May 1, 2024, 8:00 pm

Chuyện làng Khuồng. Truyện ngắn dự thi của Nông Quốc Lập

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

1.

Trong cuốn sách cổ lưu giữ ở nhà ông trưởng họ Địch ở làng Khuồng ghi rõ ràng lời của ông Thiên Sáng bên nước Tàu khi sang nước Đại Việt năm thứ Tư: “Ở bản này những ngọn núi đều hướng mặt ra ngoài, nhất là ngọn núi Tua Sảng, đầu bị kiếm thần chém lìa khỏi thân. Đất đai, khí hậu nơi này tuy tốt, nhưng con cháu những gia đình người gốc bản từ đời thứ mười tám trở đi bắt đầu suy vong, những dòng họ đến sau thì ăn nên làm ra”.

Minh hoạ: Phạm Hà Hải

Văn tự viết bằng chữ Hán cổ, giờ, ngoài Địch Thiên Mệnh, người duy nhất trong dòng họ học lên bằng tiến sĩ Hán Nôm ra thì chẳng có mấy người trong bản đọc được. Ngay cả ông Đính trưởng họ cũng vậy. Đã qua bao nhiêu bận vật đổi sao rời, ông chỉ nghe người đời nói đi nói lại vậy, chứ có biết mặt chữ Hán cổ đâu. Cả một đống tư liệu quý được cất kỹ ở nhà, nhưng nào ông có biết giá trị của nó? Lần nào về thăm quê, Địch Thiên Mệnh cũng đến nhà trưởng họ xin cho được xem mấy thứ mà ông định vứt đi. Mệnh nghiền ngẫm ghi ghi chép chép bằng ký hiệu như sợ người khác đọc được khi viết ra giấy đầy đủ câu có nghĩa. Có một chuyện vô lý không thể nào tin được, khi Địch Thiên Mệnh đọc được ở những trang giữa cuốn sách cổ. Lẽ nào người viết ra cuốn sách này là thần thánh, nhà tiên tri vĩ đại nhất tổng Quảng Hà? Mệnh tin có linh hồn, còn chuyện linh hồn biến hóa, nhập xác sống lại để theo dõi những người đang sống thì không thể lay chuyển được niềm tin của một người làm công tác nghiên cứu khoa học. Song chuyện ghi chép trong sách lại làm Địch Thiên Mệnh dấy lên mối mơ hồ về một cái gì đó như màn sương phủ xuống cánh rừng giữa mùa đông mưa phùn gió bấc. Hư hư thực thực. Mệnh muốn tìm ra điểm mấu chốt, nút thắt để gỡ nó ra. Tính Mệnh là vậy, một khi đã nghi ngờ về chuyện gì thì phải đi tìm hiểu để có câu trả lời cho bằng được.

 Càng ngày Địch Thiên Mệnh càng cảm thấy thú vị, khi đọc được những tư liệu từ nhà ông trưởng họ. Lão Đính nghĩ bụng “Xã hội bây giờ người ta quan tâm đến chuyện kiếm tiền, lúc nào trong túi cũng rủng rỉnh, có đồng ra đồng vào, muốn mua cái gì là được như ý, thế cuộc đời mới gọi là sung sướng, mới là đáng để sống thọ sống lâu. Chứ quan tâm đến mấy quyển sách viết trên giấy bản cổ rách nát kia thì có lợi lộc gì. Lịch với chẳng sử, từ xưa đến nay có ai ăn lịch sử được đâu? Con người ta chỉ có cơm ăn gạo thôi chứ?”.

 Đối với một người chỉ quan tâm đến tiền bạc, lợi lộc như lão thì nghĩ được tầm gang tay là cảm thấy dài lắm, cao lắm rồi. Mấy lần lão định mở miệng nói với Mệnh về những điều lão nghĩ trong lòng, nhưng rồi lại thôi. Nó có ham muốn tìm hiểu thì cứ kệ nó. Người ta tìm cách làm giàu, hướng về tương lai bằng tất cả tiền tài, mối quan hệ để vơ vét cho đầy cái túi tham không đáy, thì nó lại tìm về quá khứ, đến những gì đã trở thành phế tích. Hoàn cảnh gia đình Mệnh lão Đính không còn lạ gì. Mang tiếng là nhà ở thành phố đấy, nhưng mãi sâu hun hút trong một cái ngõ nhỏ. Lão đã đến nhà Mệnh mấy lần, nhưng không thể nào nhớ được lối ra vào. Nhà gì mà nhỏ như cái lồng chim, chưa bằng gian bếp của lão ở làng, lại không có thứ gì đắt giá, mọi cái đều cũ kỹ, tủ cũ kỹ, ti vi cũ kỹ, giường cũ kỹ, bàn ghế cũ kỹ, ấm chén cũ kỹ, tất cả đều cũ kỹ. Bây giờ là thời nào rồi mà vẫn còn dùng ti vi đít lồi, nghe đài cát sét mỗi ngày? Những thứ đó đối với lão chẳng đáng giá mấy đồng, thế mà nó luôn mồm bảo “đồ vô giá”. Cũng tốt, những đồ rách nát này có vẻ phù hợp với người chủ lúc nào cũng có vẻ bần hàn của nó. Lịch sử không phải toàn những cái cũ, những cái thuộc về quá khứ là gì! Lão cũng không thể hiểu được con vợ của Mệnh, sao cứ cam chịu với lối sống cũ rích từ thập niên ba mươi bốn mươi thế kỷ trước đó? Những thứ đó chỉ còn những gia đình ở dưới đáy xã hội mới dùng đến thôi. Vợ chồng thằng Mệnh vì không có tiền mua sắm đồ mới hay vì chúng nó keo kiệt không chịu chi tiền ra? Lão nghĩ chúng nghèo thì đúng hơn. Vợ làm công nhân, chồng tiến sĩ lấy đâu ra nhiều tiền. Lão nghe thằng con lão bảo tiến sĩ Hán Nôm nghèo đói lắm. Mấy năm trời mới có một hai công trình thì lấy đâu cuộc sống khá giả? Sống ở đô thị văn minh mà nghèo thì ích gì? Lão ở bẩn thật đấy, nhưng đầu óc còn tân tiến hơn vợ chồng nó gấp nghìn lần. Những thứ cũ rích lão bỏ đi, đem cho người khác sử dụng. Lão tự thấy mình có lòng thương người, đâu phải như miệng lưỡi thiên hạ nói lão lúc nào cũng toan tính xâm chiếm đất đai, tiền của của người khác thành của mình? Lão đem những thứ cũ rích cho những con người bần hàn, lão được người ta mang ơn. Trong mắt họ lão chẳng khác gì người thân, là cha, ông của họ. Lão cũng có được tiếng thơm ở đời. Mà ở đời giàu sang thôi thì chưa đủ, cần phải có tiếng thơm lưu truyền nữa mới không uổng sống kiếp của con người.

 

2.

Tiếng pí lè, trống chiêng nổi lên ầm ĩ, âm thanh va vào vách núi Tua Sảng bật văng trở lại nghe ong ong, não nề. Thỉnh thoảng, tiếng khóc rấm rứt vang lên dè dặt. Mắt Dư đỏ hoe, ở một mình bên chiếc quan tài được bọc bởi lớp vải đỏ chói. Đối diện với Dư ở bên kia là chị gái, vợ và những cây hương hoa giấy. Chẳng ai có thể ngờ được mẹ lại bỏ chị em Dư ra đi khi mới chỉ sáu mươi lăm mùa xuân. Từ khi sinh ra, lớn lên rồi lấy vợ, Dư chưa phải làm việc gì nặng nhọc. Việc lớn việc nhỏ đã có mẹ và chị làm tất tần tật. Dư chỉ biết chơi, ăn và học. Nhưng học cũng chẳng đến nơi đến chốn. Vừa ngang qua lớp bảy là Dư nghỉ học. Cũng chẳng để làm gì to, thấy bạn bỏ học đi kiếm quặng thiếc, Dư cũng bỏ theo. Chỉ đơn giản vậy thôi. Học chỉ biết mặt chữ, viết được lá thư, đếm được tiền là được rồi. Dư không hiểu lắm về luật pháp. Dư càng không hiểu được lòng người hiểm sâu. Khi mẹ không còn, người ta có thể giẫm lên mình như giẫm lên một con kiến đỏ. Mà đâu cần đến khi mẹ chết, lúc mẹ còn sống, đã có người dọa tống khứ mấy chị em Dư ra khỏi làng Khuồng rồi. Họ coi chị em Dư là cái gai trong mắt, là con ma gà cần phải xua đuổi đi vào rừng sâu, nhét bỏ vào trong chum bịt kín miệng lại rồi dùng dây thả xuống cái hang sâu đen ngòm. Tóm lại là để gia đình Dư đi càng xa càng tốt, càng cách biệt với thế giới bên ngoài càng làm cho lão Đính thấy sung sướng. Bữa ăn xong đưa tay xoa bụng mỡ, gác chân lên nằm say giấc nồng.

Người giỏi đi ra ngoài kiếm tiền, chỉ có người xấu bụng mới tìm cách ăn họ ăn hàng. Nhiều khi người ngoài còn ra tay giúp đỡ, kéo mình lên mặt nước khỏi chết đuối. Mẹ vừa nằm xuống người thân đã toan tính chiếm đoạt gia tài. Dư nghĩ mà thấy trong lòng buồn gấp bội phần. Người đang tìm cách nuốt gia sản của ông bà tổ tiên Dư để lại có phải là những người xa lạ nào đâu, toàn chân với tay, gốc rễ trong một cái cây đại gia đình cả. Có những người miệng lúc nào cũng ngọt như mía lùi, nhưng trong ruột gan của họ lông đen mọc đầy ra. Họ muốn ăn con mắt, chặt đi đôi chân tay chị em Dư. Mẹ còn sống, dù người ta đã muốn giẫm gia đình Dư như giẫm chân trên mặt đất, nhưng còn nể nang mẹ phần nào. Dư đã quen sống dựa vào cái bóng của mẹ. Đúng hơn là Dư được mẹ che chở, chị bênh vực. Mất mẹ, Dư cảm thấy hụt hẫng, dưới đất chân như biến thành vực sâu trông không tới đáy. Nếu không có anh Mệnh có lẽ Dư sẽ không biết phải làm gì với những người đang ngày đêm toan tính cướp đi gia sản của bố mẹ để lại.

Nằm bên mẹ, cách một lớp ván, Dư không sao ngủ được. Nghĩ về quá khứ, nghĩ về tương lai, nước mắt không ngừng tuôn ra. Miệng Dư đắng ngắt, chẳng muốn ăn gì cả. Bên vách ngăn, giường tổ tôm, ổ phỏm, mọi người đang tạm ngưng tay, rỉ rả ăn cháo gà, nói chuyện chí chá. Chẳng biết anh Mệnh có kịp về viếng mẹ không? Hôm qua gọi điện vợ anh nghe máy nói rằng anh đi nước ngoài theo các nhà khảo cổ học đến cuối tuần mới về.

Không có cái buồn nào u ám hơn đám ma. Còn hai ngày nữa mới đưa mẹ ra đồng. Mấy ngày qua Dư cũng đã thẫm mệt, quỳ, vái, đứng, ngồi điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Kéo cái chăn vào dưới chân, Dư ngả lưng xuống bên cạnh quan tài, để mặc cành hoa giấy lơ lửng trên mặt mình. Phía đầu quan tài, ngọn đèn dầu thắp sáng đêm ngày, khiến lòng người thân như ấm lại phần nào. Tiếng người nói chuyện với nhau cũng thưa dần. Chỉ còn mấy người ngồi sưởi lửa dưới bếp lâu lâu mới nói một vài câu gì đó vu vơ. Ngoài trời, cảnh vật im lìm. Không tiếng chim, không tiếng côn trùng, tất cả như trốn cái rét ngọt mùa đông. Dư mơ màng đi vào giấc ngủ. Chợt Dư nghe thấy tiếng ai đó thì thầm mơ màng bên tai.

- Có thấy cái đó không mày?

- Không có.

- Lạ thật, không lẽ nó biết trước?

- Làm gì nó biết được chứ.

- Thế thì sao lại không có, trong khi chẳng có nơi nào cất giấu được chắc chắn cả.

- Có thể nó để ở một nơi mà người ta không để ý tới.

- Đã tìm kỹ chưa?

- Rồi, từ lúc còn đang nhập nhộn mà.

- Thôi, để sau rồi hãy tính. Nhất định phải tìm được cái mạch sống đó, khi đó mọi chuyện sẽ theo bố con mình.

 

3.

Ở làng Khuồng có một chuyện lạ đời. Từ xưa đến nay chỉ thấy, chỉ nghe người ta nuôi chim, nuôi thú cảnh, chứ chưa thấy, chưa nghe nói người nuôi quạ đen bao giờ. Loài chuyên ăn xác thối, lại còn kêu lên những tiếng “qua qua” rợn người. Từ “qua qua”, đôi khi người ta nghe thành “au a, au ca” (tiếng Tày, lấy đi lấy đi), nghe mất mát, một điềm báo không tốt. Lão Đính đã nghe đến hội nuôi chim nuôi cò. Lão cũng nuôi chim, nhưng chưa bao giờ lão có ý định xin gia nhập hội. Mà dù lão có xin gia nhập chắc chẳng ai dám nhận. Người ta nuôi yểng, vàng anh, họa mi, chào mào, sáo, vẹt… tiếng hót của những loài đó vui tai. Còn lão lại đi nuôi quạ đen, thứ bẩn thỉu, hôi hám chẳng ai muốn lại gần vuốt ve, chiêm ngưỡng. Ở làng này nhiều người rất sợ hai thứ, tiếng chim lợn và tiếng quạ kêu gào. Người ta sợ kệ họ, lão thấy bình thường. Chẳng hiểu lão nghe ai nói, đọc ở quyển sách cổ quý nào mà có người thắc mắc lão nói thế này: Các người không biết đấy thôi, quạ có thể huấn luyện được, tuy nó không thể nói được tiếng người như loài sáo, loài yểng, loài chim chuối, loài vẹt, nhưng nó hiểu được ý của người nuôi. Không những thế quạ còn có thể đoán được trước điềm tốt xấu nữa đấy. Quạ đen không uổng là sứ giả hắc vô thường mà. Lạo Lùng đã nhiều lần dự đoán đúng rồi. Chẳng biết lời của lão có đáng tin không, đáng tin đến đâu. Quạ lại có thể đoán được tương lai, biết trước được điều tốt, điều xấu? Chưa thấy các nhà khoa học chứng minh, nghiên cứu tỷ mẩn về chuyện này cả. Nhưng lão thì rất cương quyết về Lạo Lùng của mình có khả năng tiên tri. Những chuyện lão nói thật không sai, nhưng biết đâu lại có một sự trùng lặp khó lý giải? Lần thứ nhất Lạo Lùng dự đoán đúng về cái chết của Họa, khi tự dưng nó bay từ nhà lão đến đậu trên cây mạy ri trước nhà Họa, mỏ hướng vào nhà kêu lên bốn tiếng “qua qua” rồi vỗ cánh bay về. Quả nhiên bốn ngày sau Họa ngã núi chết khi đi tìm cây má pín về bán. Từ lần Lạo Lùng dự báo đó, hằng ngày, khi cho chim ăn, lão hay thủ thỉ với chim “Lạo Lùng này, chú phải dự báo điềm tốt xấu chuyện trong làng, ngoài tổng này cho chủ, biết chưa? Ngay cả chuyện phúc hay họa của những người trong nhà chủ chú cũng không được giấu. Nếu sai là tao sẽ đập chết, quẳng xác chú mày cho loài chó, loài mèo nó xé xác, biết chưa?”. Dường như Lạo Lùng hiểu được cái mong muốn của chủ nhân, nó đưa cái mỏ cong khoằm cọ cọ vào tay lão Đính. Những lần như vậy, lão Đính nói. Tốt. Tốt lắm. Như thế mới không uổng công tao đã quên đi cả sự hiểm nguy trèo lên chỏm núi đầu Tua Sảng lấy quạ non về nuôi. Nhìn lại tổ quạ làm trên cao chót vót, chỉ sơ sểnh một giây thôi, cả thân người sẽ chỉ còn một bãi lầy nhầy dưới chân núi đá răng mèo phún sắc. Sau này mỗi khi nhớ lại lão Đính luôn cảm thấy rùng mình. Lão cũng không thể hiểu được ngày đó có ma xui đất khiến hay sao mà lão lại có đủ can đảm để trèo lên ngọn núi cao nhất bản. Giờ thì lão chịu, có cho cả đống tiền lão cũng không dám lên mỏm núi từ bao đời nay gọi là Phia Rấn, không được xâm phạm đến, dù chỉ chặt một cái cây nhỏ cũng không được.

Một hôm nọ, mới sáng ra Lạo Lùng đã kêu lên những tiếng não nề. Vài tiếng đầu, lão còn chịu được. Nhưng về sau tiếng kêu nghe càng thảm thiết, lão tức điên lên. Lão đi ra khỏi nhà đến chỗ con quạ đen đang đậu.

- Có chuyện gì mà Lạo Lùng gào lên nhiều thế?

Con vật không nói được tiếng người, không hiểu được tiếng lão thì phải? Nó cứ mãi kêu lên “au… a, au… a”, làm cho lão tức điên lên, toan khuơ cây gậy xua đuổi. Lạo Lùng nhanh chân bay lên cây lê trước nhà, nhưng miệng vẫn không ngừng kêu lên những tiếng não nề. Lão cúi xuống nhặt một hòn đá toan ném con quạ đen, nhưng nó lại bay lên đậu trên cây gạo cao sừng sững. Không ném được quạ, lão bực tức lững thững bước vào nhà. Mà cũng lạ, phàm là loài chim, bầu trời là khoảng không tự do, tập quán muôn đời của nó là làm bạn với trời xanh. Vậy mà từ khi lấy quạ về nuôi, hằng ngày cho nó ăn, chưa một lần lão nhốt nó vào trong chiếc lồng tre, vậy mà nó vẫn không bay đi với đồng loại đang mời gọi tha thiết ngoài kia. Giờ có đuổi nó cũng không đi. Phải chăng nó đã được lão cho ăn, nên đã mất đi bản năng kiếm ăn của loài chuyên lùng ăn xác thối? Lão đang tức phát điên vì Lạo Lùng. Nhưng trong lòng lão lại dấy lên mối hồ nghi. Không lẽ nó báo điềm xấu đang ở phía trước? Nhưng điềm xấu đó là cái gì thì lão chịu. Cho nên, trước khi mọi người ra khỏi nhà, lão đành dặn dò phải hết sức cẩn thận. Người ở nhà phải chú ý củi lửa, điện đóm, người đi rừng đi núi phải chú ý búa dao văng vào tay chân. Người đi xe máy phải đi chậm, không được đi ẩu, đi gấp. Đề phòng là thế, nhắc nhở mọi người chú ý là thế. Nhưng phúc đến không thể khước từ, họa đến không thể tránh được. Thằng Chưng cháu lão đi xe máy rất chậm, vậy mà có người say rượu đi nhanh tông vào sau đít. Cú va chạm mạnh đến nỗi những người sống hai bên đường xã Long Châu vẫn nghe thấy. Hai xe văng ra khỏi đường, sắt quẹt xuống đường phát ra tia lửa. Người văng ra mấy mươi mét, kẻ sứt đầu, người mẻ trán, kẻ tay đau, người gãy chân, máu chảy đầm đìa. Phúc đức lắm thằng Chưng mới không bị tử thần cướp đi tính mạng. Gia đình, họ mạc gom góp được mấy chục triệu đồng chạy chữa ròng rã ba tháng trời, Chưng mới hồi phục được tám phần sức lực. Quạ đen thế mà đúng. Ngẫm lại, lão Đính thấy Lạo Lùng không khác gì nhà tiên tri, tiên đoán sự việc như thần.

Và lần này, quạ đen lại dự đoán đúng. Ba ngày trước khi mẹ Dư chết, con quạ đen đáng ghét của lão Đính lại bay đến đậu trên cây nghiến cạnh nhà kêu lên một tràng dài. Chưa biết cụ thể là việc gì, người hay trâu bò chết. Nhưng Lạo Lùng đã ghé thăm kêu lên thống thiết thì ắt phải có chuyện rồi. Gì thì gì, lão Đính cũng thấy vui thầm trong bụng. Lạo Lùng quả là hữu ích, đã không uổng công lão nuôi nó trong mấy năm trời ròng rã.

 

4.

Đã mấy đêm nay bà Míu không ngủ được. Cứ đặt đầu xuống gối là bà cảm thấy có cái gì đó đè nặng lên người, một sức mạnh vô hình quấn lấy bà. Dù bà cố vùng vẫy nhưng không thoát ra được, miệng kêu ú ớ. Khi Dư lay gọi bà mới tỉnh lại, ngơ ngác, mồ hôi ướt đầm cánh áo. Những cơn ác mộng chợt đến, chợt đi, lặp đi lặp lại như được ai đó lập trình sẵn. Tuy những giấc mơ chỉ hao hao giống, nhưng dường như bà đoán trước được điều gì đó. Như giấc mơ đêm qua, đã làm cho bà liên tưởng đến cái chết đang ở đâu đó quanh đây. Gần lắm. Bà dường như nắm bắt được. Đã lâu lắm rồi, có bao giờ bà mơ thấy bố mẹ mình? Gặp họ còn khó, chứ đừng nói là nói chuyện với người đã khuất. Lại càng không mong được cùng người đã khuất chuyện trò.

- Con à, con ở cũng quá khổ rồi, về trời làm ruộng làm nương giúp mẹ thôi. Mẹ đang không làm xuể.

- Nhưng con con còn chưa đâu vào đâu, mẹ hãy để cho con ở trên thế gian thêm vài năm nữa.

- Dư đã lớn tự quyết con đường đi của riêng mình. Nó đã hơn hai mươi xuân rồi, làm sao con có thể lo cho con được mãi. Con về với mẹ rồi cháu nó sẽ phải sáng cái đầu ra thôi.

- Nhưng…

- Đừng do dự nữa, về với mẹ thôi.

Bà vừa nói vừa cầm tay con sải bước về phía bóng đêm. Bà Míu ú ớ “mẹ ơi, đừng… con… còn…, đừng…”.

Dư bật dậy đến bên mẹ. Anh lay gọi đến lần thứ tư bà Míu mới tỉnh lại. Thì ra bà vừa trải qua một cơn ác mộng. Sao mẹ lại làm như thế nhỉ? Tháng trước con dâu cầm cái áo đi xem bói, bà bụt nói số mẹ Míu còn dài. Thầy xem mệnh cũng nói số Míu vượt qua chữ thọ thứ hai mà (lễ mừng thọ tám mươi lăm). Bà không thể nào lý giải nổi. Sau khi hoàn hồn, bà Míu nói với con.

- Con à, mẹ tuy chưa phải già lắm. Nhưng trời không biết mưa nắng lúc nào đâu.

- Mẹ nói gì vậy? Mẹ còn chưa được bồng cháu mà.

- Là mẹ nói vậy. Mẹ dặn trước không bao giờ thừa đâu. Giờ chị con lấy chồng xa. Chú Đính là anh em thật nhưng khó tin được. Chỉ có bá Thứ và anh Mệnh là đáng tin cậy. Khi mẹ nằm xuống, con đừng có hốt hoảng mà phải giữ được bình tĩnh. Thư từ, sổ đỏ không thể để ở nhà con hiểu chứ.

- Vâng.

- Nhớ đấy, không được để ở nhà đâu.

Dặn dò con xong, bà Míu giục Dư trở về giường ngủ. Đặt cái lưng xuống giường, chưa kịp ấm chỗ, trời đã tang tảng sáng…

 

5.

Mấy hôm nay lão Đính nghĩ nát đầu mà vẫn chưa tìm được đáp án. “Thực ra nó cất giữ ở nơi nào được chứ?” Lão nghe người ta nói, tới đây làng Khuồng sẽ trở thành khu chế biến khoáng sản. Một món tiền lớn không thể để tuột khỏi tay được. Phải. Tại sao lão không thể nhờ nhà tiên tri đi thăm dò tin tức. Nghĩ vậy lão cảm thấy trong lòng ấm lại, mặt tươi như cánh hoa xuân.

- Lạo Lùng đâu rồi?

Nghe tiếng chủ nhân gọi, con quạ liền nhảy lò cò đi tới, dụi dụi cái mỏ vào bàn tay lão Đính.

- Tao tin chú mày hiểu được lòng tao. Chú mày hãy thăm dò xem thằng đó cất giữ thư từ đất đai khu Luồng Phảng ở chỗ nào đi.

Rồi lão dặn Lạo Lùng, khi lão hỏi Lạo Lùng “thư từ cất giấu ở đâu?”. Lạo Lùng biết ở đâu thì hãy trả lời bằng tiếng kêu. Nếu được cất ở trong hòm thì kêu hai tiếng “qua…qua”, trong ống mai trên gác bếp “qua qua òa… qua qua oa”, nếu nó gửi ở nhà người ta thì kêu ba tiếng “au a òa”. Lão dạy Lạo Lùng nửa buổi thì có vẻ nhà tiên tri đã hiểu được lời chủ nhân. “Tốt lắm, ai bảo quạ đen không hiểu tiếng người?” Nói rồi lão vuốt ve con chim ăn tạp mấy cái, bảo nó đi đi. Xẩm tối nhà tiên tri đã đi thăm dò tin tức, nhưng mãi nửa đêm mới thấy nó về. Không thể đợi đến sáng mai trời sáng được, sợ để qua đêm loài quạ đen sẽ không nhớ được những gì lão dạy. Lão bèn đến bên quạ đen hỏi.

- Thế nào thằng Dư cất thứ đó ở đâu hả?

- …

- Chú mày quên những lời tao dặn rồi sao? Đúng là cái đồ tốn thịt? Lão Đính có vẻ bực bội.

- ….

- Nó cất ở chỗ nào? Lão nói như hét.

- “Qua qua… qua… au a”.

- Hả, thế là thế nào?

Lão ngẫm nghĩ không hiểu con quạ định nói cái gì. “Qua qua… qua… au a”, lão đọc đi đọc lại. Rồi lão thốt lên. Thì ra là vậy. Lão hiểu năm từ “qua qua qua… au a” thành “sổ đỏ… trong… ngân hàng”. Thằng đầu đất thế mà khôn. Thì ra nó đã biết lòng tham của lão đang nhắm vào nó từ lâu. Nó biết trước nên đã để những thứ đó đến ngân hàng gửi gắm. Nhưng thằng Dư đâu có đầu óc nghĩ nước đi lợi hại này. Chỉ có thằng Mệnh bày vẽ cho nó. Thằng tiến sĩ nghèo đã không cho mấy bọc tiền lớn đi về nhà ông rồi. Không lấy được đất của Dư thì lão tính lấn chiếm đất của Mệnh. Dù sao nó cũng đã có nhà cửa ở thành phố rồi. Tính toán đường đi nước bước, lão lại sai nhà tiên tri đến nhà Mệnh mật thám. Lão đã cho tiền đứa cháu mà lão tin tưởng hay giúp mẹ nó làm những công việc vặt. Thể nào bà ta cũng sẽ nói với cháu.

Một ngày trôi qua nhà tiên tri vẫn không quay về làm lão đứng ngồi không yên. Hết đi ra rồi lại đi vào. Lão không thể biết được rằng nhà tiên tri đã bị con mèo tinh ranh nhà bà Mệnh vồ xé xác rồi tha đi vứt xuống động không đáy trên ngọn núi Tua Sảng gần nhà. Ở đồi Tua Luồng đối diện là khu nghĩa địa của dòng họ Địch. Lão Đính đã nhiều lần đến chân núi Tua Sảng, biết được có một cái hang sâu nhìn không thấy đáy, từ xưa đến nay chưa ai dám đến gần hang, sợ hồn vía sẽ bay mất. Chỉ có những người đầu óc không bình thường mới dám bén mạng vào cái hang đó. Người thường vào đó không hóa điên hóa dại cũng chết bất đắc kỳ tử. Độc thế, thần bí thế, nhưng loài quạ lại hay tụ tập từng đàn, làm tổ, sinh con đẻ cái trên đó. Mà cũng chỉ có mỗi loài quạ đen là làm tổ trên đầu núi Tua Sảng mà thôi. Mất Lạo Lùng khiến lão ăn không ngon, ngủ không được, sinh ra ốm liệt giường. Người nhà mang chiếc áo, một bát gạo, năm mươi nghìn đồng đi bói xem số lão còn hay đã tận. Ông bụt sau khi thắp ba nén hương, gấp mở ba lần quạt giấy liền nói với người nhà lão. “Có phải ông nhà đã từng nuôi một con quạ đen phải không?”. “Đúng thế, giờ Lạo Lùng đó ra sao rồi thưa bụt?” “Con quạ đó chết rồi”. “Bụt ơi, Lạo Lùng làm sao mà chết”. “Nó đã bị cụ tổ dòng họ bắt đi rồi”. “Cụ tổ dòng họ? Ai là cụ tổ dòng họ, cụ chết từ đời tám hoánh nào rồi, giờ xương cốt đã hóa thành đất cả rồi. Sao cụ tổ lại có thể trở về bắt đi con quạ đen được”. Các người là người trần mắt thịt không biết, khó trách được. Các người tưởng con quạ đen đó là con vật bình thường sao? Nó là tinh hồn ông cụ nhà biến thành. Mà cụ nhà là chắt của cụ tổ, các người có biết không? Mấy lần cụ bị đánh, thấy cảnh ông nhà chèn ép mẹ góa con côi sinh bất bình đã đi vào giấc mộng ông cụ ra sức khuyên can nhưng ông nhà không chịu nghe. Năm tiếng kêu của con quạ đen không phải “sổ đỏ trong ngân hàng” mà là “đồ tham lam độc ác”. “Qua qua òa, qua qua oa” là “đồ tham lam, đồ đáng chết”. Nhân đức của con người từ ăn ở mà ra. Người nhà lão ra về, tâm như đang đeo tảng đá nặng nghìn cân. Mình ở đầu tỉnh ông thầy cuối tỉnh không thể nào biết được chuyện ông Đính đã làm. Thầy càng không thể biết ông đã nuôi một con quạ đen. Lời thầy nói ra là cụ tổ qua miệng thầy mà nói ra những việc làm trái với lương tâm, đạo lý, chà đạp lên những người yếu thế của ông Đính.

Bấy lâu nay lão Đính không tin vào chuyện huyền bí, lão càng không tin vào lời tiên tri được ghi chép trong cuốn sổ của dòng họ về chuyện mèo tinh và quạ đen được ghi chép lại từ hàng trăm năm trước. Cái mà Mệnh đã dịch ra từ cuốn sách bằng giấy bản mục nát.

Truyện ngắn dự thi của Nông Quốc Lập

Nguồn Văn nghệ số 52/2023


Có thể bạn quan tâm