May 8, 2024, 11:12 am

Đam mê đến tận cùng…

Cuối năm 2022, vào lúc tình hình giới thiệu và nghiên cứu văn học nước ngoài tại Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu sa sút (những người trong cuộc than phiền với nhau rằng, đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu văn học nước ngoài ở nước ta và ngược lại), thì một công trình chuyên khảo đồ sộ (gần 650 trang) của PGS.TS Nguyễn Trường Lịch, nguyên giảng viên Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội: Đại văn hào Lev Tolstoy và nghệ thuật tiểu thuyết, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật công bố, đã khiến không ít công chúng bạn đọc Việt Nam vui mừng. Không chỉ vui mừng mà còn rất ngạc nhiên nữa.

Sự ngạc nhiên không hẳn đến từ cái tên nhà văn trên trang bìa cuốn sách (Lev Tolstoy). Bởi lẽ cái tên ấy, cùng với nhiều tên tuổi khác đến từ nước Nga, với bạn đọc Việt Nam, từ trước tới nay, vốn không xa lạ gì. Mà ngạc nhiên, vì trong cùng đề tài (tiểu thuyết L.Tolstoy) của cùng một người viết (PGS Nguyễn Trường Lịch), đến lúc này (tính từ thời điểm1986), chỉ trong khoảng gần 40 năm, đã trở đi trở lại tới ba lần. Đấy là chưa tính đến hàng chục bài viết riêng lẻ của chính tác giả in rải rác trên các báo, tạp chí chuyên ngành từ đó đến nay. Hai lần trước, vào các năm 1986 (thời điểm các nhà văn Nga đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người đọc Việt Nam), là L.N. Tolstoy, (dày gần 400 trang, do Nxb Đại học & Trung học chuyên nghiệp in); cuốn thứ hai, Tiểu thuyết Lev Tolstoy, in ra 14 năm sau (2010), tại Nxb Văn học, với độ dài tương đương (tái bản, bổ sung và sửa chữa). Đến đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này, ở thời điểm không ai còn dám chắc tình cảm của công chúng Việt Nam với văn học Nga nói chung và L.Tolstoy nói riêng, có còn nguyên vẹn, vậy mà nó vẫn cứ được tiếp tục, thậm chí như một sự thách thức với nền văn hóa đọc, nhất là với những tác phẩm kinh điển, vẫn không có gì khá hơn. Sách dày gần 650 trang, khổ 14x24cm, với sự gia tăng đột biến của nội dung luận bàn, sự mở rộng của phạm vi khảo sát, và các chương mục (14 chương). Sách gồm hai phần: Lev Tolstoy thân thế và sự nghiệp (320 trang); và Lev Tolstoy và nghệ thuật tiểu thuyết. Dung lượng của nó tính ra đã bằng gấp đôi cả hai công trình trước đó cộng lại. Đặc biệt hơn nữa, trong cuốn sách mới này, so với hai bản cùng đề tài trước đó, tác giả đã dành mối quan tâm nhiều hơn cho việc khám phá, phát hiện tài năng của Lev Tolstoy trong nghệ thuật tiểu thuyết… Nếu nhìn một cách hệ thống, so với hai cuốn đầu L.N. Tolstoy (1986), chủ yếu nghiêng về giới thiệu tiểu sử và sự nghiệp; cuốn thứ hai (2010): Tiểu thuyết Lev Tolstoy (đã tập trung chú ý hơn đến nghiên cứu thể loại); thì trong cuốn sách mới: Đại văn hào Lev Tolstoy và nghệ thuật tiểu thuyết, phần nghiên cứu đặc trưng thể loại đã được đào sâu hơn nữa. Quả là một kỳ tích nếu coi đó là công sức lao động sáng tạo của một nhà nghiên cứu năm nay đã bước sang tuổi 92…

Những niềm đam mê nào đã khiến một tác giả người Việt bỏ ra tới gần 40 năm, một khoảng thời gian rất dài với trong cuộc đời một nhà nghiên cứu, để tìm hiểu, khám phá một nhà văn ở cách xa mình tới hàng trăm năm? Sự kỳ công đó, hẳn phải chứa đựng điều đặc biệt gì đó ở bên trong…

PGS.TS Nguyễn Trường Lịch

PGS Nguyễn Trường Lịch xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, nơi từng sinh ra và nuôi dưỡng nhiều bậc tài danh văn hóa kiệt xuất. Dù được kế thừa ít nhiều vốn Tây học của người cha, nhưng Nguyễn Trường Lịch quả là một nhà nghiên cứu đầy chí lực. Ông là một trí thức công nông đúng nghĩa, chất công nông trong cả những thói quen tỉ mỉ, miệt mài và trung thành đến tận cùng niềm yêu thích của mình. Vì yêu văn hóa Nga, ông đã dám “liều lĩnh” lao vào “cày vỡ” cả một trái núi đồ sộ và phức tạp như L.Tolstoy. Và cả cuộc đời nghiên cứu L.Tolstoy, dường như không lúc nào Nguyễn Trường Lịch cảm thấy tự bằng lòng với bản thân mình. Vì thế, ông cứ phải trở đi trở lại một cách bền bỉ. Ở thời điểm kém hơn ông tới 10 năm, vào lúc 82 tuổi, nhà văn Nga đã cảm nhận được sự mệt mỏi và nhàm chán của cuộc sống gia đình: bí mật trốn những người thân và mất đi trong sự lạnh lẽo, cô đơn tại nhà ga Astapova. Nguyễn Trường Lịch ở tuổi 92, vẫn loay hoay đọc, viết, tìm tòi, khám phá và phát hiện cái đẹp nghệ thuật trong những trang viết “bị từ chối” của một nhà văn ở cách xa hàng vạn dặm.

Tolstoy là một trái núi đồ sộ và phức tạp. Quả thế. Chúng ta từng nghe nói trong văn học Pháp thế kỷ XIX, từng có hai trái núi tương tự như thế. Đó là Victor Hugo và H.de Balzac. Cả hai ông hình như đều để lại số lượng gần trăm tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của mình. Balzac được mệnh danh là bộ bách khoa thư về xã hội Pháp thế kỷ XIX. Hugo cũng được so sánh như đỉnh núi Olympio. Còn L.Tolstoy, ông chính là hiện thân đích thực của nền văn hóa Nga, nền văn hóa của những con người giản dị, hiền lành, tốt bụng, những  mu gich “thô kệch, vụng về” như chính người Nga từng có khi tự trào về họ. Không phải ngẫu nhiên, dù viết ra tới hàng vạn trang sách, nhưng hiện lên trong tiểu thuyết L.Tolstoy, vẫn là thiên nhiên, bầu trời, những cánh đồng Nga xanh tươi, bạt ngàn, và trên tất cả là những người nông dân Nga hiền lành, đôn hậu. Trong các tác phẩm của mình, nhà văn vốn xuất thân từ tầng lớp Đại Quý tộc, nhưng lại chỉ ca ngợi những “tâm hồn Nga”, những cô thôn nữ, những người lính, những người lao động lam lũ, chứ nhất quyết không ca ngợi các bậc quyền quý.

Xuất thân trong một gia đình Đại quý tộc, L.Tolsoy được thừa hưởng và quản lý điền trang Yasnaya Polyana, nhưng suốt thời tuổi trẻ và trung niên của mình, ông chấp nhận sống nơi thôn dã, giữa những người nông dân bình thường, không phân biệt đối xử, vụng về và đôi khi có phần “thô kệch”. L.Tolstoy là một tính cách dị thường: thông minh, ham học hỏi, nhưng cũng có phần tự do, hoang dã như cây cỏ. Không tự đặt mình lên cao, bản thân ông từng trải nghiệm qua nhiều công việc, thậm chí có thời gian còn đăng lính, tự mình làm một nông dân. Là chủ trang trại với hàng vạn mẫu đất, hàng ngàn nông nô, ông gần như không mấy khi chấp nhận cuộc sống yên ổn, an nhàn, sung túc của mình. Trái tim Tolstoy lúc nào cũng cùng nhịp với hàng vạn trái tim những người nông dân nghèo, cùng khổ, dưới đáy. Thời kỳ ở trang trại Yasnaya Polyana, ông mở trường học, thư viện, trực tiếp dạy dỗ trẻ em nông dân học hành, cho tiền người dân nghèo, và không bao giờ tự nhận sự giàu có của mình như là một “món quà tất yếu” của thượng đế. Là người tính tình có phần “dị thường”, những năm cuối đời, chính ông đã quyết liệt từ chối tất cả nguồn tài sản khổng lồ của mình, chán ghét cuộc sống trưởng giả giàu có. Những năm cuối đời, vì không chịu nổi cảnh “nhàm chán khá giả”, Tolstoy đã trao lại tất cả tài sản của mình cho người vợ. Thậm chí ông cũng tự phủ nhận luôn toàn bộ sự nghiệp sáng tác văn chương suốt đời của mình, cả những Chiến tranh hòa bình (có tới hơn 850 nhân vật), Anna Karenina, Sống lại… với hàng vạn trang viết mà mình đã từng “cày sâu cuốc bẫm” suốt nhiều năm. Nhà văn thiên tài “lập dị” ấy đã “ngộ” được hết lẽ đời. Người ta không bỗng tự dưng trở nên giàu có, tự cho mình quyền hưởng thụ hơn những người khác, vì suy cho cùng, rốt cục trong đời mỗi con người chỉ cần 6 thước vuông đất mà thôi (truyện  ngắn Con người cần bao nhiêu đất?)

Trong công trình nghiên cứu mới lần này, PGS Nguyễn Trường Lịch đã dành hàng trăm trang phân tích sâu sắc hơn các vấn đề thuộc thi pháp nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn: “Lev Tolstoy và hành trình đi tìm cái đẹp” (1), “Sự thật về tâm hồn con người – quá trình biện chứng tâm hồn” (2), “Thi pháp tự sự và mối quan hệ giữa lịch sử với hư cấu trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình” (3), “Lev Tolstoy và Victor Hugo – hai cái nhìn về Napoleon qua hai bộ tiểu thuyết” (4), “Thời gian và không gian nghệ thuật” (5), “Chủ nghĩa hiện thực Tolstoy – một bước tiến trong sự phát triển nghệ thuật toàn nhân loại” (6), “Lev Tolstoy đang sống giữa văn đàn thế giới” (7), “Lev Tolstoy và những bài học lớn” (8). Tám chương viết này tuy ít nhiều có sự kế thừa những nghiên cứu trong hai công trình trước đó (1986, 2010), nhưng chủ yếu được nâng cao và đào sâu hơn trên vấn đề thể loại. Tiểu thuyết vốn xuất phát từ cuộc đời, nhưng không đơn giản chỉ là những trang kể về cuộc đời. Tiểu thuyết là sự đào sâu, mở rộng thế giới bên trong tâm hồn con người. Có lẽ vì thế, trong các chương “Lev Tolstoy và hành trình đi tìm cái đẹp” (1), và “Sự thật về tâm hồn con người – quá trình biện chứng tâm hồn”, tác giả đã bỏ ra nhiều công sức, khai thác và phân tích mọi khía cạnh sâu kín khác nhau bên trong tâm hồn các nhân vật của nhà Đại văn hào, những Pier Bédukhov, Natasha Rostova, Andrei… Đó chính là những tâm hồn Nga đích thực. Dù có khi ngộ nhận, sai lầm, khổ đau hay hạnh phúc, các nhân vật trong tác phẩm của Tolstoy đều dám đi đến tận cùng lý tưởng của mình. Trên tất cả, họ đã giúp người đọc hiểu được lẽ sống và vẻ đẹp của con ngời nói chung trong cuộc sống.

Đã gần hai thế kỷ qua đi, những tác phẩm bất hủ Chiến tranh & hòa bìnhAnna Karenina, Sống lại, Đức cha Xecghi, Hatji Murad, Con người cần bao nhiêu đất… của Đại văn hào Nga L.Tolstoy được viết ra, đến với người đọc Việt Nam, những tâm hồn Nga sống động, yêu nước, yêu con người, sống hết mình như Natasha Rostova,, Andrei Bonconski, Pier Bédukhov, Kutuzov (Chiến tranh và hòa bình); Anna Kareninna, Levin, Kitty (trong tác phẩm cùng tên), Maslova, Nhekhliudov (Sống lại) kể cả cô thôn nữ và Đức cha Xerghi (trong tác phẩm cùng tên)…, vẫn như đang sống ở đâu đây. Người đọc vẫn như nhìn thấy và nghe được tiếng nói, dáng hình yêu kiều và của họ. Làm sao có thể quên được giọng nói “thất thanh” của gái Nga 16 tuổi trong đêm trăng ở trang trại Ostratnoie; dáng điệu ngơ ngác thật thà, với cặp kính cận dày cộp trên khuôn mặt của Pier Bedukhov, khi chàng lang thang trên chiến trường Borodino; cũng không thể quên được bộ quân phục kỵ binh trắng muốt khi Andrei ngã xuống trên chiến trường Austerlick ngay trong lần đầu tiên ra trận; cái dáng vẻ bối rối, vụng về của Đức cha Xecghi khi đứng trước thân hình quyến rũ đầy sức sống của cô thôn nữ đến từ một vùng quê; và cả cái chết đau đớn của Anna Karenina dưới bánh sắt tàu hỏa trong phần kết thúc tác phẩn cùng tên… Tất cả họ, dù có thế nào, tốt xấu ra sao, đều là những tâm hồn Nga đích thực. Và đó chính là những đứa con tinh thần của nhà văn Nga vĩ đại yêu đến tận đáy lòng nền văn hóa Nga L.Tolstoy. Một phần quan trọng từ những hình ảnh sống động ấy, đều ít nhiều được trình bày trong những trang viết công phu của PGS.TS, người thầy đáng quý của khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Trần Hinh

Nguồn Văn nghệ số 46/2023


Có thể bạn quan tâm