April 28, 2024, 12:19 pm

Để nhiếp ảnh mang lại giá trị nhân văn cho cuộc sống

 

Nghệ thuật nhiếp ảnh được xem như là một nhân tố chủ lực của ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo đầy tiềm năng trong thời đại số. Thế nhưng, ngày nay, bên cạnh với nhiếp ảnh tài liệu và thương mại, nhiếp ảnh nghệ thuật (mỹ thuật) đang bị lấn át và chưa được coi trọng. Điều này được thể hiện rõ nét ngay trong hệ thống giáo dục, đào tạo.

Đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật còn hạn chế

Trước đây, khái niệm mỹ thuật truyền thống vốn chỉ gồm hội họa và điêu khắc. Dần dần sự xuất hiện của nhiều phương tiện và kỹ thuật mới cùng các hình thức nghệ thuật đương đại khiến khái niệm mỹ thuật được mở rộng, bao gồm nghệ thuật thị giác hoặc nghệ thuật tạo hình, trong đó có nhiếp ảnh. Từ đó, khẳng định nhiếp ảnh trở thành một phần không thể tách rời cuộc sống hằng ngày và cần được nhìn nhận như một phương tiện sáng tạo nghệ thuật mang thông điệp và giá trị thẩm mỹ.

Chú trọng đào tạo nền tảng nghệ thuật trong nhiếp ảnh - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (bên trái) trong triển lãm ảnh cá nhân của mình

Tuy nhiên, ở Việt Nam, quan niệm về nhiếp ảnh ở nước ta vẫn chưa hoàn toàn vượt qua khuôn khổ cũ. Bên cạnh với nhiếp ảnh tài liệu và thương mại, nhiếp ảnh nghệ thuật (mỹ thuật) đang bị lấn át và chưa được coi trọng. Điều này được thể hiện rõ nét ngay trong hệ thống giáo dục, đào tạo.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: "Hơn 20 năm theo đuổi và thực hành nhiếp ảnh, tôi nhìn thấy rằng, ở nước ta, nhiếp ảnh chưa chính thức được gọi là bộ môn nghệ thuật, chung sân với các chất liệu nghệ thuật khác. Nhiếp ảnh vẫn chỉ được coi làm tài liệu, ghi chép cho các hình thức nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc. Xếp sau ảnh tư liệu, ảnh thương mại, lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật chưa được đào tạo chính thức tại Việt Nam.

Chúng ta vẫn còn tồn tại khoảng cách tương đối lớn trong cách nhìn nhận nhiếp ảnh như một lĩnh vực nghệ thuật thực thụ từ các hệ thống đào tạo chuyên sâu cho đến từng cá nhân thực hành. Hiện nay, ngành nhiếp ảnh được đào tạo tại trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, Khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền… nhưng chủ yếu là mảng ảnh tư liệu, còn nhiếp ảnh được giảng dạy như một bộ môn sáng tạo hay nghệ thuật còn rất hạn chế.

Tính đến thời điểm hiện tại, trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) là một trong số ít các cơ sở giáo dục chính quy trên toàn quốc đã đưa bộ môn nhiếp ảnh sáng tạo vào giảng dạy khoảng 10 năm trở lại đây, là một trong ba phân môn chính của ngành tạo hình đa phương tiện (gồm: nhiếp ảnh sáng tạo; video art-nghệ thuật thu và phát hình ảnh động; và nghệ thuật sắp đặt)".

Ngoài ra, việc tiếp cận với nhiều tài liệu nhiếp ảnh là không khó, với nhiều khóa học ngắn hạn được mở ở nhiều nơi giúp người học có thể làm chủ kỹ năng thực hành nhiếp ảnh ở mức độ cơ bản. Nhưng đây cũng là lý do khiến người ta thường đặt ra những câu hỏi đầy hoài nghi rằng vì sao nhiếp ảnh cần phải học ở bậc đại học.

Chú trọng đào tạo nền tảng nghệ thuật trong nhiếp ảnh - Ảnh 2.

Nhiều cuộc triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật được tổ chức tại Việt Nam

Để trả lời cho sự hoài nghi này, nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu – Giảng viên trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh cho biết: "Điều này khiến tôi liên tưởng đến việc ai trong chúng ta cũng có thể sử dụng được chữ viết, nhưng chỉ số ít trong chúng ta có thể trở thành nhà văn. Ở đây, tôi muốn nói đến tính mục đích của việc thực hành nhiếp ảnh, nếu chúng ta coi thực hành nhiếp ảnh như một thú vui, hoặc chúng ta thích thú với quá trình thực hành nhiếp ảnh tạo ra bức ảnh đẹp để thỏa mãn nhu cầu cá nhân thì rất đơn giản. Nhưng khi chúng ta nhìn nhận nhiếp ảnh từ góc độ là một bộ môn nghệ thuật, muốn tạo ra những sản phẩm nhiếp ảnh có giá trị thì việc đào tạo nhiếp ảnh ở trình độ đại học và sau đại học là hết sức cần thiết.

Nếu như ảnh báo chí chú trọng về thông tin, ảnh thương mại hướng đích đến cuối cùng là lợi nhuận, thì ảnh nghệ thuật lại tạo ra cái đẹp, mang đến giá trị chân-thiện-mỹ cho cuộc sống. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải am hiểu sâu sắc về thế giới, có cá tính sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp".

Cần chú trọng tính nghệ thuật trong đào tạo nhiếp ảnh

Việc thiếu vắng những cơ sở đào tạo kiến thức và thực hành chuyên sâu cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự ra đời và phát triển đúng nghĩa của thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam.

Trước thực trạng đó, để xây dựng những chương trình đào tạo chuyên nghiệp, phù hợp với thực tiễn, hoạt động nghiên cứu nhằm xác định vị thế và giá trị của nhiếp ảnh trong tiến trình hình thành của nghệ thuật đương đại, nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu cho rằng: "Để thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật, ngoài việc dùng năng khiếu để sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, thì chúng ta cần một chương trình đào tạo tổng thể về nhiếp ảnh nghệ thuật, một đội ngũ giảng viên có chuyên môn để thực hiện công tác đào tạo này. Bởi sinh viên không chỉ học để biết, để hiểu mà còn để vận dụng những kiến thức đó vào quá trình thực tế sáng tạo, vì vậy, đòi hỏi chúng ta cần phải tạo được môi trường học tập chuyên sâu, có môi trường thực hành thực tế cho sinh viên. Và họ cũng cần phải được học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia, nghệ sĩ thành danh và cùng với nhiều yếu tố khác nữa mới có thể phát triển năng lực của bản thân, tạo ra những tác phẩm cho giá trị thẩm mỹ cao.

Tuy nhiên, mọi chuẩn mực đối với nghệ thuật đều có tính tương đối. Nó cũng yêu cầu từng cá nhân thực hành phải tuân theo những quy luật nhất định trong quá trình sáng tạo. Đây là nền tảng cho sự phát triển của mọi loại hình, bao gồm cả nhiếp ảnh. Vì vậy, chương trình đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật không chỉ cần tập trung giảng dạy các kỹ năng, kỹ thuật chụp mà còn cần đề cao về năng lực thẩm mỹ, nghệ thuật của mỗi sinh viên".

Chú trọng đào tạo nền tảng nghệ thuật trong nhiếp ảnh - Ảnh 3.

Các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật ngày càng thu hút được công chúng quan tâm

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định: "Nhiếp ảnh cần phải được thừa nhận như một loại hình nghệ thuật và là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật. Đây không phải câu chuyện riêng lẻ của lĩnh vực quản lý hay cá nhân thực hành, mà là vấn đề có tính chất tổng thể về đào tạo và định hướng tư duy trong phát triển sản phẩm nhiếp ảnh gắn với việc tạo ra giá trị mới trong quan niệm thẩm mỹ, hướng tới cộng đồng.

Đồng thời, trong bối cảnh nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam đang còn gặp khó khăn từ khâu đào tạo đến phát triển thị trường, việc đưa nhiếp ảnh nghệ thuật nằm trong thiết chế chuyên nghiệp tại các bảo tàng, phòng trưng bày, hội chợ hay triển lãm nghệ thuật và được chấp nhận trong hệ thống đào tạo chính quy là vô cùng cấp thiết.

Bởi vì, có như vậy mới đào tạo được đội ngũ thực hành nhiếp ảnh, giám tuyển nhiếp ảnh, tư vấn nghệ thuật, nhà phê bình, sử gia nghệ thuật… phù hợp xu thế phát triển của thế giới, bắt nhịp với thị trường nhiếp ảnh nói chung và thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật trong nước nói riêng, đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật, công nghệ và nghệ thuật. Và chỉ khi làm được điều đó, ngành nhiếp ảnh mới có thể nhanh chóng nắm bắt thị hiếu của công chúng, đóng góp những tác phẩm có giá trị nhân văn cho cộng đồng".

Thách thức trong vấn đề đào tạo và giáo dục nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp không phải là câu chuyện riêng lẻ đối với từng tổ chức, quản lý, hay cá nhân thực hành nào mà đây là một vấn đề chung, cần sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của toàn bộ hệ thống quản lý, đào tạo, liên quan đến lĩnh vực nhiếp ảnh. Từ đó, cũng đặt ra những trách nhiệm với hệ thống giáo dục bậc cao ở Việt Nam, không chỉ ở việc phát triển số lượng đội ngũ thực hành, mà còn cần nhấn mạnh đến sự thay đổi về định hướng tư duy trong việc phát triển các sản phẩm nhiếp ảnh gắn với việc tạo ra các giá trị mới trong quan niệm thẩm mỹ cũng như hướng tới cộng đồng./.

Thương Nguyễn

Nguồn bvhttdl.gov.vn


Có thể bạn quan tâm