May 3, 2024, 2:33 am

Chưa hẳn là đã xóa rào cản

Cục trưởng Cục quản lý xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa khẳng định tạm hoãn chưa thực hiện việc dán tem chống hàng giả trên các ấn phẩm xuất bản.  Lý do, dự thảo thông tư có nội dung trên chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều đơn vị xuất bản, giới chuyên môn và đặc biệt là dư luận xã hội. Tuy nhiên Cục trưởng cũng khẳng định, ý tưởng này chỉ tạm hoãn chứ không phải là không triển khai. Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã gửi Bộ Thông tin & Truyền thông những kiến nghị cụ thể xung quanh dự  thảo Thông tư “Dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm”.

Một góc phố sách Trần Quốc Hoàn. Ảnh Internet

Theo đó, VCCI đưa ra khá nhiều quan điểm cho thấy sự chưa phù hợp, cần điều chỉnh và đặc biệt chỉ rõ mục đích của Thông tư có thể không đạt được, mà còn ngăn cản tự do kinh doanh và gây rào cản cho doanh nghiệp. Và cũng theo tổ chức này việc quản lý bằng con tem chưa thể khẳng định được hiệu quả mà còn phát sinh chi phí, rào cản cho doanh nghiệp

Chưa bàn đến lợi ích của các bên liên quan sẽ đạt được từ việc dán tem trên xuất bản phẩm, như chấm dứt nạn sách lậu (nói theo Cục quản lý xuất bản) mà chỉ cần nhìn vào những bất cập sẽ nảy sinh phía sau con tem như tăng chi phí xuất bản, tăng giá thành xuất bản phẩm…, để thấy đây là một thông tư có phần đi ngược với chủ trương giảm đầu mỗi, giảm thủ tục, giảm giá thành và giảm giấy phép con mà Chính phủ đang hướng đến.

Thông thường, để chống nạn sách lậu, công tác quản lý xuất bản được đặt lên vai các lực lượng chức năng như an ninh văn hoá, quản lý thị trường, thanh tra văn hoá và sau nữa là tự thân các nhà xuất bản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành xuất bản thì hiện đã và đang xuất hiện sự thiếu đoàn kết trong giới làm sách mà cụ thể là giữa tư nhân và nhà nước, dẫn đến nhiều ấn bản phẩm bị ăn cắp bản quyền, nhiều sai sót lớn trong tái bản sách và trong liên kết xuất bản mà “Món ngon Hà Nội” hay “Thương nhớ mười hai” của cố tác giả, nhà văn Vũ Bằng, là những ví dụ điển hình cho những bất cập của ngành xuất bản thời gian gần đây. Và nếu chỉ kỳ vọng tem chống hàng giả như một lá bùa hộ mệnh thì hẳn không đủ sức thuyết phục, chứ chưa thể nói đến việc sẽ tạo ra sự công bằng giữa các nhà xuất bản.

Quay trở lại với quyết định tạm dừng việc dán tem chống hàng giả trên các ấn phẩm xuất bản, cho thấy cơ quan quản lý đã lắng nghe dư luận và lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc. Song, tạm dừng không có nghĩa là sẽ bỏ hoàn toàn không ban hành thông tư nói trên chỉ là để chờ thời điểm thích hợp và khi các bên liên quan đã tìm được tiếng nói chung.  Song nói gì thì nói, nếu nạn in lậu vẫn chưa bị chặn đứng thì e rằng tem chống hàng giả cũng sẽ có chung số phận bị làm giả như đã từng xảy ra đối với mũ bảo hiểm, sách giáo khoa…

Chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật bản quyền, thì việc phát huy tối đa những công cụ quản lý sẵn có này vẫn là giải pháp tốt nhất và hữu hiệu nhất trong việc lập lại trật tự trong lĩnh vực xuất bản nói riêng và nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác nói chung.  Trên thực tế, Cục quản lý xuất bản đã có những động thái mạnh mẽ nhằm thực thi nghiêm Luật bản quyền và chính sách nghiêm khắc để tăng cường công tác quản lý xuất bản. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục đã tiến hành xử phạt những sai sót trong xuất bản nói chung với số tiền lên đến gần 600 triệu đồng. Đây là dấu hiệu tốt trong quá trình ngăn chặn những vi phạm trong lĩnh vực xuất bản hiện nay.

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm