May 4, 2024, 2:21 am

Dấu xưa Tứ Mỹ - Kỳ Sanh…

Một ngày chớm hạ. Tôi lên Tứ Mỹ - địa chỉ đỏ, nằm về phía tây xã Tam Mỹ Tây.

Từ thị trấn Núi Thành về nguồn theo tuyến đường ĐT.617 chạy xe chưa đến mười cây số là tới nơi. So với hồi mới tái lập tỉnh Quảng Nam, bây giờ đường về Tứ Mỹ “khỏe re”. Tôi vẫn còn nhớ, cách đây hơn hai mươi năm, con đường này gập ghềnh nhiêu khê bởi có quá nhiều sống trâu, ổ voi ổ gà trải ra bất tận. Còn Đèo Mộc lô nhô đá cục đá hòn, không thể cưỡi xe máy chạy lên đèo được, phải nổ máy xe gài số 2 vừa dắt vừa đẩy lên, lơ tơ mơ tay ga là ngã nhào cả người lẫn xe. Những người đi buôn bán hàng nông sản gọi Đèo Mộc là Đèo Tango vì dắt xe đạp thồ nó cứ nhảy chồm chồm hệt con ngựa bất kham. Bây giờ tất cả đã đổi thay. Tuyến đường ĐT.617 đã được mở rộng và trải nhựa phẳng phiu. Đèo Mộc quanh co khúc khuỷu đã được uốn nắn lại và hạ độ cao, hai bên là rừng keo lá tràm xanh um, đỉnah đèo không còn, thay vào đó là con dốc dài ngoằng ngoèo thoai thoải.

Bà Bùi Thị Lợi dẫn khách đi xem dấu tích căn hầm mà nhà văn Phan Tứ từng sống và viết khi bám trụ ở chiến khu Tứ Mỹ

Ngoái nhìn ba bên bốn bề Tứ Mỹ, trong tôi bao niềm vui nỗi buồn lẫn lộn trào dâng. Vui vì làng xóm đã có diện mạo khác. Bắc ngang qua sông Quán là cây cầu bê tông cốt thép to rộng, vĩnh cửu. Khu vực bên này sông Quán dân cư đông đúc, nhà nào cũng tường xây mái ngói khang trang. Đường làng dẫn về Đồng Ngô, Đồng Kỵ… đã được bê tông hóa, xe ô tô vô ra thuận lợi, dễ dàng. Còn buồn vì cảnh quan Tứ Mỹ có vẻ thâm u trầm mặc, khiến tôi cảm thấy bâng khuâng. Vườn nhà dân hầu hết là vườn tạp. Lối vào Đồng Ngô cỏ cây lau lách mọc ra sát mép đường bê tông. Trong tôi, ký ức một thời lại bất chợt ùa về. Tứ Mỹ chỉ là một làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa núi non trùng điệp. Xa xa kia là Gò Gai, Bàn Cồng. Kế bên là Hòn Bà, Hòn Nhọn, Hòn Rơm, Núi Chúa… Từ làng Tứ Mỹ lên Trà My hay sang Quảng Ngãi rất gần. Năm 1960, dân làng Tứ Mỹ đứng lên đồng khởi, diệt ác trừ gian, xây dựng làng kháng chiến. Tứ Mỹ là nơi đầu tiên tại Khu 5 mở đầu phong trào đồng khởi ở Trung Trung Bộ lúc bấy giờ. Tứ Mỹ nổi tiếng từ đó, trở thành căn cứ địa cách mạng từ đó, cho dù cách xa Căn cứ Chu Lai chừng mười lăm cây số theo đường chim bay…

Ngày ấy, theo lời kể của những bậc cao niên, Tỉnh ủy Quảng Nam đã chọn Tứ Mỹ làm căn cứ địa cách mạng để lãnh đạo kháng chiến. Các cơ quan đứng chân xen lẫn trong xóm mạc. Ông Vũ Trọng Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Đỗ Thế Chấp - Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ, tá túc nhà dân ở Đồng Ngô. Cuối năm 1961, ông Tám Túc - Bí thư Chi bộ Tứ Mỹ, dẫn một cán bộ dáng thấp gầy đeo kính trắng đến nhà bà Trần Thị Tranh và nói: “Đây là anh Bốn Gương, cán bộ ở trên về nắm tình hình phong trào cách mạng tại địa phương. Nhờ bà lo hộ cơm ăn nước uống hằng ngày cho anh ấy”. Bà Bùi Thị Lợi - con gái bà Trần Thị Tranh, bảo rằng, lúc bấy giờ không một ai ở Tứ Mỹ biết ông Bốn Gương là nhà văn Phan Tứ. Nhà mẹ bà nằm sát chân đồi cây cối rậm rạp, nếu địch bất ngờ đổ quân, chỉ cần nhanh chân chạy ra phía sau là thoát vào rừng núi bao la. Vì thế, nhà mẹ bà là nơi Ban địch vận và Đội du kích Kỳ Sanh thường xuyên tới lui hội họp. Bà Út Phận là cán bộ của Ban địch vận, hoạt động hợp pháp. Còn bà Lợi là y tá chiến khu Tứ Mỹ. Hai chị em mới vừa mười tám đôi mươi, chênh nhau vài ba tuổi, hợp tính hợp nết nên chơi với nhau rất thân.

Dẫu ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng bà Bùi Thị Lợi vẫn còn minh mẫn, vẫn nhớ như in những năm tháng ấy.

“Bây giờ lớp người tham gia kháng chiến đã lần lượt quy tiên vì tuổi cao sức yếu. Bà Út Phận cũng mới mất cách đây vài năm”. Trò chuyện với tôi, bà nén tiếng thở dài, khẽ bảo. Rồi bà trầm giọng kể, hồi đó mẹ tôi đào căn hầm nửa nổi nửa chìm sát bụi tre ở phía sau nhà. Bên trên hầm làm cái chòi nhỏ đủ mắc một chiếc võng và kê một chiếc bàn con để ông Bốn Gương làm việc. Ban đêm, ông ấy theo bà Út Phận và anh em du kích xuống vùng địch hậu. Ban ngày, ông ấy ở ngoài hầm làm việc. Không biết ông ấy viết gì mà viết suốt ngày. Có hôm đem cơm ra, bà Lợi tò mò lật mở mấy cuốn sổ xem thử. Không đọc được. Bởi ông ấy thứ chữ gì như giun bò dế dũi. “Ông Bốn Gương ở nhà mẹ tôi đến cuối năm 1964 mới đi nơi khác. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Bốn Hương (Vũ Trọng Hoàng) về thăm Tứ Mỹ cho hay, ông Bốn Gương chính là nhà văn Phan Tứ. Ổng có viết gì đó về mẹ tôi trong cuốn sách của ổng”. Bà Lợi cười bảo với tôi. Trong thời gian ở Tứ Mỹ, nhà văn Phan Tứ đã viết tập truyện ngắn Về làng và tiểu thuyết Gia đình má Bảy. Bà Trần Thị Tranh là nguyên mẫu của Má Bảy trong cuốn tiểu thuyết ấy. Bà Út Phận cũng đã hóa thân thành “cô Mẫn” trong tiểu thuyết Mẫn và tôi.

Đường về xóm Đồng Ngô, làng Tứ Mỹ hôm nay

Về với cội nguồn Tứ Mỹ, thú thực tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy xóm Đồng Ngô hiu hắt quá! Bà Trần Thị Tranh đã mất mười mấy năm rồi. Ông Đoàn Ngọc Ánh - chồng bà Bùi Thị Lợi, cũng đã qua đời từ lâu. Bây giờ bà Lợi làm nhà ở gần đầu cầu sông Quán. Ngôi nhà cũ và khu vườn cũ ở Đồng Ngô tàn tạ theo thời gian. Căn hầm phía sau nhà, nơi nhà văn Phan Tứ ngồi viết Về làngGia đình Má Bảy chỉ còn là dấu xưa mọc đầy cỏ dại. Bất giác tôi lại nhớ lần đi chơi với các cây bút trẻ của tỉnh Quảng Nam. Khi tới nơi này, họ than: “Đến chốn buồn hiu hắt này làm gì?”. Tôi bảo: “Thăm lại nơi nhà văn Phan Tứ từng sống và làm việc trong những năm chiến tranh…”. Họ hỏi: “Phan Tứ là ai?”. Quá ngạc nhiên nên tôi hỏi lại: “Các bạn nói thật hay nói đùa?”. Họ bảo: “Nói thật đấy!”. Hụt hẫng vì bất ngờ, tôi nói: “Phan Tứ là tác giả của những cuốn tiểu thuyết: Bên kia biên giớiTrước giờ nổ súngGia đình Má BảyMẫn và tôiNgười cùng quê… Các bạn đã đọc chưa?”. Họ thật thà bảo với tôi rằng, bây giờ họ mới nghe tên những cuốn sách ấy… Bất giác tôi lại nhớ hồi nhà văn Nguyễn Bá Thâm còn làm ở Hội Văn nghệ Quảng Nam, mong muốn của ông là dựng một tấm bia tại căn hầm nơi nhà văn Phan Tứ từng sống và viết… Ông nghỉ hưu. Và mọi chuyện rơi vào quên lãng…

Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ.

Căn cứ địa Tứ Mỹ và Đội du kích Kỳ Sanh ngày ấy, bây giờ ai nhớ ai quên? Ký ức lại ùa về trong tôi. Hồi đó, Đội du kích Kỳ sanh hoạt động rất mạnh, phân chia quyền quản lý địa bàn, ban ngày Quốc gia, ban đêm Cộng sản. Chính quyền tề ngụy buộc phải chấp nhận điều đó bởi không có cách nào khác hơn! Năm 1965, xuất phát từ Tứ Mỹ - Kỳ Sanh, bộ đội địa phương đánh Mỹ và tiêu diệt gọn một đại đội lính Mỹ, làm nên chiến thắng Núi Thành ngày 26/5/1965. Trung tuần tháng 6/1965, Đội du kích Kỳ Sanh đánh Mỹ giữa ban ngày tại đồng Nuột, tiêu diệt gần một tiểu đội lính Mỹ. Đó là trận đánh Mỹ đầu tiên giữa ban ngày của du kích miền Nam. Nước nhà hòa bình thống nhất. Xã Kỳ Sanh (nay là hai xã Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây) được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ba cá nhân là Võ Phố, Lê Văn Tâm, Nguyễn Thanh Khối cũng được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý này. Buồn thay, những chiến công ấy, những đóng góp ấy, bây giờ không mấy ai hay biết! Trong danh sách với hơn ba mươi địa danh, địa điểm cần xem xét đề nghị tỉnh công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh của huyện Núi Thành không hề có địa danh Tứ Mỹ!

Khi gặp gỡ trò chuyện với anh Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UNBD huyện Núi Thành, tôi nêu những băn khoăn trăn trở của mình về căn cứ địa Tứ Mỹ và căn hầm mà nhà văn Phan Tứ đã từng sống và viết trong những năm chiến tranh. Anh Nguyễn Chí Dân hết sức ngạc nhiên về điều đó bởi anh thuộc thế hệ hậu sinh và không nghe ai nói tới bao giờ. Tôi bảo với anh, bên này Đèo Mộc có hố Giang Thơm - một thắng cảnh đẹp của huyện, bên kia Đèo Mộc là căn cứ địa Tứ Mỹ. Ven Đèo Mộc có những trang trại trồng cây ăn quả. Cuối tuần có rất nhiều bạn trẻ đến tham quan. Nếu làm tấm biển ghi chỉ dẫn về căn cứ địa Tứ Mỹ và căn hầm nhà văn Phan Tứ từng sống và viết trong thời kỳ chiến tranh sẽ là cách tốt nhất để giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho thế hệ trẻ. Anh Nguyễn Chí Dân bắt tay tôi thật chặt: “Địa phương sẽ làm việc đó! Có điều cần phải có thời gian và đúng quy trình. Trước mắt, huyện sẽ sớm xúc tiến tổ chức hội thảo về căn cứ điạ Tứ Mỹ để có cơ sở làm hồ sơ và tờ trình đề nghị tỉnh công nhận căn cứ địa Tứ Mỹ là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”. Tôi rất mong điều đó sớm trở thành hiện thực để dấu xưa Tứ Mỹ - Kỳ Sanh được lưu giữ lại, không phai nhòa theo thời gian….

Ghi chép của Nguyễn Tam Mỹ

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023a


Có thể bạn quan tâm