May 6, 2024, 9:44 am

Để Cao Bằng người…

Sau hai mươi năm (1941-1961), Bác Hồ mới trở lại thăm Pác Bó (Cao Bằng) - Nơi Cội nguồn cách mạng - Quê hương thứ hai của Người. Chuyến thăm thật ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng, ơn sâu nghĩa nặng. Hiển hiện phong cách của một bậc Đại trí, Đại nhân, Đại dũng. Phong cách gần dân, thấu hiểu và hành động vì lợi ích, vì quyền lợi, vì cuộc sống tốt đẹp dành cho người dân.

Ngày 19/2/1961 (tức ngày 5 tháng giêng - Tân Sửu) Bác lên thăm Cao Bằng. Đến thị xã Cao Bằng hôm trước, hôm sau Người lên thăm Pác Bó ngay. Ông Việt Dân - Cán bộ tổ chức huyện Hà Quảng kể lại quang cảnh cán bộ và nhân dân Pác Bó chào đón Bác: “Pác Bó phấp phỏng chờ Bác đến. Ngay từ lúc mặt trời còn ngủ trong đám mây, thung lũng đã đông người như một ngày hội lồng tồng, đủ màu sắc dân tộc; áo quần màu chàm của người Tày - Nùng, váy trắng áo hoa thêu màu sặc sỡ, vòng bạc đeo đầy cổ, đầy tay là đồng bào H’Mông, Dao… Tất cả đều xúng xính trong bộ quần áo mới tinh như ngày hội thực sự…” (BÁC HỒ - Hồi ký - Hội Văn nghệ Cao Bằng xuất bản).

Nhân dân Pác Bó xúc động đón Bác

Nói chuyện với nhân dân Pác Bó, câu đầu tiên Bác chúc bằng tiếng Nùng Giang: “Bươn chiêng, Pi mứ, đay lai” (Năm mới tết vui vẻ, tốt đẹp). Tôi về đây là về thăm nhà. Hai mươi năm trước, tôi và các đồng chí hoạt động cách mạng ở đây được bà con giúp đỡ. Chúng tôi rất nhớ trong lòng. Ngày nay, mong đồng bào đoàn kết xây dựng hợp tác xã giàu mạnh, sản xuất phát triển, chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, lực lượng dân quân xã ngày một vững mạnh, chăm lo học hành cho các cháu…”

Nói chuyện xong, Bác lên thăm gia đình ông Dương Văn Đình ở làng Bó Bẩm - Ông Dương Văn Đình ngày trước đã kết bạn Tôồng (bạn kết nghĩa) với Bác Hồ. Ông Đình đã mất, con cháu ông đón Bác như đón người ông, người cha yêu kính trở về nhà. Bác vô cùng xúc động, chào hỏi, nói chuyện với mọi người bằng tiếng Nùng Giang Pác Bó… Phút chia tay thực sự cảm động. Cô Bảy - Người con gái của cụ Dương Văn Đình tặng quà quê cho Bác (Bánh Khảo, Khẩu Sli…). Cô thưa với Bác:

- Bố đẻ con là Dương Văn Đình mất rồi, nay bố đến thăm Pác Bó quá ít thời gian. Bố đi bố năng về thăm chúng con - Nói dở chừng, bỗng cô Bảy nghẹn ngào khóc, cầm tay Bác mãi.

- Khóc? Bác đi không yên lòng.

Rồi Bác bảo mọi người ở lại an ủi cô Bảy. Ra đến chỗ mít tinh, nhân dân vẫn tụ tập đông đúc, Bác vẫy tay lưu luyến:

- Du nơ… Du nơ… Bác pây vơ…

Bác nói nhẹ nhàng làm mất dấu, âm thanh mềm mại buông ra, lưu luyến. Đó là lối nói người Nùng rất thích, gọi là “phuối dủi”. Càng thấy Bác hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc, thấy Bác gần gũi như người của dân tộc Nùng Giang…

Bác đi ra khỏi đèo Nà Ngàm, đi lâu rồi mà người dân vẫn còn đứng nhìn theo về phương ấy, bâng khuâng ôn lại những phút giây vừa qua đón tiếp Bác, được Bác mời kẹo, thuốc lá tận tay… Thế mà Bác đã đi rồi! Không biết đến bao giờ Bác mới trở lại nơi đây lần nữa….

Bút tích trong sổ tay Bác Hồ

Phong cách của Bác là vậy, cụ thể, thân tình, thấu hiểu và sâu sắc. Để chuẩn bị cho chuyến về thăm quê Pác Bó Bác rất cẩn trọng ghi chép. Trong cuốn sổ tay của Người còn lưu giữ được một trang Bác ghi dòng chữ bằng tiếng Nùng: “Chúc đ/b pi mư đay lai” (Chúc đồng bào năm mới tốt đẹp). Để nhớ và để… đừng nhầm! Gặp đồng bào, Bác nói bằng tiếng Nùng. Thật khâm phục và kinh ngạc về vốn “ngoại ngữ” Bác đã học, đã dùng ở Pác Bó hai mươi năm sau vẫn nhớ.

Nói về phong cách sâu sắc, gần gũi, cẩn trọng và thấu hiểu, xin nói thêm về trang ghi chép đã nhắc tới ở trên. Dưới dòng chữ viết bằng tiếng Nùng, Bác ghi dòng chữ: “C/bg fải cao bg những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là cbg vượt mức cao không ai cao bg”. Có lẽ đó là điều Bác thấy cần nói nhất với Cao Bằng. Vừa là sự mong mỏi, một yêu cầu mà Cao Bằng cần vươn tới.

Bác đã thực hiện điều ghi trong sổ tay như thế nào? Ông Vương Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ nổi tiếng, hồi đó công tác tại trường Đảng Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng được dự cuộc gặp mặt của các cán bộ đầu ngành với Bác ngay buổi tối 19/2/1961 vào lúc 19h30’ kể lại trong bài Cao Bằng phải phấn đấu để “Cao Bằng” người ta. Bác nói: “Trước kia người cán bộ phải bám sát quần chúng, phải tìm hiểu tuyên truyền cho từng người, giác ngộ phát động lòng yêu nước, căm thù giặc, xây dựng tổ chức Việt Minh cho thật vững. Cho nên hồi tiền khởi nghĩa, phong trào cách mạng ở Cao Bằng rất cao, nhiều nơi là xã “hoàn toàn”, tổng “hoàn toàn”, nhân dân tất cả đều theo cách mạng, được mệnh danh là ngôi sao sáng cách mạng, cả nước học tập, noi gương…”.

Tháng 5/2023, Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo lên Cao Bằng nói chuyện về Bác Hồ, tôi tặng giáo sư cuốn sách ảnh Bác Hồ ở Pác Bó - Chi hội nhà văn Việt Nam tỉnh Cao Bằng xuất bản (Có ảnh và câu chuyện về bút tích trong sổ tay Bác viết năm 1961). Giáo sư đã có những cảm nhận và ý kiến rất xúc động, sâu sắc về bút tích của Bác trong buổi trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng. Đồng chí Lê Hải Hòa - Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Cao Bằng - Người rất hiểu và trân trọng văn hóa, lịch sử Cao Bằng cũng có những nhận xét, bình luận xác đáng về câu chuyện “Bút tích”: “Cao Bằng cần ghi lại điều Bác dạy làm động lực để vươn lên đạt những kết quả cao như Bác đã mong và chỉ ra”.

Đó cũng là mong mỏi chung của mọi người dân Cao Bằng. Một mong mỏi trên con đường phấn đấu vươn lên để Cao Bằng cao bằng người.

Hoàng Quảng Uyên

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023


Có thể bạn quan tâm