April 29, 2024, 2:20 am

Chuyện nàng dâu Pháp ở Cameroon

Nhà Cast Vala cách trường tiểu học của xã hơn ba cây số. Nhà lại nghèo, bố mẹ không mua nổi cho bé một chiếc xe đạp, dù là xe cà tàng. Vùng này quanh năm hầu như ngày nào cũng nắng oi ả. Việc đi lại với người lớn đã vất vả lắm rồi, ngay đi bằng xe đạp hay xe tải. Với trẻ em, chuyện đó đương nhiên vất vả gấp bội. Nhất là Cast Vala lại mảnh dẻ, tưởng gió thổi mạnh đã bay. Cast Vala sáu tuổi rồi, không thể không đi học. Để ít nhất cũng biết chữ, ký được tên, đọc được các thông báo… Đến trường nội trú thì học được, lại thuận tiện cho con, nhưng... đào đâu ra tiền? Bố mẹ thường hỏi nhau hay tự hỏi như vậy, khi kín đáo nhìn cô bé da đen nhánh, mắt long lanh nhí nhảnh, mặc bộ váy áo màu đỏ, đang say sưa đùa chơi với con mèo nhỏ, vằn trắng vàng rực rỡ. Ở cuối làng, có cụ ông Écelado Écoula, một công nhân làm đường, nghỉ hưu đã gần hai mươi năm. Dù mưa gió thế nào, cụ vẫn hàng ngày đi dạo rất lâu trên các nẻo đường toàn cát sỏi hung hung trong khu vực. Cụ đi lúc nhanh lúc chậm, mắt thường âu yếm nhìn đường dưới chân, thỉnh thoảng bao quát xung quanh mênh mông bất tận và bầu trời Cameroun như luôn bừng bừng thăm thẳm. Đôi lần cụ tạt qua nhà Cast Vala, vừa để nghỉ chân, vừa để trò chuyện chút đỉnh với bố mẹ cô bé, nếu bố mẹ có nhà. Thế nên, cụ vô tình chứng kiến những cái nhìn xiết đỗi yêu thương nhưng đượm buồn pha lẫn chua xót đó của bố mẹ cô bé. Cụ thương cô bé một thì thương bố mẹ cô bé mười. Cụ nhủ thầm, “Chúng nó cũng như con cháu ta… Các con ơi, vạn sự khởi đầu nan… Thuở ít tuổi như các con, chúng ta cũng cực nhọc lắm đấy”…

Minh họa: Đỗ Dũng 

Một hôm, cụ bảo bố mẹ Cast Vala: “Các con sao không cho nó sang học ở trường làng bên, chừng một cây số đi lại thôi mà…”. “Thưa bố, nhưng bên ấy là huyện khác, sợ họ không nhận đâu ạ…”. Hai huyện kề nhau nhưng thuộc hai vùng khác biệt về ngôn ngữ. Vùng chuyên tiếng Pháp (Do trước là thuộc địa của thực dân Pháp). Vùng chuyên tiếng Anh (Trước bị thực dân Anh chiếm làm thuộc địa). Ấy là do lịch sử để lại. Không biết từ bao giờ, hai vùng có vẻ thù nhau ngấm ngầm. Cùng một nước mà như chia rẽ tâm tình, không thể hòa chung tiếng nói… Từ lâu, tiếng Pháp và tiếng Anh được Cameroun hợp thức là ngôn ngữ chính thức của mình trong hành chính, giáo dục và truyền thông. Song, việc dạy chữ cho trẻ, thì vẫn vùng nói tiếng nào, chỉ dạy tiếng đó. Nhiều người như cụ nghĩ đó là điều nên thay đổi. “Toàn dân cần thông thạo thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh”, nếu chính phủ trưng cầu dân ý, hẳn tuyệt đại đa số người dân cho thế là quá hợp lý hợp tình! Việc ấy có khó gì lắm đâu, đã có một số nhà trí thức, văn nghệ sỹ và nhà báo nhận ra và đề xuất với công luận từ lâu và liên tục… Vướng mắc gì mà không làm ngay nhỉ?... Vẫn nghĩ vậy, nhưng cụ chỉ để bụng, tự an ủi hoặc an ủi những người bạn già cùng ý nghĩ như mình: ấy là chuyện quốc gia đại sự, nhất định các vị điều hành đất nước sẽ lo liệu… Giờ đây, cụ thủng thẳng nói với bố mẹ Cast Vala: “Hợp tình hợp lý là được. Các con cứ sang xem. Bố tin họ thuận…”. “Lạy Chúa, mong thầy hiệu trưởng bên ấy cũng rộng lòng như bố bên này…”. Mẹ bé Vala, mũm mĩm, đang khoan thai xào nấu bên bếp lửa củi cháy rừng rực, kính cẩn đưa mắt nhìn cụ Écelado Écoula đang vuốt chòm râu bạc phơ bằng hai bàn tay rắn rỏi. Mẹ nở nụ cười hạnh phúc trên gương mặt da đen sỉn màu sương gió. Bố bé Vala, cao lêu nghêu, đang đứng trên thang chữa cái bóng đèn trần bị hỏng, thì gập người xuống như dân châu Á vái lạy Thần Phật. Rồi, không ai bảo ai, ba người lớn đưa mắt cho nhau, biểu đồng tình, lạc quan và tin tưởng, và cùng dồn mắt vào cô bé đang ôm lấy con mèo trắng vàng mà thơm lấy thơm để. Một khoảnh khắc kỳ diệu, không mấy khi chúng ta được hưởng… 

Vài hôm sau, bố mẹ Cast Vala nghỉ việc một ngày ở trang trại trồng bông mà hai người làm công đã mười mấy năm ròng. Bố mẹ cùng dắt con băng băng trên con đường ngoằn ngoèo giữa hai bên cát vàng tít tắp, điểm xuyết những bụi cây xác xơ nhưng vẫn xanh ngắt đến lóa mắt. Bố cứ thủng thẳng bước đĩnh đạc. Những mệt nhọc lo toan thường nhật biến đâu cả. Mẹ vui vẻ hưởng ứng những trò nghịch ngợm của con gái. Đến chỗ những bụi cây ven đường cao rậm hơn hẳn, cô bé khẽ khàng rút bàn tay mát rượi khỏi bàn tay mẹ đang nắm, đi lùi lại và bất ngờ chạy núp vào một bụi rậm xa đường. Mẹ như chợt bừng tỉnh, bật cười khục khục. Mẹ thoăn thoắt chạy chỗ nọ chỗ kia, nhìn xem con bé ở đâu. Bố cũng sững lại, nhoẻn cười, thích thú quan sát hai mẹ con chơi trò mèo đuổi chuột. Bố bỗng vươn hai cánh tay hết tầm về hai bên, khi con gái từ khá xa sau mẹ, chạy thục mạng lên sát lưng mẹ và la lớn “Hổ mang chúa! Hổ mang chúa!”. Mẹ chưa kịp quay lại nhìn, bé đã vọt lên trước dễ đến trăm mét rồi chững lại, đưa mắt về phía bố, có ý chờ. Bố thốt lên sung sướng: “Ôi, lạy Chúa!”. Phải, con gái bố khôn sớm lắm mà. Rắn hổ mang vùng ta rất dữ. Nó sẵn sàng nhảy bổ vào người, nếu người tỏ ra run sợ. Từ vài năm trước, lúc Cast Vala mới hai, ba tuổi, cụ Écelado Écoula đã mấy lần dặn rằng hễ gặp hổ mang, cứ bình tĩnh đứng im, nhìn thẳng vào nó, không hề sợ sệt; nó đang giương cao đầu, bổ ngay vào ta nếu ta bỏ chạy; nhưng cứ bình tĩnh nhìn nó, một hai phút sau, nó sẽ bỏ đi liền. Không may bị nó hay các loài rắn độc khác cắn, rịt vào vết thương lá rừng étaumit nhai dập. Con bé nghe lỏm, thế mà nhớ ngay, quả là giỏi. Bố và mẹ, trong chuyến đi này, cũng thủ trong túi áo mỗi người một nắm lá rừng thần dược.

Đôi lần trêu đùa như vậy, con gái và bố mẹ đã tới trường tiểu học Araca.  Gác cổng là một người da đen lai trắng đã đứng tuổi. Bác bước ra: “Chào anh chị và cháu. Mời anh chị và cháu ngồi chờ. Giờ làm việc, năm phút nữa cơ ạ”. Sau khi biết mục đích của bố mẹ và bé Cast Vala, bác ghi vào một quyển sổ khá dày màu hồng để ở một chiếc bàn nhỏ, chếch bên cửa phòng trực, cạnh lối ra vào trường. Một phụ nữ da trắng trung niên cao lớn dắt chiếc xe đạp màu lơ, hình như xe Peugeot của Pháp, nhanh nhẹn đi vào. Chị dừng lại đọc thông báo trên quyển sổ, quay nhìn gia đình bé Vala, tươi cười đon đả: “Chào em. Chào anh chị. Mời cả nhà vào phòng khách”. Đó là hiệu trưởng, một người Pháp, làm dâu làng này. Hiệu trưởng nói rồi dắt xe nhanh nhẹn đi tiếp. Theo hướng dẫn của bác gác cửa, bé Cast Vala và bố mẹ tới một phòng nhỏ xinh xắn màu xanh lục, có kê một chiếc bàn tiếp khách và hai chiếc ghế dài song song, màu nâu thẫm. Chị hiệu trưởng vào ngay, ngồi đối diện với nhà Cast Vala. Biết được hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng của bố mẹ cũng như của Cast Vala, chị hơi chau mày, trìu mến nhìn Cast Vala đang nép vào bên mẹ, đôi mắt có vẻ bối rối vì hồi hộp. “Thưa em và anh chị, trường Araca thuộc khu vực chỉ dạy tiếng Pháp. Từ làng nhà ta đổ xuống Limon là khu vực chỉ dạy tiếng Anh. Liệu em có học nổi bằng tiếng Pháp không, sợ lãng phí công sức và thì giờ…” - Ở đây, cô ngầm nêu lên điều phi lý chưa hóa giải nổi: đó là sự kỳ thị giữa hai khu vực nói hai thứ tiếng khác nhau, kỳ thị như kẻ thù, dù “gà cùng một mẹ” - “Dạ thưa cô, chúng tôi suy nghĩ nhiều rồi ạ. Nếu không được học ở dây, cháu chỉ còn nước thất học…”. Bố Cast Vala lên tiếng, giọng buồn man mác…”. Dạ vâng, xin cô hiểu cho, chúng em không thể xoay xở khác được ạ.”. Mẹ tiếp lời. Chợt nhớ ý ngầm khuyên bảo của cụ Écelado Écoula, mẹ quay sang con gái hỏi: “Khó mấy con cũng học được, phải không nào?”. Bố cũng âu yếm nhìn thẳng vào mặt con đang cúi xuống và nhợt nhạt đi: “Nhất định thế chứ, Cast Vala?”. Cô hiệu trưởng đỡ lời cô bé: “Thế là đồng thuận rồi. Từ mai, em đến học ở lớp cô Louise nhé…”. 

Trường Araca là một trường đặc biệt. Ở đây, trẻ được học từ mẫu giáo cho đến hết tiểu học. Mỗi cô giáo của trường đi cùng hai mươi bé từ ngày đầu tập tô chữ, đánh vần, viết từng nét chữ, cho tới lúc các bé đủ trình độ vào trung học. Sáng kiến ấy là của cô hiệu trưởng. Chồng cô là một nhà báo có hạng của đất nước Cameroun, quen biết và yêu hết mình rồi kết hôn với cô, trong thời gian ở Paris hoa lệ. Về làng chồng ở Xứ sở toàn dân da đen này, cô nhanh chóng thấy cần ở lại làng, tiếp tục dạy học như ở bên Pháp. Ít nhất cũng vì cha mẹ chồng đã rất già, nên cần có con cháu bên cạnh…Chồng cô xin không làm phóng viên thường trú nữa, để mỗi tháng một lần về với cha mẹ…Cô được hầu như mọi người dân trong làng quý trọng. Không ít học sinh vì e cô không vui mà đã cố gắng học tập hết sức. Một ngày kia, cô được hai cụ già tới xin gặp tại trường. Một cụ người làng Araca, cụ kia là cụ Écelado Écoula. Hai cụ là bạn đồng ngũ cũ. Rời quân ngũ, hai cụ dù làm khác việc, vẫn thân thiết với nhau, như thời còn trẻ…Quá bận, việc của hai cụ lại gấp, cô mời hai cụ sáng mai chủ nhật tới nhà cô. Hai cụ thích thú với ngôi nhà nhỏ bé nhưng sạch sẽ, cây cỏ xanh biếc chen hoa hồng hầu khắp xung quanh nhà. Đặc biệt, bố chồng cô hiệu trưởng cũng tầm tuổi hai cụ và cũng có nhiều tâm tư như hai cụ. Ba cụ trở nên thân thiết từ đấy…”Dạ thưa, hai bác gặp cháu có việc gì ạ ?”. “Thưa cô, chúng tôi muốn xin cô cho một cháu ở làng Leman bên cạnh vào học ở trường làng mình”. “Bên này, chúng cháu không dạy bắng tiếng Anh mà bằng tiếng Pháp ạ…”. Cụ Écelado Écoula trình bày gia cảnh nghặt nghèo của bé Cast Vala, rồi giọng cụ trầm hẳn xuống: “Thưa cô hiệu trưởng, chữ là chìa khóa của mọi chuyện. Biết tiếng Anh, lại thạo tiếng Pháp thì còn gì bằng. Cháu bé này, cha mẹ đều chịu thương chịu khó, nó nhất định học được tiếng Pháp đấy cô ạ…”. Cụ cùng đi với cụ Écelado Écoula đỡ lời: “Vâng thưa cô, cháu bé phải học tiếng Pháp kha khá, mới theo các môn khác được… Chúng tôi tin cô nghĩ ra cách làm hiệu quả…”. Biết con dâu bối rối, cụ bố chồng nâng niu đưa cho cô một tách trà bốc khói, mùi thơm dịu nhẹ: “Mời con thưởng thức đi… Trà Việt Nam, cụ đây – cụ bố nhìn cụ Écelado Écoula một cách trọng thị - vừa mang sang mời bố con mình mà…”. Hai cụ khách cùng nâng tách trà của mình lên, như muốn cụng tách với cô giáo. Cô giáo vội nâng tách lên, khẽ chạm lần lượt vào tách cụ Écelado Écoula, cụ cùng đi và cụ bố chồng: “Cháu cảm ơn hai bác. Con cảm ơn bố nhiều ạ”.

Cụ Écelado Écoula chậm rãi vuốt bộ râu trắng xóa trên bộ mặt đen ngời sáng như một vầng mặt trời. Cụ thủ thỉ, như với chính mình, “Một đồng đội cũ của tôi ở Angola gửi cho đấy. Cụ ấy kết bạn với mấy người Việt Nam sang Angola dạy học. Qua cụ ấy, tôi biết dân Việt Nam do chiến tranh xâm lược chịu nhiều khốn khổ, nhưng dũng khí và nhân hậu thì có thừa…”. Ngưng giây lát, cụ Écelado Écoula thủng thẳng: “Hương vị thức uống này thật đặc biệt. Nó lan tỏa từ từ và thấm rất sâu vào tâm khảm… Trà là đặc sản uống số một của Việt Nam. Người Việt Nam có tuổi thường thích uống trà hơn cả. Trà là thứ ẩm thực giao kết bè bạn. Trà tạo nên những không gian đầm ấm thanh cao không dễ gì có được…”. Cô giáo cung kính nhìn cụ, cụ cùng đi và cụ cha chồng. Đôi mắt to xanh lơ của cô ngời sáng: “Dạ cháu cũng có biết về Việt Nam. Từ khi nhà cháu và cháu quen nhau, anh hay kể về đất nước xa xôi mà anh rất ngưỡng vọng. Anh hay nhấn mạnh, thường xuyên bị đe dọa biến chất, bởi những cuộc xâm lược triền miên, dân tộc Việt Nam vẫn đứng vững và vẫn nhất định là mình…Chỉ tiếc, người châu Âu biết về Việt Nam và Colombia ít lắm ạ…”. Sự đồng cảm, về một điều tưởng như xa xôi và mơ hồ, đã khiến cô quyết định đón nhận cô bé Cast Vala. Dù đôi chút “lăn tăn” vẫn còn. Ví như nếu có gì rắc rối… Cô tin bố chồng và dân làng sẽ bảo vệ được cô, thuyết phục được cấp nào đó không thuận…

Bé Cast Vala nhập học được vài ngày, cô mời ba cụ già tới chứng kiến cảnh các bạn học của Cast Vala giúp bạn học tiếng Pháp. Buổi học nào cũng vậy, Cast Vala và ba bạn hoạt bát nhất lớp đếm sớm nửa giờ. Các bạn thay nhau vừa giơ cho Cast Vala xem những đồ vật quen thuộc như chiếc bút, cái thước kẻ, quyển vở, quyển sách, vừa đọc chậm từ chỉ vật đó. Cast Vala đọc theo. Đọc bao giờ hoàn toàn đúng và tự nhiên thì được. Một vòng, hai vòng, ba vòng…Hai vòng cuối cùng, Cast Vala xướng từ trước, rồi giơ vật lên…Hiển nhiên, đôi lần, cô bé đọc nhầm hoặc nhớ sai, cả bốn rũ ra cười vui vẻ… Lối học đó là sáng kiến của cô Louise. Về sau, cô vẽ sẵn hình nhiều đồ vật và con vật, rồi cho mỗi học sinh xướng tên vật đó, khi một bạn đứng trên bảng, trương ra cho cả lớp. Tiếp theo, cả lớp đọc theo mỗi vật cô đưa ra… Cô gọi đó là học theo kiểu “học trực quan sinh động”… Lối dạy như thế tỏ ra rất hiệu quả… Cast Vala sáng dạ. Cô Louise thật mừng… Mừng hơn là ba cụ già, cứ nín thở theo từng tiếng mà con bé phát ra, rồi cùng hòa nụ cười sung sướng, khi nó phát âm thật chuẩn… Cô hiệu trưởng, lặng thầm theo rõi tất cả, và tim rộn ràng những niềm vui mới… Từ ngày đón nhận Cast Vala vào trường, cô bắt đầu tính tới chuyện tổ chức một lớp học thêm tiếng Anh cho nhóm học sinh giỏi nhất, chí ít là có năng khiếu về ngoại ngữ. Những nhóm như thế về sau sẽ là nhân sự cho chính quyền, truyền thông và giáo dục. Các bé ít nhất sẽ là những nhà soạn thảo văn bản pháp luật, chính sách, sách giáo khao, bản tin thời sự, bài báo… đồng thời bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Vừa nhanh gọn vừa tiết kiệm về thời gian, tiền bạc… Đó là chưa kể, dù muốn dù không, dân cư hai vùng, tiếng Anh và tiếng Pháp, thực tế không thể không giao lưu, qua lại làm ăn, hợp tác, hoà nhập. Vâng, tên Écelado Écoula là tiếng Pháp. Có lẽ cha mẹ cụ này đã di cư từ vùng tiếng Pháp sang vùng tiếng Anh và sống ở đó đến nay. Mỗi người nếu thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh thì thuận tiện vô cùng. Sự hòa hợp dân sinh ấy góp phần củng cố khối đoàn kết quốc gia, yếu tố chủ chốt của sức mạnh tồn vong và phát triển của mọi nước trên thế giới.   

Đường Thu Dung (dịch)

Nguồn Văn nghệ số 41/2022

 


Có thể bạn quan tâm