May 3, 2024, 2:26 am

Đào tạo hỗ trợ nhà văn mới - từ mô hình khởi nghiệp

1. Trong thế giới của chúng ta đang sống, bản thân khái niệm trẻ - già đã bị bào mòn khủng khiếp. Công nghệ thông tin dẫn đến sự rút ngắn tiến trình tích luỹ tri thức và hệ thống đào tạo khiến cho con người ta không cần phải đợi đến khi đã sống gần hết cuộc đời mới hội đủ điều kiện và cơ hội để tạo nên một sự nghiệp lớn như ở thế kỷ trước.

Hãy nhìn vào những doanh nghiệp mà nhiều trong số đó đang chi phối đời sống của chúng ta, không ít, do những nhà lãnh đạo có tuổi đời mà nếu theo thang đo của chúng ta sẽ là rất trẻ. Trong lĩnh vực nghệ thuật thì điều này lại càng rõ và không cần phải đợi đến ngày nay. Nếu xếp theo tiêu chí của chúng ta hiện nay, hình như là ngưỡng 40 tuổi, là người sẽ được gắn với hậu tố “trẻ” thì gần như toàn bộ sự nghiệp của thế hệ nhà văn “Tiền chiến” nghĩa là đạt đến đỉnh cao sự nghiệp trước năm 1945, đều có thể xếp vào Ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Khi định danh những người viết mới bắt đầu sự nghiệp là những nhà văn “trẻ”, chúng ta có nguy cơ khiến cho họ, giống như tiêu đề một tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương, sẽ trở thành “những đứa trẻ chết già” bởi lẽ quỹ đạo được mặc định cho họ, không phải là hoàn thiện để đạt đến đỉnh cao sự nghiệp mà là phải “trưởng thành”, nghĩa là “già” đi, và không chừng, cùn mòn đi, “vo tròn” lại những đặc sắc, cá tính có phần khác thường và dễ bị xếp vào phạm trù những biểu hiện của người “trẻ”. Vậy liệu có thể có một cách nhìn khác, nghĩ khác về lớp nhà văn này? Nên chăng, hãy nhìn lớp nhà văn này như những người bắt đầu sự nghiệp và ở khía cạnh ấy, tôi muốn coi họ như những startup mà để có thể thành công cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp, như chúng ta vẫn thường nói.

Nguyễn Khắc Ngân Vi, Hiền Trang, Phan Thúy Hà, Huỳnh Trọng Khang là những “người khởi nghiệp” khi họ sáng tạo nên một thế giới tưởng tượng mới. Ảnh: Đẹp, Nhân Dân, Vietnamnet, Thanhnien

2. Nhưng trước hết hãy nói về khái niệm. Cùng liên quan đến những người bắt đầu sự nghiệp bằng việc xây dựng một doanh nghiệp, có hai khái niệm rất gần nhau: khởi nghiệp và lập nghiệp. Điều này đã được các lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ khi xây dựng đề án quốc gia “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Lập nghiệp là khởi sự một doanh nghiệp mới nhưng trong những lĩnh vực có tính truyền thống, đã tồn tại và dấn thân vào một sự cạnh tranh với những doanh nghiệp đã tồn tại, mà trong đó, nhiều doanh nghiệp rất “già”. Trong khi đó, khởi nghiệp là tạo nên một doanh nghiệp mới dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, tạo nên sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả các công ty trên thế giới. Đúng là công việc của một nhà văn là một cái gì vô cùng xưa cũ. Sự tiến hoá của công việc này là vô cùng chậm chạp từ bút - giấy đến máy đánh chữ và máy vi tính và trong quá trình tiến hoá đó, chiếc máy Mac của một nhà văn ngày nay cũng không khác quá xa chiếc máy đánh chữ của Hemingway hay cây bút Parker của Nhất Linh. Và cũng phải nói ngay, hạt giống sáng tạo của một nhà văn được cắm rễ vào, không phải cõi hư vô mà là tầng tầng lớp lớp văn hoá của một cộng đồng và của những người viết trước đó. Thế nhưng, nhìn từ một phía khác, sẽ không thể có được một nhà văn mới nếu thiếu đi tính sáng tạo, một ý tưởng lóe sáng và sẽ được theo đuổi dai dẳng trong cả hành trình viết. Hãy nhìn vào cách một lớp nhà văn hiện nay đang theo đuổi nghề viết, từ Phan Thuý Hà, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Khắc Ngân Vi, hay Lê Khải Việt, Hiền Trang, nhìn vào thực hành viết của mỗi người trong số họ đều thấy lấp lánh cái ý tưởng độc đáo mà đã lóe sáng từ tác phẩm đầu tay và được họ kiên nhẫn theo đuổi, dù hành trình viết không phải lúc nào cũng bằng phẳng và thuận lợi. Những người viết như thế khiến chúng ta phải đặt họ vào vị trí của những người khởi nghiệp khi họ sáng tạo nên một thế giới tưởng tượng mới, ấn định một phong cách và tạo nên một cái gì không thể trộn lẫn, không thể đặt cùng những người khác.

3. Nếu đã hình dung những nhà văn mới bắt đầu sự nghiệp như những người khởi nghiệp thì điều cần thiết đối với họ là một hệ sinh thái khởi nghiệp, có thể nói như vậy. Thế nào là một hệ sinh thái khởi nghiệp? Theo một định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thì hệ sinh thái khởi nghiệp “là một tập hợp gồm những tác nhân khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại) có liên quan đến nhau, các tổ chức (doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng…), các thiết chế (trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tài chính…) và các tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới, tỷ lệ doanh nghiệp tăng trưởng cao…), các thành phần này chính thức hoặc phi chính thức cộng hợp lại để kết nối với nhau, làm trung gian kết nối, và quản trị sự vận hành của tổng thể trong phạm vi môi trường khởi nghiệp địa phương”. Như vậy, có thể hình dung một hệ sinh thái khởi nghiệp là một mạng lưới liên kết bao gồm các tác nhân và mối quan hệ giữa các tác nhân mà trung tâm, hạt nhân là tác nhân khởi nghiệp (cá nhân hoặc nhóm). Như vậy, một hệ sinh thái khởi nghiệp phải bao gồm các tác nhân:

- Tác nhân khởi nghiệp, sở hữu ý tưởng khởi nghiệp và triển khai dự án khởi nghiệp.

- Những thiết chế đầu tư mang tính đặc thù bởi tính rủi ro cao của các dự án khởi nghiệp.

- Những tác nhân hỗ trợ tác nhân khởi nghiệp trong việc huấn luyện các kỹ năng cần thiết để triển khai dự án khởi nghiệp.

- Những thiết chế đại học, nghiên cứu, nơi ươm mầm cho các ý tưởng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự tiến triển của tri thức và làm xuất phát của các ý tưởng khởi nghiệp.

Những tác nhân nói trên tồn tại trong những mối quan hệ chặt chẽ và tương tác lẫn nhau với mục tiêu cuối cùng là làm xuất hiện ý tưởng khởi nghiệp và hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp thành những thành công trong kinh doanh.

4. Vậy, có điểm gì chung giữa mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp và thực hành viết của các nhà văn? Nếu đối chiếu mô hình này với đời sống văn học, có thể thấy những tác nhân khởi nghiệp chính là các nhà văn. Xét từ bình diện tâm lý học sáng tạo thì ý tưởng nghệ thuật, thậm chí, cao hơn, tư tưởng nghệ thuật xuất phát từ khát vọng sáng tạo cá nhân của nhà văn, từ sự đam mê văn học và sáng tạo văn học. Theo một mô hình truyền thống, ý tưởng đó phải gặp gỡ với ý chí đầu tư của nhà xuất bản, thiết chế sẽ triển khai tiến trình sản xuất và kinh doanh để biến “bản mẫu”, bản thảo của nhà văn trở thành sách, những sản phẩm văn hóa để đưa vào mạng lưới phát hành với mục tiêu là được công chúng tiêu thụ. Như vậy, trong đời sống văn học, nhà xuất bản, hay chính xác hơn, các thiết chế sản xuất và kinh doanh xuất bản sẽ giữ vai trò của các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp để có thể biến những sản phẩm tinh thần của nhà văn thành những sản phẩm văn hoá và được đại chúng tiêu thụ. Khác với thế giới doanh nghiệp, gần như hiện nay không có nhà văn nào tự kinh doanh sách của mình. Gần như đa số các nhà văn đều “cộng sinh” cùng các nhà xuất bản để biến bản thảo thành sách và đưa ra thị trường. Sở dĩ nói đây là một sự “cộng sinh” bởi lẽ nhà văn cần có nhà xuất bản để có thể có vốn biến bản thảo thành sách và phân phối đến công chúng để từ đó thu lại thu nhập nuôi sống chính việc viết. Từ phía bên kia, nhà xuất bản cũng cần đến nhà văn để tạo ra lợi nhuận. Nhưng vấn đề liệu có phải chỉ đơn giản như vậy? Và từ đó, liệu có thể rút ra những “gợi ý chính sách” gì để hỗ trợ cho các nhà văn bắt đầu sự nghiệp, những “nhà văn trẻ”, theo hình dung của thể chế?

- Trước hết, như trên đã nói, việc một nhà văn lựa chọn con đường sáng tác là xuất phát từ khát vọng sáng tạo mang tính cá nhân. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, việc sáng tác chỉ có thể thành công khi nó không chỉ xuất phát từ những yếu tố tâm lý sáng tạo cá nhân mà còn được ươm mầm trên một nền tảng văn hóa mà nhà văn thủ đắc được trong suốt đời sống trước đó và được liên tục bổ sung cùng với thực hành nghề nghiệp. Tầm tư tưởng, những giá trị văn hóa luôn là một phần không thể thiếu của một tác phẩm văn học tốt, mặc dù những yếu tố đó không đủ để làm nên thành công của tác phẩm. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, còn có nguy cơ đe doạ tính văn chương của tác phẩm. Từ đây, có thể thấy mấy điều. Thứ nhất, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ sáng tác của nhà văn là phải giúp họ có một nền tảng triết mỹ, tư tưởng, nhận thức xã hội vững vàng. Có lẽ, điều này đã được tất cả những người thiết kế các chương trình đào tạo sáng tác tính đến nhưng vấn đề cuối cùng, có lẽ vẫn chỉ là dạy thế nào và thế nào là đủ. Theo chúng tôi, phải vượt qua tư duy đó để thấy rằng đó là một quá trình tích lũy liên tục và cách thức tốt nhất tạo nên nền tảng đó là thúc đẩy đối thoại và để cho người học tự rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình. Thứ hai, nếu như trong lĩnh vực kinh tế, đại học là vườn ươm những ý tưởng khoa học và công nghệ thì trong sáng tác, đại học cũng chính là vườn ươm những ý tưởng nghệ thuật. Chính từ những kiến thức về nhân văn, xã hội luôn được thử thách và tìm kiếm những chân trời mới trong môi trường đại học mà những tư tưởng nghệ thuật có thể nảy sinh. Điều này cho thấy, bên cạnh mô hình đào tạo viết văn trong những trường chuyên nghiệp thì việc khuyến khích và đào tạo viết văn ở những trường đa ngành là hoàn toàn khả thi, thậm chí cần phải là một mô hình tồn tại song song với mô hình truyền thống.

- Từ đây, cần tính đến sự đa dạng hóa các loại hình đào tạo sáng tác văn học, như là một tiến trình đào tạo ban đầu và đào tạo thường xuyên. Đối với đào tạo ban đầu, bên cạnh loại hình đào tạo trong các trường chuyên nghiệp nên tính tới cả đào tạo ở các trường đa ngành. Bên cạnh đào tạo đại học, nên phát triển loại hình đào tạo sau đại học. Đặc biệt, cần đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng dành cho nhà văn khởi nghiệp, lồng ghép các lớp bồi dưỡng vào các trại sáng tác. Cũng phải lấy tính khai phóng thay cho tính giáo điều, công thức, một chiều trong đào tạo. Và đặc biệt, đặt vấn đề đào tạo cũng chính là đặt vấn đề thiết kế các chính sách hỗ trợ đào tạo từ sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các loại hình đào tạo đến thiết kế chính sách hỗ trợ đào tạo.

- Trong thế giới khởi nghiệp, được giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp để có thể kết nối với nhà đầu tư là một vấn đề vô cùng quan trọng. Đối với văn học, đây chính là vai trò của các cuộc thi và giải thưởng văn học để có thể phát hiện những ý tưởng nghệ thuật và những cá nhân có năng lực sáng tác. Vậy mà đây lại là một trong những khâu yếu của đời sống văn học hiện nay. Nên chăng, có một chính sách ở tầm quốc gia về hệ thống các cuộc thi và giải thưởng văn chương?

- Nếu như các nhà văn chuyên nghiệp được thụ hưởng hệ thống hỗ trợ sáng tác và đặt hàng sáng tác thì các tác giả trẻ gần như không được thụ hưởng tất cả những chính sách này. Theo tôi, nên có chính sách hỗ trợ các dự án của các nhà văn bắt đầu sáng tác. Sự tài trợ có thể thực hiện dưới hình thức học bổng sáng tác hoặc hỗ trợ sáng tác, hỗ trợ xuất bản. Đây là một cách tạo cú huých đối với sáng tác của các nhà văn bắt đầu sự nghiệp.

- Cũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ sáng tác, nên chăng xem xét hình thức Quỹ hỗ trợ sáng tác được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn dưới sự điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, cũng cần đa dạng hoá các hình thức trại sáng tác để hoạt động hỗ trợ sáng tác đạt hiệu quả cao hơn.

Trên đây là một số suy nghĩ về vấn đề hỗ trợ sáng tác của nhà văn mới bắt đầu sự nghiệp trong liên hệ với mô hình khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Phạm Xuân Thạch

Nguồn Văn nghệ số 14/2024


Có thể bạn quan tâm