May 10, 2024, 12:53 pm

Chị Dương

Buổi sáng hôm ấy, chị Dương ngồi trước mặt tôi, hai hố mắt trũng sâu, vẻ mặt mệt mỏi. Tóc chị dường như không chải, mái tóc đen ở phía ngoài, bạc trắng phía trong. Chị lấy những ngón tay xe từng lọn tóc quăn như một phản xạ và bảo muốn đi chấm chân tóc mà chả có thời gian, cháu nó bíu chặt lấy. Suốt ngày nhìn thấy nhau và là hàng xóm của nhau thì tôi thấy chị cũng không đến nỗi già quá so với cái tuổi năm mươi. Nhưng người làng đi xa về thì ai cũng bảo chị xuống sắc vóc nhanh quá, tàn tạ nhanh quá. Hồi chị mới về đây, ai cũng khen anh Đĩnh cưới được vợ đẹp. Mà chị đẹp thật.

Minh họa của ĐỖ DŨNG

Chị Dương dáng người mảnh dẻ, tóc dày mượt, da trắng, mắt nhỏ dài, môi hồng mảnh. Còn tôi, ngay sau đám cưới tôi chỉ độ một tháng, tôi đã nghe tiếng mẹ chồng tôi thở dài: “Con dâu nhà người ta thế chứ, nhà này phúc mỏng”. Tôi hiểu, mẹ chồng tôi ngầm so sánh tôi với chị. Lúc ấy, chị Dương là thợ may, người lúc nào cũng thơm mùi vải mới. Còn tôi lớn lên với nghề mã gia truyền. Nhà tôi ở thị xã, tính đến tôi là đời thứ sáu làm vàng mã. Gia đình chồng tôi thì vô thần. Ngoài ngày giỗ của những người đã mất, còn lại, quanh năm không bao giờ hương khói, rằm, mùng một cũng không. Cũng không hóa vàng cho các cụ bao giờ. Kể cả ngày ông Táo về trời. Không cúng tiễn, không sắm quần áo hay thả cá chép. Ông thích về trời ngày nào, trở lại bếp ngày nào cũng kệ ông. Chồng tôi bảo cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chả bao giờ thấy ai trong nhà anh làm việc ấy. Nên việc tôi hái từ vườn nhà mấy quả cam để lên đĩa và chọn chín bông cúc đẹp nhất cắm vào lọ, bảo chồng tôi lên hương cho tôi khấn, thì anh lấy làm lạ lắm. Và tất nhiên, chồng tôi chỉ làm theo ý tôi khi không có mẹ anh ở đó. Vì tôi vẫn giữ nghề cho nên cứ hai tuần tôi lại qua về thị xã một lần để giao hàng cũ và nhận đơn hàng mới. Nhà chồng tôi, tuyệt nhiên không bao giờ muốn và có ý định sẽ dùng những món hàng mã do tự tay tôi làm. Tôi có hẳn một gian phòng riêng rất rộng để làm việc ấy. Và tôi thường khép cửa lại mà làm. Thi thoảng cần tôi, mẹ chồng tôi sẽ thò cổ vào gọi và bà thường nhìn chằm chằm vào những hình nhân mà bảo “trông ghê chết”.

Đôi lúc, mẹ chồng tôi bâng quơ trong bếp và tôi tình cờ nghe được: “Có mà xách dép cho con Dương không xong”. Tôi không dám tỏ thái độ gì, kể cả buồn, chỉ lặng lẽ quan sát chị và nghĩ mình còn phải học hỏi nhiều lắm.

Cả tôi và chị cùng làm dâu làng Trúc nhưng chị về trước tôi ba năm, quãng thời gian đủ để chị nhận diện mặt người làng và anh em họ bên chồng chị. Và cũng đủ để tôi lấy chị làm gương cho tôi soi vào mà học hỏi. Chồng chị và chồng tôi là anh em họ. Hai nhà chung nhau một rặng rào cúc tần. Nhà nào ở làng này thì cũng đều có mối quan hệ dây mơ rễ má với nhau cả. Chồng tôi lái xe cho nhà máy gạch còn chồng chị lái xe tự do, ai gọi thì chạy, không phụ thuộc ai cả. Vì chị Dương có vẻ là lao động chính. Một năm trở lại đây, chồng chị bán xe, xin làm bảo vệ ở nhà máy gạch, cũng do chồng tôi xin cho.

Mỗi lần chị sang nhà tôi vắt nhờ quần áo, mà chỉ ngày mưa, ngày nồm trời và những thứ đồ dày quá chị mới nhờ vắt, chị thường kéo tôi vào câu chuyện nhà chị. Đại ý, theo diễn rả rất sinh động của chị thì mẹ chồng chị rất ghê gớm. Con dâu vô cùng vụng về, đã thế còn lười. Ngoài việc công ty ra, nó không mó việc gì. Con nó khoán trắng cho chị chăm nom ăn uống, ru ngủ. Chị nói chồng chị nhu nhược, con trai chị không biết dạy vợ. Tóm lại, tôi không thích nghe chuyện nhà chị. Nhưng tôi vẫn nghe nếu chị nói. Vì thà chị nói với tôi còn hơn là đi nói với bất cứ ai ở làng này. Cứ tết đến tôi lại nhớ đến một việc. Một việc thật sự ám ảnh.


Có thể bạn quan tâm