May 5, 2024, 6:40 pm

Có một vùng văn học xứ Thanh

Thanh Hóa là vùng đất có nhiều danh nhân văn hóa. Đó là Khương Công Phụ, Ngô Chân Lưu, Lê Văn Hưu, Lê Quát, Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng... Trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật và tiền khởi nghĩa tháng Tám 1945 cũng xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ sáng tác những tác phẩm giác ngộ đồng bào, chống ách xâm lược và bè lũ tay sai. Hiện nay, trong số hàng trăm tác giả sáng tác văn học quê Thanh Hóa, có trên 60 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có 13 người sống, làm việc và sáng tác tại quê nhà. Chỉ tính từ năm 1945 đến nay đã ấn hành hàng trăm cuốn tiểu thuyết, hàng trăm tập truyện, hàng trăm tập ký, hàng mấy trăm  tập thơ, văn học dành cho tuổi thiếu nhi, lý luận, nghiên cứu phê bình văn học, kịch bản văn học, tác phẩm dịch.

Cùng với kho tàng văn học quý báu của các bậc tiền bối, kho tàng văn học yêu nước và cách mạng trong nửa thế kỷ qua đã tạo ra một vùng văn học có bề dày đồ sộ, có sắc thái riêng trong bản sắc văn hóa dân tộc, làm nổi bật diện mạo của một địa phương có nhiều dân tộc chung. Những tác phẩm văn học ấy ngoài chức năng nghệ thuật diễn đạt, truyền cảm còn là những bức thông điệp sử thi để lại cho đời sau. Trên mặt bằng của đội ngũ những người sáng tác văn học cả nước, Thanh Hóa có lớp sau tiếp lớp trước đi suốt chiều dài lịch sử. Xa xưa có Khương Công Phụ, Ngô Chân Lưu, Lê Văn Hưu, Hồ Quý Ly, Lê Thái Tổ, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Nguyễn Quỳnh, Trịnh Cương, Nhữ Bá Sĩ... Gần hơn có Tống Duy Tân, Hoàng Bật Đạt, Trần Xuân Soạn… Rồi Lê Xuân Mai, Đinh Chương Dương, Lê Mạnh Trinh, Lê Tất Đắc, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu... Đến những nhà văn nổi tiếng như Hữu Loan, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thế Phương... cũng đều đã để lại những tác phẩm rất đáng tự hào cho quê hương. Những áng văn thơ của cổ nhân như ngọc quí, thời gian càng mài càng sáng.

Ba phần tư thế kỷ dưới chế độ mới, sáng tác văn học ở Thanh Hóa không chỉ đã trở thành phong trào mà còn hình thành đội ngũ chuyên sáng tác khá đông đảo. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập và thống nhất đất nước đã sản sinh hàng loạt cây bút tiêu biểu hội tụ trong làng văn Việt Nam, riêng trong lực lượng vũ trang, nhiều “anh lính Cụ Hồ” từ thực tế chiến đấu và sống trong lòng nhân dân đã sáng tác nên những tác phẩm tiêu biểu. Trong số đó có những tác giả, tác phẩm sánh vai với các tác giả, tác phẩm cả nước, nhiều người đã được định danh nổi trội trên văn đàn quốc gia, nhận được các giải cao trong các cuộc thi, vận động sáng tác, được trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ chí Minh. Có được đội ngũ sáng tác văn học đông đảo ấy cũng phải kể đến 35 năm ra đời và hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa (1974-2019) đã góp phần đáng kể quy tụ, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho những cây bút trẻ phát huy tài năng, từng bước trưởng thành. Đội ngũ ấy không như lớp đàn anh phải lần dò trên con đường văn nghiệp nhờ có chút năng khiếu bẩm sinh, họ được đào tạo có hệ thống, phần nhiều có học vị cử nhân trở lên, một số được đào tạo ở Trường viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam. Những tác phẩm của các tác giả Thanh Hóa được đông đảo bạn đọc cả nước mến mộ, được chuyển thể sang kịch bản sân khấu, điện ảnh. Bên cạnh những cây bút đã hơn nửa thế kỷ chuyên cần sáng tác còn có những cây bút rất trẻ đang tiếp bước các bậc đàn anh, đàn chị trên con đường văn nghiệp.

Thanh Hóa, một trong những cái nôi của loài người được khẳng định từ di chỉ văn hóa Đông Sơn, Núi Đọ, thực sự có một vùng văn học riêng, có bề dày truyền thống, có đội ngũ nối tiếp đời này sang đời khác ngày càng đông đảo. Điều ấy không phải địa phương nào cũng có được, cần có sự tổ chức lại, quan tâm hơn và cần được vun trồng nó như một lực lượng sản xuất trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ở đây, không chỉ riêng về đầu tư vật chất mà còn là bồi dưỡng, quan tâm đến công tác tổ chức và lãnh đạo để mỗi anh chị em sáng tác văn học hết lòng phát huy tài năng. Mặt khác, việc đầu tư cũng không thể dàn đều như hiện nay mà phải dành cho trọng tâm, trọng điểm để trong những năm tới có được những tác phẩm ngang tầm với quê hương, đất nước. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có sự đánh giá đúng mức và công bằng với các tác giả đương đại, không kể ở tại quê nhà hay ở các tỉnh khác, để có sự khích lệ anh chị em phát huy, lấy đó làm sự cổ vũ anh chị em viết trẻ không ngừng rèn luyện tay nghề và phẩm chất người cầm bút để ngày càng cho ra đời những tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp vào nền văn học nước nhà trong thời kỳ mới. Đó cũng là điều mong đợi không chỉ của anh chị em văn nghệ sĩ mà còn là của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa và nhân dân cả nước.

Nguồn Văn nghệ số 42/2020


Có thể bạn quan tâm