May 5, 2024, 3:20 pm

Đạo đức và lễ nghĩa trong nhà trường

 

            “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu quí thầy”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... Nhiều tục ngữ, ca dao, hò vè của dân gian truyền tụng để truyền dạy, dặn dò con cháu mình về lễ nghĩa, về sự kính trọng của học trò đối với thầy.

Một sự kính trọng rất mực mà hiếm nước nào trên thế giới có được. Điều đó nói lên sự ham học, ham chữ nghĩa, sự tôn trọng tối đa thầy cô giáo là những người truyền thụ kiến thức tinh hoa của nhân loại cho dân tộc, cho con em mình. Học trò ngày xưa xem thầy cô là cha mẹ thứ hai của mình. Những người cha người mẹ thứ hai này đã nuôi dưỡng, đã kiến tạo nên tâm hồn, tính cách và hướng dẫn cả nghề nghiệp của những con người đang đi trên con đường tương lai phía trước.

  Vị trí của người thầy trong xã hội ngày xưa thật thiêng liêng cao quí vô cùng. Ngày nay vị trí đó có còn không? Khi mà xã hội ngửa nghiêng bởi tiền tài danh vọng, bởi thời đại thông tin, công nghệ cao đang trị vì trên nhiều mặt của cuộc sống khiến cho con người có cách sống, cách nghỉ rất khác trước. Thầy trò ngày nay “chat, chít” với nhau trên mạng xã hội như bạn bè, nên khi xưng hô với nhau “ông ông, tôi tôi” nghe thật “bình đẳng”, nhiều học trò gọi thầy cô mình bằng “ổng bả” hoặc “thằng chả, con mẻ” nghe như dân chợ trời…

            Từ cách gọi này cho thấy học trò phần nào coi thường thầy cô, không còn cảnh cúi gập mình chào thầy cô như ngày xưa, nói năng dạ thưa đúng mực, thật sự thương kính thầy không thua gì cha mẹ ở nhà. Tại sao vậy? Tại sao ngày nay đã mất đi sự tương kính đó? Ở đây không phải tác giả muốn so sánh sự kính trọng thầy cô theo kiểu cổ xưa với thời hiện đại mà chỉ muốn nhắc tới những cử chỉ hành động thật lòng của học trò ngày xưa trong mối quan hệ thầy trò.

            Do nhu cầu học tập ngày càng nhiều, càng cao của người dân và sự mở mang trường lớp với những quy chế “thoáng” nên “Phong trào” phát triển trường lớp trở nên dày đặc và dễ dãi hơn trước. Ngoài hệ thống trường của nhà nước tương đối chỉn chu thì hệ thống trường tư từ mẫu giáo lên đại học đua nhau rộ lên như nấm sau mưa. Vì trường mọc lên quá nhiều mà chất lượng chưa đúng nên trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp (ngay cả trường Quốc tế) thầy cô không được chọn lọc kỹ càng, không đủ số và chất nên có sự chấp vá và gần như biến nhà trường thành thương trường. Thầy cô giáo trường tư (cấp Đại học) đa số thỉnh giảng ở các trường nhà nước nên thầy cô vừa dạy trường nhà nước vừa “chạy sô” ở các đại học tư như ca sĩ “chạy sô”, tới giờ vô dạy, hết tiết đi ra, không hề nhớ mặt sinh viên mình là đứa nào, sinh viên cũng không cần nhớ tên thầy làm chi, thầy giảng ù ù cạc cạc không ghi chép được gì nhiều, cuối năm thi thì cứ “học tủ” hoặc may nhờ rũi chịu. Hệ thống mẫu giáo, trung học cơ sở và phổ thông của nhà nước thì chương trình nặng nề mà giáo viên phải dạy ở trường rồi còn dạy thêm buổi tối nên mệt thở không ra hơi, bài giảng trên lớp không đủ giờ nên dạy tóm tắt là chính, phần nào học trò không hiểu thì dạy thêm ở nhà. Thầy cô giáo trường tư của các cấp này là thượng vàng hạ cám, tính chuyên môn về sư phạm, về kiến thức là yếu kém hoặc không có, nói chi đến yêu nghề, đến đạo đức nghề nghiệp.

            Chuyện chạy trường, chuyện lo lót thầy cô là chuyện thường ngày ở Huyện. Chạy trường để con em mình được học trường tốt thì không có gì là xấu, chuyện tặng quà cáp thầy cô là chuyện nghĩa tình, nhưng những chuyện này đã trở nên thông lệ trong nhà trường, phụ huynh đã biến nó thành “thói quen” bình thường khi muốn con em mình học có điểm cao và được ưu đãi thì phải tốn số tiền khá lớn… Vì vậy học trò ngày nay đi học với tâm thế là người chi tiền thì thầy cô phải có nhiệm vụ dạy chữ, còn thầy cô đi dạy là vì tiền lương và tiền quà của phụ huynh “tặng” mỗi khi có lễ lộc hay sinh nhật này nọ... chớ ít người vì học sinh thân yêu như ngày xưa.

            Việc bán bằng cấp cho “khách hàng” cần dùng được rao bán tràn lan trên mạng. Bằng B, bằng C Anh văn, viết thuê luận văn Tiến sĩ, Thạc sĩ mỗi bài khoảng 15 triệu, nên những “Tiến sĩ giấy” ở Việt Nam hiện nay rất nhiều, nhất là những người có chức quyền… Gần đây ở một số nhà trường bùng nổ nhiều việc mà từ trước tới nay chưa bao giờ nghe thấy. Vì nhà trường từ lâu được xem là “Đền thiêng”, là nơi mẫu mực nhất, nơi đạo đức lễ nghĩa nhất mà bây giờ những sự việc xãy ra quá lạ lùng khủng khiếp: Một số tỉnh hè nhau nâng điểm cho con em cán bộ từ thấp nhất lên cao nhất (0,9 lên 29 điểm, ba tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu). Việc nâng điểm thời trước cũng có lai rai nhưng cao lắm là xin một hoặc nữa điểm cho con ông cháu cha nhưng thường bị giáo viên từ chối và giáo viên đó xin nghỉ dạy ngay (bạn của người viết bài này), lòng tự trọng nghề nghiệp của giáo viên ngày trước rất cao, không chịu khom lưng cúi đầu để hùa theo lãnh đạo.

Chuyện bạo hành trong nhà trường đã lên đỉnh điểm. Năm mười nữ sinh vây đánh một em vì không hài lòng chuyện gì đó, lột quần lột áo quay phim rồi đưa lên mạng, một nhóm nam sinh vây đánh một học sinh nam vì không đóng “tiền thuế” mỗi ngày... Nhiều em nạn nhân bị tật nguyền phải bỏ học, bị tâm thần hoặc chuyễn trường đi nơi khác... Rồi chuyện ấu dâm trong nhà trường, chuyện cô giáo bắt tất cả học sinh lớp mình phải bạt tai một học sinh phạm lỗi trong lớp, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bắt học sinh quì gối hàng giờ trước lớp... Gần đây lại có vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón học sinh... Ở các trường mẫu giáo, nhất là trường tư, việc đánh đập học sinh xãy ra như cơm bữa, mới đây có trường mẫu giáo (Quốc tế) ở Hà Nội đã đánh bầm mặt mày một học sinh…

Việc kỷ luật học sinh đương nhiên là phải có để giữ kỷ cương trong nhà trường. Học sinh ngày nay cũng đã khác xưa, tài năng, chăm chỉ, ngoan ngoản có nhiều mà quậy phá, coi trời bằng vun cũng không ít. Từ khi nhà trường nêu cao về nhân quyền, không được đánh phạt, rầy la học sinh thì dựa theo quy chế đó, các em và phụ huynh xử sự với thầy cô giáo nhiều lúc cũng quá đáng. Động một tí là thưa gởi với nhà trường nên nhiều cô thầy chọn giải pháp im lặng, tránh né học sinh “cá biệt” cho xong.

Quá nhiều chuyện không kể ra hết, nhưng cho ta thấy bên canh những thành tựu không thể phủ nhận thì vaanc sòn một bức tranh khác nhiều u ám về giáo dục, dù những hiện tượng trên chưa phải là đại trà nhưng không sớm chấn chỉnh, buông thả cho giáo dục nổi trôi thì các thế hệ công dân tương lai sẽ ra sao? Đất nước sẽ ra sao?

Tình trạng giáo dục xuống cấp về đạo đức hiện nay do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là những người làm nghề giáo dục thiếu một tấm lòng với học sinh, biến nhà trường thành thương trường, Bác Hồ đã từng nhắc đi nhắc lại rất nhiều về giáo dục “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”, “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. “Thầy sao trò vậy”, nói nôm na là như vậy. Nghề dạy học là nghề tròng người, một nghề đặc biệt, cao cả, quyết định vận mệnh đất nước, vì vậy ai tự thấy mình không thích hợp với nghề thì nhất quyết không nên vào. Còn nhớ trước đây sinh viên có câu vè về chọn nghề: “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm xếp xó”… Qua câu nói đó cho thấy cách phân định nghề Sư phạm thật tệ hại, vì cái nghề “bán cháo phổi” này khá bạc bẻo, nó đòi hỏi tác phong của thầy cô phải đạo mạo khuôn mẫu, phải có đạo đức làm người và làm nghề, kiến thức phải uyên bác, luôn kiên trì nhẫn nại trong việc uốn nắn giảng dạy những con người đang lớn với biết bao tính cách phức tạp khó lường. Gian nan là vậy nhưng lương bổng không bao nhiêu, học trò học xong ra trường, mấy người còn nhớ công lao mà quay lại thăm viếng người lái đò đã đưa mình “sang sông”.

Nhưng dù thế nào đi nữa, khi chấp nhận làm nghề dạy học, trước hết thầy cô giáo phải biết thương yêu học trò thì mới hành nghề. Không thích không hợp thì tốt nhất nên đi nghề khác hay hơn, đỡ phải khổ sỡ bản thân mình và làm hại nhiều thế hệ học trò. Vì lẽ đó, đầu tuyển vào của ngành Sư phạm phải hết sức nghiêm nhặt theo đúng tiêu chuẩn Sư phạm, khi ra trường sinh viên phải có nơi để giảng dạy và lương bổng nhất thiết phải tăng cao cho đời sống thầy cô giáo đỡ vất vả, đồng thời qua đó cũng cho thấy nhà nước trân trọng giáo dục, khích lệ lòng yêu nghề của những người làm giáo dục. Nên hạn chế việc thi đua trong nhà trường để giảm áp lực cho thầy cô, tăng cường kiểm tra đột xuất học sinh và nhiều biện pháp khác ắt hẳn sẽ biết rõ hoc sinh đang học thật hay học giả.

Chúng ta không thể làm ngơ trước tình hình giáo dục có quá nhiều vấn đề cấp bách cần chỉnh đốn, nếu chúng ta còn chút lương tâm.

                                            Nguồn Văn nghệ số 40/2019    

           

 

             


Có thể bạn quan tâm