May 3, 2024, 11:50 pm

Đọc là thừa kế, viết là sinh lời

Tôi nghĩ, đọc được bất cứ thứ gì, dù đọc từ vô thức hay chú tâm, thì mặc nhiên đã được hưởng “thừa kế”. Thế nên, ai càng đọc được nhiều, người ấy càng “giàu to”. Và, thường thì “người giàu” họ luôn biết tìm cách dùng vốn liếng ấy để sinh lời sinh lãi, để phình to hơn thanh thế của họ...

Với người giàu chữ nghĩa, họ sẽ minh chứng với chính họ, với nhân gian về sự “phú quý” của họ bằng cách họ… viết. Tạo ra cái hay cái đẹp cho đời, ấy là thiên chức của tất cả các loại hình nghệ thuật. Văn chương - nghệ thuật của ngôn từ - cũng không ngoại lệ. Văn chương không những không ngoại lệ mà còn là một loại hình nghệ thuật tiếp cận rộng rãi nhất, đa dạng nhất và cũng có thể nói có ảnh hưởng lớn nhất đến người đọc, người học và đến các môn nghệ thuật khác. Trí tưởng tượng, khả năng hư cấu của nhà văn đôi khi là gợi ý, là định hướng cho một sự tìm tòi của một lĩnh vực khác. Ví như hoa tulip đen là loài hoa quý được các nhà khoa học Hà Lan tạo ra sau khi  Alexandre Dumas cha xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử cùng tên La tulipe noire [Hoa tulip đen, 1850]. Từ văn chương, từ sự đọc mà trần gian có thêm tulip đen, loài hoa được mệnh danh là Queen of the night - Nữ hoàng bóng đêm. Sở dĩ loài hoa này có cái tên như vậy bởi nó mang một nét đẹp quyến rũ, màu sắc độc, lạ và rất đài các, kiêu sa, đẹp đến độ khó gần. Tulip đen là biểu tượng của sự say đắm vô bờ, nồng thắm và khát khao chiếm hữu trong tình yêu.

Nghệ thuật đích thực, nghệ thuật hạng nhất, là thứ nghệ thuật gợi mở để sinh ra một nghệ thuật khác. Nghệ thuật có tính thừa kế, đọc là xác thực quyền được nhận thừa kế, và viết là sinh lãi từ thừa kế. Tôi từng tâm niệm, văn chương như là sự mưng mủ âm thầm. Người có bệnh “mưng mủ” từ trong ra bẩm sinh do “trời bắt”, hay từ ngoài vào do “lây”, sớm muộn cũng sẽ/phải trào xuất. Viết đến đây, chợt nhớ lại vẻ mặt u buồn của một ông bạn già thi sĩ. Ông là một nhà thơ đương đại khá tiếng tăm trên văn đàn nước nhà. Thư viện gia đình ông nhiều sách quý. Ông cả đời hầu như chỉ biết đọc sách và làm thơ. Khi đã ngoài 70 tuổi, mỗi lần chỉ mình ông với thơ giữa bạt ngàn sách, có lẽ ông nghĩ đến và thương cho số phận những cuốn sách ấy. Thư viện sách của ông sẽ đi về đâu, những tác phẩm văn chương của ông sẽ đi đâu về đâu, khi cả bốn đứa con ông thời điểm ấy chưa thấy le lói chút văn chương nào... May thay, trời không phụ lòng người, nước đi ra bể lại mưa về nguồn, đứa con gái út một ngày đẹp trời tinh hoa phát tiết. Như một “mưng mủ” đủ để bung vỡ, cô bỏ nghề dạy học để chuyển hẳn sang nghiệp viết. Cô viết nhiều thể loại, viết đều, viết khoẻ. Tôi nghĩ, chẳng có gì là “tự dưng”, cô gái út của thi sĩ đã tiếp nạp khá nhiều “dưỡng chất” từ thư viện của bố. Nạp nhiều thì phải… chuyển hoá năng lượng thôi!

Ngược về 40.000 năm trước, tổ tiên loài người chúng ta đã để lại trong hang động Chauvet nước Pháp những bức tranh trên vách đá. Các bức tranh chủ yếu mô tả, thể hiện lại hình dáng các loại động vật mà họ gặp trong hành trình săn bắn [ngựa, voi, sư tử, tê giác, chim, cá...] Rất nhiều kiến giải khác nhau về mục đích ý nghĩa của các hình ảnh động vật được vẽ bằng đất sét, than đen lên vách đá ấy. Có người cho rằng người tiền sử đã vẽ những động vật này để thâu tóm linh hồn hay tinh thần của các loài vật nhằm để săn bắn chúng dễ dàng hơn. Có người lại bảo các bức tranh thể hiện tâm linh, tỏ lòng tôn kính thiên nhiên, như một cách ghi ơn môi trường vạn vật đã cưu mang đời sống họ. Nhưng, vẽ ký họa, nguệch ngoạc để đánh dấu, để thể hiện ý niệm mình cũng là một nhu cầu cơ bản bẩm sinh của con người. Một đứa trẻ luôn biết/thích vẽ trước khi biết viết, nhận ra hình ảnh trước khi nhận ra mặt chữ. Dù đúng/sai thế nào với các ý kiến trên, thì chắc chắn một điều, các hình họa, các nét ký hiệu từ cổ đại có một mục đích chung là truyền tin cho người sau, cho đời sau. Phải chăng đó là một cách ghi chép những hiểu biết của họ về thiên nhiên sau khi đọc, suy ngẫm, chắt lọc từ thiên nhiên. Có phải từ ngàn xưa, thuở tiền sử, loài người cũng đã nghĩ như vậy, họ loay hoay để hình tượng hóa, ký hiệu hóa vạn vật xung quanh. Hình vẽ và chữ viết cứ thế, từng chút từng chút một, thành hình cho đến bây giờ. Đoàn người đi trước để lại trên vách đá hình một con hổ, đoàn người đi sau nhìn lên vách đá hiểu rằng, quanh đây đâu đấy vùng này có hổ. Rồi để nhanh gọn, cạnh hình hổ vạch vài nét gì đó, cạnh hình voi vạch vài nét khác nét đã vạch cạnh hổ..., cứ thế các ký hiệu, chữ viết hình thành?!

Bắt chước thời xưa, thời nay chỉ cần gửi cho nhau một khuôn mặt cười, cười haha, cười chảy nước mắt, một trái tim xanh, trái tim đỏ, một khuôn mặt buồn, một icon đỏ tía tái phẫn nộ, thế là… hiểu nhau. Thời ta đang sống thích thật, công cụ cho ngôn ngữ dường như đã dư thừa, đã lẹm ra ngoài cảm xúc. Chỉ một cái điện thoại thông minh và một thái độ ứng xử tùy người, tùy lúc, tùy độ khó để diễn đạt tử tế bằng chữ viết..., họ có thể trượt đầu ngón tay một vệt trên màn hình cảm ứng, kho icon hiện ra... tha hồ “thay lời muốn nói”!

Viết thì đương nhiên để đọc, nhưng đọc rồi ứng xử với cái thâu nhận được từ đọc thì không ai giống ai. Đọc để biết, đọc để làm theo, đọc để khôn hơn, đọc từ sách, đọc từ mọi hiện tượng quanh đời..., đọc để rồi viết. Khái niệm “đọc” ở đây không đơn thuần là đọc sách/chữ, mà đọc như một sự tiếp nhận mọi thứ va đập tương tác vào nhận thức của mỗi người.

Nếu đọc là một khoái cảm lướt qua [đọng lại hay không, đọng lại lâu hay mau tùy nguồn cơn]..., thì viết là một khoái cảm rút ruột. Dù biết rằng viết là một cách đọc để nhớ lâu nhất, nhưng viết gì, sẽ viết như thế nào nếu người ta thiếu những “bắt gặp” trong đời sống hằng ngày? Không có hiện thực thì trừu tượng hóa, siêu thực hóa sẽ được phân định từ góc độ nào? 

Văn chương có khả năng tạo gợi, tác phẩm này có thể sẽ tạo sinh ra một tác phẩm khác. Ẩn dụ - tác phẩm và tác phẩm - ẩn dụ tương sinh như điện sinh từ trường, như từ trường sinh điện. Viết để đọc, hay đọc rồi viết cũng có mối tương sinh như vậy.

Khi nghiên cứu về tương quan giữa đọc và viết, triết gia, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Mortimer J. Adler khuyên rằng: “Khi đọc những cuốn sách hay, vấn đề không phải là bạn đã đọc qua bao nhiêu bài học mà là có bao nhiêu bài học đi vào bạn.” Ông phân loại người đọc sách thành hai dạng. Dạng thứ nhất là đọc cho vui, dạng thứ hai là đọc để giải quyết vấn đề của họ. Thời gian cho một kiếp người có hạn, thời gian dành để đọc sách lại càng hạn hẹp, thế nên hãy đọc sách theo dạng thứ hai.

Khi nói về sự đọc, sự viết, sự tự học, đương thời, bà Ol’ga Mikhailovna Freidenberg - một học giả, nhà nghiên cứu về lý thuyết văn học người Nga - cho rằng: “Hiện tại đã được sáng tạo ra từ quá khứ.” Kết luận này của bà không có gì mới, không có gì khó hiểu, xa lạ với phần đông người đọc. Nhưng, với kết luận ấy, soi chiếu vào một tác phẩm cụ thể, có thể hiểu rằng, nhiều tác phẩm nghệ thuật có được hôm nay là nhờ tác giả đã “tiêu hóa” tốt và biến nó thành “máu thịt” của mình khi được “ăn” một tác phẩm yêu thích tương tự đã được lưu hành trong quá khứ. Trường hợp Hồ Biểu Chánh (1884 - 1958) là một ví dụ. Ông để lại cho hậu thế một khối lượng đồ sộ tác phẩm văn chương, hơn một trăm đầu sách với gần đủ các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, truyện thơ, kịch, hài kịch, phê bình. Năm 27 tuổi, công bố tác phẩm đầu tay là truyện thơ có tên U tình lục chuyển tải câu chuyện tình theo mô típ gặp gỡ - tan vỡ - tái hợp giữa đôi trai tài gái sắc Tấn Nhơn - Cúc Hương. Về độ dài thì không đáng gì so với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng tứ truyện thì có gì đó như một Truyện Kiều thu nhỏ. Chưa ai nói Hồ Biểu Chánh “đạo” Truyện Kiều, nhưng rõ ràng người đọc có quyền chỉ ra những dấu ấn mà Truyện Kiều ảnh hưởng lên U tình lục

Thi thoảng, văn đàn lại cộm lên vài vụ hay vài “nghi án” đạo văn, đạo thơ. Bỏ qua những trường hợp ăn cắp, ăn gian trắng trợn vô sỉ, từ một góc nhìn nào đó, một sự bao dung nào đó, thì “đạo” hơi hướm ý tưởng có thể coi như một sự “thừa kế”. Chỉ tiếc rằng “người thừa kế” không đủ tự trọng, sòng phẳng để đính kèm một “ghi chú” [tác phẩm này được gợi hứng từ tác phẩm abc... xyz]. Tôi nghĩ, nếu làm được vậy, cả người đạo, cả người bị/được đạo, và cả… làng đều vui. Danh họa Picasso từng nói: “Các nghệ sĩ giỏi thường sao chép, còn các nghệ sĩ vĩ đại thì thường ăn cắp.” Và ông không ngần ngại khi cuối đời đã thừa nhận bản thân từng “ăn cắp” của trẻ con cả bố cục lẫn bút pháp và dùng nó rất thành công cho nhiều bức lập thể của mình.

Vài năm trở lại đây, tôi ấn tượng với ấn phẩm mới của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, bắt đầu từ cái tên “Viết&Đọc”, tôi nghĩ nhiều, nghĩ hay ho về nó. Vâng, viết và đọc, đọc để viết.

Với tôi, đọc như là cách nới rộng biên giới cho hiện thực, viết như là cắm cờ vào lãnh địa hiểu biết. Đọc là cày xới nới rộng biên độ mùa màng, viết là gieo hạt.

Hồ Minh Tâm

Nguồn Văn nghệ số 16/2024


Có thể bạn quan tâm