May 3, 2024, 4:34 am

Đặc sản “mưa núi”

Sẽ có người bảo với tôi, mưa thôi đã thấy buồn, mưa núi càng thấy nỗi buồn dài lê thê chứ có gì hay ho, thú vị đâu mà đặc sản này nọ. Cũng phải. Mưa mùa hạ ở miền xuôi đến và đi trong thoáng chốc, lượng mưa không đủ để xua đi cái nóng hầm hập, oi ả. Trái lại, mưa miền núi thường diễn ra ngay từ đầu mùa hạ, đã mưa là mưa suốt ba bốn ngày, có khi kéo dài tới cả tuần, cả tháng.

Mưa nhiều đến nỗi những lạch nước nhỏ trong veo, hiền lành thường ngày bỗng trở thành dòng nước đục ngầu cuồn cuộn hung dữ, sức nước có thể cuốn trôi đất đá, cây cối, thậm chí cả gia súc, nhà cửa. Những hạt mưa nối tiếp nhau, rả rích đêm ngày, kiên trì xói mòn hết cả màu mỡ của vùng đồi núi đất đỏ vàng vốn đã nghèo nàn dinh dưỡng. Mưa xuống chỉ tốt cho đám cỏ bụi vươn mình mọc tràn lan khắp nơi, màu núi đá xam xám cũng đột ngột chuyển sang một màu xanh non mỡ màng sức sống.

Minh hoạ: Đỗ Dũng

Kỳ thực, những cơn mưa này lại được người miền núi trông ngóng nhiều lắm. Sau những ngày dài của nắng tháng tư, gió Lào thổi vào làm đất đai hanh khô, những cây ngô chuẩn bị trổ cờ cũng gục xuống rũ rượi vì nắng nóng. Chợt, một cơn gió mát lạnh thổi nhè nhẹ rồi ào lên rung tít cây cối ngoài vườn, gió một lúc thì mưa. Đấy là cơn mưa đầu mùa, cơn mưa “giải khát” cho ruộng đồng cây cối sau bao ngày nắng hạn. Lúc này, người nông phu miền núi quê tôi đã có thể thở ra một hơi nhẹ nhõm, mừng cho công sức làm lụng từ đầu năm tới giờ không bị cái nắng cái gió làm cho thành “xôi hỏng bỏng không”.

Dần dần, mưa chả thèm báo trước. Trời đang nắng rõ ràng bỗng sầm sập tối đen rồi mưa nặng hạt, mưa rào rào ào xuống chẳng kịp cất áo quần đang phơi. Nhiều khi mưa trúng luôn lúc đang phơi thóc thì đám trẻ con ở nhà trông chừng chỉ có nước ngồi khóc, bất lực nhìn mưa thấm vào chỗ thóc mình đã cất công tãi cả buổi trưa bỏng rát cả tay chân.

Gặt lúa mà gặp trúng tuần mưa thì đúng là khổ không nói sao cho hết. Đi gặt mưa, phơi thóc trúng ngày mưa, mưa dầm mưa dề không ngớt, cái quạt điện công suất lớn quạt thóc liên tục cũng không tránh được có hạt nảy mầm, rồi lại kỳ công sàng sảy, chạy đua với thời gian để có được hạt gạo trắng ngần, đầy đặn, thơm tho.

Đấy là nỗi vất vả của những nơi may mắn có hệ thống thủy lợi thuận lợi cấy được hai vụ lúa. Còn lại, đại đa số người dân miền núi vào dịp này chính là mùa nước đổ, nước được bắt vào ruộng bậc thang để cày cấy lúa một vụ. Vẻ đẹp của ánh nước loang loáng trên thửa ruộng bậc thang suốt mùa khô phải chìm mình vào màu hoang hoải của cỏ dại đã được đánh thức, một vẻ đẹp kỳ diệu của sức lao động, vẻ đẹp của sự tái sinh giữa núi rừng đại ngàn.

Suốt theo chiều dài trên các con đường quanh Tây Bắc không thể bỏ qua vẻ đẹp của ruộng bậc thang, từ mùa nước đổ, rồi màu xanh của lúa đang thì, màu vàng của lúa chín đã làm say lòng biết bao du khách và các nhiếp ảnh gia. Điều làm nên vẻ đẹp tuyệt diệu ấy về sâu xa không thể thiếu đi những cơn mưa núi dầm dề, lê thê.

Những cơn mưa núi đã ngấm dần vào tôi từ khi tôi còn là đứa trẻ long nhong tắm mưa vào mỗi dịp nghỉ hè. Đêm đêm, trong ánh sáng tù mù của chiếc đèn dầu, nằm nghe tiếng ếch nhái kêu từ cái hồ nước bên cạnh nhà vọng tới. Những đêm mưa, tiếng nước nhỏ từ mái gianh xuống hiên nhà tí tách nghe như nhạc điệu của mưa, âm thanh đều đều da diết thả vào đêm một nỗi buồn hoang hoải.

Mùa mưa cũng chính là lúc trái cây miền núi vào vụ, mưa tiếp sức cho cây trái căng mọng, nào mận, nào đào, nào mắc cọp, táo mèo, dưa gang. Mưa ào ào, sấm chớp làm nấm hương giật mình tỉnh giấc, mọc rào rào. Món nấm hương ngọt thanh, xào với ít lòng gà thơm lừng cả xóm, vừa ngon lành, vừa tốt cho sức khỏe như món quà được thiên nhiên ưu đãi cho vùng rừng núi vốn dĩ còn thiếu thốn đủ đường.

Người dân miền núi dù đi xa bao lâu, tới lúc nhớ quê nhà thì không thể nào quên đi món măng sặt xào với mùi tàu, lá chanh. Mùa mưa cũng là mùa măng sặt mọc nhiều trên rừng, măng ăn không bị he cũng không còn vị đăng đắng đầu mùa. Mua bó măng về, tháo một đầu kim băng ra để tước măng, tước từ gốc xuống thành từng đoạn mảnh, nhỏ, cho mỡ lợn vào xào lên, ăn vừa mềm, vừa ngọt. Thêm một chút vị đắng của lá chanh, thơm thơm của lá mùi tàu càng làm tăng thêm hương vị thương nhớ của núi rừng.

Mưa liên miên khiến nhiệt độ xuống thấp. Những ngày này ngược lên miền núi sẽ thấy những điều trái ngược với miền xuôi, khi ở miền xuôi nắng và nóng vã mồ hôi hột nhớp nháp áo quần thì ở miền núi cao trời lạnh phải khoác áo gió mỏng. Đêm ở miền xuôi phải nằm quạt thì ở miền núi vẫn nằm đệm và thỉnh thoảng vẫn phải đắp chăn bông cho đỡ rét.

Cơn mưa đầu hạ đang rí rách bên hiên. Tôi đi lấy sào tre ra vặt những chùm quả chín trên cây vải sau nhà. Cây vải rừng, hạt to, thịt ít, sai trái mà vị chua òm. Năm nào cây vải được mùa, đỏ một màu những quả chín lúc la lúc lỉu là bà ngoại tôi lắc đầu. Miệng bà chóp chép nhai trầu mà bảo với bọn trẻ con chúng tôi, năm nay lại mưa bão nhiều rồi đây. Cây vải mỗi năm vẫn ra quả đều nhưng bà tôi thì đã về với tổ tiên lâu rồi. Cầm chùm vải đỏ chín mọng, nhìn mưa tôi lại nhớ tới nụ cười hồn hậu của bà ngoại. Trời vẫn mưa, quả vải vẫn sai như nỗi nhớ bà vẫn rưng rức trong lòng đứa cháu gái.

Nhiều khi người ta ghét mưa vì mưa buồn, mưa làm áo quần chẳng kịp khô, hôi mù hôi khét. Nhưng cũng nhờ có mưa mà cây cối tốt tươi, ruộng bậc thang có nước để tái sinh, và hơn nữa, mưa cũng là một phần ký ức, kỉ niệm của con người. Năm nay vải vẫn chín nhiều, nhưng mưa thì ít hẳn, tiếng ve râm ran dưới vòm lá như muốn trốn đi khỏi cái nóng cái nắng trên bốn mươi độ. Chưa bao giờ tôi lại thấy yêu mưa đến như thế. Một cơn mưa rả rích, lai rai hàng tháng trời, nhưng vừa vặn để cây cối xanh tươi. Một cơn mưa mát lành xua đi cái nóng rực của ngày hè. Một cơn mưa bình thản chạy qua núi đồi sóng sánh một màu xanh, tràn trề những hi vọng sống tươi mới cho núi rừng.

Tản văn của Đặng Thùy Tiên

Nguồn Văn nghệ số 11/2024


Có thể bạn quan tâm