May 2, 2024, 10:29 pm

Chuyện một bức hoành

Chất giọng nhẹ thanh của cô cháu Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III báo cái tin người thân cố nhà văn Sơn Tùng đã mang đến Trung tâm nhiều hiện vật trong đó có những bản thảo - vật chứng thứ lao động công phu cật lực của nhà văn kiêm nhà Hồ Chí Minh học Sơn Tùng đã tạo tác bầu nên 16 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có những Búp Sen Xanh; Bông sen vàng; Sen vàng; Hẹn gặp lại Sài Gòn…

Ngạc nhiên khi được biết lần hiến tặng này, có cả một bức hoành!

Bức hoành! Chợt bừng lên cảm giác bồi hồi về một quá vãng…

*

Phố Khâm Thiên rẽ vào Ngõ Văn Chương. Hun hút một lối chật chội dẫn vào khu tập thể xây cất sập xệ thời bao cấp có căn hộ chừng hơn 20 mét vuông, nơi gia đình nhà văn Sơn Tùng trú ngụ. Được biết hoàn cảnh người thương binh thương tật nặng hạng ¼ Sơn Tùng vẫn say mê nghiên cứu viết lách, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Hà Nội đã 2 lần ưu ái cấp cho nhà văn một căn hộ. Nhưng nhà văn đã từ chối.

Nhà văn Sơn Tùng (1928-2021)

Bệt trên khoảng sàn xi măng lồi lõm nham nhở khoảng 5mét vuông mà Sơn Tùng gọi là Chiếu Văn, luôn có khách thăm. Cánh viết lách nghiên cứu nhà báo… đến cậy nhờ ông tư liệu về lịch sử, nhiều nhất vẫn là về Bác Hồ. Nguyên Chủ tịch nước, ông Sáu Phong Nguyễn Minh Triết đã “ngự” trên sàn này 3 lần khi đến thăm “ông anh” người bí thư chi bộ Sơn Tùng thời gian cùng công tác ở R. Trung ương Cục miền Nam.

Bao lâu rồi vẫn định hình nguyên vẹn trên bức tường bong tróc, mốc thếch đối diện với Chiếu Văn vẫn những tấm hình đen trắng. Ảnh Bác Hồ uẩn súc trong tư thế ngồi Thiền. Anh nhà báo trẻ Sơn Tùng của Báo Tiền Phong đứng cạnh Bác Hồ đang ghi ghi chép chép trên sân đình làng Lỗ Khê, Đông Anh sáng mồng Một Tết Giáp Thìn 1964. Ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang thân thiết ôm lấy nhà văn. Đó là lần Thủ tướng sau khi đọc Búp sen xanh, biết được hoàn cảnh khó khăn của nhà văn đã mời ông đến cùng ăn cơm chuyện trò. Còn bên cạnh là ảnh nhà văn trong vòng tay ôm siết thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ mới nhất có lẽ là tấm bằng Anh hùng Lao động của nhà văn do Nhà nước phong tặng ngày 14/7/2011.

Khách cùng đám ký giả thường quan tâm hỏi han phỏng vấn nhà văn chủ nhân về những bức hình ấy mà bẵng đi một bức hoành treo khiêm tốn ở một chỗ khuất gần đó.

Lần ấy, tôi có tò mò gạn nhà văn vốn uyên thâm về Hán ngữ này giảng giải thêm ngữ nghĩa bốn chữ lớn Phượng Mao Tế Mỹ trên bức hoành. Tôi nhớ là khi ấy nhà văn chỉ cười nhẹ. Và không nói chi thêm. Ông thân ái đặt bàn tay co quắp vì thương tật lên vai tôi cùng chất giọng khẽ khàng rằng sẽ hẹn tôi vào một dịp khác!

Tôi tiếp được điện thoại của nhà văn. Thi thoảng có sự gì cần sẻ chia trao đổi tư liệu, nhà văn luôn dành cho tôi những thịnh tình như thế.

Nhà văn Sơn Tùng đương có khách.

Một vị ngó cũng cao lão. Trán hơi hói. Tôi hơi choáng khi được giới thiệu. Hóa ra đó là ông Đặng Văn Việt con hùm xám Đường 4 mà nghe danh đã lâu!

… Chủ nhân nghiêng thêm cái vò sành chắt ra thứ rượu trắng nồng nàn. Nhà văn cùng người đồng hương Diễn Châu Đặng Văn Việt chỉ nhấp gọi là. Chừng như thứ men quê thoảng qua ấy là cơn cớ gợi thêm cho nhà văn bao điều ủ kín nay được dịp phơi phóng?

Nhà văn Sơn Tùng đương nói về học giả Cao Xuân Dục.

Nhà văn suýt xoa rằng, nếu biên đủ ra những tước hiệu, phẩm hàm, chức vụ, tên tự của một vị đại quan Cao Xuân Dục sẽ hơi bị… dài. Nhưng có lẽ cũng phải biên hết ra để phần nào thấy được một danh nhân lịch sử một nhà văn hóa lớn thời Nguyễn: Đông các Đại học sĩ/ Đặc tấu vinh lộc Đại phu/ Thượng trụ quốc Phụ chánh Đại thần, Thái tử Thiếu bảo. Cơ mật viện Đại thần. Tổng tài Quốc sử quán. Lãnh Học bộ Thượng thư, Kiêm quản Quốc tử giám!

Có nhiều chuyện về mối thâm giao của Cao Xuân Dục với những sĩ phu trí thức như Ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Xuân Bảng (ông nội Tổng Bí thư Trường Chinh)… Nhưng đặc biệt vẫn là với cụ Nguyễn Sinh Huy, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929), tức Nguyễn Sinh Huy là một trường hợp khá đặc biệt biểu thị mối ân tình, nhân nghĩa của vị đại thần Cao Xuân Dục.

Các vị hẳn nhớ - Nhà văn tiếp tục mạch chuyện - khi Nguyễn Sinh Sắc đậu Cử nhân (1894) mà không chịu ra làm quan. Cả nhà vẫn sống ở quê Nam Đàn nghèo khó. Rồi đến khi vào Huế, ông vẫn sống cảnh bần hàn với người vợ thuở tao khang là bà Hoàng Thị Loan, người con gái đầu của cụ Tú Hoàng Xuân Đường.

Dự kỳ thi Hội khoa Ất Vị (1895), Nguyễn Sinh Sắc không đậu. Bấy giờ Cao Xuân Dục làm quan tại Huế đã giúp cho vào học trường Quốc tử giám. Nguyễn Sinh Sắc dự kỳ thi Hội lần thứ hai khoa Mậu Tuất (1898) vẫn không được trúng bảng vàng, ông lại được Cao Xuân Dục cưu mang giúp đỡ ít nhiều tiền gạo để gia đình sống qua ngày. Rồi đến khoa thi năm Đinh Sửu (1901), Cao Xuân Dục làm Chánh chủ khảo.

Bức hoành Phượng Mao Tế Mỹ

Ngày yết bảng, Cụ Cao rất đỗi ngạc nhiên lẫn bất ngờ bởi tài học của Nguyễn Sinh Sắc như thế mà vẫn không thấy có tên trên bảng vàng. Và rồi cụ cũng biết thêm, ông Sắc đi thi trong một hoàn cảnh cực kỳ éo le vì bà Hoàng Thị Loan vừa mới qua đời, ông đi thi mong đỗ đạt là để yên lòng người vợ dưới suối vàng!

Cụ Cao đã nghĩ ra một cách.

Cụ khéo léo đề nghị Hội đồng Giám khảo, Bộ Lễ và vua Thành Thái xét lại kết quả và nhất trí lấy đỗ thêm 3 vị Phó bảng, nay xét thêm 3 vị Phó bảng nữa: Nguyễn Sinh Sắc (thứ 11), Nguyễn Duy Thiệu (12) và Phan Châu Trinh thứ 13 là người cuối cùng của danh sách Phó bảng.

Cao Xuân Dục đã sắp xếp cho cụ Phó bảng Sắc vào nhận chức Thừa biện Bộ Lễ.

Hai người con trai của cụ vào học ở trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba, sau đó chuyển lên học ở trường Quốc học. Hai chàng thanh niên này, sau đó, vào năm 1908 nhân có “phong trào chống thuế” nổ ra ở miền Trung và lan ra đến các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, cả hai cậu đã tham gia cùng với học sinh Quốc học và nhân dân Huế biểu tình chống thuế trước tòa Khâm sứ và bị đuổi học.

Cụ Phó bảng Sắc vì có con là can phạm trong vụ chống thuế nên bị khiển trách nặng nề, nhưng lại được Cao Xuân Dục tìm cách gỡ tội cho. Rồi Nguyễn Sinh Sắc được chuyển bổ làm Tri huyện Bình Khê, nơi “đất dữ” Bình Định. Tại đây, trong cách hành xử công vụ, quan Tri huyện thường bênh vực dân nghèo, thẳng tay trừng trị bọn cường hào sâu mọt. Quan Tri huyện lại có lần “sơ ý” để một số chính trị phạm trốn thoát, do đó bị bãi chức kèm theo án “phạt tiền 10 nén bạc và bị đánh đòn 100 trượng đuổi về Nghệ An”. Cao Xuân Dục đứng ra xin cho ông Phó bảng khỏi bị phạt đòn và được phép cư trú tự do ngoài kinh thành Huế. Cụ Cao còn cho người ra Nghệ An đón cậu Nguyễn Sinh Khiêm (tức Nguyễn Tất Đạt) vào Huế tìm công ăn việc làm để giúp đỡ ông Phó bảng. Còn Nguyễn Tất Thành lúc đó trên đường vào Nam, trước khi vào Sài Gòn xuất dương tìm đường cứu nước, đã có một thời gian dạy học ở trường Dục Thanh – Phan Thiết, ngôi trường mà chính Thượng thư Hồ Đắc Trung, Cao Xuân Dục… sáng lập từ trước.

Một chi tiết thể hiện mối ân tình nữa là cụ Cao Xuân Dục có ý định muốn gả cô con gái 18 tuổi là Cao Thị Trâm để giúp “nâng khăn sửa túi” cho Phó bảng Sắc đang trong cảnh “gà trống nuôi con”, chăm dạy 4 người con của bà Hoàng Thị Loan vừa qua đời. Nhưng việc đó đã không thành.

Riêng đối với nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh (1872-1926), thì Cao Xuân Dục lại có mối thiện cảm đặc biệt. Hồi đầu thế kỷ XX, Phan Châu Trinh là thủ lĩnh của phong trào Duy Tân, xướng xuất chủ trương cứu nước theo đường lối cải cách ôn hòa, bất bạo động, đề cao chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Chính quyền thực dân đã hạ lệnh cho Nam triều phải bắt và xử tử hình Phan Châu Trinh ngay lập tức để trừ hậu họa cho nền “bảo hộ”. Phan Châu Trinh bị bắt đưa về Huế. Tòa Khâm sứ Pháp buộc Tòa án Nam triều xử “trảm quyết” theo điều luật 224. Cụ Cao Xuân Dục bấy giờ là Thượng thư bộ Học sung phụ chính đại thần đã trực tiếp vào cuộc xét xử và cương quyết chống lại lệnh của Khâm sứ Lesvecque. Nhờ vậy mà cụ Phan thoát án tử hình và đổi thành án “đầy ra Côn Đảo”, sau đó về đất liền rồi sang Pháp tiếp tục để đến năm 1925 trở về nước cụ lại nổi lên như một lãnh tụ cách mạng chống chế độ thuộc địa. Cụ đã được lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX tôn xưng là “nhà cách mạng dân chủ chủ nghĩa đầu tiên” của nước ta.

Còn như đối với nhà yêu nước – nhà văn hóa lớn Phan Bội Châu thì cụ Cao Xuân Dục cũng là “cú hích” quan trọng cho việc “tạo danh, tạo thế, tạo lực” một cách đặc biệt và đã hết lòng che chở.

Thời gian ở Huế, Phan đã được các vị quan tại Kinh như Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn và Cao Xuân Dục biết đến tài năng và chí khí, nên đã cùng nhau vận động cho Phan được nhà vua yêu nước là Thành Thái ban Dụ xóa án, nhờ đó Phan kịp trở về trường Nghệ dự thi và chiếm được học vị Giải nguyên.

… Buổi ấy không có máy ghi âm. Nhưng nhà văn nói chậm và thi thoảng hỏi lại xem tôi có kịp “tốc ký” không? Sau này có dịp đối chiếu lại những điều nhà văn bộc bạch về vị học giả đạo cao đức trọng Cao Xuân Dục với chính sử thấy khá chính xác. Đủ biết sức đọc sức nhớ của nhà văn thật đáng nể!

Rồi nhà văn thân thiết đặt tay lên vai Hùm xám Đặng Văn Việt nãy giờ đang ngồi nghe say sưa…

Với chất giọng đượm vẻ hào sảng, nhà văn đang nói về con cháu của cụ Cao Xuân Dục.

… Cụ chọn người con rể đầu của mình là Đặng Văn Thụy một người học trò nghèo khó để gả cô con gái đầu lòng là Cao Thị Bích. Sau này Đặng Văn Thụy thi đỗ Hoàng giáp ở khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904) và làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử giám. Cụ Đặng Văn Thụy lại là bạn đồng khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng, được cụ Huỳnh tôn xưng là người anh lớn tuổi, thường quan hệ rất tương đắc. Con trai cụ Thụy có hai người học rộng tài cao và cũng đỗ Phó bảng trong đó có Phó bảng Đặng Văn Hướng sau này được Chính phủ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội giữ một chức Bộ trưởng.

Trong số dòng đích cụ Cao, không thể không kể đến người cháu nội nhà Đạo học lừng danh Cao Xuân Huy và người con trai cụ Huy là học giả Cao Xuân Hạo… Tôi nhớ nói đến đây, nhà văn giọng như chùng hẳn xuống. Bàn tay thương tật như níu chặt vai ông khách Đặng Văn Việt. Chất giọng pha chút hài hước.

Duy chỉ có người chắt đây của cụ Cao từng nổi danh là Hùm Xám đường số 4 – Danh phong của lính Pháp do những trận đánh kinh hồn bạt vía ở Mặt trận Lạng Sơn Cao Bằng. Và nhẽ ra người chắt cụ Cao phải là tướng cầm quân nhưng chỉ là trung tá mãn đời bởi có người cha Đặng Văn Hướng vốn là ân nhân của cách mạng đã bị xử oan trong Cải cách ruộng đất!

Chuyện nhà văn lại dẫn chúng tôi về thời điểm tang thương... Trang ấp cụ Cao Xuân Dục bị phá tanh bành. Một trong những thứ tổn thất và đau thương là Thư viện Long Cương (Long Cương tên hiệu của cụ) - một thư viện riêng ở quê nhà Diễn Châu, Nghệ An) một thư viện lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, gồm khoảng 10.000 đầu sách bằng chữ Hán đã bị đốt phá…

Rồi những cơn cuồng phong cùng bớt thôi gào thét. Một ngày nọ, anh cán bộ Đoàn tỉnh Nghệ An Bùi Sơn Tùng được người quen dẫn đến một nhà một cố nông gần trang ấp cụ Cao Xuân Dục

- Nghe nói anh rành chữ Nho. Có thứ ni nì…

Thứ ni là một tấm ván chả ra hình thù chi nhặt được ở trang ấp Cao Xuân Dục sau khi bị phá, anh vác về làm vách ngăn chuồng lợn.

 “Thứ ni” chính là bức hoành thâm nghiêm bốn chữ Phụng (Phượng) Mưu, Tế Mỹ đang ngự trên bức tường loang lổ của nhà văn Sơn Tùng kia.

*

Nhà văn như đang cơn xúc động. Ông rành rẽ rằng “Phụng mao tế mỹ” là một thành ngữ khá thông dụng ngày trước, nhất là vào thời nhà Nguyễn. Nghĩa từng chữ của thành ngữ này là: phụng: chim phượng, mao: lông, tế: càng, mỹ: đẹp. Thời trước, cụm từ này được dùng nhiều để khen tặng các bậc phụ huynh giỏi giang lương thiện có được con cháu ưu tú. Cụ Cao Xuân Dục thân thế lẫy lừng dường ấy. Ông ấy tất có con có cháu chắt hiển đạt nhường ấy. Vậy nên bức hoành đó ngự ở trang ấp Cao Xuân Dục quả là cân xứng vậy!

Vẫn thường có cặp câu đối thể hiện ý nghĩa của thành ngữ Phụng mao tế mỹYến dực di mưu.

Yến dực di mưu quan thế đức

Phụng mao tế mỹ chấn gia thanh

(Tạm hiểu. Hai hình tượng này để đề cao việc ông cha đã che chở, biết mưu tính công việc lâu dài cho con cháu (chim yến che chở dưỡng dục con. Và ca ngợi những bậc cha ông giỏi giang nên có được con cháu thành công (chim Phượng).

Chữ TẾ trong bức hoành cụ Cao Xuân Dục được tặng cũng toát yếu cái đức lớn - tế độ - của cụ vậy!

Vậy ai là tác giả của bức hoành?

Hóa ra chả phải triều đình hay ông quan lớn hoặc gia thất nào quyền quý nào cả. Tôi bất ngờ khi chất giọng nhà văn điềm tĩnh khi xướng lên dòng lạc khoản: Sơn Tây vệ ngũ đội. Suất đội Cung Văn Thu bái.

(Tiếc thay! Khi đó tôi đã không kịp nhớ kịp chép ngữ nghĩa của dòng lạc khoản theo cắt nghĩa của nhà văn. Mà chỉ mang máng là anh em binh lính thành Sơn Tây do Cung Văn Thu tặng thời gian cụ Cao Xuân Dục làm tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang (1889).

Cũng là dạng dân tặng dân khen.

Cho đến giờ vẫn lạ mãi thêm dòng lạc khoản: Năm Thành Thái - Tân Mão thu bát nguyệt (Tháng 8 mùa thu năm Tân Mão - năm 1891…

Xuân Ba

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm