April 28, 2024, 8:41 pm

“Chị Dậu” năm xưa của báo Văn nghệ

Có tác giả đã nhắc đến nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng trong một bài báo tôi từng đọc: Hoàng Kim Đáng là người lúc nào cũng ngồn ngộn những dự định trong đầu.

Tháng 9 năm 2023, tôi từ tòa soạn báo Văn nghệ sang bên kia cầu Long Biên thăm nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, với dự kiến viết một bài về ông nhân dịp báo kỷ niệm 75 năm ngày ra số đầu tiên. Biết có người của Văn nghệ đến, ông vui lắm. Tôi hỏi ông về những năm tháng làm việc ở Văn nghệ, ông vui vẻ vào chuyện ngay. Nhưng, mới chỉ đến quãng vì sao ông lại chọn làm việc ở báo Văn nghệ khi từ chiến trường ra, ông đã… sa đà vào dự án. Để rồi từ đó cho đến khi ông dẫn tôi lên phòng làm việc để tham quan các công trình nghệ thuật, báo chí mà ông đã tạo dựng trong suốt quãng đời cầm bút, cầm máy ảnh, tôi không thể nào dứt ông ra khỏi dòng chảy dự án của ông, về những người đã “tỏa sáng đất trời Nam” - Những dự án lớn mà ông cho rằng càng ngày càng phải gấp gáp thực hiện, bởi “thời gian không còn nhiều nữa”.

Nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng (phải) chia sẻ những dự án sách lớn sắp xuất bản của ông

Thời gian không còn nhiều nữa, là nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng nói về những dự án sách, sách ảnh trong tương lai gần mà ông đang gấp rút thực hiện. Nhưng còn thời gian đã qua? Phải vậy, thời gian đã qua, căn phòng làm việc ngồn ngộn tư liệu báo chí và nhiếp ảnh của ông đã chứng minh một sức làm việc “kinh khủng” của một người làm nghệ thuật. Khắp nơi, trên bàn làm việc, trên sàn nhà, trên những giá sách dựng sát tường, chỗ nào cũng là những sách, báo và ảnh. Sách, sách ảnh là những công trình mà ông chụp, viết, sưu tầm, còn báo, là gồm những bài viết của ông về mảng nghệ thuật và những nhân vật lớn của thời đại. Có một hấp lực vô hình hướng tôi tới những nhân vật, những tư liệu liên quan đến văn nhân, nghệ sĩ, đặc biệt là các vị tiền nhân nổi tiếng đã dựng xây nên tờ báo văn chương hàng đầu Việt Nam. Dường như thấy rõ cái hấp lực vô hình đó, nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng tìm cho tôi xem một loạt những bài báo, ảnh đã in mà ông viết và chụp về những “người Văn nghệ”, những văn nhân lừng lẫy như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Ông Văn Tùng... Rồi ông lại hào hứng giới thiệu cho tôi những câu chuyện về những văn nghệ sĩ, những nhà văn hóa lớn như danh họa Nam Sơn, nhà nhiếp ảnh, nhà thơ Đặng Huy Trứ, nhạc sĩ Văn Cao, nhà biên kịch Tào Mạt… Nhiều, nhiều lắm chân dung những danh nhân ở mọi lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, mà với những duyên lạ hiếm có, ông tự tin rằng những bài viết về chân dung họ có những chuyện mà chưa ai ngoài Hoàng Kim Đáng viết. Ông cho biết đã viết hơn 40 chân dung, mà chẳng cái nào giống cái nào, do đó người đọc sẽ không bị nhàm chán.

Năm 1974, khi từ chiến trường ra, ý định ban đầu của ông là về Xưởng phim Quân đội để học quay phim, tự viết kịch bản, tự đạo diễn, để làm một bộ phim về đường Hồ Chí Minh, nhưng duyên phận đã đưa ông về báo Văn nghệ. Tôi thực sự xúc động khi nghe ông chia sẻ: Ông biết ơn báo Văn nghệ, bởi vì thế hệ lãnh đạo khi đó như ông Nguyễn Văn Bổng, Phạm Hổ, Đào Vũ, Giang Nam… là những người đã tạo điều kiện cho ông được tiếp cận các văn nghệ sĩ, đặc biệt là những nhân vật kiệt xuất của nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Rồi, ông lại cuốn tôi vào những dự án sách lớn mà ông đang gấp rút thực hiện. Mà mỗi cuốn sách luôn cần nhiều, rất nhiều tiền để xuất bản. Ông bảo, có thời điểm ông phải chi số tiền bằng cả một ngôi nhà để in sách. Nhưng dù khó khăn, dù có lấy lại được vốn hay không, ông luôn không ngừng xây dựng những dự án lớn. Ông “khoe” cuốn tình thơ ảnh nghệ, gồm hơn 40 bài thơ tình và hơn 40 ảnh nghệ thuật mà ông đang cố gắng ra trong năm 2023 này là công trình tôn vinh mối quan hệ giao thoa giữa hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh. Còn về cuốn sách chân dung các vĩ nhân Việt Nam, ông hy vọng sau khi xuất bản sẽ có mặt ở các nhà trường, để học sinh đọc, để các cháu tự soi chiếu và biết mình đã làm được gì. Ông nói “tôi nghĩ rất có ích”.

Khi đang trôi miên man với những nhân vật trong những cuốn sách sẽ ra mắt trong nay mai, ông lại như sực tỉnh, lại bồi hồi nhớ đến những kỷ niệm thời làm báo Văn nghệ. Ông nói, hồi đó, từ chiến trường ra, ông nghèo lắm, đến nỗi được coi là “Chị Dậu” của báo Văn nghệ, vì thời điểm ấy ông về là không hộ khẩu, lại đưa cả gia đình lên sinh sống ở thủ đô. Những tháng ngày khó khăn đó, đã có những lúc cơ quan báo Văn nghệ phát động quyên góp tem phiếu, gạo để giúp gia đình ông. Vì thế, ông rất cảm phục tấm lòng của anh em báo Văn nghệ.

Không chỉ là chia ngọt sẻ bùi trong những ngày tháng khó khăn sau chiến tranh của tập thể tòa soạn, nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng còn biết ơn báo Văn nghệ, nói đây là “chiến trường” để không chỉ ông, mà các phóng viên, nhà báo của tòa soạn được rèn rũa. Bởi Văn nghệ khi đó quy tụ những người làm báo rất giỏi như nhà văn Đào Vũ, nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Sở dĩ đội ngũ phóng viên trưởng thành được là do các vị lãnh đạo này. Mỗi tuần ra báo, mỗi phóng viên, biên tập viên đều phải tập trung cao độ để thẩm định chất lượng của từng số báo.

Vốn bắt đầu với cây bút, vì sao ông lại đến với máy ảnh? Để trả lời câu hỏi này, trong cuốn sách Một góc nhìn đất nước xuất bản năm 2020 mà ông tặng tôi, ông viết: “Tôi vào nghề báo bằng việc cầm bút trước. Với tôi, sự nghiệp cầm bút cũng chỉ ở mức “thường thường bậc trung” không thuộc loại văn hay chữ tốt. Biết vậy, tôi liền tìm đến một loại vũ khí mới để hỗ trợ, đó là máy ảnh. Sau một thời gian thử kết hợp thấy hai loại vũ khí này như hai anh em trong một nhà. Khi viết tôi thấy cần có hình ảnh để chứng minh, lập tức cầm máy ảnh chụp luôn. Khi cầm mấy ảnh thấy viết hợp hơn thì cầm bút. Hai thứ vũ khí, hai loại hình ngôn ngữ bổ trợ cho nhau rất lợi thế đối với người làm báo. Kể từ đó, tôi đi vào cuộc sống bởi hai vũ khí để tạo ra hai sản phẩm: Bài và ảnh với các thể loại: bút ký, phóng sự, tản văn…”

Chính vì có thể cân đối hài hòa giữa máy ảnh và cây bút, nên cho đến nay nhà nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng đã gặt hái được rất nhiều thành công ở cả hai lĩnh vực. Nhìn danh sách giải thưởng, tặng thưởng mà ông giành được, tôi “choáng ngợp”.

Yêu nhiếp ảnh, có lẽ Hoàng Kim Đáng đã dành cả cuộc đời để tìm kiếm và lưu giữ những khoảnh khắc vĩ đại của lịch sử, những rung cảm sâu xa nhất của tâm hồn con người, để vừa làm đầy thêm gia tài nghệ thuật của mình, vừa góp phần lưu giữ những gì đẹp nhất, giá trị nhất của nhiếp ảnh Việt Nam trong các công trình sách ảnh lớn như Nhiếp ảnh nghệ thuật – hiện thực và sáng tạoThăng Long – Hà Nội qua hình ảnhVinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam… và nhiều cuốn sách, công trình nghệ thuật nữa, đã ra đời và sẽ xuất bản trong thời gian tới.

Ngày báo Văn nghệ kỷ niệm 75 năm ra số báo đầu tiên, tôi cứ đợi ông đến dự, nhưng ông đã không đến. Mãi tới tận giữa buổi chiều ông mới gọi cho tôi, giọng ông thảng thốt, tiếc nuối: “Tôi bị nhầm lịch, tôi cứ nghĩ là ngày mai cơ, tôi mải viết quá. Thế hôm nay Thành Chương, Nguyễn Xuân Hải, Đỗ Bạch Mai có đến không? Tôi tiếc quá, tôi đã chuẩn bị ảnh của nhà văn Kim Lân đến tặng Thành Chương, thế mà…”..

Phạm Thanh Thúy

Nguồn Văn nghệ số 50/2023


Có thể bạn quan tâm