April 27, 2024, 6:24 pm

Đọc lại những trang ghi chép …

Những trang ghi chép này của tôi ghi lại một số lần thăm hỏi các nhà văn cao tuổi cư trú tại thành phố Hà Nội.

Năm 1995

• Nhà thơ Chính Hữu vẫn ở phố “nhà binh” Lý Nam Đế. Căn nhà nép vào góc khuất của khu tập thể, thành thử ông được hưởng phần nào sự yên tĩnh. Phía trước sân có một khoảng đất hẹp chừng chục mét vuông có vẻ như là bỏ hoang, mọc lên khóm chuối và vài ba thứ cây cỏ, hoa dại. Chính Hữu thường thường đi dạo bên nép vườn xinh xinh này để thư giãn đầu óc hoặc suy nghĩ về thơ, về việc đời. Ông đã bước sang tuổi 68 nhưng trông vẫn còn khỏe. Nhà thơ sống cùng vợ và con trai (con duy nhất) đã ngoài ba mươi, chưa lập gia đình riêng. (Năm 1996, con trai ông bà đã cưới vợ). Tôi thấy ông vẫn như những lần gặp trước đây: trầm tĩnh, chừng mực, dễ gần. Tôi e ngại không dám hỏi về việc sáng tác vì biết ông viết và in ít, viết cẩn thận. Chính Hữu là nhà văn thuộc số những trường hợp hiếm, lạ và quí: suốt đời chỉ làm thơ, không hề viết một cái gì khác; số lượng bài thơ dồn lại cũng chỉ trên ba bốn chục, song, hầu như bài nào cũng đạt chất lượng nghệ thuật nhất định, một số tác phẩm trở thành dấu mốc nào đó, góp phần tôn vinh nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

• Tôi đến phố Nguyễn Thượng Hiền, bước lên tầng hai một căn nhà thân thuộc để thăm nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Bà đi vắng, chắc là ra chợ hoặc tìm thuốc men cho ông. Từ vài ba năm nay, mắt ông mờ hẳn. Năm 1995 này, khi đã 74 tuổi, ông in cuốn Thời đã qua - tản mạn đời văn (cuốn sách thứ mười, mới nhất). Ông phải nhờ cậy vợ và biên tập viên nhà xuất bản Hội Nhà văn giúp soạn thảo và đọc bản in thử. Đáp lại nỗi băn khoăn của tôi, ông cho biết:

- Mình đâu chỉ bị mắt, còn nhiều bệnh khác. Trời rét đau khớp lắm, đi lại khó khăn. Đúng là “mắt mờ, chân chậm”. Xem ti-vi tạm được nhưng không đọc, không viết được.

- Chị nhà khỏe, giúp anh được nhiều. Chắc là chị vẫn đấm bóp cho anh. Lương hưu của anh chị khó mà đủ cho việc chi tiêu mọi thứ. - Tôi đỡ lời anh.

- Vâng - anh nhìn thẳng vào tôi, giọng ấm áp và thân thiết - Bà ấy học được phương pháp chữa bệnh tốt, giúp mình đẩy lui bệnh tật được phần nào. Đã có bà ấy khỏe, bù lại cho mình, không thì nguy quá! Một người con trai mất, vợ chồng thiếu đi một chỗ dựa. Thằng út thì làm ăn kém, thỉnh thoảng bố mẹ còn phải cấp tiền. Con khác có giúp, nhưng chẳng được nhiều. Chỉ có hai vợ chồng với nhau, nhiều khi rất bất tiện. Bà ấy đi vắng, khi mình cần, thì nhờ ai? Muốn thuê người giúp việc, song, khó quá vì một là thiếu tiền, hai là nhà chật, ba là không an toàn.

Khi tôi hỏi đến quyển sách vừa in và việc sáng tác, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đặt bàn tay lên tay tôi:

- Nhuận bút được sáu trăm nghìn đồng. Thời gian gần đây, vợ mình không giúp mình đọc hoặc viết được mấy vì bà ấy bận nhiều việc cấp bách về cuộc sống gia đình và về sức khỏe của mình.

• Nhà văn Bùi Hiển trông nét mặt rạng rỡ, chắc có người không nghĩ rằng ông đã vừa bước sang tuổi bảy mươi bảy. Ông bận cho nên sau đến vài ba lần hẹn, tôi mới được đến tầng 4 một dãy nhà trong khu tập thể Trung Tự. Giá mà ông được ở tầng 2 như bên cấp nhà đã hứa khi nhà văn bắt đầu nghỉ hưu khoảng năm 1985, thì tốt quá. Thế mà ông lại nói vui rằng, người ta sai lời hứa thì mình lại có lợi: rèn luyện thân thể nhằm tăng tuổi thọ. Hai ông bà ở cùng con gái út chưa lập gia đình riêng. Tầng dưới có hai gia đình của hai con trai. Còn một người con trai nữa, đi bộ đội, ở lại miền Nam luôn rồi xây tổ ấm. Bà Bùi Hiển trước kia cũng làm việc ở cơ quan Hội Nhà văn. Hiện nay, Bùi Hiển là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam khóa V. Nhà văn cười vui:

- Mười năm nghỉ hưu, tôi đọc được nhiều, nhiều nhất là tiểu thuyết châu Âu - châu Mỹ. Có cuốn tôi đọc trực tiếp bằng tiếng Pháp. Tôi quan tâm nhiều đến cách viết của họ. Nhiều đêm tôi thức đến 1 hoặc 2 giờ sáng. Biết như thế là không nên nhưng say sưa quá. Tôi vừa làm xong ba cuốn sách. Cuốn Chuyện con mèo ú tim dịch cùng Ngô Quân Miện. Cuốn Nhớ lại và suy ngẫm thuộc dạng hồi ức, kỷ niệm. Cuốn Chân dung bạn văn viết về các nhà văn Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Chu Văn và một số nhà văn khác. Kể cả 3 cuốn sắp in này, tôi có 11 cuốn sách. Thu nhập thì có mấy nguồn: lương hưu, tiền thù lao đọc tác phẩm hoặc chấm các cuộc thi ở trung ương và một số địa phương. Thỉnh thoảng viết đôi ba bài báo, ký tên Anh Bùi.

Năm 1996

• Đã lâu rồi tôi mới đến thăm nhà thơ Trần Lê Văn ở nhà số 47, phố Hàm Long. Năm 1995 vừa qua, một số bạn bè thân thích đã đến nhà Trần Lê Văn mừng ông thọ 75 tuổi. Tôi bước vào thềm đúng lúc ông chuẩn bị đi. Hai anh em chỉ trò chuyện được mươi lăm phút. Biết ông và gia đình những năm gần đây gặp phải những khó khăn rất đặc biệt, tổn hại lớn đến tinh thần và vật chất, tôi lựa lời hỏi thăm. Song, nhà thơ Trần Lê Văn đã bộc lộ chân thành.

- Tôi chuẩn bị vào viện thăm một thằng con, nó lâm bệnh đã lâu. Còn đứa cháu ngoại, cậu biết đấy, đã 9 tuổi rồi, chưa biết nói năng, bố cháu từng đi chiến trường, nhiễm chất độc hóa học. Tôi lại còn có một người con hy sinh ở chiến trường, chưa tìm ra mộ. Cuộc sống của gia đình tôi hiện nay cực kì vất vả. Vợ chồng tôi sống bằng lương hưu là chính. Bởi vậy, viết báo vặt là việc tôi phải làm thường xuyên.

Khi biết tôi đang tìm tài liệu để viết về các nhà văn cao tuổi, vợ nhà thơ Trần Lê Văn từ phòng trong bước ra và góp lời đồng tình. Bà nhấn mạnh rằng: phải quan tâm đến người già. Tôi nhìn lại gương mặt nhà thơ trước khi chia tay ông. Nỗi vất vả, lo nghĩ có phần khiến ông già nhanh hơn. Nhưng rồi, tôi lại nghĩ ngay đến thơ ông, những bài bình văn chương của ông để hình dung ra có một Trần Lê Văn với một tâm hồn luôn luôn lãng mạn, bay bổng, trẻ trung; có một Trần Lê Văn giỏi tiếng Pháp, tiếng Hán; có một Trần Lê Văn yêu văn chương, yêu nghề đến mức gần như cực đoan. Tôi tin, sẽ đến ngày những khó khăn của gia đình ông sẽ được giảm nhiều. Tôi tin rằng ông còn viết được, viết hay nữa là đằng khác.

• Đến mười năm nay, nhà thơ Anh Thơ cư trú tại căn nhà cũ ở khu tập thể Văn Chương, sau một thời gian bà cùng chồng chuyển vào miền Nam. Năm 1993, ở tuổi 72, nhà thơ Anh Thơ mất đi người chồng yêu quí. Tôi đến thăm bà với hy vọng được nhìn thấy tập thơ Lệ Sương mới xuất bản. Đây là tập thơ gồm những bài thơ mà nữ sĩ Anh Thơ viết về tình cảm giữa bà và người chồng là bác sĩ. Nhưng đã một năm rồi mà cuốn sách vẫn chưa làm xong. Nếu sách do tác giả bỏ tiền ra thì có thể in sớm hơn. Năm 1995, Anh Thơ được in hai cuốn trong diện bao cấp. Ngoài cuốn Lệ Sương, có tập 2 bộ hồi ký ba tập (tiếp theo tập một Từ bến sông Thương). Tập 2 này, Chi nhánh nhà xuất bản Văn học (tại Tp. Hồ Chí Minh) đã có lần nhận in, với điều kiện tác giả góp 10 triệu đồng. Nay, thật vui mừng, lại cũng nhà xuất bản ấy, nhận giúp tác giả hoàn toàn. Nhưng không mất tiền thì đành chịu mất chữ vậy. Nhà xuất bản đề nghị cắt đi nhiều đoạn, tình dồn số trang thì thấy một nửa cuốn sách bị cắt mất. Tác giả Từ bến sông Thương cho biết tập 3 của bộ hồi ký sẽ được hoàn thành trong năm nay (1996). Nếu kể cả cuốn này thì nhà thơ nữ nổi tiếng thời Thơ Mới đến nay, khi bà 75 tuổi, có tất thảy 11 cuốn sách. Đoán được vẻ ái ngại của tôi về tuổi già cô đơn, nhà thơ vừa lục tìm mấy tập thơ cũ để cho tôi mượn, vừa tâm sự:

- Đang có đứa cháu gái ở cùng. Nó học Đại học. Ngoan lắm. Nó soạn xếp sách, tài liệu cho tôi suốt hai tháng mới xong. Già rồi ít bạn đến chơi, đôi lúc thấy vắng vẻ, buồn buồn. Bạn già chỉ còn dăm bảy người, trẻ thì bận làm ăn, đâu phải có nhiều thì giờ dành cho mình. Có người khuyên nên chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lần chần không muốn đi. Đất Bắc là đất văn chương, lại có bạn, có kỉ niệm với chồng…Lương hưu sáu trăm nghìn, dùng cho một người thì đủ, nếu thuê giúp việc thì thiếu.  Trước khi tiễn tôi ra cửa, nhà thơ Anh Thơ vui hẳn lên khi nghe tôi nói những lời động viên, an ủi chân thành. Bà đã viết được bộ hồi ký nghìn trang tức là sức nghĩ, sức cầm bút của bà còn dồi dào.

• Tôi chưa kịp đến thăm nhà văn Kim Lân thì lại gặp ông ở Tòa soạn báo Văn nghệ. Nhà ông ở Xóm Hạ Hồi, có hai ngõ đi vào từ phố Trần Hưng Đạo và phố Quang Trung. Ông nói vợ chồng ông sống với gia đình người con trai, vật chất hàng ngày, tàm tạm. Riêng về chỗ ở thì nhà văn không hài lòng chút nào. Hàng xóm bốn bên người ta có tiền, xây nhà cao vút. Nhà ông như nằm dưới lòng giếng sâu. Nói đùa vui như ông là “ở chui rúc như cáo như cầy” có lẽ cũng không ngoa. Sang tuổi 76 (ông sinh ngày 1-8-1920), nhà văn Kim Lân vẫn còn tham gia đóng phim. Giọng nói của ông vẫn sang sảng.

• Tôi sang thăm gia đình nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh quá thuận tiện, bởi hai ông bà cư trú trên gác hai một căn nhà ở phố Trần Quốc Toản, rất gần trụ sở Tòa soạn báo Văn nghệ. Ông tặng tôi tập thơ - văn xuôi Đất thơm mới in. Tôi nhẩm tính nhanh: như thế là ông đã có 14 tập thơ, 17 tập văn xuôi và tiểu luận, 17 tập sách dịch, trong đó có một cuốn làm chung với bạn đồng nghiệp. Có lẽ thời gian đã quên mất ông khiến ông rất chậm già. Đối với tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Sanh trẻ như mươi, mười lăm, thậm chí hai mươi năm trước. Ông đang cùng với người vợ yêu quí là nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, hưởng lương hưu, chăm sóc cháu nội, ngoại.

Năm 1997

Giữa tháng Tám năm 1997 này, người Hà Nội thấy nhiều lẵng hoa tươi thắm dưới cái ánh nắng dữ dằn xiên khoai, “rám trái bưởi” đầu thu, được rộn ràng chở đến một căn nhà tại phường Ngọc Hà (cạnh đường Hoàng Hoa Thám), quận Ba Đình. Nhiều người biết và thông báo cho nhau rằng, ngày 12/8, ngày sinh của nhà thơ Vũ Cao, tác giả bài thơ nổi tiếng Núi Đôi, năm nay bước vào tuổi 75 đại thọ. (Sau này, trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại ghi Vũ Cao sinh ngày 18/12/1922). Từ đầu tháng cho đến ngày 11, nhiều người thân của nhà thơ Vũ Cao đã đến thăm và chúc mừng ông, trong đó có những người ruột thịt trong dòng họ, các em, các cháu, người thân bên vợ và các con ông, bạn đồng nghiệp, các đoàn đại biểu các cơ quan báo chí, xuất bản và các cơ quan khác, nhân dân quê hương và nơi ông đang cư trú, v.v. Bà Doanh, vợ nhà văn nổi tiếng đã quá cố Nguyễn Minh Châu cũng đến, khiến nhà thơ Vũ Cao và cả gia đình rất cảm kích. Đông vui nhất chắc chắn phải là giới văn nghệ sĩ trong quân đội. Tất cả các bạn đồng nghiệp của ông ở cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội (nơi ông làm việc nhiều năm, có những năm giữ cương vị thủ trưởng), trong đó có những nhà văn, nhà thơ trẻ, tuổi chỉ đáng bậc cháu, đã đến chúc mừng sức khỏe ông.

• Sau trận ốm nặng cách nay vài năm, bước sang tuổi 71, nhà thơ Phạm Hổ khỏe lại, tiếp tục làm thơ, viết phê bình và vẽ tranh. Vừa rồi, trong 3 tháng, ông hoàn thành 100 bài bình thơ viết cho thiếu nhi để in vào tập Những bài thơ em yêu, nhà xuất bản Giáo dục, 1977. Hai mươi năm qua, Phạm Hổ viết 40 chuyện hoa, chuyện quả về 50 loài cây, hoa. Trong 8 năm qua, ông có 10 tập thơ viết cho lứa tuổi mẫu giáo. Khi bắt đầu nghỉ hưu, nhà thơ say mê vẽ tranh. Ông có hàng trăm bức bột màu về thiên nhiên, hoa, cây và số tranh đó đã được trưng bày trong một cuộc triển lãm tại Hà Nội. Năm 1997 này, khi vừa lại sức sau một trận ốm nữa vào năm ngoái, nhà thơ viết cho trẻ em kiêm họa sĩ Phạm Hổ lại miệt mài vẽ tranh chân dung các nhà văn. Ông vẽ theo trí nhớ các bạn đồng nghiệp mà ông từng có dịp gần gũi, có tình cảm sâu sắc về họ, như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Tú Nam, Chính Hữu, Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Hàn Mặc Tử, Chế Lan VIên, Hoài Thanh,v.v.

Năm 2002

• Một số bạn đọc hỏi nhau về nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, muốn tìm hiểu xem tác giả tiểu thuyết Hồ Quý Ly nổi tiếng sắp cho ra mắt tác phẩm gì. Ông vừa dự trại sáng tác tiểu thuyết tại Nhà sáng tác Đại Lải. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết: dự trại sáng tác vào lúc này rất cần thiết và may mắn cho ông, vì ông thực hiện được dự kiến từ lâu là viết một cuốn tiểu thuyết mới. Đó là tác phẩm nói về thân phận người phụ nữ trải qua những tháng năm lịch sử quan trọng từ khi Pháp sang xâm chiếm nước ta đến khi Pháp thua trận. Tại Đại Lải, tiểu thuyết này đã khai bút được mấy chương. Ông tiết lộ rằng, cuốn tiểu thuyết Chư Cuồng hoàn thành cách nay hai chục năm rồi nhưng chưa in được. Năm nay, ông gửi đến bạn đọc tập truyện vừa viết cho trẻ em, mang tên Hai đứa trẻ và Chó Mèo xóm núi. Trả lời câu hỏi về cuộc sống hàng ngày, nhà văn mỉm cười cho hay: lương hưu 300.000 đồng mỗi tháng, cộng với tiền cho thuê nhà mặt đường là đủ tiêu. (Nhà ông trước kia ở trong xóm, may hơn khôn, do Nhà nước làm đường đi qua (phố Trần Khát Chân, Hà Nội) bỗng chốc thành mặt… tiền).

• Nhà thơ Thợ Rèn - cư trú ở 75B Trần Hưng Đạo có lẽ là người cao tuổi nhất của làng thơ trào phúng hiện nay còn làm việc. Tôi thường xuyên đến nhà thăm hỏi ông và gia đình, bởi có tình cảm thân kính từ ba mươi năm trước, khi tôi mới về làm việc ở báo Nhân Dân. Ông vẫn hóm, lý lẽ tinh tường, thường xuyên có thơ đăng trong mục Chuyện lớn - Chuyện nhỏ trên báo Nhân Dân, một chuyên mục đặc biệt do ông góp phần chính làm nên từ cách nay năm mươi năm (và đang tồn tại) khi ông là cán bộ phụ trách một ban của tờ báo này. Ông vẫn chưa soạn tuyển tập cho mình. Đã hai chục năm ông chưa ra sách. Năm nay, nhà thơ Thợ Rèn dự kiến công bố một tập thơ trào phúng mới nhân kỷ niệm tuổi 80 của mình, nhưng bản thảo thì quá bề bộn, còn tiền thì chưa biết trông vào đâu.

• Bỗng nhiên nhà văn Ngô Ngọc Bội, nguyên Trưởng ban Văn tuần báo Văn nghệ, xuất hiện tại cuộc hội thảo “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” tổ chức tại Đại Lải mới đây. Trước đó, ông đã về cơ quan cũ, chuyện trò rôm rả, sau nhiều năm xa vắng biền biệt. Đã 73 tuổi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, cười to, giọng nói sang sảng. Không phải không có lúc ai đó băn khoăn rằng nhà văn Ngô Ngọc Bội về quê Phú Thọ vui thú điền viên, biết đâu quen cầm cuốc, cầm chổi đâm ra ngại cầm bút. Hóa ra không phải. Bà vợ dọn việc nhà, đi chợ, chăm ông. Còn ông thì có ngắm vườn, nhưng không xáo xới đất cát gì. Ông vẫn giữ nếp viết đều đều như khi còn ở thành phố, còn làm việc ở cơ quan. Và ông chỉ viết về nông thôn, nông dân mà thôi, như trước nay, suốt đời. Năm 2000, có tiểu thuyết Tơ vương. Năm 2001, có tiểu thuyết Đường trường. Năm 2002, có tiểu thuyết Đường trường khuất khúc, như là tập 2 của Đường trường. Năm tới ông lại ra sách nữa. Ông còn tham gia công tác chi hội văn hóa dân gian địa phương.

Phạm Đình Ân

Nguồn Văn nghệ số 44/2023


Có thể bạn quan tâm