May 2, 2024, 10:57 pm

Dân lo

Ở thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, trên địa phận Miền Đông Nam Bộ hình thành đơn vị Quân báo Thủ Biên với lực lượng non trẻ, không được đào tạo chính quy những nhưng không ngại gian khổ, hy sinh, dũng cảm, khôn khéo, linh hoạt trong hoạt động, vừa xây dựng, vừa chiến đấu xây dựng, chỉ huy nhiều tổ tình báo hoạt động độc lập trong hàng ngũ kẻ thù, thu thập nhiều tin tức tài liệu chiến lược quan trọng…

Người dân đến dâng hương. Ảnh: Đặng Minh Dũng

Tháng 5/1951, sáp nhập hai tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên. Địa giới tỉnh Thủ Biên bao gồm phần đất các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Thủ Đức, trừ huyện Long Thành lúc này được giao về tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. Đơn vị có tên mới “Biệt động tình báo quân sự tỉnh Thủ Biên, phiên hiệu B-58 với 108 cán bộ chiến sĩ, chia thành 9 tiểu đội chiến đấu, trang bị vũ khí bộ binh thu được của địch. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ Bộ chỉ huy kháng chiến tại chiến khu Đ; B-58, hóa trang tập kích vào các sở chỉ huy cơ quan đầu não, căn cứ trọng yếu, kho tàng, bến cảng, sân bay… của địch. Căn cứ địa cách mạng chiến khu Đ trên đất Tân Uyên nhiều lần bị quân viễn chinh Pháp huy động hàng chục ngàn quân có pháo binh, tàu chiến, phi cơ, xe bọc thép yểm trợ mở hàng chục cuộc hành quân quy mô lớn bao vây, nhưng lần nào cũng bị đánh bại. Chiến tranh chống Mỹ, cứu nước; B-58 nhạy bén nắm thông tin chiến trường, giúp lãnh đạo chỉ đạo bẻ gãy các chiến dịch lớn của địch, góp phần làm sáng thêm hình ảnh quân và dân Miền Đông gian lao mà anh dũng.

Cậu bé mồ côi Đặng Văn Theo, quê ở Thường Lang, Tân Uyên, Biên Hòa; nay là xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, hàng ngày chăn trâu quanh khu vực đồi lính ấp Bưng Kè. Tháng giêng năm 1946, một anh bộ đội hỏi em có muốn làm bộ đội Cụ Hồ để bỏ kiếp ở đợ?... Theo lùa trâu về chuồng và gia nhập Chi đội 10, Tỉnh Biên Hòa ở tuổi 13 được Cách mạng đặt tên Đặng Thắng.

Tháng 12/1949, Đặng Thắng về Biệt động Quân báo Thủ Biên. Tháng 7/1954, đang là Trung đội phó Trinh sát, anh được lệnh tập kết. Năm 1960, Trung úy Đặng Thắng vào học Trường Tình báo Cục 2, Bộ Tổng tham mưu. Năm 1965 được phong Thượng úy, trợ lý Điệp báo Cục 2. Năm 1967, Đại úy Đặng Văn Thắng, vào Nam, được phân công Cụm trưởng Cụm tình báo B-58, kiêm chính trị viên. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ tình báo chiến lược, Đại úy Đặng Văn Thắng được giao nhiệm vụ Cụm trưởng Cụm tình báo hành động B-58; có nhiệm vụ chỉ huy các nội tuyến đặc tình, phản chiến, làm binh biến tạo sụp đổ từ bên trong lực lượng địch ở Sài Gòn - Gia Định, cụ thể là Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng Hòa do Trung tướng Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh cuối cùng có nhiệm vụ kiểm soát Sài Gòn và các tỉnh xung quanh Đô thành, giữ vai trò trọng yếu đối với Chính thể Việt Nam Cộng hòa. (Do yêu cầu nhiệm vụ, tên Đặng Thắng và Đặng Văn Thắng thay đổi theo từng giai đoạn).

Từ ngày 12/4/1975 đến 30/4/1975; đơn vị phá hoại hệ thống truyền tin, gây nhiễu sóng nhận, truyền điện chậm... góp phần làm tan rã Quân đoàn 3 trước khi bộ đội ta tiến công giải phóng Biên Hòa. Tác động Trung tá Nghiêm án binh bất động làm tan rã hoàn toàn Trung đoàn 46/F25, bỏ trống Củ Chi. Tác động Trung tá Nhờ làm rã ngũ 30 sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính của Trung tâm truyền tin Tình Báo quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sáng 30/4/1975; cùng nhân dân làm chủ khu vực đường Hồ Văn Ngà, đường Lê Thánh Tôn (đoạn chợ Sài Gòn), chung cư Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn 3 cũ, khu vực Bảy Hiền, quận Tân Bình...

Năm 1982, về hưu, ông lấy lại tên đầu tên cách mạng đặt cho mình. Lúc đó, gia đình ông Đặng Thắng đang ở trong căn hộ chật hẹp được cấp ở Quận 3. Ngoài viết văn, làm báo, soạn giả cải lương, ông có nguyện vọng xin đất xây Đài tưởng niệm cán bộ chiến sĩ tình báo Thủ Biên để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trước ngày hòa bình thống nhất. Ông cũng muốn những đồng đội còn sống, khi lên chuyến xe cuối cùng sẽ được về quây quần bên các liệt sĩ như ngày nào sẻ chia tính mạng cho nhau. Cùng thời điểm, nhiều người đi tìm mua nhà đất. Ông tìm gặp các lãnh đạo cũ đương chức, bạn bè để vận động làm bằng được tâm nguyện của mình.

Ngày 21/9/1995, tại Hội trường tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì cuộc họp, cùng với các lãnh đạo ban ngành trong tỉnh. Đồng tham dự có thứ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội Nguyễn Văn Quảng; lãnh đạo Tổng cục Tình báo - Bộ Quốc phòng: thiếu tướng Đặng Ngọc Sĩ, thiếu tướng Nguyễn Văn Danh cùng các cán bộ chiến sĩ khối Tình báo B-58 và các đồng chí còn lại của Biệt động quân sự tình báo Thủ Biên. Cuộc họp quyết định giao 30 ha đất rừng cho đại diện khối B-58 để sản xuất, gây quỹ hoạt động truyền thống. Cho phép B-58 xây dựng Đài tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Thủ Biên tại chiến khu Đ. Xét đến thực tế chiến đấu, nhiều cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh trong đó các tình báo hoạt động trong lòng địch đã hy sinh thầm lặng, đến nay vẫn không tìm ra tung tích. Lúc chiến đấu, bản thân không được vinh danh, gia đình bị kỳ thị do phải khoác áo người thân theo giặc... Hội nghị cho phép quy hoạch nghĩa trang tôn nghiêm để đưa các gia đình biệt động tình báo khi từ trần về đây an táng. Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí để viết lại lịch sử của đơn vị Tình báo Thủ Biên. Sau Hội nghị, Ban liên lạc khối Tình báo B-58 giao nhiệm vụ tâm nguyện này cho Trung tá Đặng Thắng.

Để luật hóa chủ trương uống nước nhớ nguồn nêu trên, ngày 06/3/1998, UBND Tỉnh Bình Dương cấp cho Khối tình báo B-58 thuộc Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến, có trụ sở 384/33 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 18,7ha.

Dựa vào dân nhưng trước hết phải dựa vào mình, ông Thắng dùng tiền lương hưu gom góp, tổ chức khảo sát và quyết tâm khởi công xây hạng mục đầu tiên. Quy hoạch tổng thể do Trung tá Đặng Thắng, Trưởng Ban liên lạc Khối Tình báo B-58 chủ trì, Kiến trúc sư Trà Minh Hải thiết kế và vẽ, kỹ sư Nguyễn Hồng Xích phụ trách kỹ thuật. Thiết kế mặt bằng có 19 hạng mục. Ước tính tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng, quy ra tiền thời giá hiện nay khoảng 7,6 tỷ đồng. Các kiến trúc sư động viên: xây tượng đài bằng tiền góp của dân, người thực hiện không lấy tiền công. Tiền công xây dựng công trình rất cao. Ông Thắng mỉm cười: Được dân lo sẽ ổn.

7 năm trời, trung tá Đặng Thắng cùng các đồng đội lặn lội các nẻo đường, đi hơn 150.000km, gần bằng 4 lần đi vòng quanh trái đất, huy động từ dân hơn 800 triệu đồng, tính ra khoảng 1,2 tỷ bây giờ. Có được bao nhiêu, triển khai làm các hạng mục quan trọng ngay và tiếp tục làm khi có tiền... Ban đầu, làm đường, san đỉnh đồi và khu vực quảng trường, trồng cây xanh. Đến dịp 30/4/2003, xây xong 600msân hành lễ bằng tấm đan bê tông, bao quanh bằng hoa cảnh có 2,6m các bậc tam cấp dẫn đến Bia ghi danh 25 liệt sỹ đơn vị thời kháng chiến chống Pháp (21/01/1946 – 21/7/1954) cao 6,3m và 4 bồn hoa bao quanh bia.

Có tiền dân góp vào, Khối Tình báo B-58 tiếp tục xây dựng nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và thiếu tướng Trần Văn Danh (năm 1949 được phân công làm Trưởng ban quân báo liên tỉnh Thủ – Biên); cùng với 18 liệt sỹ của đơn vị. Các hạng mục khác như cổng, hàng rào kiên cố được xây dựng tiếp… Trên đồi lính ấp Bưng Kè hình thành di tích lịch sử nằm trong quần thể di tích của căn cứ cách mạng chiến khu Đ.

Ngày 30/12/2005, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, Ban liên lạc truyền thống tình báo Thủ - Biên đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Đài tưởng niệm Biệt động tình báo Thủ - Biên và Công viên Nghĩa trang tại Đồi Lính, ấp Bưng Kè, xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đến dự có đại diện 6 tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Đắc Lắc, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh và Đại diện Đảng ủy Quân khu 7. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gởi lời chúc mừng đến cuộc lễ. 

Nhà nước tiếp tục công việc luật hóa chủ trương uống nước nhớ nguồn, ngày 20/11/2006 Tỉnh cấp sổ đỏ 5ha sử dụng lâu dài nằm trong khu vực 18,7 ha đã cấp. Từ đó đến nay, việc quản lý, duy tu bảo dưỡng… hoàn toàn dùng tiền của nhân dân… Đây thực sự là mô hình lưu danh liệt sỹ do Tỉnh ủy, UBND và người dân cùng làm, đáng được trân trọng và nhân lên.

Khi xây dựng xong, Trung tá Đặng Thắng dặn con cháu, tâm nguyện lớn nhất của mình là được an nghỉ tại nghĩa trang KTB B-58 cùng đồng đội; dù ông có tiêu chuẩn được vào nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Theo tâm nguyện của ông, tháng 6/2019, trong ngày đầy mây báo hiệu những trận mưa rừng xối xả trên đất chiến khu Đ, Trung tá Đặng Thắng được gia đình đưa về yên nghỉ tại quê hương, nơi chiến trường xưa, nơi ông trở thành người chiến sĩ lúc 13 tuổi. Mộ của ông đặt gần đài tưởng niệm cùng với nhiều mộ phần của đồng đội. Ông Đặng Minh Dũng, con trai Trung tá Đặng Thắng thay cha làm giám đốc cùng Ban quản lý Nghĩa trang và Hội Đồng hương chăm lo cho tổ hợp đài tưởng niệm, nghĩa trang.

Theo lộ trình tìm “Nhà tưởng niệm chi tình báo Thủ Biên” trên bản đồ Google Map; ngày 30/4 năm nay, theo con đường đôi mới xây dựng xong, lớn nhất huyện Bắc Tân Uyên, có tên cũ đường Thủ Biên - Rạch Cuốc, tôi vào giữa núi đồi trung du vắng lặng. Qua mỏ đá Thiện Tân, rẽ trái đi 1km giữa rừng cao su, tôi đến Công viên Nghĩa trang KTB B-58. Đài tưởng niệm mới được trùng tu lại, sáng rực mầu đất đỏ, đứng lặng lẽ trên đỉnh đồi, giữa mây ngàn gió núi xanh ngát đến tận chân trời. Trong nắng hè, những bông trang rực màu đỏ làm thành hàng rào bao quanh khu tượng đài, làm tôi nhớ lại câu nói của trung tá Đặng Thắng có thể viết lại cho lịch sử hình thành khu tưởng niệm này: “Được Nhà nước và nhân dân cùng lo, sẽ trường tồn”.

Ghi chép của Lê Thanh Huệ

Nguồn Văn nghệ số 30/2023


Có thể bạn quan tâm