May 4, 2024, 4:01 am

Có một “đêm Quan họ bão táp”

Những ngày đầu tháng Năm này, trong một chuyến đi thực tế, tình cờ tôi nghe cuộc trò chuyện của một ông già và một nhạc sĩ: “Bác có thể viết lời mới cho một bài dân ca Quan họ về quê hương tôi được không?” Nhạc sĩ hỏi: “Sao không là một ca khúc hiện đại, hay một loại hình nghệ thuật truyền thống nào đó như Chèo, Tuồng, Cải lương, mà lại là Quan họ?” Ông cụ cười: “Vì Quan họ dễ hát, dễ đi vào lòng người, và cũng vì dân quê tôi thích nghe Quan họ, và thích hát Quan họ lắm”.

Trong số các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì Quan họ có lẽ được...phổ biến nhất. Trên khắp mọi miền đất nước, nơi biên giới, hải đảo xa xôi, và cả ở nước ngoài, rất nhiều CLB hát Quan họ đã được thành lập. Cũng trong tháng Năm này, cách đây đã lâu, câu chuyện của nhà thơ Hoàng Cầm về “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đêm Quan họ bão táp” vẫn còn nóng hổi.

Minh hoạ: Nguyễn Đăng Phú

Theo nhà thơ Hoàng Cầm: Ngay sau chiến thắng giòn giã Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Chính ủy Nguyễn Chí Thanh đứng ra tổ chức lễ hội “khao quân” đặc sắc. Lúc đó, Hoàng Cầm là Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, nhận được lệnh phải phụ trách văn nghệ cho khoảng... 1000 người xem. Nhà thơ đã trăn trở rất lâu và quyết định chỉ chọn 10 tiết mục, trong đó phải có tiết mục nói về tình yêu, bởi ông muốn chương trình này thật trọn vẹn. “Chiến thắng Điện Biên đã rung chín phương trời thì phải động cả mười phương Phật, vì cốt lõi truyền thuyết của Phật là thúc đẩy tình yêu con người. Tình yêu thì nhiều chủ thể: yêu thiên nhiên, yêu quê hương, nòi giống…- nhưng tuyệt đỉnh của tình yêu phải là tình yêu đôi lứa.” Nhà thơ nghĩ đến một màn Quan họ, từ 20 đến 25 phút. Nhưng khi bàn với anh em trong đoàn, thì nhiều ý kiến lo ngại, rằng không nên. Cuối cùng, nhà thơ lừng danh đất Kinh Bắc đã quyết định: “Cứ làm! Tôi đoàn trưởng, tôi chịu trách nhiệm phải làm thật hay! Mình phải thu được lòng binh sĩ và lòng dân. Chiến thắng Điện Biên đã là lịch sử của đất nước thì đêm diễn mừng chiến thắng cũng phải là lịch sử của quân đội, của văn nghệ kháng chiến.”

Nhà thơ Hoàng Cầm kể: “Thú thực, để đưa được màn Quan họ này vào vòng vây trùng điệp của những giai điệu chiến đấu kiên cường và gian khổ, của niềm phấn khởi hân hoan chiến thắng, tôi cũng đã phải dè chừng cái kiêu hãnh mãnh liệt của các vị lãnh đạo cấp đoàn, dè chừng cả cỗ máy “lập trường” và “đạo đức cách mạng” có thể đè bẹp mình bất cứ lúc nào”. Và đúng như ông lo ngại, khi câu quan họ “Gió giục cái đêm đông trường/ Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai”. Thì từ hàng thứ tư xuống đến vài ba hàng nữa, các vị trung đoàn đã bắt đầu ghé tai nhau bàn về một cái gì đó hơi nghiêm trọng. Rồi một tiếng sét đã nổ ra, dữ dội đến mức nhà thơ giật thót người, chân tay run lật bật: “Hạ màn xuống! Đả đảo!”

Tiếp theo đó, như hàng tràng sấm sét lan nhanh, hàng trăm người đồng thanh tương ứng: “Đả đảo văn công! Hạ màn xuống!”, “Cất hết đi! Lãng mạn! Suy đồi!”, “Chim chuột nhau trên sân khấu đấy! Đả đảo!”… và nhiều “mệnh lệnh” nữa từ phía khán giả.

Như theo bản năng, nhà thơ Hoàng Cầm run run giơ tay cho một đồng chí hậu đài hạ màn tức khắc. Cả hai cánh màn màu rêu đậm lúc ấy như cũng hoảng vía, sập xuống nhanh như một ánh chớp giật. Nhưng nhà thơ vẫn hé màn nhìn xuống, thấy đại tướng Võ Nguyên Giáp quay lại phía sau nhìn xem là “cái gì”. Nét mặt ông ấy vẫn bình thản. Bỗng có người bước nhanh lên sân khấu, đứng trước bức màn rêu, nói như thét: “Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái Dũng không? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế à?” Rồi sau một hồi, “người đó” tiếp: “Tổng cục nuôi đoàn văn công để văn công nuôi lại các ông, nuôi toàn thể quân đội bằng những món ăn tinh thần. Vậy mà các ông chưa chi đã đả đảo người nuôi mình. Các ông vừa chiến thắng xong một trận lớn thật đấy, nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng quân đội của dân. Các ông thật là vô kỷ luật. Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật các ông ngay lập tức, nhưng thôi, đây là tiệc ăn mừng, các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai, tôi tạm tha. Vậy, bây giờ, ông nào không ưa văn công nữa, xin mời các ông về mà ngủ, ông nào muốn xem tiếp thì ở lại, nhưng phải có trật tự, có kỷ luật. Nào, ai về thì về đi!”

Người vừa dội xuống khán giả một tràng dài ấy là Tổng Chính ủy Nguyễn Chí Thanh.

Ngay sau đêm văn nghệ đầy “bão táp” ấy, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức tại nhà mình một buổi tranh luận để đi đến thống nhất. Trước khi “hành quân” đến nhà Tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Hoàng Cầm đã phải động viên các liền anh liền chị: “Chiều nay, chúng ta phải chiến thắng. Mình hãy coi đây là một trận đánh quyết định. Nghệ thuật dân tộc phải thắng cái giáo điều, cái kiêu căng và cái tệ thiếu văn hóa của một số người có ngọc trong tay mà đập nát. Chúng mình chắc chắn có “pháo” lớn Nguyễn Chí Thanh yểm trợ”.

Và rồi những người đồng đội vừa kết thúc trận mạc trên chiến trường lại bắt đầu một cuộc “chiến đấu tư tưởng” mới.

Nhà thơ Hoàng Cầm, được sự ủng hộ của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đã thẳng thắn trao đổi với tướng Thái Dũng: “Nếu đúng như ý nghĩ đồng chí Thái Dũng, các cụ ta ngày xưa và toàn thể loài người này không “chim chuột” nhau, thì chắc hẳn loài người sẽ không sinh sôi nảy nở và bây giờ đã không có chúng ta. Chúng ta được có mặt trên cõi đời này, chính là nhờ tình yêu nam nữ mà tạo hóa đã ban cho. Tiếng hát quan họ là nghệ thuật của yêu thương. Thế mà các đồng chí tối qua cho là “chim chuột”. Các đồng chí không biết rằng nghệ thuật hát ấy đã thành tục lệ một nghịch lý rất khó hiểu: là trai gái hát ví nhau thì đưa tình trao duyên thế; nhưng theo luật của phong tục, lại phải tuyệt đối vâng lệ làng Quan họ: là không được vượt qua ranh giới giữa tiếng hát và tình chăn gối. Ai, bất kể trai hay gái, mà bị phát hiện ra những trò trên thì lập tức bị khai trừ ra khỏi phường, hội. Cùng một phường, hội không được lấy nhau đã đành, có nơi còn nghiêm ngặt hơn là ngay cùng làng cũng không được lấy nhau. Có thể lấy người ở làng khác, và nếu thế, vợ hát một nơi, chồng ca một nẻo, mà đã hát thì phải diễn ra sắc thái, đa tình đằm thắm hơn cả đêm tân hôn, nhưng phải cấm kỵ ghen tuông. Hễ ghen mà sinh sự thì cũng bị khai trừ. Ấy thế, Quan họ nó rắc rối về mặt tình cảm như vậy, ai lấy tiếng hát làm lý tưởng say mê suốt đời thì mới trở thành người hát được nể phục”.

Đồng chí Quyết Thắng – tham mưu trưởng quân khu Việt Bắc phát biểu: Bộ đội thì hơn 80% là nông dân. Làng Quan họ vừa rồi bắt nguồn từ nông dân tỉnh Bắc Ninh. Màn hát chỉ có hơn 20 phút mà tôi thấy cả một vùng quê cổ kính có văn hóa vào bậc nhất hiện lên, qua tất cả các diễn viên có mặt tại đây. Đấy, màn Quan họ vừa rồi là Tổ quốc đấy! Dân tộc ở trong ấy! Hạnh phúc ở trong ấy. Yêu nhau mà được cởi áo cho nhau thì còn gì hạnh phúc bằng.”

Người khác nói: “Đúng thế, Tổ quốc ta có Quan họ thì đẹp biết chừng nào! Hát có hơn 20 phút giữa những sùng sục chiến đấu, giữa những tưng bừng chiến thắng thì tôi thấy nó đúng là viên kim cương xanh biếc xếp bên viên hồng ngọc. Chả hiểu các đồng chí nghĩ sao mà lại cho rằng nó làm nhụt ý chí chiến đấu.” (Theo 12 vị Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam – Nxb Đồng Nai, 2011).

Gần 70 năm qua, câu chuyện trên vẫn vẹn nguyên giá trị. Được biết, hiện nay tỉnh Bắc Ninh có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ như: Tổ chức đều đặn hội thi hát Quan họ đối đáp đầu xuân; nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu Quan họ cổ; công nhận và tôn vinh các nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân làm tốt vai trò lưu giữ và truyền dạy Dân ca Quan họ trong cộng đồng; chỉ đạo nâng cao chất lượng, quy mô các sinh hoạt văn hoá Quan họ như tổ chức lễ hội, liên hoan văn nghệ, hội diễn hát Quan họ từ cơ sở đến tỉnh; nghiên cứu, biên soạn và phát hành các ấn phẩm về những giá trị đặc sắc của Dân ca Quan họ đến công chúng; hàng năm hỗ trợ kinh phí cho các làng Quan họ gốc và Quan họ thực hành; đẩy mạnh hoạt động truyền dạy Quan họ cho thế hệ măng non …Nhờ những nỗ lực bảo tồn và phát huy “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” này của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Quan họ đã và đang tiếp tục lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc và nước ngoài, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của người Việt Nam.

Ghi chép của Đan Thanh

Nguồn Văn nghệ số 20/2023


Có thể bạn quan tâm