April 27, 2024, 5:57 pm

Đất thành, một thoáng…

Đến Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa tìm hiểu về Thành Diên Khánh, chị Nguyễn Thị Hồng Tâm, làm việc tại phòng Nghiệp vụ, hướng dẫn chúng tôi: “Nếu có kế hoạch lên Thành, các anh đừng ăn sáng ở Nha Trang, để dành bụng lên đó điểm tâm món bánh ướt Thành trứ danh xưa nay. Cứ theo đường 23 tháng 10, đi vô hướng thành phố Hồ Chí Minh chưa tới mười cây số, nhìn phía tay trái thấy có cây dầu đôi to lớn là tới. Có cả dãy hàng ánh ướt, tha hồ lựa chọn. Cứ thưởng thức món bánh ướt trước đã, Thành ở gần đó”.

Đường rộng và thoáng. Chỉ chốc lát, trước mắt chúng tôi đã là cây dầu đôi sừng sững. Tiếp đến là một dãy phố, nhà nhà gọi mời bánh ướt. Đủ tên gọi, đủ màu sắc. Đúng y như lời chị Hồng Tâm.

Bánh ướt là món ăn dân dã, quen thuộc của người dân vùng Nam Trung bộ. Nhưng bánh ướt Diên Khánh có hương vị riêng. Bởi Diên Khánh vốn có nghề làm bánh tráng cổ truyền, tại làng Phú Lộc. Bánh ướt Diên Khánh làm từ bột gạo tẻ, dẻo, thơm, mỏng như tờ giấy quyến, thoa chút mỡ hành và rắc tôm khô, đậu xanh giã nhuyễn lên trên cho nên có màu sắc sinh động, bắt mắt. Bánh mềm, mịn, dẻo và bóng, không bị khô, sượng như một số loại bánh ướt khác. Lò tráng bánh đặt ngay cạnh bàn ăn của khách, nấu bếp gas nên sạch sẽ lắm. Khách ăn tới đâu, tráng tới đó. Cho nên bánh lúc nào cũng nóng.

Cửa Đông Thành cổ Diên Khánh. Ảnh: Phong Nguyên

Bánh ướt Diên Khánh ăn kèm chả lụa Thành với tỏi sẻ. Nói thêm, chả lụa Thành cũng ngon nức tiếng. Chả làm từ thịt nạc đùi, gói trong lá chuối nên khi hấp lên có mùi thơm rất hấp dẫn. Điều đặc biệt nữa là nước chấm dùng bánh ướt, ngon khó tả. Khách có thể chọn mắm nước, mắm nêm hoặc mắm ruột, dầm mấy trái ớt xanh, vắt chút chanh cho dịu, cho đủ vị cay, chua.

Bánh mỏng, mỗi dĩa chỉ gắp một đũa nhỏ. Bạn tôi là người ăn khỏe nên phút chốc anh đã xếp trên bàn cả một chồng đĩa. Chị chủ quán chỉ chúng tôi xem bức ảnh nhỏ trên bàn. Trong ảnh là một thanh niên tươi cười bên những chồng dĩa cao ngất, bên dưới ghi: Kỷ lục 81 dĩa. Ăn khỏe, nhưng nhìn hình ảnh ấy, bạn tôi lắc đầu, chào thua.

Bánh ướt hấp dẫn là vậy, nhưng giá cả lại rất bình dân.

Không khó tìm, từ Quốc lộ 1A chúng tôi rẽ vào đường Lý Tự Trọng, đi đến cửa Đông và cửa Tây của thành Diên Khánh. Theo tài liệu của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, ban đầu, thành Diên Khánh được xây dựng có sáu cửa. Nhưng hiện nay chỉ còn bốn cửa, Ðông, Tây, Tiền và Hậu. Cửa Đông và Tây thành còn khá nguyên vẹn. Người dân sống trong thành ngày ngày đi qua hai cửa này. Ở cửa Đông có lắp hệ thống tín hiệu giao thông, giúp người dân đi lại dễ dàng, an toàn hơn. Và nhiều người mỗi lần đi qua cổng thành còn cúi đầu chào, như nhớ về một thời quá vãng đã xa nhưng nhiều hoài niệm.

Sử cũ chép lại, năm 1792, vua Quang Trung băng hà, nội bộ nhà Tây Sơn lủng củng. Quân Nguyễn Ánh nhân cơ hội này ra sức phản công, nhằm vãn hồi cơ nghiệp. Đến tháng 7, quân Nguyễn Ánh chiếm được hai phủ Diên Khánh và Bình Khang. Nhận thấy đây là địa bàn có tính chiến lược, với điều kiện giao thông đường thủy thuận tiện nhờ con sông Cái; có đường bộ từ Bắc vào Nam đi qua, lại gần cửa biển Nha Trang, Nguyễn Ánh cho xây dựng thành Diên Khánh làm căn cứ quân sự kiên cố để chiến đấu lâu dài với quân Tây Sơn. Thành thuộc địa phận hai xã Phú Mỹ và Trường Thạnh, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh, dinh Bình Khang.

Thành Diên Khánh được xây trên khu đất rộng, có hình dáng nhô cao như lưng con rùa, linh vật tượng trưng cho sự vững chãi, trường tồn. Trên thành trồng nhiều tre, cây có gai để tăng độ bền của thành và tạo thành hàng rào phòng thủ theo truyền thống của người Việt. Thành cổ Diên Khánh diện tích khoảng 36 hecta, có kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến lúc bấy giờ ở Tây Âu. Tuy nhiên, cổng thành và các dinh thự xây cất trong Thành lại có đặc điểm kiến trúc truyền thống của phương Đông.

Theo một số tư liệu, trước đây Thành có các công trình kiến trúc như: Hoàng cung, dinh Tuần vũ, Án sát, Lãnh binh, kho lương, nhà lao... được làm theo quy định của triều đình nhà Nguyễn và xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà cửa của Việt Nam. Có điều đáng tiếc là các công trình này cho đến nay đều không còn. Do điều kiện thuận lợi, hiện nay, hầu hết các cơ quan hành chính quan trọng của huyện như Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện… được đóng trong Thành. Người dân ở đây sinh sống hiền hòa, an vui.

Bây giờ, chúng tôi ra vào cổng Thành, nhìn lối kiến trúc cổ xưa, với những lối gạch ngói cũ kỹ, rêu phong mà chạnh nhớ tâm tình của Bà Huyện Thanh Quan thuở nào:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

Đâu rồi, một thời oanh liệt? Đâu rồi, một thuở hùng anh? Cái cuộc “hí trường” dâu bể gom chứa bao nhiêu là nụ cười, bao nhiêu là nước mắt để lại đời sau những hoài niệm khó phai về một thời máu lửa binh đao, gươm khua ngựa hí. Có điều rất đáng mừng, cho đến giờ, Thành cổ Diên Khánh tuy có chút quạnh hiu hồn “thu thảo” nhưng không đến nỗi chỉ còn là phế tích “nền cũ” tang thương trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây là một trong số rất ít thành cổ còn giữ được phần nhiều dáng nét, hình hài xưa cũ.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, anh em ở Huyện ủy Diên Khánh  kể về những trận giao chiến ở đây giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn cuối thế kỷ XVIII; về trung tâm đầu não của phong trào Cần Vương ở Khánh Hoà do Bình Tây đại tướng Trịnh Phong chỉ huy; về câu chuyện giam giữ nhà chí sỹ yêu nước Trần Quý Cáp trong những ngày cuối cuộc đời; về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng, tháng Tám năm 1945 và lễ ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời phủ Diên Khánh; về câu chuyện tháng Giêng năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp truyền đạt chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương và chuyển lời thăm hỏi, khen ngợi của Bác Hồ về tinh thần chiến đấu của đồng bào Nha Trang - Khánh Hòa.

Tất cả như mới tinh khôi. Đâu đây, nghe những khúc ca bi tráng, đoạn trường của một thời ly loạn thiêu đốt tâm can bao nhiêu chinh phụ mỏi ngóng tin chồng. Mà ngoài kia, trống trận cứ kêu dồn, thôi thúc… Đâu đó lệ rơi, ngậm ngùi cách biệt: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi…

Ghi nhận giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Thành cổ Diên Khánh, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa ban hành quyết định số 1288/VH-QĐ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

Chiều mênh mang gió. Đứng trên bờ thành nhìn ra xa là làng mạc, phố xá trù phú và đầm ấm. Nơi tôi đứng, nghe ngan ngát hương cau, cái mùi hương quyến rũ đến lạ lùng của đồng quê Việt Nam. Kiến trúc độc đáo, những đường nét cổ xưa, gạch ngói phủ đầy rêu xanh gợi thật nhiều cảm xúc. Bất giác, tôi nhẩm đọc mấy câu của “Bình Tây cứu quốc đoàn” do Bình Tây đại tướng Trịnh Phong làm thủ lĩnh:

Tiễu tặc trừ gian bình quốc loạn

Hưng binh ứng nghĩa phục

giang san

Tạm dịch: Giết giặc, trừ gian, làm cho đất nước yên bình; Dấy binh làm việc nghĩa, khôi phục giang sơn.

Truyền thống hằng ghi, mỗi khi sơn hà nguy biến, người dân Khánh Hòa không tiếc máu xương mà ứng nghĩa, bảo tồn xã tắc.

Trong lịch sử Thành cổ Diên Khánh, tôi lưu ý một chi tiết rất thú vị, đó là thành đã từng trở thành tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương tại Khánh Hòa trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Bình Tây đại tướng Trịnh Phong.

Tài trí và đức độ hơn người, Đề đốc Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân tôn làm Bình Tây đại tướng, đứng đầu “Bình Tây cứu quốc đoàn”, thống lĩnh nghĩa quân, kêu gọi nhân dân chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Trước khí thế của nghĩa quân, quan lại đầu tỉnh trấn nhậm thành Diên Khánh chủ động giao Thành và quyền binh cho nghĩa quân cai quản. Tháng 8/1885 quân Pháp đổ bộ cửa sông Cù Huân, Nha Trang. Bình Tây đại tướng Trịnh Phong giao thành Diên Khánh cho ông Lê Nghị trấn giữ, thân chinh trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quân Pháp tại cửa sông Cù Huân, Hòn Thơm, Hòn Đá Lố… gây cho chúng nhiều thiệt hại. Sau này, làm miếu thờ, người dân địa phương tôn vinh ông bằng một chữ “Thần” đầy quyền uy và kính mến.

Theo thời gian, kiến trúc Thành cổ Diên Khánh bị xuống cấp nặng nề. Cho đến năm 2003, tòa thành được trùng tu, sửa chữa, sơn lại bốn cổng và gia cố một số đoạn tường thành. Năm 2010, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tiến hành dự án tu bổ khu di tích Thành cổ Diên Khánh. Điều đáng mừng là hiện nay, dù đã qua nhiều lần tu sửa, Thành cổ Diên Khánh vẫn giữ được những nét kiến trúc ban đầu. Đến nay, diện mạo của các cổng thành và một số hạng mục đã được khôi phục gần như nguyên trạng theo những hình ảnh được lưu giữ từ lúc bắt đầu xây dựng. Điều này tôn thêm ý nghĩa của thành cổ Diên Khánh và khiến Thành trở thành một điểm đến, điểm du lịch hấp dẫn với nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Anh Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa cho biết, lãnh đạo tỉnh, địa phương cùng các cơ quan ban ngành đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành cổ Diên Khánh. Từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã lập đề án tôn tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử của thành Diên Khánh. Theo đó, nhiều công trình mang dấu tích lịch sử sẽ được phục dựng, tôn tạo như miếu Thánh Phi; cột cờ tại cửa Nam; hành cung và xây dựng phố đi bộ dọc cổng thành, các làng nghề truyền thống của địa phương…

Anh Lê Văn Hoa cho biết thêm, ngày 27/11/2018, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh. Từ góc nhìn của người từng nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, phương thức bảo tồn, phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh tốt nhất chính là hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Bởi nó vừa tận dụng được tài nguyên thiên nhiên, văn hóa địa phương, vừa bảo vệ môi trường di sản và hài hòa lợi ích của người dân trong vùng di sản.

Việc làm sống lại di tích, xây dựng Thành cổ Diên Khánh trở thành một sản phẩm, một điểm đến của du lịch sinh thái cộng đồng đòi hỏi cần có sự hợp tác của nhiều bên, gồm: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Vấn đề then chốt khi bắt tay vào việc phát huy giá trị của di tích này chính là phải tạo được không gian văn hóa với sự kết hợp của 3 yếu tố cảnh quan thiên nhiên - các di tích lịch sử, văn hóa - các di sản văn hóa phi vật thể. Có vậy, tôi tin, Thành cổ Diên Khánh sẽ không bao giờ trở thành “nền cũ” đau thương trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Bởi nó đang được đặt đúng vị trí trong câu chuyện bảo tồn gắn với phát triển. Bảo tồn tốt tạo nền tảng phát triển tốt. Và, tới lượt mình, phát triển thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, nhiều ý nghĩa.

Trong mạch nguồn câu chuyện về thành Diên Khánh từng là tổng hành dinh của nghĩa quân phong trào Cần Vương chống Pháp, chúng tôi tìm đến Miếu Trịnh Phong, tọa lạc tại xã Diên An, huyện Diên Khánh. Người cán bộ xã Diên An hướng dẫn tôi: “Anh cứ tới cây dầu đôi, gần ngã ba Thành là đúng!”. Anh còn nói thêm, cây dầu đôi, cùng với Miếu Trịnh Phong từ lâu đã là một địa chỉ phổ biến rộng rãi, ai cũng biết. Đi xe đường dài Nam Bắc từ xa về, cứ nói cho xuống cây dầu đôi là nhà xe biết liền. Miếu Trịnh Phong ở cạnh cây dầu đôi cổ thụ. Nhiều cụ cao tuổi nhất ở đây khẳng định miếu thờ ngài Trịnh Phong được người dân lập vào năm 1886, còn cây dầu đôi thì đã có rất lâu trước đó, sau này còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử, chẳng hạn như sự kiện quân dân Khánh Hòa chiến đấu 101 ngày đêm trên mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa năm 1945 được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Sở dĩ gọi cây dầu đôi là vì cây có hai thân song song, to lớn như nhau. Hiện nay, cây dầu đôi cao hơn 30 mét, gốc to đến bốn năm người ôm không xuể. Theo các vị cao niên ở huyện Diên Khánh, không ai biết rõ cây dầu đôi bao nhiêu tuổi. Từ năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần cử cai cơ Hùng Ngọc Hầu vào đây khai hoang, mở mang bờ cõi. Thấy cây dầu đôi cao lớn, vượt trội giữa rừng, cai cơ lệnh không cho chặt phá. Đến khi xây dựng Thành Diên Khánh năm 1793, cây dầu đôi đã cao lớn, sừng sững hiên ngang. Trải bao thăng trầm lịch sử, cây dầu đôi không biết từ bao giờ đã trở thành tên của cả vùng đất này. Ngôi miếu thờ thủ lĩnh Trịnh Phong cạnh đó cũng được người dân gọi với cái tên trìu mến: Miếu cây dầu.

Trong câu chuyện cùng anh Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi chia sẻ về đôi chút gian truân trong câu chuyện trùng tu Thành cổ Diên Khánh. Số là năm 2018, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh với mức đầu tư dự kiến hơn 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng một số quy định của Luật Đầu tư công có hiệu lực năm 2019 nên phải điều chỉnh nghị quyết. Mãi đến tháng 4/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa mới thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh, tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025 với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh, góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hộỉ của tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Diên Khánh nói riêng.

Mới đây, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định tính chất huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống. Theo mục tiêu đó, Thành cổ Diên Khánh chắc chắn sẽ trở thành một điểm nhấn trong hệ thống di tích lịch sử, văn hóa địa phương. Khi đó, Thành cổ Diên Khánh nằm trong chuỗi kết hợp phát triển mô hình du lịch văn hóa lịch sử với du lịch sinh thái, hình thành các tuyến du lịch trọng điểm, tạo nên thương hiệu du lịch đặc thù của Diên Khánh - Khánh Hòa. Theo lãnh đạo Huyện ủy Diên Khánh, địa phương đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09 nói trên, trong đó có nhiều nội dung cụ thể, thiết thực nhằm phát huy tốt nhất các giá trị của di sản Thành cổ Diên Khánh trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong câu chuyện cùng những người dân Diên Khánh, chúng tôi nhận ra rằng, Thành đã trở thành tên gọi của cả một vùng đất rộng lớn thuộc thị trấn Diên Khánh, với những cụm từ nghe bình dị mà thân thương lắm: “bánh ướt Thành”, “ngã ba Thành”, “đi lên Thành”, “quê ở Thành”…

Bút ký của Phong Nguyên

Nguồn Văn nghệ số 37/2023


Có thể bạn quan tâm