April 29, 2024, 6:37 am

Chuyện về bài thơ từ 50 năm trước

Một dòng sông còn đầy nước luôn luôn chảy, dù nhanh hay chậm. Thời gian thì cứ trôi qua đều đều, nhưng tùy cảm giác mỗi người, cũng có lúc nhanh lúc chậm.

Trong chiến tranh, thời gian trôi qua rất chậm.

Năm 1973 đó, khi tôi từ chiến trường Mỹ Tho về lại chiến khu, thì căn cứ cơ quan tôi đã chuyển từ Campuchia về Tây Ninh, cắm chốt ở sát sông Vàm Cỏ Đông. Ngày tôi đi xuống Mỹ Tho, cơ quan còn đóng tận rừng sâu thuộc đất Campuchia. Những ngày mới về chiến khu, không khí có phần tĩnh lặng, vì Hiệp định Paris đã có hiệu lực, Mỹ đã chính thức rút quân, lượng máy bay ném bom giảm hẳn, ở rừng gần như không còn phải đội bom nữa.

Buổi sáng, mấy anh em trong Tiểu ban tuyên truyền binh vận chúng tôi lại ngồi uống trà Củ măng với nhau, chuyện trò rôm rả. Hồi đó, chưa biết từ “chém gió”, nhưng cách chúng tôi trò chuyện với nhau cũng gần giống với các bạn trẻ “chém gió” bây giờ. Đủ thứ chuyện. Sau vài tuần trà, anh em tạm giải tán, ai về “nhà” nấy lo công việc của mình là viết bài cho Đài. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi còn một “món nợ” với chính mình, cái vẫn ám ảnh tôi lâu nay, là một bài thơ, sau khi tôi đã trải qua hai năm rưỡi ở chiến trường. Năm 1972, trước khi xuống chiến trường Mỹ Tho, tôi đã viết được bài thơ Thử nói về hạnh phúc. Bài thơ này tôi không công bố, mà đọc cho bạn bè tôi ở Đài Phát thanh giải phóng nghe, và gửi riêng cho bạn bè tôi ở Hà Nội cũng chỉ để đọc. Bài thơ ấy tôi viết, nửa dưới hầm, nửa trên mặt đất, vì hồi năm 1972 bom Mỹ thả ác liệt lắm.

Còn bài thơ tôi viết năm 1973 thì hoàn toàn trên mặt đất, dù viết cả ban ngày lẫn ban đêm. Thế cũng dễ chịu quá rồi. Đó là bài thơ cũng dài trên 100 câu thơ, nhan đề Một người lính nói về thế hệ mình. Viết bài thơ có đầu đề như vậy, tôi cũng muốn nói đôi điều, nhưng không phải “tuyên ngôn” hay “tuyên nghếch” gì. Hóa ra, khi tôi gửi bản thảo tập thơ đầu tay Dấu chân qua trảng cỏ cho các anh bên Ban Văn nghệ R đọc, chỉ để nghe góp ý, không ngờ các anh thích, nên chọn bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình in trong số tạp chí mới “xuất bản lại” sau mấy năm tạm ngừng vì chiến tranh quá ác liệt. Điều bất ngờ, là bài thơ ấy, khi vừa in ra, thì lập tức được… “đánh”. Khá tới tấp, khiến cả ban biên tập tạp chí Văn nghệ giải phóng cũng bất ngờ. Chỉ có tôi là tác giả thì biết tin này hơi muộn, do cơ quan tôi ở cách Ban Văn nghệ R cả ngày đường đi bộ, hồi ấy lại không biết điện thoại là cái gì, nên “tin buồn” đến chậm.

Đó là sau Tết Nguyên đán năm 1974. Khi tôi qua Ban Văn nghệ R chơi với các bạn mình, lại được gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi mới từ Hà Nội vào chiến trường Nam Bộ, thì chuyện “đánh” bài thơ của tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng, thực hư chưa rõ ràng.

Nhưng đó là chuyện thật. Sau này mới biết, cùng thời gian đó, ở Hà Nội cũng xảy ra “đánh đấm” mấy tác phẩm vừa được in cuối năm 1973, như bài thơ Vòng trắng của Phạm Tiến Duật, bài thơ Sẹo đất của Ngô Văn Phú, truyện ngắn Cây táo ông Lành của Hoàng Cát. Bây giờ mà các bạn trẻ nghe chuyện “Đánh đấm” tác phẩm văn nghệ hồi đó thì ngạc nhiên và khó hiểu, do bây giờ chỉ truy tố và đưa ra tòa các quan chức tham nhũng, không thấy “chỉ mặt đặt tên” các nhà thơ nhà văn có tác phẩm “lạ”. Nhưng hồi đó thì thơ văn luôn được quan tâm, và luôn được “soi” rất kỹ.

Lúc ấy, tôi chẳng phải nhà thơ, dù là “nhà thơ trẻ”, vì tác phẩm tôi viết ở chiến trường chưa hề được công bố. Rủi ro thế nào, bài thơ tôi nhờ đọc, các anh ban biên tập thương, chọn in, mới nên nỗi.

Cũng may, là thời gian trong chiến tranh, tôi chỉ là một nhà báo chuyên viết cho Đài phát thanh, viết tuyên truyền theo đúng chỉ đạo, thì chẳng ai “đánh” mình cả. Nhưng làm thơ là chuyện khác. Thơ tôi không tuyên truyền. Chỉ thành tâm, viết từ những trải nghiệm cá nhân, từ trái tim, như cách người ta hay nói bây giờ. Nên mới sinh chuyện.

Khổ nỗi, tôi đâu muốn “nổi tiếng” theo cách đó, bây giờ gọi là tạo “scandal” ấy mà. Thực tình hồi ấy, tôi không biết chuyện “nổi tiếng” là thế nào. Chỉ biết làm thơ, thì làm bằng tất cả tâm hồn mình, thế thôi. Khi làm thơ, chỉ có bản thân mình, và thơ mình, không có ai “góp ý” hay “chỉ đạo” cả. Nên nếu có sai, chỉ “mình ên” chịu, theo cách nói của bà con nông dân Nam Bộ.

Tôi đã chịu đựng. Và buồn.

May quá, trong lúc tôi buồn ấy, thì có hai người bạn tôi chưa quen, mới gặp lần đầu, là nhà thơ Chim Trắng, và nhà thơ tranh đấu trong phong trào học sinh Sài Gòn, nhà thơ Hữu Đạo, tìm đến gặp tôi để chia sẻ. Thời điểm ấy, gặp được hai người bạn chân tình như thế, thật là quý hơn vàng, dù lúc ấy tôi cũng chưa biết vàng là gì. Hai anh, kẻ trước người sau, đã đi bộ trong rừng suốt một ngày đường, đến với tôi, chỉ để anh em mắc võng nằm bên nhau một đêm, nói với nhau bao nhiêu là chuyện, bây giờ gọi là “xả xì-trét”. Sau một đêm không ngủ, sáng dậy anh em ăn với nhau một chén cơm rang, uống với nhau một tuần trà Củ măng, rồi chia tay.

Hai lần gặp hai người bạn ấy, là hai lần hạnh phúc trong đời tôi. Tôi như người ốm bừng tỉnh lại. Khỏe ra. Và tiếp tục chịu đựng.

Bây giờ, khi cả hai anh Chim Trắng và Hữu Đạo đều đã qua đời, tôi càng thấm thế nào là “bạn hiền”. Với một người nhỏ bé như tôi, có được những người bạn hiền như thế, trong lúc mình gặp nạn như thế, thật quý vô ngần. Đúng là sống như thế nào thì được như thế ấy.

Sau này, lúc đã yên bình, tôi mới biết, bài thơ Một người lính nói về thế hệ minh của tôi dù bị xé khỏi tờ tạp chí Văn nghệ giải phóng nhưng được nhiều người lính đến nhà in… xin, dĩ nhiên không phải dùng lót nồi, mà để đọc.

Và sau chiến tranh nhiều năm, có một cựu tù nhân Côn Đảo đã gặp tôi và đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ này. Hóa ra, theo anh nói, bài thơ đã được những người tù mang ra Côn Đảo, chuyền tay nhau, và anh đã đọc rồi thuộc lòng.

Với người làm thơ, không có hạnh phúc nào lớn hơn thế.    

Cũng nhiều năm trước, khi bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình được dịch ra tiếng Anh và in trong một tuyển tập thơ Việt Nam xuất bản tại Hoa Kỳ, thì một người bạn nhà báo có lần nói với tôi, bạn ấy có gặp một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, anh này thổ lộ, mỗi tuần anh đều đọc lại bài thơ này một lần, vì thấy nó hợp với mình, và mình cảm thấy thân phận của người lính, dù ở hai phía thù địch, vẫn có nhiều nét rất tương đồng. Tóm lại, anh ấy nói, rất thích bài thơ này.

Tôi lại thêm một lần hạnh phúc.

Bây giờ, bài thơ ấy đã tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ đã trôi qua. Nhưng thơ còn lại. Các em học sinh bây giờ vẫn đang học hay luyện thi bài thơ ấy.

Thanh Thảo

Nguồn Văn nghệ số 48/2023


Có thể bạn quan tâm