May 2, 2024, 4:40 pm

Công tác nhân sự được quan tâm trong ngày làm việc thứ hai của Quốc Hội

 

Sáng 21/10, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, vào đầu giờ làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Theo trình tự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 (nếu có). Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu, miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tiếp đó, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Cũng trong ngày làm việc thứ hai của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội về việc đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội sẽ bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trước đó, trong ngày 20/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  trình bày. Báo cáo cho biết, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, áp lực lạm phát trong nước tăng cao nhưng bức tranh kinh tế, xã hội trong 9 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm tăng khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, ước cả năm đạt khoảng 8%, trong khi mục tiêu đề ra chỉ từ 6 - 6,5%. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu 6,76 tỷ USD…Đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ  của nền kinh tế so với giai đoạn 2020-2021. Đồng thời chính là tiền đề tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo. Báo cáo cũng nhấn mạnh, trong năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%... Đặc biệt, Chính phủ sẽ hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. 

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế, báo cáo cũng cho biết, trong 15 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, chỉ duy nhất chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội không đạt, ước tăng 4,7 - 5,2%, thấp hơn 0,3 - 0,5% so với chỉ tiêu. Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho Chính phủ phải có những giải pháp cụ thể cho những  năm tiếp sau. 

PV


Có thể bạn quan tâm