May 2, 2024, 11:55 am

Đại biểu Quốc hội: Định giá sách giáo khoa - cần cân nhắc thận trọng

 

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội,cần thận trọng trong việc định giá sách giáo khoa để không ảnh hưởng tới việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này. Văn nghệ xin chuyển đến bạn đọc cuộc phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, của phóng viên báo Người Đưa Tin  xoay quanh vấn đề định giá sách giáo khoa.  

Định giá trên bộ sách giáo khoa nào?

* Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về Luật Giá (sửa đổi), trong đó, sách giáo khoa (SGK) là một trong 4 mặt hàng dự kiến được Nhà nước định giá. Quan điểm của đại biểu như thế nào về vấn đề Nhà nước định giá SGK?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Trước hết, cần khẳng định rằng Nhà nước không hề buông lỏng việc định giá SGK.

Theo Nghị định số 177 ngày 14/11/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá, SGK thuộc mặt hàng kê khai giá; có nghĩa là các doanh nghiệp phải kê khai các yếu tố hình thành giá theo biểu mẫu, trình cơ quan có thẩm quyền (ở đây là Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính) xem xét.

Thông tư số 56 ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 177 quy định: “Sau 03 (ba) lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo mức giá trước khi thực hiện đăng ký giá.” Như vậy có nghĩa là chỉ khi được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền thì doanh nghiệp mới được phép mua, bán theo giá đã đăng ký.

Minh bạch, hiệu quả trong xã hội hóa sách giáo khoa

Mới đây, sau khi Bộ Tài chính đề xuất sách giáo khoa (SGK) là một trong bốn mặt hàng được bổ sung để Nhà nước định giá, ngay lập tức xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, đến giờ vẫn chưa có hồi kết.

Nói chung, các ý kiến chủ yếu xoay quanh câu hỏi "Để Nhà nước định giá phù hợp hơn hay để thị trường định giá mới phù hợp?". Trên thực tế, từ khi Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK ra đời, mặt hàng quan trọng này đã chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, có cạnh tranh. Cùng đó, theo quy định tại Luật Giá năm 2012 (vẫn đang có hiệu lực), SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà chỉ do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.

Cũng cần phải nói rõ thêm, theo Luật Giá, Nhà nước định giá đối với các hàng hóa sau: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo quy luật cung-cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường, với mặt hàng đặc biệt là SGK, rõ ràng thời gian qua, các nhà xuất bản đã quan tâm hơn đến chất lượng, khắc phục những sai sót, còn cơ sở giáo dục thì có nhiều hơn lựa chọn các bộ SGK phù hợp cho mình. Trên thực tế, khi xóa bỏ cơ chế độc quyền về SGK, thầy và trò trong cả nước đã, đang được chọn cho mình những cuốn sách, bộ sách phù hợp để giảng dạy, học tập.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình, trong bối cảnh hiện tại, Nhà nước không nên can thiệp sâu mà chỉ nên quản lý giá SGK gián tiếp, với vai trò điều tiết, như vậy mới bảo đảm yêu cầu xã hội hóa đã đặt ra. Song, trường hợp có biến động, Nhà nước sẽ tác động về thuế, hoặc có biện pháp tài chính can thiệp phù hợp cùng những giải pháp hỗ trợ khác. Như thế, nên chăng, Nhà nước cần sớm có biện pháp trợ giá thay vì định giá.

Thời gian qua, các SGK mới ra đời đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định chất lượng nội dung, còn giá và chất lượng in ấn vẫn đang được "tự do cạnh tranh". Đặt câu hỏi ngược lại, nếu Nhà nước định giá thì cơ quan nào định giá và định như thế nào để bảo đảm chất lượng (?) - lại làm phát sinh những vấn đề, khó khăn mới. Không ít chuyên gia và đại biểu Quốc hội nhìn nhận, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 88 và Luật Giá hiện hành, bên cạnh việc bảo đảm tính cạnh tranh, Nhà nước vẫn cần phải có tác động, điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho các học sinh nghèo, khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận SGK để duy trì, nâng cao chất lượng học tập. Về vấn đề này, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra ba đề xuất: một là Nhà nước mua 100%; hai là Nhà nước mua 70% số SGK theo nhu cầu; ba là mua SGK cho học sinh nghèo mượn (thông qua thư viện nhà trường) như hiện nay. Tuy nhiên, lựa chọn phương án hay giải pháp nào, việc cần thiết trước khi thực thi là phải tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, bám sát và đáp ứng đúng yêu cầu thực tế, tránh lãng phí.

Như vậy, SGK có thể luân chuyển, tái sử dụng, hằng năm, các nhà xuất bản chỉ cần in thêm số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích nhà xuất bản, cơ sở in ấn, doanh nghiệp làm và phát hành SGK tặng SGK cho học sinh nghèo, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành định mức kỹ thuật của SGK để bảo đảm không đội chi phí dẫn tới tăng giá SGK bất thường.

Nguồn: Nhandan

Bây giờ, chúng ta dự kiến sửa Luật để Nhà nước định giá SGK thì được tiếng với dân nhưng chưa chắc giá sách đã giảm nhiều, bởi vì định giá cũng phải dựa trên các yếu tố hình thành giá như: giấy in, mực in, công in, thù lao biên soạn, biên tập,… mà giấy in thì càng ngày càng tăng giá, công in và thù lao cũng tăng theo mặt bằng lương cơ bản.

Vì vậy, theo tôi, Quốc hội và Chính phủ nên cân nhắc rất cẩn trọng trước khi sửa Luật Giá. Việc đưa SGK vào mặt hàng định giá đang vướng vào một vài vấn đề có tính nguyên tắc. Ví dụ:

- Theo quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Giá thì Nhà nước chỉ định giá đối với: “a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; b) Tài nguyên quan trọng; c) Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.” SGK không thuộc các mặt hàng trên.

- Khi ban hành Nghị quyết số 88 ngày 14/11/2014 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Quốc hội chỉ quy định “xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa” mà không quy định SGK là mặt hàng được Nhà nước định giá. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, mấy năm qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã tham gia biên soạn, xuất bản SGK. Bây giờ giữa chừng, Quốc hội thay đổi chính sách, điều đó không khỏi làm cho doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan. 

Để hài hòa các yêu cầu, theo tôi, có thể xem xét hai phương án điều chỉnh việc định giá đối với SGK như sau:

- Chỉ định giá đối với SGK do doanh nghiệp nhà nước sản xuất. Theo lý lẽ thông thường, người ta chỉ có thể định giá tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc mặt hàng do mình sản xuất ra. Vì vậy, nếu định giá thì Nhà nước chỉ có thể định giá đối với SGK của doanh nghiệp nhà nước. Quy định như vậy cũng không lo SGK của doanh nghiệp tư nhân sẽ có giá quá cao, bời vì một mặt, SGK của các doanh nghiệp này vẫn thuộc diện phải kê khai giá, mặt khác, các doanh nghiệp này cũng phải tham chiếu giá SGK của doanh nghiệp nhà nước để có thể cạnh tranh.

- Chỉ quy định các mặt hàng được định giá (trong đó có SGK), giao Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, trong đó có quy định giá tối đa(để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng), giá tối thiểu(để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh).Quy định này nhất quán với quy định tại Điều 11 Luật Giá hiện hành: Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có quyền “Tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá” và “Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu.”

Đừng để tái diễn kiểu “bia kèm lạc”

* Nếu tiến hành định giá SGK, đại biểu có lo ngại sẽ quay trở lại tình trạng độc quyền SGK?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Theo dõi việc lựa chọn SGK ở một số địa phương vừa qua, tôi đã thấy một số quy định của Luật Giáo dục rất dễ bị lợi dụng để thị trường SGK quay lại tình trạng độc quyền “một mình một chợ”. Đó mới là điều đáng quan tâm. Tuy nhiên, định giá cũng là một yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK.

Lấy ví dụ, chúng ta dễ nhận thấy SGK môn Tiếng Anh hiện nay có giá cao hơn hẳn SGK các môn học khác vì hầu hết là sách của nhà xuất bản nước ngoài được một số nhà sách Việt Nam mua bản quyền rồi điều chỉnh nội dung cho phù hợp. Nếu định giá rẻ thì chắc chỉ có bộ SGK được biên soạn theo Đề án ngoại ngữ quốc gia bây giờ trở thành SGK của một nhà xuất bản đáp ứng được. Còn các bộ SGK khác khó có thể bán theo giá đó. Như vậy liệu các nhà sản xuất có tiếp tục mua bản quyền và làm sách Tiếng Anh nữa không?  

* Theo Đại biểu, việc thực hiện định giá SGK sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình như thế nào?  

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Giá hàng tiêu dùng, nhất là những mặt hàng thiết yếu, tác động đến đời sống của mọi gia đình, nhất là những gia đình nghèo.

Để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ hỗ trợ cho mỗi em học sinh thuộc hộ nghèo tổng cộng là 1.350.000 đồng/năm học để mua sách vở và đồ dùng học tập. Với khoản tiền này, các gia đình có đông con đi học sẽ bớt được nỗi lo.

Vừa qua, Chính phủ lại quyết định chi một khoản tiền lớn (khoảng 3.500 tỷ đồng) để thư viện tất cả các trường học trên cả nước mua SGK cho học sinhmượn. Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua thư viện trường học được cấp một khoản kinh phí lớn đến như vậy.

Trong bối cảnh thực hiện “một chương trình, nhiều SGK”, chủ trương này cũng giúp các thư viện mua được những bộ sách khác nhau, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh đa dạng hóa nội dung học tập. Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thực hiện việc trang bị SGK cho thư viện theo từng bước, không nên mua quá nhiều sách ngay một lúc, dễ gây lãng phí. Cũng phải qua thực tế một vài năm mới có thể đánh giá được nhu cầu của học sinh và gia đình học sinh. Bởi vì về tâm lý, nhiều phụ huynh học sinh vẫn muốn con có bộ sách riêng của mình.

Mặt khác, tôi cũng không cho rằng mỗi năm gia đình học sinh giảm được vài chục nghìn hay vài trăm nghìn mua SGK mà giảm được gánh nặng chi tiêu đầu năm học. Ngoài SGK, học sinh còn phải đóng học phí, mua đồng phục, mua sách tham khảo và các đồ dùng học tập khác, mà Nhà nước không thể định giá tất cả các mặt hàng này. Riêng về sách thì, như đã có lần tôi cảnh báo, sách tham khảo mới là gánh nặng.

Thực tế, tôi lấy ví dụ người bạn của tôi ở một tỉnh nọ, muốn mua hai bộ sách cho hai con của chị giúp việc, một bạn lớp 1 và một bạn lớp 6. Con của chị giúp việc nói rằng:“Nhà trường đã thông báo khoản tiền để chúng con mua sách rồi, cho nên phải nộp tiền cho nhà trường để nhận sách”. Bộ sách mua về thì thấy có cả sách tham khảo, theo kiểu “bán bia kèm lạc rang”. Nói như vậy để thấy có nhiều loại sách trong cùng một bộ sách thì bảo sao giá sách không cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cấm các trường vận động học sinh mua sách tham khảo. Tôi e là quy định này quá cứng. Bởi vì có những sách tham khảo là đồ dùng học tập thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập. Vì vậy, Bộ nên điều chỉnh lại quy định của mình. Chỉ nên cấm các hình thức “bán bia kèm lạc rang” để buộc học sinh phải mua những sách tham khảo không thiết yếu thôi.   

* Cũng có ý kiến cho rằng giá sách giáo khoa tăng cao là do chúng ta quá coi trọng về hình thức, đại biểu suy nghĩ như thế nào về điều này và nội dung của sách đã được chú trọng hay chưa?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Theo tôi, điều đáng quan tâm hơn là chất lượng SGK. Nhưng, hiện nay một số bộ SGK, ví dụ như sách Khoa học tự nhiên 6Ngữ văn 6Tiếng Việt 1 của bộ sách Kết nối tri thức (NXB Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) vẫn còn nhiều lỗi. Vừa qua tôi có chất vấn vấn đề này, Bộ trưởng nói đã sửa nhưng thực chất chưa sửa. Mà chỉ khi tái bản thì có sửa nhưng đấy chỉ là mới sửa những lỗi nhỏ, hình ảnh, còn nội dung chưa đầu tư để sửa căn bản. Chất lượng kém thì sách có in đẹp hơn trước cũng không có lợi ích gì.

* Xin cảm ơn đại biểu!.

Hoàng Thị Bích (thực hiện) Nguồn Người đưa tin

Có thể bạn quan tâm