May 2, 2024, 6:19 am

Chuyện hoa Đà Lạt

Nằm trên cao nguyên Lang Bian có độ cao 1500-1600 mét so với mực nước biển thuộc tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt tươi, cảnh quan tươi đẹp. Thành phố cao nguyên ấy đã được tặng bao nhiêu “mỹ danh”: “Thành phố sương mù”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố tình yêu”, “Thành phố của những bản tình ca”, “Thành phố di sản”, “Thành phố Festival Hoa của Việt Nam”… Nhưng trong tất cả những tên gọi ấy, vẫn ấn tượng nhất một cái tên thật đẹp, thật thơ mộng: “Thành phố ngàn hoa”.

Từ cao nguyên Lang Bian huyền thoại

Câu chuyện về hoa ở Đà Lạt xin bắt đầu từ những trang nhật ký của bác sĩ, nhà vi trùng học, nhà thám hiểm Alexandre Yersin (1863-1943), người Pháp- Việt gốc Thụy Sỹ. Trong Nhật ký của mình đề “Đà Lạt, 21/6/1893” ông viết: “Từ trong rừng thông bước ra, tôi sững sờ với một bình nguyên hoang vu giống như một biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Lang Bian hòa lẫn vào đường chân trời Tây Bắc tạo nên một cảnh tráng lệ, gia tăng của vùng đất này”. Vùng đất ấy sau này có tên là Đà Lạt...

Từ thời khắc lịch sử ấy, đến nay Đà Lạt đã có 130 năm hình thành và phát triển (1893-2023). Từ một vùng đất hoang sơ, Đà Lạt đã trở thành “Thành phố ngàn hoa”, với thương hiệu toàn cầu: “Trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế”. Hơn một thế kỷ, hoa đã trở thành sản phẩm đặc trưng của thành phố. Thành phố nhỏ bé ấy đủ sức níu giữ trái tim người.

 

Thiên đường của các loại hoa

Đà Lạt có nghề truyền thống trồng hoa lâu đời từ hơn một trăm năm nay, là trung tâm bảo tồn hoa lớn nhất Đông Dương, là thủ phủ của hàng trăm loài hoa rực rỡ sắc màu. Chưa nơi đâu trên dải đất hình chữ S này lại nhiều hoa và hoa tươi thắm như ở Đà Lạt. Chính vì vậy, Đà Lạt đã được toàn cầu bình chọn: nằm trong top 3 những điểm đến để chiêm ngưỡng hoa đẹp nhất thế giới (trang Booking.com của Hà Lan công bố). Đến đây, du khách sẽ có những giây phút bình yên, hạnh phúc với hoa.

Phố núi, hoa ở khắp nơi: từ mỗi góc vườn, công viên, khuôn viên, cổng rào, nhà biệt lập, khách sạn hay chung cư, khu vườn, những tiểu cảnh hay những lễ hội, làng hoa…

Người Đà Lạt yêu hoa cây cảnh, thích làm bạn với hoa, cây xanh nên đã tôn tạo, xây dựng một không gian hoa, cây xanh thật đẹp nơi sân vườn nhà mình, ban công, lan can, cổng, hàng rào, những bức tường hoa quanh nhà. Mỗi người Đà Lạt, mỗi chủ nhân căn biệt thự, nhà cấp 4 hay căn hộ chung cư đều có cách riêng để không gian sống gần thiên nhiên. Nhà nào dù rộng hay hẹp, dù sang hay nghèo hầu như đều có bình hoa tươi, chậu hoa tươi, hay lớn hơn là sân vườn, tiểu cảnh rất bài bản, chuyên nghiệp.

“Vườn hoa thành phố Đà Lạt” - một địa danh nổi tiếng xứ sở sương mù, một vườn hoa lớn nhất tại Việt Nam, đúng là một “thiên đường hoa” lộng lẫy. Nơi quy tụ tất cả các loài hoa quý hiếm của Đà Lạt và thế giới với hơn 300 loài kiều diễm, rực rỡ, tinh tế, đủ màu. Những loài hoa này đã được các nghệ nhân chăm sóc, tạo dáng.

 

Bốn mùa hương sắc

Mùa xuân ở Đà Lạt bắt đầu từ hoa. Xuân về, Đà Lạt rộn lên đủ sắc màu vì các loài cỏ cây đều nở hoa khoe sắc thắm, từ những loài hoa lộng lẫy, kiêu sa đến những loại dân dã, mộc mạc, bình dị. Mùa xuân, loài hoa “báo mùa” của Đà Lạt là mai anh đào. Đà Lạt là “xứ hoa đào” với nhiều chủng loại: bạch đào, hồng đào, anh đào nhưng loài mai anh đào mơ màng, tinh tế mới là đặc trưng của Đà Lạt. Xuân về, mai anh đào chấp chới sắc hồng phai trên những đồi thông, những con đường trong tiết trời se lạnh. Mai anh đào phủ kín cả cao nguyên bằng màu hồng quyến rũ. Rồi hoa ban từ núi rừng Tây Bắc đã “định cư” ở cao nguyên lại bắt đầu nở hoa. Sắc trắng bồng bềnh nở bung bên đường của những bông hoa ban trắng tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp mắt.

Tháng ba, hoa phượng tím bắt đầu nở báo hiệu một mùa hè ấm áp lại về, mang đến cho thành phố những cánh hoa mỏng manh, với màu tím bâng khuâng, hoài niệm, u sầu và một không gian lãng mạn, thơ mộng. Cái màu tím buồn man mác với sắc tím trầm lặng, khiến cho Đà Lạt buồn hơn. Vậy mà, Đà Lạt càng buồn, càng hấp dẫn. Hoa phượng tím góp phần tạo nên thương hiệu Đà Lạt.

Mùa Thu, Đà Lạt lại rợp trời với hoa xác pháo đỏ, tím, xanh, cam, hoa cỏ lau trắng phau, hoa tam giác mạch hồng tím mỏng manh đầy quyến rũ. Tất cả lại đua nhau nở trên khắp các nẻo đường và nơi đồng nội.

Cuối Thu đầu Đông, nhất là tháng 12- mùa đẹp nhất trong năm, hoa ở Đà Lạt lại càng rộn rã. Khi những cơn mưa bắt đầu chấm dứt, bầu trời cao nguyên xanh ngắt, mây trắng nõn nà, nắng vàng ươm, thời tiết nóng lạnh, mùa này hoa nở nhiều và đẹp nhất: từ hoa dại đến hoa trang trí đường phố, trong vườn nhà, trường học, công sở, các khu chợ… Đặc biệt, khắp các nẻo đường đâu đâu cũng tràn ngập một màu như tỏa nắng của hai loại hoa: dã quỳ và mi mo sa- biểu trưng cho Đà Lạt. Hoa dã quỳ có sắc vàng rực rỡ như mặt trời mọc được gọi là “hoa báo nắng”, hoa mi mo sa vàng nhẹ, mong manh. Khi sắc hoa dã quỳ nhạt dần là lúc mi mô sa nở rộ cho đến hết mùa xuân. Cả hai loài hoa này làm cho những cung đường, đường đèo, ven đồi, góc vườn thêm ngọt ngào, lãng mạn. Rồi những vườn cải trắng, cải vàng dài đến tận chân trời. Rồi khắp sườn đồi lấm tấm sắc cỏ hồng, cỏ tuyết- loài hoa chỉ xuất hiện một lần trong năm- làm cho cảnh vật thêm bừng sáng, ấm áp, xua đi cái tiết trời lạnh giá mùa đông ở xứ sở sương mù.

 

Những loài hoa dại…

“Thành phố ngàn hoa”. Tuy nhiên, nơi đây không chỉ có hoa trồng mà còn có nhiều loài hoa dại nữa. Ngoài hàng trăm các loại hoa đẹp, quý phái đến từ khắp các châu lục đua hương sắc bốn mùa, Đà Lạt còn có vô vàn những loài hoa dại như: hoa dã quỳ, tam giác mạch, cỏ hồng, thạch thảo, tường vi… Rồi hoa sim, hoa mua và những hoa đồng nội. Những bông hoa dại này đủ màu từ trắng, hồng, vàng, tím… Chúng thường xuất hiện ở dưới những tán rừng thông già, những con đường, những cánh đồng, những mảnh vườn, những nách tường với sức sống bất diệt.

Đa phần những loại hoa này có ở những nơi nhiều nắng và gió. Chúng mang vẻ đẹp hiền lành, bình dị, không se sua đài các và sống thành từng bụi. Chúng chỉ đẹp nhất khi “cộng hưởng” với nhau; nếu tách từng bông, từng cành chúng trở nên đơn điệu, tẻ nhạt, chóng tàn.

Bên khoảnh đất rộng ven hồ Xuân Hương với đủ những thứ hoa dại: bồ công anh, chua me đất, địa lan, hạt nút…, có thể nhìn về đỉnh Lang Bian hùng vĩ xa xa, hoặc ngắm mặt nước hồ Xuân Hương ngay trước mặt. Song nói đến hoa dại không thể không nhắc đến dã quỳ, còn gọi là hoa Quỷ Già. Đây là loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Hoa dã quỳ có màu vàng rực, mọc thành bụi, nên khi bung nở lại rực lên như một thảm vàng. Hoa dã quỳ thường tỏa sáng trên những triền đồi, con dốc, cung đường, đường mòn… Dã quỳ sống hoang dại với sức sống bền bỉ, mãnh liệt, kiêu hãnh, là loài hoa biểu trưng của Đà Lạt, biểu trưng cho chính con người Tây Nguyên.

 

Từ những làng hoa đến thành phố Festival Hoa

Để có “Thành phố ngàn hoa”, phải nói đến sự đóng góp quan trọng của bốn làng hoa lớn, nổi tiếng, lâu đời nhất ở Đà Lạt là những làng hoa: Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành, Xuân Thành. Những làng hoa truyền thống này hàng năm cung cấp cho thị trường Đà Lạt và khu vực Nam Trung Bộ trên 7 triệu cành hoa các loại. Làng hoa truyền thống đầu tiên của Đà Lạt là “Làng hoa Hà Đông” do một nhóm dân cư gốc Hà Đông (Hà Nội) cuối tháng 5/1938 đã vượt hàng ngàn cây số để đi đến vùng đất hoang vu, lạnh giá.

Mỗi làng hoa ở đây có một loại hoa chủ lực: Làng hoa Hà Đông, Thái Phiên trồng hoa cúc, Làng hoa Vạn Thành trồng hoa hồng, Làng hoa Xuân Thành trồng hoa lay ơn. Mỗi làng hoa có một nét đặc trưng riêng, tạo nên những gam màu đặc sắc cho thành phố xinh đẹp bung tỏa sắc màu.

Festival Hoa là lễ hội hoa lớn nhất ở Đà Lạt, được tổ chức định kỳ hai năm một lần vào tháng 12, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng “vườn địa đàng” đẹp như thơ với muôn vàn loài hoa đang khoe sắc, thưởng thức đêm âm nhạc ấn tượng và trải nghiệm các hoạt động văn hóa giải trí mới mẻ, thú vị… Tính đến năm 2023, Đà Lạt đã có 9 kỳ Festival Hoa Đà Lạt, mỗi kỳ lại có một chủ đề, thông điệp riêng. Năm 2005, Đà Lạt đã được Thủ tướng chính phủ công nhận: “Đà Lạt - thành phố Festival Hoa Việt Nam”. Mục đích Festival Hoa nhằm tôn vinh các giá trị của hoa, nghề và người trồng hoa, thu hút du lịch, kêu gọi đầu tư, quảng bá hình ảnh đẹp Đà Lạt- Lâm Đồng, phát triển thương hiệu hoa Đà Lạt. Festival Hoa Đà Lạt là sự kiện văn hóa tầm quốc gia không thể bỏ qua đối với những ai yêu văn hóa và du lịch, sẽ làm hài lòng công chúng và du khách thập phương.

*

Lan man về hoa Đà Lạt, khi viết những dòng cuối này tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ Thi Hoàng, đại ý: “Không có hoa, ta không thành người lương thiện”. Trước hoa, thi sĩ đã “ngộ” ra và biểu lộ lòng biết ơn hoa sâu sắc. Đại văn hào Nga Dostoevsky (1821-1881) đã có một câu nói nổi tiếng: “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”. Hoa là biểu tượng cho vẻ đẹp và những gì tinh túy trên thế gian. Hoa đã mở ra một “cửa sổ” trong trái tim ta, giúp ta trở nên tốt đẹp hơn, hướng ta tới điều thiện. Từ hoa, những hạt giống tốt đẹp sẽ còn lại mãi trong ta…

Nguyễn Thị Lan

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm