May 2, 2024, 7:35 pm

Dạo bước làng hoa

Nhằm một ngày cuối năm có nắng, tôi qua bên tả ngạn sông Hồng, về thăm làng hoa Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Vừa chạm cống Xuân Quan, nơi hơn sáu mươi năm trước là công trình trọng tâm của Đại công trường thủy nông Bắc Hưng Hải, tôi đứng mà ngỡ ngàng.

Trước mắt tôi là rực rỡ đủ sắc màu của hoa tươi xanh màu xanh của lá. Hoa có ở khắp nơi, hoa nở kín đồng làng, hoa nở đầy trên mọi con đường trong làng, hoa nở từ dưới đất, hoa nở trên những giàn hoa, dường như chỉ thấy trước mắt tôi là hoa với hoa. Chẳng thế mà không biết ai đã đặt danh cho làng Xuân Quan là “Đệ nhất danh hoa xứ Bắc”.

Gió bấc thổi từ sông Hồng tới, thổi lướt qua mặt đê nhộn nhịp dòng người xe hối hả. Những chiếc xe tải các cỡ nối nhau rẽ xuống đê để vào làng, những chiếc xe máy cồng kềnh chở hoa nặng nề leo lên dốc đê. Những ngày cuối năm dường như ai cũng tất bật, ai cũng vội vàng, chỉ có riêng mình tôi là thong thả đứng ngắm làng, đứng ngắm hoa.

Làng Xuân Quan vốn là một làng lớn, lớn đến mức làng là một xã và xã chỉ có một làng. Theo thần phả được ghi chép ở Đình Long Hưng, đình làng Xuân Quan, thì đây là một làng cổ có tuổi đời 2000 năm. Đâu như dạo xa xưa đó, có một lần Vua Triệu Đà đi tuần phủ qua đây, Ngài đã nghỉ lại rồi chỉ cho dân làng cách trồng khoai, trồng lúa từ trên chính vùng đất ven sông Hồng vốn quanh năm nước ngập, quanh năm bì bõm bước chân. Vùng đất như vậy chắc chỉ có loài lau sậy là có thể tồn tại được, chẳng thế mà cho tới hôm nay người dân Xuân Quan vẫn còn ghi nhớ, vẫn còn lưu giữ địa danh về một thuở khó khăn nghèo đói, địa danh “Đầm Lau”. Cái tên Đầm Lau đủ để cho thấy người dân Xuân Quan nay biết nhắc nhở nhau phấn đấu vươn lên, phấn đấu vượt qua đói nghèo để cùng nhau làm giàu trên ngay chính mảnh đất nghèo nhưng đầy hứa hẹn của mình.

Hình ảnh làng hoa Xuân Quan

Cũng theo thần phả, thì sau khi Vua Triệu Đà rời đi người dân nơi đây đã cho cất đình làng và tôn ngài là thành hoàng làng. Ngôi đình được đặt tên là Long Hưng, cái tên gọi lên về một sự thịnh vương sau này. Ngay tên làng là Xuân Quan cũng vậy, dường như người dân khi xưa tuy còn nghèo khó nhưng đã có khát khao về một làng quê sau này vừa sáng vừa tươi.

Sau một hồi dạo bước khắp các con đường trong làng, đường làng Xuân Quan bây giờ được quy hoạch như một khu đô thị vậy. Những con đường trải nhựa, thẳng dài và được phân ô, phân lô như những dẫy phố. Chỉ khác những dẫy phố đó hai bên mặt tiền không phải là những ngôi nhà kề sát bên nhau, không phải là những cửa hàng cửa hiệu nhộn nhịp người vào ra. Với một quy hoạch khá bài bản, làng Xuân Quan nay dù vẫn nép mình dưới chân đê nhưng lại là một làng “chẳng giống ai”. Tôi chậm rãi vừa đi vừa ngắm hoa và cũng lại vừa giơ máy ảnh lên bấm, những con đường “phố làng” Xuân Quan san sát nhau giờ là những vườn trồng hoa. Tôi mỉm cười thích thú khi chợt nẩy ra ý nghĩ cho rằng: “Một phố hoa nở bên sông Hồng ngàn năm sóng vỗ”.

Tiếp tôi tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Xuân Quan là một người đàn ông niềm nở và nhanh nhẹn, đó là ông Lê Mạnh Tuyến. Ông Tuyến hiện đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã. Thấy tôi bước vào ông Tuyến dù đang trao đổi công việc với một cán bộ nhưng cũng ngẩng đầu lên đáp câu chào của tôi. Chẳng cần tôi làm “thủ tục” giới thiệu về mình và nói về mục đích chuyến thăm của tôi, ông Tuyến đã nói: “Mời bác ngồi uống nước”. Chính thái độ rất thân thiện của người đàn ông sinh năm 1975 này đã giúp tôi thấy như đang trở về làng mình vậy. Cảm giác quen thân của vị lãnh đạo xã đã nói lên tính thân thiện của người làng hoa Xuân Quan.

Ông Lê Mạnh Tuyến rót mời tôi chén nước chè thơm nóng hôi hổi thì nở nụ cười: “Bác về làng chắc có chuyện?”. Tôi gật đầu, câu nói nghe “nhẹ cả người”, tôi vội trả lời: “Biết cuối năm mọi người đều bận nhưng tôi cứ mạnh dạn đề xuất là được làm việc ít phút với các anh”. Ông Tuyến không phân vân mà nói luôn: “Vâng cũng bận lắm ạ nhưng các bác ở nơi khác đến là có chuyện cần trao đổi rồi”. Đúng là một tác phong đáng nể và đáng quý.

Theo như ông Tuyến cho hay thì xã Xuân Quan là một xã nông nghiệp nằm ở phía tây bắc huyện Văn Giang, giáp ranh với các xã: Bát Tràng, Văn Đức và Kim Lan của huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ Hà Nội muốn về xã Xuân Quan thì rất thuận lợi bởi tuyến xe buýt số 47B khởi hành từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân đi xã Kim Lan – Kiêu Kỵ của huyện Gia Lâm chạy ngang qua xã. Nghe nói thế tôi mới vỡ lẽ hiểu ra vì sao lúc còn đứng ngắm làng trên đê tôi thấy xe buýt tuyến 47B chạy xuôi ngang làng rồi rẽ dốc đê chạy vào làng. Thì ra xã Kim Lan rồi Văn Đức nằm ngoài đê, nghĩa là được xã Xuân Quan bao bọc. Ông Tuyến nói thêm: “Lần sau về làng thì bác đi xe buýt cho tiện. Tuổi bác cao rồi chạy xe máy không an toàn. Nhất là đường đê Xuân Quan xe máy ô tô qua lại nhộn nhịp lắm, cuối năm lại càng nhộn nhịp”.

Tôi nói góp: “Mới thử đi thăm chút chút làng mình mà tôi thấy làng mình lạ lắm”. Ông Lê Mạnh Tuyến vội hỏi luôn: “Bác nói làng mình lạ lắm là thế nào ạ?”. Tôi cười vui, chiêu ngụm nước chè rồi thong thả nói: “Lạ lắm là tôi chỉ thấy hoa với hoa. Làng nông nghiệp mà có khu chung cư cao mấy chục tầng đứng lừng lững bên chân đê cứ như khu đô thị ấy. Rồi làng gì mà đường xá khang trang, quy hoạch rất chi là vuông vức”. Ông Lê Mạnh Tuyến nở nụ cười vui rồi cũng thong thả trả lời: “Làng Xuân Quan khấm khá lên cũng chừng hơn hai mươi năm nay thôi. Chính xác là đúng mười năm nay thôi. Chứ trước kia cũng nghèo lắm”.

Làng Xuân Quan, à không, xã Xuân Quan có tổng diện tích đất tự nhiên là 532,12ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 269,17ha. Xã hiện có 26754 hộ dân sinh sống ở 10 khu dân cư, được đánh số từ 1 tới 10 và gọi là thôn. Xã có hai khu vực chính, đó là trong đồng và ngoài bãi. Trước đây người dân trong xã sinh sống bằng nghề cấy lúa, năm 2 vụ trên những khu đất trong đồng. Còn khu vực ngoài bãi thường chỉ trồng ngô, khoai. Một xã thuần nông lại ở vị trí hai bên đê nên kinh tế thuần nông không khá lên được. Cái khó cái nghèo cứ leo lắt cùng ngôi làng cổ có tuổi đời hai nghìn năm cứ như vậy mà trải thời gian vô cùng là dài.

Ông Lê Mạnh Tuyến khi nghe tôi hỏi về vì sao xã Xuân Quan lại có sự thay đổi ngoạn mục như hiện nay thì trầm ngâm vài giây. Ông Tuyến cho biết: “Mãi đến năm 1996 thì trong xã có mấy hộ gia đình ở thôn 1 mạnh dạn trồng thử cây cảnh trên đất vườn nhà mình. Những người đầu tiên trong làng đó là các ông: Ông Điền, anh Phong, anh Phúc Vân và anh Khoái Trúc. Những hộ này đã tiến hành cải tạo vườn tạp của gia đình mình để lấy đất trông cây cảnh”.

Được biết là dạo đầu những năm 90 của thế kỷ hai mươi ở miền Bắc có nhiều địa phương tiến hành trồng cây cảnh. Cây cảnh dạo những năm đó và tới những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt đang thành phong trào. Người dân Xuân Quan học hỏi những người dân ở các địa phương khác để tìm cách “cứu” mình. Tuy nhiên cây cảnh “chợt” thoái trào, nhiều hộ trồng cây cảnh ở Xuân Quan trồng cây ra không tiêu thụ được. Hơn nữa trồng cây cảnh đòi hỏi phải có kỹ thuật cao về trồng trọt, đặc biệt là kỹ thuật tạo dáng. Một cây cảnh từ khi trồng đến khi tiêu thụ mất rất nhiều năm, có khi vài chục năm và có rất ít người trồng được. Thế là cách làm giàu này không khả thi.

Tôi vội hỏi chen ngang: “Vậy như thế nào thì xã chuyển sang trồng hoa và ai là những người đi tiên phong?”. Ông Lê Mạnh Tiến cho biết: “Chúng tôi chưa xác định chính xác là những ai là người đi tiên phong trồng hoa nhưng căn cứ vào đồng đất của xã thì trồng hoa xem ra khả thi hơn”. Vậy thế là từ năm 2003 xã Xuân Quan đã đề ra nghị quyết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cho phù hợp với điều kiện về diện tích và thổ nhưỡng của xã. Làng hoa Xuân Quan được hình thành với cách thức là: Cải tạo đất bãi bồi ven sông để trồng hoa còn đất trong đồng vẫn duy trì cấy lúa năm 2 vụ. Nhưng chất đất bãi bồi vẫn chưa thấy hiệu quả cho trồng hoa.

Ông Lê Mạnh Tuyến kể rằng: “Cũng xuất phát từ thôn 1. Năm đó có 12 hộ gia đình ở thôn 1 thuê đất trồng lúa trong đồng để trồng hoa”. Theo đó thì các hộ đó vẫn phải tiến hành cải tạo đất ruộng bởi trồng hoa đòi hỏi đất không bị ngập nước. Cây hoa cần tưới chứ không cần nước như ruộng lúa. Những người trồng hoa đầu tiên đó đã phải tiến hành quây bờ để ngăn nước. Những vụ hoa ban đầu đã cho thấy một hướng đi đúng.

“Nhưng chính xác thì phải đến năm 2013, tức là cách đây tròn mười năm thì làng hoa Xuân Quan mới thực sự phát triển. Tôi góp lời: “Qua tròn mười năm cũng phải có gì như là tổng kết chứ?”. Ông Tuyến rất vui: “Đúng là mười năm qua là cuộc chuyển mình, cuộc đổi đời thực sự”. Thấy ông Tuyến vui vui nên tôi chợt nghĩ: “Làng cổ 2000 năm tuổi mới đổi đời được. Đúng là không có việc gì đơn giản được”.

Năm đổi đời mang tên 2013 ấy cũng xuất phát từ một chuyện “phi nông nghiệp”. Số là năm 2013 xã Xuân Quan bị thu hồi 100ha (trong đó có 30ha đất đã và đang trồng cây cảnh) để quy hoạch khu đô thị, thương mại và du lịch Văn Giang. Bấy giờ tôi mới hiểu vì sao tôi thấy những khối nhà cao tầng sững sững dưới chân đê. Được biết khu đất 100ha ấy từng là “bờ xôi ruộng mật” của bà con Xuân Quan. “Vậy là phải tính bác ạ” ông Lê Mạnh Tuyến bùi ngùi.

Trước khi rời trụ sở UBND xã đi tiếp tục đi thăm làng hoa, tôi đã đứng một hồi ngắm công trình công viên của xã. Công trình hồ cảnh quan hiện đã cho thấy hình hài một khu vui chơi giải trí của người dân trong xã. Tôi mừng trong bụng “Người nông dân thời đại 4.0 có khác, cứ như được sống nơi đô thị thực sự vậy”.

Làng hoa đang mở ra trước mắt tôi, đúng là hoa nhiều vô kể nhưng vừa tới vườn nhà này tôi đã vội bước sang vườn nhà khác. Được biết hiện Xuân Quan có 250/ 270ha trồng hoa, chiếm 91% đất nông nghiệp của xã, chưa kể có 60ha đi thuê các xã lân cận. Ông Tuyến nói nhỏ “Thu nhập đạt xấp xỉ một tỉ đồng trên một ha một năm”.

Vườn hoa nối nhau vậy mà không thấy chán mắt bởi vườn hoa, làng hoa Xuân Quan có hình thức canh tác hay ta gọi là trồng hoa cũng “chẳng giống ai”. Người nông dân trồng hoa ở Xuân Quan thay vì trồng hoa dưới đất như thông thường thì nay họ chuyên trồng hoa trong chậu, trong bịch. Hỏi chuyện cô Hoài là vì sao lại trông hoa kiểu này thì cô cười ngặt nghẽo. Thì ra hình thức trồng hoa kiểu nay có rất nhiều cái hay.

Cái hay đầu tiên là khâu làm đất, đất làm hoa ở Xuân Quan khá uyển chuyển. Không cần có ruộng mà chỉ cần có mặt bằng là đủ. Người nông dân Xuân Quan cho đất trồng hoa, nghĩa là thứ đất đã được trộn giữa đất ruộng với phân vi sinh, rồi cho vào chậu vào bịch. Cây hoa được trồng ở đó, tiện cho việc chăm sóc và rất tiện cho việc mang đi. Tôi đưa mắt quan sát, toàn bộ làng hoa đều trồng hoa kiểu ấy. Chỉ tùy thuộc vào trồng giống hoa gì hay giống cây cảnh gì.

Cô Hoài vừa dùng vòi nước tưới hoa vừa giảng giải cho tôi hay, lại thì ra cách trồng hoa trong chậu người nông dân không phải cuốc xới, không phải bón phân, vì tất cả “thức ăn” của cây và hoa đã được đổ đầy trong chậu. Chỉ cần tưới nước giếng khoan sạch là đủ. Tôi chợt nhận ra dù đứng giữa vườn hoa hay ngồi sát cây hoa tôi vẫn không thấy “mùi mẽ” gì. Cách thức trồng này đã giải quyết khâu môi trường hữu hiệu. Thêm nữa ở Xuân Quan sau khi thu hoạch hoa thì chỉ còn lại đất trống bởi hoa hay cây cảnh được người mua cứ thế mà bê đi, không đánh cây, không nhổ cây và không cắt hoa. Một lần nữa môi trường trông cây cũng được “sạch sẽ” bởi người hoa Xuân Quan không để lại rác thải là những cây hoa đã cắt bông, những cành lá hoa sau khi cắt tỉa. Ruộng vườn trồng hoa trước trong và sau thu hoạch cứ gọi là tinh tươm sạch sẽ. Cô Hoài còn cho hay thêm: “Chúng cháu trồng hoa trong chậu, trong bịch và cả giỏ treo nữa nên bác thấy đấy hoa đem đi rất tiện. Chỗ này đây ạ, chỗ này trồng hoa thảm, nghĩa là hoa trồng trong bịch nhỏ cỡ bằng chiếc bát ăn cơm, dịp lễ tết ấy, người các nơi đổ về mua hoa thảm để trang trí những chỗ như ngã ba ngã tư hay sân nhà”.

Tôi cúi xuống nhìn vườn hoa thảm như cô Hoài nói, thì ra đây là cách người nông dân Xuân Quan trồng những giống hoa nho nhỏ xinh xinh để cung cấp cho thành phố và cho cả những hội nghị nữa. Những “bát” hoa này đem trang trí sẽ nhanh, bền và sau một vài tháng thì mang đi vứt bỏ.

Và tôi vui vui trong lòng khi biết rằng dịp lễ tết tới đây đường phố Thủ đô sẽ tươi muôn màu hoa trong đó có những bát hoa thảm mang về từ làng Xuân Quan.

Ghi chép của Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm