April 29, 2024, 1:05 am

Để người làm nghệ thuật bớt trăn trở về nhuận bút, thù lao

Vấn đề nhuận bút, thù lao cho biên kịch, đạo diễn… các sản phẩm nghệ thuật thực hiện từ vốn ngân sách đang là nỗi trăn trở của nhiều người làm nghệ thuật.

Nghị định 21/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 21) quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu… trong lĩnh vực này sau 8 năm thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, cần điều chỉnh, bổ sung.

 

Nhuận bút, thù lao quá thấp

Đơn cử thực tế ở lĩnh vực sân khấu biểu diễn. Theo quy định của Nghị định 21, tác phẩm được thực hiện từ ngân sách nhà nước, với vở dài (trên 105 phút), nhuận bút biên kịch có hệ số 62,9-145,8 mức lương cơ sở, thù lao cho đạo diễn có hệ số 41,9-97,2 mức lương cơ sở.

Như vậy, với mức lương cơ sở trước đây là 1,49 triệu đồng, tác giả 1 kịch bản dài có thể nhận từ hơn 93 đến 217 triệu đồng, đạo diễn nhận từ hơn 62 đến gần 145 triệu đồng. Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng thì mức thù lao nhận được còn cao hơn.

Quy định là vậy nhưng thực tế thì mức nhuận bút, thù lao phải phụ thuộc vào kinh phí đầu tư tác phẩm, thường khá hạn hẹp. Các đạo diễn, nhà biên kịch… chủ yếu thỏa thuận với đơn vị chủ đầu tư, mức chi trả thường thấp hơn nhiều so với quy định của Nghị định 21. 

“Kinh phí trung bình 1 vở diễn của nhà hát kịch TPHCM khoảng 200-300 triệu đồng thì mức cao nhất đơn vị có thể chi trả cho 1 đạo diễn nổi tiếng, có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, cũng chỉ khoảng 120 triệu đồng” - đạo diễn Hoàng Tấn cho biết.

Vở hát bội Lê Công kỳ án gặt hái nhiều giải thưởng, nhưng tác giả NSƯT Hữu Danh chỉ nhận được 60 triệu đồng nhuận bút

 
Vở hát bội Lê Công kỳ án gặt hái nhiều giải thưởng, nhưng tác giả NSƯT Hữu Danh chỉ nhận được 60 triệu đồng nhuận bút

 

Được đánh giá là đạo diễn triển vọng, Hoàng Tấn đang nhận mức thù lao khoảng 30-35 triệu đồng/tác phẩm. Tạo được dấu ấn ở nhiều tác phẩm nhưng đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Trung Thảo cũng chỉ nhận khoảng 40-50 triệu đồng khi dựng vở cho đơn vị công lập. Nhưng cả Hoàng Tấn và Lê Trung Thảo đều nhận thù lao khá cao khi dựng chương trình bên ngoài, dù chỉ là tiết mục ngắn.

“Kịch bản của tôi chưa bao giờ được trả theo quy định, hoàn toàn là thỏa thuận, với giá rất thân tình” - soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ. Có lần, ông chỉ nhận có 17 triệu đồng nhuận bút chuyển thể 1 vở cải lương - mức giá rất thấp - nhưng vẫn phải thông cảm vì “đoàn nghèo quá”.

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy, mức quy định nhuận bút, thù lao cho các chức danh sáng tạo tác phẩm sân khấu và chương trình nghệ thuật tổng hợp hiện chỉ đạt khoảng 50 - 70% giá thị trường bên ngoài khu vực công. Điều này chưa phù hợp tình hình chung của xã hội, cũng như tác động lớn đến việc thu hút sự tham gia của những tên tuổi lớn, được công chúng quan tâm đối với các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Một vấn đề khác được soạn giả Hoàng Song Việt cho biết: “Để có 1 kịch bản chỉn chu, hiệu quả, tác giả viết giỏi lắm thì được 1 kịch bản/năm. Tiêu tốn quá nhiều thời gian và tâm sức, lại trải qua tầng xét duyệt đánh giá kịch bản xếp hạng A, B hay C cho mức chi trả. Làm sao đảm bảo việc đánh giá này thực sự công bằng? Với định mức nhuận bút kịch bản sân khấu hiện nay, tôi cho rằng chưa tạo được tâm lý an tâm cho người sáng tác”.

NSƯT Hữu Danh - tác giả hát bội hiếm hoi của khu vực phía Nam - cho rằng chất xám của người biên kịch, nhất là nghệ thuật truyền thống hiện nay, chưa được coi trọng đúng tầm. “Giữa thù lao 60 triệu đồng cho 1 kịch bản vắt tim óc viết ra, với 30 triệu đồng để chuyển thể, thì chuyển thể vẫn nhẹ nhàng và làm nhanh hơn” - ông nói. Đó cũng là lý do nhiều tác giả không còn mặn mà viết kịch bản mới mà chủ yếu làm chuyển thể, viết tiểu phẩm truyền hình, game show…

Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng: “Điều cần điều chỉnh trước hết không phải là định mức chi trả mà là đảm bảo công bằng trong đánh giá tác phẩm. Cần dẹp bỏ quan niệm tác giả có giải thưởng, có danh hiệu, có tên tuổi được trả cao hơn. Thực tế, có những cây bút lão làng nhưng đã chai sạn cảm xúc, trong khi có những ngòi bút trẻ dù non kinh nghiệm lại có ý tưởng đột phá”. 

Cần sớm sửa đổi nghị định 21

Với sự phát triển nhanh của thị trường nghệ thuật, Nghị định 21 hiện không còn bao quát được hết các chức danh trong thành phần sáng tạo. Các vị trí công việc như: chỉ đạo nghệ thuật, chỉ đạo thực hiện chương trình, thư ký, biên đạo võ thuật, chuyên viên phục trang, hóa trang, truyền thông… đều chưa được quy định.

Tương tự, một số thể loại mới như: phim ngắn, tiểu phẩm dưới 20 phút, clip tuyên truyền, phim ca nhạc, hoạt cảnh… cũng chưa được bổ sung tại Nghị định 21.

Bên cạnh đó, nhiều vị trí có vai trò ngày càng quan trọng, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng mức hỗ trợ không tương xứng. “Ví dụ như trợ lý đạo diễn chỉ được nhận 20% mức thù lao của đạo diễn là rất thấp trong khi làm rất nhiều, rất cực. Với mức đầu tư thông thường, vị trí này chỉ nhận khoảng 10-20 triệu đồng, rất khó tìm nhân sự đảm nhận công việc” - Giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ nhận định.

Cũng theo ông Võ Hồ Hoàng Vũ, quy định đấu thầu đang làm khó các đơn vị nghệ thuật trong việc thực hiện và phát huy Nghị định 21, cũng như gặp khó trong việc mời các tên tuổi lớn cộng tác để nâng cao chất lượng tác phẩm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm - Phó trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cũng cho rằng văn học, nghệ thuật mang đặc thù riêng nên việc đấu thầu như những dự án xây dựng, gói mua sắm thông thường, ưu tiên yếu tố “tiết kiệm” là không hợp lý.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, nhiều người làm nghệ thuật cho rằng Nghị định 21 cần được sửa đổi theo hướng đánh giá một cách khoa học và điều chỉnh tổng thể các định mức theo hướng không chênh lệch quá lớn so với mức giá thị trường; bổ sung quy định về việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do người đứng đầu quyết định (không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định)… nhằm tăng tính chịu trách nhiệm, tự chủ của người có thẩm quyền trong sử dụng ngân sách. 

Ninh Lộc

Nguồn PNO


Có thể bạn quan tâm