April 28, 2024, 2:31 pm

Đà Nẵng “bổ nhiệm mới” 4 Đại sứ Văn hóa đọc

 

Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” năm 2023 đã chính thức trao danh hiệu đại sứ văn hóa đọc cho 4 bạn: Nguyễn Trần Khánh Linh (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn); Đậu Hà Nhi (Trường THCS Trần Quang Khải, huyện Hòa Vang); Đinh Ngọc Thái (Trường Tiểu học Trần Cao Vân) và Phạm Anh Khôi (Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, cả 2 trường đều trên địa bàn quận Thanh Khê.

Ban tổ chức cũng vinh danh khen thưởng 24 thí sinh đã xuất sắc giành giải thưởng VĂN HÓA ĐỌC ĐÀ NẴNG 2023. Giải thưởng dành cho “Trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất”  của cuộc thi, được trao đến Trường tiểu học, THCS và THPT FPT; trường Tiểu học  Hoa Lư (quận Thanh Khê) và trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà).

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường khen thưởng thành tích của 4 tân Đại sứ Văn hóa đọc.

5 năm qua, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” đã khẳng định được vai trò, sức ảnh hưởng nhất định. Ban tổ chức nhận được tinh thần tham gia nhiệt tình của các bạn học sinh trên địa bàn thành phố, minh chứng ở cả số lượng và chất lượng bài thi mà Ban Tổ chức nhận được ở mỗi mùa. Và đây là những con số ấn tượng, ghi nhận ở cuộc thi sau 5 năm: 131.976 bài dự thi; 205 bài vào vòng phỏng vấn; 115 bài đạt giải khuyến khích và giải văn hoá đọc; 18 Đại sứ Văn hoá đọc Đà Nẵng; 80 bài dự thi toàn quốc, đạt 23 giải ( trong đó 4 giải B, 4 giải C và 15 giải khuyến khích)”, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng; Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết.

Năm 2023, cuộc thi được phát động vào tháng 5, đến thời hạn, Ban tổ chức nhận được 47.641 bài dự thi (tăng đến gần 10.000 bài so với năm 2022). Sở cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện đã chấm, chọn ra 345 bài gửi về Hội đồng Giám khảo cấp thành phố, tiến hành chấm vòng chung khảo. Với chất lượng bài dự thi được các vị giám khảo đánh trong Top tốt nhất, có 40 thí sinh chính thức vào đến vòng phỏng vấn cuối cùng.

 

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng; Trưởng Ban tổ chức cuộc thi phát biểu tổng kết  cuộc thi
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng; Trưởng Ban tổ chức  trao chứng nhận cho các thí sinh đã vào đến phỏng vấn. Ảnh: T.Ngọc

Khép lại mùa thi thứ 5, Đà Nẵng vinh danh 4 Đại sứ Văn hóa đọc cùng 24 thí sinh xuất sắc. Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” năm 2023, vừa được tổ chức tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, ngày 9/12, cùng ngày, các hoạt động khác của Ngày hội Văn hóa đọc, được tiếp diễn. Ban tổ  chức nỗ lực lan tỏa, giữ lửa niềm đam mê đọc sách đối với học sinh các cấp trên địa bàn thành phố, phát triển và nhân rộng văn hóa đọc trong nhà trường và ngoài cộng đồng.

“Qua các bài dự thi gửi về, chúng tôi nhận thấy rất rõ niềm đam mê đọc sách, cùng nỗ lực đầu tư, tâm huyết của các bạn đối với cuộc thi. Đây thực sự là sự động viên, khuyến khích lớn cho Ban tổ chức trong nỗ lực hình thành, tạo thói quen yêu sách, phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng của thành phố chúng ta. Chúng tôi thấy được sự đồng hành, động viên hết sức tích cực của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo - những người đầy tâm huyết, yêu sách và luôn mong muốn lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng; Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, bày tỏ.

Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” được khởi động từ đề án “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Đầu năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng, đac ban hành riêng một quyết định (số 64/QĐ-UBND), thúc đẩy và phát triển phong trào đọc sách trong trường học, khích lệ tinh thần sáng tạo, tích cực học hỏi của học sinh; thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ nói riêng và cộng đồng Đà Nẵng nói chung.

5 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao (chủ trì) cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (phối hợp tổ chức) đã mở một sân chơi dành cho học sinh Tiểu học và THCS, THPT trên toàn thành phố, tìm kiếm những bạn trẻ có niềm đam mê với sách, tôn vinh và “bổ nhiệm” danh hiệm Đại sứ Văn hóa đọc. Đây là nhân tố có đủ sức ảnh hưởng để truyền cảm hứng đọc sách đến gia đình, bạn bè, nhà trường và cùng nỗ lực để lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồng. Từ đó lan tỏa tình yêu, niềm đam mê cùng sách đến nhiều thế hệ trẻ Đà Nẵng trong tương lai.

Những cảm nhận sâu sắc, trưởng thành hơn …

Bạn Đặng Bình An, học sinh lớp chuyên Văn 11/16, trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đã gây bất ngờ với những nhìn nhận và đề xuất đầy tâm huyết của mình. Tất cả chỉ nhằm tôn vinh, đưa giá trị của sách lên đỉnh cao nhất: Sách (chính) là hũ vàng.  

Chủ đề bài dự thi của Đặng Bình An là “Sách với sự đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông”, trong đó, em đưa ra nhìn nhận riêng của mình về “Sách và chương trình đổi mới”, đồng thời gửi gắm 2 đề xuất: Mở chương trình đọc sách giữa giờ và Đàm thoại dưới cờ (vào giờ chào cờ hằng tuần).

 

Thầy Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tặng giải thưởng Văn hóa đọc 2023 

“Chương trình đọc sách giữa giờ, chúng em đang bàn kế hoạch thực hiện, còn đàm thoại dưới cờ sẽ đầu tư và tổ chức vào ngày Văn hóa đọc hằng năm (21 tháng 4). Chúng em sẽ phân công các Câu lạc bộ thực hiện với sự hướng dẫn và hỗ trợ của các Thầy Cô Tổ Ngữ Văn. Với em và các bạn trong các Câu lạc bộ yêu sách, sách chính là hũ vàng. Trong bài dự thi, cũng có một chương em đặt tên “Sách là hũ vàng”.  

Bình An chia sẻ: Quyển sách đầu tiên em đã đọc là  (tập truyện gồm 40 truyện ngắn) “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” (của tác giả Phạm Lữ Ân). Em đã tìm đọc vào dịp hè, khi vừa xong bậc học trung học cơ sở, chuẩn bị vào lớp 10. Và một câu chuyện trong tập sách đã dẫn dắt em:

“Tuổi mới lớn mang theo nhiều nỗi buồn, thì hãy để nỗi buồn ấy có một khoảng không riêng, đóng khung và đặt ra một giới hạn cho riêng nó. Và nếu trăm năm là hữu hạn, thì sao không thật sự sống hết khoảng đời hữu hạn đó…”

Đọc đi, đọc lại, em nhận ra rằng, để sống hết (mình), (trong) khoảng đời hữu hạn đó, không gì hơn là phải nỗ lực nhiều, cố gắng tạo nên những giá trị sống đích thực cho bản thân, để rồi những giá trị ấy, góp phần nhỏ cho giá trị của cuộc sống. Một trong những cách để tạo nên giá trị bản thân của em, chính là tìm đến với sách.

Từ đó, Bình An có thói quen đọc sách, mỗi buổi tối, em đều dành 30 phút đọc sách trước khi ngủ. “Đọc sách giúp em có thêm nhiều kiến thức, hơn thế bồi đắp cho em kỹ năng sống. Sách là người thầy mẫu mực, người bạn tri kỷ, có thể chia sẻ nỗi buồn, mang đến niềm vui, cho em nhiều lời khuyên bổ ích” – Bình An nhỏ to chia sẻ.

 

Bình An có thể đọc sách bất kỳ ở đâu … Ảnh: T.Ngọc.

Và để có tiền đến với hiệu sách, Bình An chỉ sử dụng đúng một nửa số tiền ăn sáng ba, mẹ cho. Cô bé để dành “ngân khoản” đầu tư cho sách. Bình An cũng tích cực tham gia các cuộc thi, số tiền thưởng có được, “mọt sách” này luôn dành một khoản cho người bạn sách.

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, bà Nguyễn Thị Hội An, có một nhận xét rất đúng với những gì Bình An đã thể hiện trong bài dự thi, cũng hành trình đến với sách của em: “Chúng tôi không chỉ nhận thấy những cảm nhận sâu sắc, trưởng thành hơn so với lứa tuổi mà còn là những trăn trở, nghĩ suy để động viên, khuyến khích và tạo lập thói quen đọc sách đối với các bạn đồng trang lứa thông qua những kế hoạch lan tỏa phong trào đọc sách được các bạn học sinh gửi gắm trong từng bài viết dự thi”./.

Trần Ngọc


Có thể bạn quan tâm