April 28, 2024, 4:46 am

Đấu thầu sách giáo khoa và nỗi lo “đi đêm” giữa các nhà xuất bản

 

Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải thông tin, để hỗ trợ việc mua sách trang bị cho thư viện các trường học trên địa bàn,  Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (Công ty VEPIC) cam kết giảm 15% trên giá bìa đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo mua trang bị cho thư viện các trường, đơn vị, cá nhân mua sách Cánh Diều tặng cho thư viện các trường học. Đồng thời, Công ty VEPIC có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận bộ sách. Thông tin trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh có con đang ở độ tuổi đi học. Tuy nhiên, việc có hay không lựa chọn bộ sách Cánh diều hay một bộ sách giáo khoa nào khác lại không phụ thuộc vào địa phương, đơn vị, cá nhân nào đó. Theo các chuyên gia giáo dục và đại biểu Quốc hội, việc lựa chọn sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học theo Luật Giáo dục sửa đổi (2019) và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐTngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tạo ra nhiều bất cập, không loại trừ tạo ra một “Việt Á thứ hai”

“Nhóm lợi ích” trong chọn sách giáo khoa?

Nhiều năm trước, việc lựa chọn bộ sách giáo khoa được thực hiện thông qua việc các đơn vị biên soạn, nhà xuất bản gửi sách đến địa phương, các thầy cô giáo được đọc, nghiên cứu và bỏ phiếu chọn ra bộ sách phù hợp, thì nay việc chọn sách sẽ được thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi (2019) và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Cụ thể, việc lựa chọn sách giáo khoa được giao cho UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Như vậy có thể thấy, với quy trình chọn sách giáo khoa theo thông tư 25, ý kiến cơ sở (các thầy cô giáo - người trực tiếp giảng dạy bộ sách giáo khoa) đã bị “bỏ qua”, dẫn đến tình trạng nhiều môn học tích hợp, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm… việc triển khai sách giáo khoa rơi vào bị động, giáo viên, học sinh lúng túng vì những môn học chưa có tiền lệ, thiếu tài liệu hướng dẫn, tham khảo làm phong phú thêm bài giảng.

Bỏ qua các môn học tích hợp, vì dù sao ở các môn học này cũng đủ giáo viên bộ môn giảng dạy (theo phân công của nhà trường và thời lượng của từng môn học được nhóm biên soạn đề ra) chỉ tính đến môn học Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm (bắt buộc) lại đang rơi vào tình trạng, giáo viên, học sinh phải mò mẫm dò đường và không có giáo viên chuyên trách giảng dạy. Giáo trình chung chung và thường do một nhóm biên soạn A, B nào đó thực hiện và hoàn toàn không có thẩm định thực tế để rút kinh nghiệm. Ghi nhận từ thực tế, nhiều thầy, cô giáo được phân công giảng dạy những môn học nói trên đều bày tỏ, họ rất khó khăn trong tiếp cận tài liệu ngoài sách giáo khoa, tra thông tin trên internet cũng không đầy đủ. Và để lấp chỗ trống, họ đành áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có việc yêu cầu học sinh tự tìm hiểu, quyết định dạy các bộ môn chính khóa hoặc tặng lại tiết học cho một giáo viên bộ môn khác. Đây chính là lỗ hỗng tạo ra các “nhóm lợi ích” chi phối quyền dạy và học theo đúng tinh thần chủ trương đã được thông qua.

Những hạn chế trong quản lý điều hành, đặc biệt là liên quan đến những bất cập trong công tác thẩm định, đấu thầu sách giáo khoa phổ thông cũng là vấn đề dư luận xã hội quan tâm chứ không chỉ của riêng những ông bố, bà mẹ có con đang ở độ tuổi đi học. Tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã không ngần ngại cho rằng đã và đang tồn tại “lợi ích nhóm” trong biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa. Đó là hiện tượng “chạy chọt”, “đi đêm” của các đơn vị xuất bản, là tình trạng “phớt lờ” những ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia giáo dục tâm huyết trước những bộ sách giáo khoa vốn được cho là còn quá nhiều “sạn”. Tuy nhiên, tình trạng tiếp thu, chỉnh lý không được thực hiện. Chưa kể, việc thông tư 25 tạo ra những “đặc quyền” trong lựa chọn sách giáo khoa cũng đang giấy lên lo ngại về chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sẽ không được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo kẽ hở cho sách tham khảo, sách bổ trợ có cơ hội xâm nhập vào trường học. Và thực tế, điều này đã xảy ra. Ghi nhận tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều bộ môn có đến hai, ba đầu sách tham khảo, thậm chí có những môn nhà trường yêu cầu mua sách giáo khoa nhưng trong quá trình giảng dạy rất ít, nếu như không muốn nói chưa bao giờ sử dụng. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) lo lắng, nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng “chạy chọt, đi đêm” trong lựa chọn, thẩm định sách giáo khoa sẽ lại có những vụ như Việt Á hay các vụ án hình sự về đấu thầu, trang thiết bị trong chính ngành giáo dục. Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; đồng thời, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 25. Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập.

Hướng đến quyền lợi của người dạy và học

Để sách giáo khoa không phải là miếng bánh chia phần hay khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư số 25 cần sớm có những điều chính kịp thời theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn sách giáo khoa của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa vào quá trình giảng dạy. Đó là ý kiến của các chuyên gia giáo dục, trước thực trạng có bộ sách giáo khoa nhận được đơn đặt hàng của nhiều cơ sở giáo dục. Song cũng lại có những bộ sách dù đã được chọn giảng dạy nhưng lại có sách bổ trợ của hai đến ba nhà xuất khác. Việc có quá nhiều sách giáo khoa cho cùng một môn học đã tăng gánh nặng học hành lên cả giáo viên, học sinh. Chưa kể gánh nặng kinh tế mà các gia đình phải chi trả cho những cuốn sách bổ trợ này. Bất cập này khiến chúng ta nhớ lại những ồn ào cách đây nhiều năm, khi phụ huynh cân chiếc cặp sách của con em mình trước khi đến lớp. Con số được công bố khiến nhiều người giật mình xót xa. Đó là học sinh cấp 1&2 phải thường xuyên cõng trên lưng từ 5 đến 7 kg sách vở, đồ dùng học tập. Con số này được cho là lớn hơn ở các bậc học cao hơn. Lý do chiếc cặp đè nặng trên vai các em chính là có quá nhiều sách giáo khoa (sách tham khảo) và các em bị mất phương hướng trong soạn sách vở trước khi đến lớp vì khi không biết cô sẽ chọn quyển sách nào để giảng dạy. Nhiều phụ huynh khẳng định, họ nói không với sách tham khảo, để mong cặp sách của con mình nhẹ đi và con tập trung vào sách giáo khoa theo bộ chính thức. Nhưng cũng chính họ đã nhanh chóng nhận ra, nếu không mua sách tham khảo thì rất nhiều tiết học, thậm chí đề kiểm tra thường xuyên, đề thi, kiến thức lại rơi vào sách tham khảo, bài đọc hiểu bổ trợ. “Không có môn học nào chỉ chọn sách của một đơn vị mà đều chọn từ 2-3 sách của cả 3 nhà xuất bản” là phát biểu của nhiều giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh, thành phố

Chính vì vậy, việc mua sách giáo đã trở thành mệnh lệnh bất khả kháng. Theo số liệu thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị nhiều năm liền giữ vị trí độc quyền trong in ấn sách giáo khoa công bố “Trong năm 2021, nhà xuất bản này đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra. Nhà xuất bản có lãi, nhưng phụ huynh học sinh thì ngược lại, họ đang phải gồng mình đi “mua chữ” mà không biết con mình thu được những gì, hay chỉ là những cấm cản từ phía giáo viên, nhà trường trước những “cuộc đua” vượt cấp vào các trường công lập tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay.

Gánh nặng và nỗi lo học hành phần nào được san sẻ trước tuyên bố của Cánh diều, giảm 15 % giá sách giáo khoa. Việc giảm giá không nhiều và đối tượng thụ hưởng cũng là lựa chọn nhưng cũng là thông tin làm ấm lòng phụ huynh học sinh trước năm học mới khi năm học cũ chỉ vừa mới kết thúc và nhiều nhà xuất bản, đơn vị in ấn đề xuất tăng giá sách giáo khoa, học phí. 

Vẫn biết bài toán tăng, giảm giá sách giáo khoa là vấn đề không hề nhỏ nhưng dù các nhà xuất bản  nghiêng về quyết định nào thì học sinh và phụ huynh vẫn phải tuân thủ. Nhưng, hiện có một nghịch lý, dù chấp nhận mua sách, nhưng họ lại không được “thỏa mãn” vì tình trạng thiếu sách giáo khoa. Bài toán độc quyền trong in ấn thông qua những văn bản “bất thành văn” như các đại biểu Quốc hội đã nêu trước kỳ họp thứ Năm “Vì sao trước nguy cơ thiếu sách rất rõ ràng, các giải pháp của Bộ trưởng vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi dùng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc Bộ), mà không hướng dẫn các địa phương mở rộng phạm vi lựa chọn sách theo chủ trương xã hội hóa để giải quyết khó khăn? Tại văn bản trả lời đại biểu, về trách nhiệm của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư số 25 ngày 26/8/2020 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Bộ không giới hạn địa phương chỉ dùng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định và cho biết thực tế, Bộ thường xuyên chỉ đạo hướng dẫn các địa phương lựa chọn sách giáo khoa theo đúng nguyên tắc tiêu chí quy định tại Thông tư 25. Tuy nhiên, với những phân tích ở trên, những bất cập của thông tư 25 cũng nên được Bộ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, Bởi tính đến thời điểm hiện tại, khi thời hạn cuối cùng cho việc lựa chọn sách giáo khoa do Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định (tới hết ngày 4/5) đã được một tháng, cả nước vẫn còn nhiều địa phương chưa chọn được sách giao khoa. Việc chậm trễ này sẽ là một thiệt thòi lớn cho cả giáo viên và học sinh khi thời gian tập huấn sách giao khoa bị rút ngắn gây khó khăn trong công tác giảng dạy sau này. Do đó, minh bạch trong đấu thầu, lựa chọn sách giáo khoa có lẽ cần phải được chú trọng và xem là khâu then chốt trong tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay.

Minh Nguyệt


Có thể bạn quan tâm