April 29, 2024, 1:35 am

Đọc sách cũng phải… nêu gương

Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra một kết quả khảo sát gây sốc cho những người quan tâm chữ nghĩa - dù với cá nhân tôi thì con số ấy chẳng gây ngạc nhiên chút nào - ấy là trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách một năm.

Dẫu không sốc vì tình trạng ấy tôi trăn trở đã lâu, nhưng con số trên đây khiến tôi nhớ lại những lần đi họp phụ huynh, hồi con gái tôi còn ở tiểu học. Điều mà phụ huynh nào cũng trăn trở, thậm chí là cầu cứu và đổ lỗi cho thầy cô và nhà trường là làm thế nào để con cái họ cải thiện được môn văn. Chỉ cần “cải thiện” thôi, chứ chưa dám mơ là “học giỏi” môn văn. Để dẫn chứng minh họa, từng phụ huynh đứng lên tự đọc một trích đoạn bài tập làm văn của ông con quý tử hoặc cô tiểu thư bé nhỏ nhà mình. Đó đều là văn tả người hoặc tả vật, đại loại là “Con lợn nhà em có cái lỗ mũi giống chiếc phích cắm điện”, “Con mèo nhà em to bằng quyển vở”, “Con chó nhà em to bằng cái chuồng chó”… Hoảng hồn hơn nữa là “mặt cô giáo em trắng như cái chậu nhựa nhà em”. Vân vân và vân vân…

Cô giáo luống cuống, dài dòng trình bày về các phương pháp dạy văn tiên tiến đã được ứng dụng thế nào và lòng nhiệt tình với học trò đã được áp dụng ra sao. Vân vân và vân vân…

Hôm ấy, tôi cũng có một phát biểu ngắn gọn: “Giáo trình dạy văn chỉ là nền tảng thôi, các con không thể tiến bộ môn văn nếu không đọc sách”. Cả cô giáo lẫn phụ huynh đều lặng im. Tôi rất không muốn nói một câu tiếp theo rằng “mà muốn các con chăm đọc sách, không còn cách nào khác là cả thầy cô lẫn cha mẹ đều phải chăm đọc sách”. Nếu như thầy cô và cha mẹ khả kính đều chẳng đọc sách bao giờ, mà lại yêu cầu con phải chăm đọc sách và giỏi môn văn thì thực phi lý. Trẻ em, đa phần vốn ham chơi và lười nhiều thứ, trong đó có đọc sách. Trừ một vài đứa trẻ đặc biệt có thiên hướng thích sách từ nhỏ, còn lại bản chất của con trẻ vốn hiếu động, ưa những trò chơi năng động náo hoạt, thay vì những công việc tĩnh như đọc sách. Mà đọc sách vốn là thói quen, rất khó để tìm thấy một đứa trẻ không bao giờ đọc lúc còn nhỏ mà khi trưởng thành lại có thể mê sách.

Có gì ngạc nhiên về một xã hội lười đọc sách khi mà những đối tượng lẽ ra cần phải đọc nhiều nhất là giáo viên dạy văn, nhà văn, nhà báo, giáo sư, tiến sĩ và giới tri thức nói chung… cũng còn lười biếng với sách, thì sao có thể đòi hỏi đại đồng công chúng và trẻ em mê sách cho được? Phần lớn các phụ huynh bạn bè tôi đều bày tỏ thái độ phiền muộn vì “chúng không thích đọc ấy chứ, thuyết phục cách nào cũng không. Thậm chí… thưởng tiền cũng không chịu đọc”. Bởi cha mẹ chúng có đọc sách bao giờ đâu. Một đứa trẻ chẳng mấy khi nhìn thấy người xung quanh đọc sách thì làm sao có ham muốn được bắt chước? Mà bắt chước lại là sở trường của con trẻ. Bernard Shaw đã bảo rằng: “Nguyên tắc là đừng bao giờ đưa cho đứa trẻ một cuốn sách mà chính bạn cũng không đọc”. Nhiều người không đọc sách nhưng lại rất thích đổ lỗi. Điều này còn tệ hơn cả việc không đọc sách của họ.

Lần nọ tôi tham gia một bữa tiệc nho nhỏ. Một cậu em trong nhóm hớn hở giới thiệu tôi với cô bạn của cậu, bằng một giọng đầy tự hào. Tôi chưa kịp kìm cậu lại thì cậu đã nhắc đến bút danh của tôi, điều mà tôi biết trước kết quả. Y rằng, cô bạn cậu sau vài giây ngơ ngác buột miệng quay sang, rất thực thà chứ không có ý công kích gì cả: “Sao em lại chưa nghe đến tên chị bao giờ nhỉ?”. Tôi hơi ngượng. Cậu em kia cũng ngượng. Mọi người trên bàn đều ngượng thay nên đâm ra cô ấy ngượng nốt đành nói một câu chữa cháy, nhưng cách chữa này thậm chí còn gây ngượng hơn cho người đối diện. “À, tại vì em không thích đọc văn học Việt Nam. Văn học Việt kể từ năm 1945 trở lại đây chẳng có gì đáng để đọc cả. Nên em chỉ đọc văn học nước ngoài”. Tôi cố gắng chữa ngượng cho cả đôi bên bằng cách đáp lời “Đọc văn học nước ngoài cũng hay mà. Chị cũng thích văn học Mỹ và châu Âu. Văn học nước ngoài thì em hay đọc của ai?”. Câu hỏi thiện chí không ngờ khiến cô ấy ngượng hơn vì lúng túng mãi chả nghĩ ra được, mãi sau mới ấp úng “em đọc nhiều quá nên tự dưng bây giờ chị hỏi em cũng không nhớ. À, em hay đọc… Harry Porter”.

Lại cũng giống như câu chuyện ông giáo sư người Việt nọ đi dự một hội thảo khoa học ở Matxcơva, thấy một đồng nghiệp quốc tịch Pháp tiến lại gần hỏi chuyện, ông luống cuống nhờ người bạn bên cạnh dịch hộ “Đúng là ngày xưa tôi từng đi du học nhưng lâu quá rồi không dùng tiếng Nga nên quên hết, vì phần nhiều tôi hay giao tiếp bằng tiếng Anh”. Người kia à lên áng chừng hiểu và thông cảm “Ồ không sao, chúng ta có thể nói chuyện bằng tiếng Anh thay vì tiếng Nga.” Câu tiếng Anh chuẩn xác ấy khiến vị giáo sư ta méo xệch một nụ cười.

Bàn về ích lợi của việc đọc sách có nhẽ là thừa, nhưng vấn đề là bây giờ rất nhiều người tự hào rằng chẳng cần đọc sách họ cũng vẫn có thể làm giàu và họ quay ra chế nhạo sách. Chúng ta đều biết chỉ số quan trọng nhất để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia không phải GDP mà là HDI là chỉ số phát triển con người. Đó là trung bình chung của ba tiêu chí: Sức khỏe (tuổi thọ) + Tri thức (tỷ lệ biết chữ) + Thu nhập (mức sống bình quân đầu người). Như vậy một con người cũng giống một quốc gia, nếu có tiền mà không tri thức và sức khỏe thì sẽ thành kẻ trọc phú èo uột, bởi những gì mà sách giáo khoa cung cấp không bao giờ là đủ.

“Một thế hệ không đọc sách là một thế hệ không có tương lai”, đó là bài viết của một kỹ sư người Ấn Độ được chia sẻ tràn ngập mạng xã hội. Số liệu của tổ chức World Culture Score cho thấy Ấn Độ là quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, với 10,7 giờ/tuần; tiếp theo là Thái Lan, Trung Quốc, Séc, Nga, Thụy Điển, Pháp, Hungary, Úc, Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc… Mặc dù người ngoại quốc thường mặc định Ấn Độ sở hữu những khu ổ chuột lớn nhất thế giới, nhưng tôi đã hai lần tham dự hội chợ sách quốc tế thường niên Kolkata, thì bận nào cũng hết sức kinh ngạc: Hội chợ sách diễn ra trong khuôn viên khổng lồ ở Salt Lake City, thu hút hàng ngàn ki-ốt sách từ khắp nơi trên thế giới và hàng triệu “mọt sách” ra vào tấp nập, ai cũng lễ mễ trên tay một túi sách đầy. Cần nhắc thêm, Ấn Độ cũng là một trong những vùng đất sinh ra nhiều tỷ phú nhất thế giới.

Ở các quốc gia phát triển, mỗi người dân đều đọc từ 20-60 cuốn sách một năm. Những đất nước được cả thế giới ngưỡng mộ và luôn được đưa vào làm dẫn chứng sinh động trong bộ sách “Quốc gia khởi nghiệp” là Nhật Bản, Singapore và Israel cũng luôn nằm trong top các quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi năm người Israel đọc đến 64 quyển sách, người Nhật 20 cuốn, người Singapore 14 cuốn. Theo một khảo sát mới đây của tổ chức nghiên cứu Research Bank, có đến hơn một nửa dân số Nhật bản đọc ít nhất một quyển sách mỗi tháng. Mặc dù trong kỷ nguyên mới, thế giới ngày càng đọc sách ít đi do văn hóa đọc đã bị chèn ép bởi văn hóa nghe nhìn và mạng xã hội, nhưng số lượng sách báo và tạp chí được phát hành tại Nhật Bản vẫn tăng dần đều. Đối với người Nhật và Israel, đọc sách giống như một truyền thống văn hóa, không chỉ giới tri thức mới đọc sách mà ngay cả… người vô gia cư và ăn xin cũng kè kè cuốn sách hay tờ báo.

Tôi không biết những người giàu Việt Nam phát triển gia sản theo cách nào, nhưng một công thức chung mà các tỷ phú thế giới đưa ra là họ dành rất nhiều thời gian để đọc sách. Tỷ phú Warren Buffett ước tính 80% thời gian trong ngày làm việc của ông được dành để đọc và suy ngẫm. Ông từng rất nổi tiếng với câu nói: “Tôi thường ngồi trong văn phòng của mình và đọc hầu như tất cả mọi ngày”. Chủ nhân của Microsoft cũng là một tín đồ của sách, thậm chí ông còn sở hữu một thư viện cá nhân hàng ngàn mét vuông. Bill Gates chia sẻ với giới truyền thông rằng: “Tôi thực sự đã có rất nhiều ước mơ khi còn là một đứa trẻ và không ít trong số đó đã trở thành hiện thực chính là nhờ tôi có cơ hội đọc rất nhiều”…

Nhà văn Di Li

Nguồn Văn nghệ số 8/2023


Có thể bạn quan tâm