ở Việt Nam với cách đặt tựa khác nhau ít nhiều: Người yêu dấu (bản dịch sớm nhất, của Nguyễn Hải Hà - Nguyễn Thanh Tâm), Thương (bản dịch của Hồ Như) và Yêu dấu (bản dịch của Thiên Nga). Đáng ra sự xuất hiện của bà ở Việt Nam cũng là một đề tài thú vị cho giới nghiên cứu: hình ảnh người da đen trong văn chương Mỹ được dịch, được dẫn nhập như thế nào vào trong ngữ cảnh Việt Nam hẳn hàm chứa những tự sự nhỏ, thú vị, và đương nhiên phức tạp, về cách mà người Việt chúng ta hình dung về lịch sử nước Mỹ. Nhưng câu chuyện học thuật luôn là câu chuyện không thể nói đôi ba câu trên mạng là xong xuôi.

Ở lần đọc lại thứ hai cuốn tiểu thuyết này, sau khi nghe tin nhà văn qua đời, tôi mới thật sự có cảm xúc về nó, chứ không chỉ dừng lại ở việc có thêm một ý niệm về Toni Morrison. Beloved là thứ văn chương coi việc gây nhức nhối cho người đọc là trách nhiệm của nó. Nó là thứ văn chương nhìn thấy những tình huống khốc liệt nhất mà con người - hay đúng hơn, theo tôi nghĩ, việc làm người - bị đặt vào. Ở trong tác phẩm này, câu hỏi đó không phải là sự lựa chọn giữa sống và chết, cũng không phải là sự lựa chọn giữa việc phải sống thế nào - xét đến cùng, khi còn bị đối diện với những câu hỏi như thế, con người còn chưa bị chạm đến đáy của sự thống khổ của việc làm người. Câu hỏi đặt ra ở đây, cay đắng hơn nhiều, bởi nó là câu hỏi về sự lựa chọn “Con người được chết như thế nào?” Nói như lời của Sethe - nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết - với đứa con gái mà chị từng giết: “Nếu mẹ không giết con thì con sẽ chết ra sao?” Câu hỏi nghịch lý ấy là câu hỏi buốt nhói nhất khi tôi đọc Beloved, ở cả lần thứ nhất lẫn lần thứ hai này.

3. Beloved, như chia sẻ của Toni Morrison, là cuốn tiểu thuyết khởi sinh từ nỗi ám ảnh của nhà văn về một câu chuyện có thật, về Margaret Garner, một người phụ nữ da đen đã giết chết con gái mình còn hơn để nó quay trở lại với thân phận nô lệ. Câu chuyện có thật rất khốc liệt này là chất liệu để văn chương đặt ra câu hỏi về khả năng cảm thông của chúng ta. Và câu hỏi mà Beloved buộc độc giả của mình phải đối diện là câu hỏi không hề dễ dãi. Cả trong Mắt biếc (The Bluest Eye) và Beloved - hai cuốn tiểu thuyết của Toni Morrison được dịch ở Việt Nam tính đến thời điểm này - đều cho thấy Morrison là ngòi bút lách rất sâu vào những mặc cảm tội lỗi của con người: những ám ảnh, những sự rối trí, sự kiệt quệ khi con người không thể cắt đứt quá khứ để sống trong hiện tại. Nỗi quằn quại khổ đau ấy là trạng thái vực thẳm tinh thần mà Morrison không cho phép ngòi bút của mình được khoan nhượng. Và nghệ thuật kể chuyện của bà còn phức tạp hơn những gì tưởng như đã rất hợp lý trong kết luận của tòa án về vụ việc của Garner, theo đó, việc Garner được miễn tội trong vụ giết đứa con hàm ý bà đã bị xử không phải như một con người kèm theo những trách nhiệm của mình. Nhưng thực chất khó có thể coi đó là một phiên tòa công lý bởi xét đến cùng, dù thế nào Garner cũng chết: “chết sớm như một kẻ giết người hoặc chết chậm như một nô lệ bị đối xử tàn ác” (trích Nguồn gốc của ngoại tộc, Toni Morrison, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Tiến Văn, Tao Đàn, & Nxb Hội Nhà văn, 2018). Phiên tòa ấy, trên thực tế, cũng ném trả Garner về lại kiếp sống nô lệ cho đến khi bà bị qua đời vì bệnh thương hàn vào năm 1858. Điều mà Morrison muốn làm gợn lên ở người đọc còn là liệu có chăng khả năng cảm thông nào dành cho Beloved - đứa bé bị giết chết, quay trở lại ám mẹ nó, vắt kiệt mẹ nó, và bị cộng đồng da đen ấy nhìn như một hình tượng nghịch dị, một con quỷ “trần truồng”, “khoác lấy hình hài của một phụ nữ có thai”, “mỉm cười tươi rói”…

Nhưng Beloved không chỉ là một tác phẩm đào sâu vào thế giới tinh thần của những thân phận thống khổ. Điều làm nó là cuốn tiểu thuyết đáng để đọc lại để nghĩ cùng với những câu hỏi mà Toni Morrison nêu lên thông qua số phận của Sethe đấy chính là sự chất vấn lịch sử. Nước Mỹ vốn được hình dung là xứ tự do, song thứ tự do đã trở thành biểu tượng của đất nước này phải chăng luôn làm mờ đi những dấu tích bạo lực trong lịch sử đã hằn lên thân phận người da đen? Như tấm lưng của Sethe mà trên đó những vết đòn roi tra tấn đã tượng hình thành một cái cây kỳ lạ. Có một thứ mà cái giá trị của văn hóa trung tâm luôn cố gắng tích trữ và bơm vào tâm trí của con người hiện thời, nhờ đó, những bóng ma của quá khứ có thể bị đuổi xua, bị gạt mãi ra bên lề là sự quên lãng. Tiểu thuyết của Toni Morrison làm tôi nhớ đến Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie khi cả hai tác phẩm đều chia sẻ nỗi lo âu trước nguy cơ lịch sử bị giản lược bởi sự lãng quên. Tiểu thuyết, trong tình thế này, phải coi chống quên lãng như một trách nhiệm của mình.

Sự kéo dài của tình trạng phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ cho đến giữa thế kỷ XX và việc bạo lực tái phát từ nguyên nhân này trong những năm gần đây cho thấy đây chính là vết thương chưa bao giờ được chữa lành trong lịch sử quốc gia này. Trong Nguồn gốc của ngoại tộc - cuốn tiểu luận của Morrison được dịch sang tiếng Việt gần đây, có thể thấy rõ hơn cái nhìn thấu đáo của nhà văn về một “truyền thống” phi nhân hóa “kẻ khác” là nguồn cơn của bạo lực được duy trì trên đất nước vốn được xem là biểu tượng của quốc gia tự do. Thiết nghĩ, với Beloved, Toni Morrison đã không chỉ đứng ngoài các đại tự sự về lịch sử quốc gia, bà còn điềm tĩnh tách khỏi đại tự sự của cộng đồng da đen về lịch sử của mình. Không phải vô cớ, Beloved - tên của đứa bé bị mẹ giết, hồn ma ấy mới trở thành tên của cuốn tiểu thuyết, thay vì Sethe - nhân vật có nguyên mẫu trong lịch sử. Câu chuyện về Beloved có thể cũng bị cộng đồng da đen lãng quên như một cơn ác mộng cần phải quên, song nhà tiểu thuyết vẫn phải là kẻ điềm tĩnh hơn cả. Để trụ lại. Nhìn xuyên qua cơn ác mộng ấy. Lắng nghe một tiếng nói có vẻ như rất dễ chìm dần theo thời gian. Một tiếng nói cầu xin một nụ hôn. Cho Yêu Dấu.

Hà Ngọc Hiếu

Nguồn Văn nghệ số 16/2024

 


Có thể bạn quan tâm