May 2, 2024, 1:09 pm

Chuyến du ngoạn không định trước

Tôi với Ngô Quang Vinh là chỗ thân thiết. Một hôm anh gọi điện từ Hà Nội, hẹn ngày xuống Hải Phòng, cùng đi có hai vị khách đặc biệt, họ sẽ dành cho tôi một điều bất ngờ.

Đúng hẹn, tôi được đón Vinh và… hai anh Tây ba-lô người Pháp, Albert Fournier và Louis Lanessan! Khách đặc biệt thì rõ rồi, còn điều bất ngờ là gì đây?

Albert lấy từ ba-lô một cuốn sách, đó là tiểu thuyết Một thời vệ quốc tôi viết và in cách đây chục năm. Chẳng những bất ngờ mà còn quá bất ngờ! Thì ra một Việt kiều về thăm Tổ quốc thấy người nhà có cuốn này liền xin đem về Pháp. Thế rồi qua những cuộc gặp gỡ, Albert được biết có cuốn này và tha thiết muốn có cho mình vì truyện liên quan đến Pierre Fournier là ông nội của Albert! Một thời vệ quốc được tôi hư cấu từ những sự kiện có thực trong Cách tháng Tám 1945, kể về Đại đội Ký Con của ta được lệnh giải phóng các đảo trên vịnh Bắc Bộ và xua đuổi hai chiếc tàu chiến Greysac và Phrygien của Pháp đang ẩn náu ở đó. Thì ra hồi ấy Pierre Fournier là thủy binh trên chiếc Greysac. 

Albert lại lục ba-lô. Lần này là cuốn nhật ký của cụ Pierre, trong đó có đoạn viết về những ngày ở vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà. Pierre hết lời ca ngợi vẻ đẹp hai nơi này và gọi là kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Đọc nhật ký, Albert ao ước có ngày được thấy tận mắt nơi ông mình ca ngợi và đó là lý do chủ yếu của chuyến đi này. Họ liên hệ với bên ngoại vụ và anh bạn Ngô Quang Vinh của tôi được cử đi theo làm phiên dịch.

Minh hoạ: Tô Chiêm

Albert bảo:

- Lý do chủ yếu là vậy. Đã thế, Cát Bà còn thôi thúc tôi sớm đến với nó vì cách đây chưa đầy hai tháng, tại Riyadh thủ đô Saudi Arabia, Kỳ họp lần thứ 45 của UNESCO đã công nhận Vinh Hạ Long cùng Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Tôi đọc báo và nhớ như in thời khắc lịch sử này, đó là hồi 17 giờ 40 phút theo giờ Saudi Arabia, ngày 16 tháng 9.

Louis ngạc nhiên:

- Tôi bái phục cậu! Lại còn nhớ đến cả giờ phút! Đã thế còn bảo là “thời khắc lịch sử” nữa chứ!

- Như tôi nói đấy, ông nội tôi gọi vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Ông tôi như một bậc tiên tri, đã dự báo ngày vinh danh nơi này những 80 năm về trước! - Albert nói và quay sang nhìn tôi với Ngô Quang Vinh - Có phải ngày 16 tháng 9 năm nay là ngày lịch sử với các anh không? Các anh hãy nói với con cháu để chúng nói với chắt chít của chúng ghi nhớ ngày 16 tháng 9 năm 2023!     

Vinh gật đầu rồi dịch cho tôi nghe. Tôi không chỉ gật đầu mà còn bắt tay cảm ơn Albert và cả Louis, kèm theo câu tiếng Tây bồi: “Méc-xì bố-cu” và nghĩ bụng: Có thế mà anh chàng Albert này cũng làm cho to chuyện!

Các bạn Pháp mời tôi tham gia chuyến đi. Vinh bảo tôi thuộc Cát Bà hơn anh ấy nên đi để giúp anh khi cần. Đã lâu không tới Cát Bà và vịnh Hạ Long nên tôi nhận lời. Chúng tôi thống nhất sẽ đi Cát Bà rồi từ đấy ra vịnh Hạ Long. Tôi cho biết giờ đây việc tới đảo không chỉ bằng tàu thủy như trước mà còn bằng ô tô qua cầu Tân Vũ sang đảo Cát Hải, từ đó có hai cách sang Cát Bà: Tiếp tục cùng ô tô đi phà sang bên kia, hoặc để ô tô theo phà sang sau cùng với người lái, còn mình lên cáp treo vượt Lạch Huyện để hưởng cái thú ở lưng chừng trời. Trụ của cáp treo được xác định cao nhất thế giới, khoảng cách từ mặt nước lên đến đỉnh hơn 214 mét. Đi cáp treo từ bên này sang bên kia chỉ mất chưa đầy 10 phút. Albert thốt lên: “Cao và nhanh thế thì khác gì đi tàu bay!”. Tôi nói tiếp, tới nơi lại theo ô tô dọc Đường xuyên đảo để đến thị trấn. Con đường này quanh co theo sườn núi và vịnh biển, còn được gọi là Con đường hoa vì dưới chân núi trồng đủ các loại hoa, suốt một dải hàng chục cây số từ bến phà cho tới gần thị trấn. Dọc đường có mấy lầu ngoạn cảnh cho khách dừng chân ngắm trời đất, núi non, vịnh biển, cảnh sắc rất ngoạn mục. Albert bảo: “Một lịch trình tuyệt vời như thế lẽ nào lại không chứ. Nhưng hãy dành cho chuyến về, còn chuyến đi ta sẽ theo đường thủy. Tôi muốn lặp lại hành trình hồi trước của hai chiếc Greysac và Phrygien được ông tôi viết trong nhật ký.”.

Albert gọi “hành trình”, thực ra là cuộc tháo chạy! Khi Nhật đảo chính Pháp, hai chiếc Greysac và Phrygien đã may mắn từ sông Cấm thoát được ra biển. Nếu không, đám thủy thủ của tàu chắc chắn phải ăn đủ những cú đấm đá, thúc đầu gối, xơi cùi chỏ đúng kiểu karate trước khi tất cả vào nhà đá! Nhưng hai chiếc tàu chiến ấy không đi đâu xa mà ẩn náu ở vịnh Hạ Long để chờ thời cơ trở lại đất liền. Song thời cơ không đến mà lại bị Đại đội Ký Con của ta bí mật chiếm tàu vào đêm tối, áp giải vào bờ; đối đãi thân thiện với các thủy thủ và yêu cầu rời khỏi Việt Nam.

Vậy là tôi có chuyến du ngoạn không định trước. Chúng tôi thuê ca-nô cao tốc, yêu cầu chủ tàu cử người lái thông thạo vịnh Hạ Long và Lan Hạ.

Suốt dọc sông Cấm, Albert nhấp nhổm không yên, lúc đoán hai chiếc Greysac, Phrygien đậu chỗ này lúc lại bảo chỗ khác, cuối cùng thất vọng giơ hai tay lên trời: “Chịu! Không thể xác định được hai cái tàu từng đậu chỗ nào, dù ông tôi miêu tả rất chi tiết trong nhật ký. Hồi đó bến tàu vắng vẻ, mạn bờ Bắc hoang vu với cả một rừng sú vẹt trải dài tới tận biển, còn bây giờ sầm uất quá!”.     

Ca-nô phóng như bay nên chẳng mấy chốc tới cửa sông và cũng chỉ vài phút sau đã thấy Cát Bà trùng điệp xanh ngắt một màu núi non, rồi khu du lịch của thị trấn hiện ra đẹp như bức tranh bên bờ biển biếc.

Chúng tôi lên bờ tìm khách sạn nghỉ ngơi, nhưng chưa bén chỗ hai bạn Pháp đã đề nghị đi đâu đó. Chiều muộn nên chỉ đủ thời gian tới Cát Cò 1. Bãi vắng, giờ này không còn ai tắm biển. Louis bảo: “Tôi lại thích cái vắng vẻ này! Sự có mặt của con người thì vui đấy nhưng nhiều trường hợp chỉ phá vỡ cái thơ mộng và thâm trầm của tự nhiên.”. Trên đường trở lại khách sạn, cùng với rất nhiều người chúng tôi vui thú dạo phố biển về đêm. Phố mang tên “Đường 1 tháng 4”, kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá năm 1959. Gió biển mát rượi. Đèn từ các tòa nhà, các tàu du lịch và thuyền bè thật đủ mọi màu sắc, lung linh như sao sa. Albert nói, cứ như nhật ký của ông nội anh thì hồi ấy vịnh rất vắng thuyền bè, trên bờ chỉ vài cái nhà lụp xụp. Từ ngoài vịnh nhìn vào hầu như chỉ thấy rừng và núi. Albert bảo:

- Cụ Pierre nói có một hòn đảo rất nhiều khỉ. Tàu không vào được đảo vì độ sâu hạn chế nhưng qua ống nhòm thấy lũ khỉ đu bám trên cây và nhởn nhơ trên bãi cát.

- Đó là đảo Cát Dứa. - Huy Hùng, anh lái ca-nô nói - Từ đây ra đấy chỉ vài phút. Đảo có loài cây dứa dại nên người ta đặt tên như vậy song gần đây thường gọi là đảo Khỉ! 

Hôm sau là cuộc du ngoạn cả ngày. Đầu tiên tới Cát Dứa. Đã có du khách ra đấy từ sớm. Đám khỉ quen tiếp xúc với người nên không hề sợ sệt, chúng thản nhiên đi lại, nhâng nháo nghiêng ngó, có con cứ chăm chắm nhìn một đứa bé chờ tới khi được cho bánh mới chịu đi.

Rời đảo Khỉ chúng tôi theo ca-nô thăm vịnh Lan Hạ. Albert làm dấu thánh như có vẻ lo bởi cụ Pierre viết trong nhật ký là tàu Graysac từng bị lạc vì đảo nhiều vô kể, không khác gì một mê cung! Huy Hùng nói đi với anh thì yên tâm vì đã nhiều lần đưa khách thăm vịnh Lan Hạ và Hạ Long. Dọc hành trình chốc chốc chúng tôi lại gặp khi tàu du lịch, khi thuyền kayak. Khách bên này bên kia vẫy chào nhau, mấy cô gái người Âu còn gửi cả hôn gió. Albert và Louis hôn gió đáp lại, tôi với Vinh cũng bắt chước nên không để ý một anh Tây ba-lô mang theo đồ lặn bỗng từ dưới nước trồi lên, bơi tới một chiếc kayak, trên kayak là cô gái tóc vàng mặc đồ tắm da trắng hồng nhuốm nắng! Huy Hùng bảo: “Họ lặn để ngắm san hô. Có cả một rừng san hô với rong biển ngay dưới ca-nô chúng ta. Người Việt Nam thường chỉ tham quan các nơi trên cạn và tắm biển; khách phương Tây ưa mạo hiểm nên thích thăm vịnh bằng thuyền kayak, bơi lặn và leo núi, vách đá càng cheo leo họ càng thích.”.

Huy Hùng thông thạo Cát Bà như hướng dẫn viên du lịch của đảo. Anh đưa chúng tôi qua hết đảo này đảo khác, lại còn nói tên các hòn đảo. Đảo cái lớn, cái nhỏ, nơi bãi cát lóa nắng dưới chân núi, nơi chỉ là hòn đá lớn trơ vơ giữa vịnh, đủ hình đủ vẻ với vách đá phủ đầy cây cối và thảm thực vật. Người ta dựa vào đặc điểm của đảo mà đặt tên: Đầu Bê, Ba Trái Đào, Vách Đá, hòn Mây, hòn Guốc; nhưng có những tên đảo  thật “khó hiểu”: Cát Đuối, đảo Sến, đảo Cù, hòn Tai Kéo… Vịnh Lan Hạ tất cả 367 đảo, trong đó hơn 100 đảo có bãi tắm, mỗi bãi một vẻ, nổi tiếng nhất là ba bãi Cát Cò cùng với con đường sàn men theo sườn núi từ bãi 1 tới bãi 2 và 3. 

Pierre còn vẽ trong nhật ký các đảo ông đã qua. Có cảm tưởng anh lính Pierre hồi ấy chẳng mấy quan tâm đến thời thế và chiến sự mà chỉ mải mê viết và vẽ! Anh cháu Albert giờ đây cũng vậy, không để tâm đến nỗi khốn khổ ngày trước của hai chiếc tàu chiến trong cuộc tháo chạy mà chỉ chăm chắm tìm những nơi ông nội mình kể và vẽ. Anh reo lên mỗi khi thấy có hòn đảo khớp với hình vẽ và tỏ ra tiếc khi có hòn đảo đẹp lại không được ông nội mình trổ tài hội họa! Albert trầm trồ:

- Chốn này không khác gì thiên đường. Đúng là kỳ quan thiên nhiên của thế giới như ông nội tôi nói. Giá có phép màu thu nhỏ các đảo lại bé như hòn non bộ thì tôi xin bán cả gia tài để mua!

- Anh không đủ tiền để mua đâu. - Louis cười, bảo - Tất cả chúng ta có góp tiền cũng không thể mua nổi. Mỗi hòn đảo là một kỳ quan mà lại có những mấy trăm hòn đảo đẹp đến mê hồn.

Bất chợt Albert hỏi Louis:

- Nếu là người của UNESCO và có quyền bỏ phiếu để nơi này thành Di sản thiên nhiên của thế giới, anh ủng hộ chứ?

- Câu hỏi này giá cậu hỏi tôi cách đây một năm thì thích hợp hơn. Vì bây giờ Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long đã là một tổng thể được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới rồi!

- Thì cứ cho là… chúng ta quay lại một năm trước vậy. Nhưng sao lại là một năm? Chỉ cần quay lại hai tháng trước thôi, cụ thể là hồi 17 giờ 39 phút theo giờ Saudi Arabia ngày 16 tháng 9! 

Louis cười:

- Cậu nói đúng. Nhưng tôi nói quay lại một năm không phải không có lý đâu. Đầu đuôi của câu chuyện, hay nói đúng hơn, lịch sử vấn đề là thế này: Cát Bà vốn đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học về hệ sinh thái. Sau đó Việt Nam tiếp tục đề nghị Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO công nhận Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới; song Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới khuyến nghị hãy gộp quần đảo Cát Bà với vịnh Hạ Long thành một tổng thể để đề nghị chung vì quần đảo Cát Bà và vịnh Lan Hạ chẳng qua là vịnh Hạ Long nối dài. Nghe theo nên tháng 9 năm 2016 Việt Nam xây dựng hồ sơ cho Cát Bà và vịnh Hạ Long, tháng 1/2021 đệ trình UNESCO… Đấy, đầu đuôi như vậy, tôi nói quay lại một năm trước cũng phải chứ, Albert? Giờ thì tôi mới trả lời câu hỏi lúc nãy của cậu: Nếu được quyền bỏ phiếu, tôi sẽ là người đến hòm phiếu đầu tiên để được được bỏ lá phiếu đầu tiên, dù có phải chen lấn, thậm chí là dẫm đạp.      

Albert cười:

- Thật là thú vị!        

Tất nhiên tôi và Huy Hùng không thể thú vị được ngay vì phải qua Quang Vinh phiên dịch! Biết thế nên Louis quay về phía ba anh chàng Việt Nam chúng tôi, nói bằng giọng giảng giải, thỉnh thoảng lại ngừng để Ngô Quang Vinh dịch, để chúng tôi “thú vị” cùng lúc với anh và Albert: 

- Cát Bà và vịnh Lan Hạ đẹp như bức tranh sơn thủy, kết tinh hài hòa trời nước núi non. Với việc hội tụ đầy đủ rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, đảo đá vôi, các rạn san hô, thảm rong, hệ thống hang động, các loài động vật quý hiếm, quần đảo Cát Bà năm 2004 đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Bây giờ lại cùng vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thể giới. Để UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, thì nơi ấy phải không có tác động của con người tới hệ sinh thái. Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà về hành chính thuộc hai địa phương khác nhau nhưng về địa lý Cát Bà và vịnh Lan Hạ chỉ là phần mở rộng của vịnh Hạ Long; giá trị các hệ sinh thái cũng tương tự như di sản Hạ Long. Vịnh Hạ Long vốn đã là Di sản thiên nhiên thế giới, được thêm Cát Bà và vịnh Lan Hạ, các bạn sẽ có một vùng với hơn 1100 hòn đảo và các đỉnh đá nhọn nhô lên mặt nước, đẹp và phong phú về sinh thái. 

Liệu có phải Louis là người của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), một cơ quan tham vấn của UNESCO? Hay chỉ là người hiểu biết, ham khám phá và yêu thiên nhiên? Dẫu thế nào thì sự có mặt của Louis cũng là tốt và được nghe anh giảng giải kiến thức cũng được mở mang. 

Trở lại khu du lịch, thấy còn đủ thời gian trước khi trời tối, chúng tôi tiếp tục lên điểm cao 177. Bây giờ đến lượt tôi khoe hiểu biết. Tôi kể đến đâu Vinh dịch đến đấy, hai anh bạn Pháp cứ trố mắt mà nghe, thỉnh thoảng lại tấm tắc một cách thú vị! Sau một đoạn đường quanh co lát những phiến đá lớn giữa hai bên cây cối thì tới Pháo Đài Thần Công, nơi có hai khẩu pháo cùng hệ thống công sự được người Pháp xây dựng vào đầu những năm 1940. Mỗi khẩu nặng tới mấy tấn. Vốn dĩ có ba khẩu, quân đội Nhật tháo một khẩu đem đi phòng thủ ở vịnh Hạ Long, nghe nói nặng quá nên giữa chừng chìm cả pháo lẫn tàu! Với tầm bắn 40 km các khẩu pháo hoàn toàn khống chế cửa ngõ vào Hải Phòng. Sau này hệ thống hầm hào được ta củng cố và xây dựng thêm. Pháo Đài Thần Công trở thành di tích lịch sử và điểm tham quan không thể bỏ qua. Từ đây quan sát được cả một vùng rộng lớn của Cát Bà và vịnh Lan Hạ, qua kính viễn vọng ở quán cà phê còn thấy được đảo Long Châu và Đồ Sơn.

Tới quán cà phê, tôi tiếp tục kể cho các bạn Pháp: Cát Bà từng có tên là Các Bà, bản đồ của Pháp in năm 1938 cũng ghi như thế, còn nữ sĩ Vân Đài thì có bài viết trên báo Tri Tân tháng 9/1944 nhan đề “Bốn năm trên đảo Các Bà”. Chuyện kể rằng ngày xưa để chống giặc Ân xâm lược, các ông đã đóng quân trên hòn đảo nhỏ ngoài vịnh để trấn giữ lối vào đảo lớn; ở đảo lớn các bà lo cơm nước lương thảo cho các ông. Nên sau này dân gian đặt tên cho hai đảo ấy là Các Ông, Các Bà. Tôi chỉ cho các bạn Pháp hòn Cát Ông, cả hòn Guốc gần đấy và kể tiếp: Xưa có nàng tiên thấy cảnh nơi này đẹp, nước biển trong liền xuống tắm, mải vui đến khi sực nhớ phải về trời, nàng vội quá nên đánh rơi guốc và thành hòn Guốc!

Louis xoay xoay tách cà phê vẻ tư lự. Ngô Quang Vinh nói với Albert: “Chúng ta chẳng hoài công chút nào khi tới đây. Cát Bà thật xứng đáng được gọi là đảo Ngọc. Ta phải cảm ơn cụ Pierre với cuốn nhật ký của cụ.”. Louis bảo: “Cái gì ở đây cũng tuyệt vời. Cảnh đã vậy, các món ăn từ hải sản cũng rất tuyệt.”. Tôi nói: “Cả người của đảo nữa chứ! Ai cũng niềm nở, lịch thiệp, hiếu khách và chu đáo. Các cô gái thì xinh đẹp và dịu dàng!” và quay về phía Albert:

- Cảm ơn anh đã có bất ngờ dành cho tôi về cuốn tiểu thuyết Một thời vệ quốc của tôi. Tôi cũng có bất ngờ cho anh đây: Trong Cách mạng tháng Tám 1945 Pháo Đài Thần Công được giao cho Đại đội Ký Con quản lý. 

- Vậy ư? - Albert gần như ngạc nhiên - Ông nội tôi không biết điều đó! Thật thú vị, nơi này còn là cả một kho thần thoại, cổ tích và sự kiện cùng các di tích lịch sử, văn  hóa!

- Vẫn chưa hết, cứ đến ngày 1 tháng 4 ở đây lại mở hội đua thuyền rồng tranh Cup Báo Hải Phòng, đồng thời khai trương mùa du lịch. Ngày ấy còn được lấy làm Ngày truyền thống của ngành thủy sản đất nước chúng tôi. 

Chúng tôi rời Pháo Đài Thần Công kết thúc một ngày du ngoạn. Đang hào hứng nên tôi nói về Vườn Quốc gia Cát Bà với các hang động Trung Trang, Hùng Sơn, Phù Long mang những nét sinh động của địa hình karst mái vòm, rồi rừng cây nguyên sinh, loài voọc đặc hữu trên thế giới chỉ có ở Cát Bà. Đến Vườn quốc gia còn được thưởng thức mật ong rừng, trà hồng hoa.

Nghe vậy, Louis đề nghị ở lại thêm ngày nữa khám phá tiếp Cát Bà, đặc biệt là Vườn Quốc gia. Albert lại muốn mai đi vịnh Hạ Long, cụ Pierre kể và vẽ thật hấp dẫn về hòn Trống Mái, hòn Đỉnh Hương, hang Sửng Sốt, nhất là hang Đầu Gỗ nơi Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, người hai lần là Thủ tướng Pháp từng đến; cũng là nơi chiếc Graysac, Phrygien ẩn náu lâu nhất. Tôi bảo: 

- Chúng ta cứ như đã bàn ở nhà, mai đi vịnh Hạ Long, khi trở lại Cát Bà sẽ theo Đường xuyên đảo để về. Vườn quốc gia nằm cạnh Con đường hoa xuyên đảo nên tha hồ khám phá. Hang động nào cũng đẹp như cung điện và chứa được hàng trăm người. Các nhà khảo cổ còn phát hiện ở đấy di tích của thời kỳ đồ đá mới và dấu vết của người Việt cổ. Ngày trước cả một bệnh viện dã chiến được đặt trong động Hùng Sơn nên động này còn gọi là động Quân Y.

Louis nhất trí ngày mai đi vịnh Hạ Long, sau đó quay về Cát Bà. Albert lại cắm cúi vào nhật ký của ông nội mình, chuẩn bị cho hành trình mới. Còn tôi, chuyến du ngoạn không định trước vẫn còn đó với vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Cát Bà. 

Truyện ngắn của Lưu Văn Khuê

Nguồn Văn nghệ số 48/2023


Có thể bạn quan tâm