April 27, 2024, 11:50 pm

Chắt chiu từng giọt trắng trong*

Gửi vào lục bát là tập thơ thứ sáu của nhà thơ Bùi Quảng Bạ. Tôi khá bất ngờ với ý tưởng rất bạo dạn của nhà thơ khi chọn in toàn bộ là thơ lục bát (gồm 55 bài).

Bởi lẽ nhịp điệu thể thơ lục bát thường mượt mà ngọt ngào dễ làm người đọc cảm thấy đều đều khó tập trung. Hoặc giả tập thơ sẽ trở nên đơn điệu nếu tác giả không có những dấu ấn gây sự bất ngờ qua mỗi bài thơ. Nhưng điều lo lắng của tôi đã tan biến ngay từ khi tiếp xúc những bài thơ đầu tiên. Sự nổi bật của thơ Bùi Quảng Bạ là sự ngắn gọn vừa đủ trọn một tứ thơ. Kèm theo đó anh có những khám phá nhất định khi tìm được những hình ảnh hay ẩn dụ có chiều sâu tâm trạng. Tác giả đã bày tỏ nỗi lòng ấm áp và thân thương qua những đề tài về quê hương, thế sự và tình yêu. Dường như thể loại thơ lục bát đã giúp cho hồn thơ của tác giả càng sâu lắng hơn: “Lúng liếng là lúng liếng ơi/ Ngượng ngùng tôi nhặt, nhưng rồi chẳng trao/ Đem về, giấu trong chiêm bao/ Để đêm đêm đón em vào trong mơ”. Chỉ một khổ thơ ấy thôi, cái ảo mộng “giấu trong chiêm bao” đã nhắn gửi cho tôi những câu thơ tài hoa đang ở phía trước. 

Những bài thơ xinh xắn chắt lọc trong ý tứ tập trung đã làm nên nét đặc trưng trong tập thơ Gửi vào lục bát. Với đề tài nào nhà thơ cũng sự thể hiện với cách bày tỏ có nét riêng biệt. Đề tài quê hương và mẹ tạo nên cảm xúc sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm nỗi niềm ưu tư của mình. Đó là những bài thơ người đọc được đón nhận những hình ảnh và cảm xúc khá bất ngờ. Nếu trong Gió đồng tác giả vẽ hình ảnh: “Đồng chiều trải rộng bên sông/ Bốn mùa gió thổi nhọc lòng sông quê”; hay đó còn là “Lúa cùng em gánh trăng quê về làng” (Gặt lúa đêm); hoặc với ký ức sâu nặng: “Mưa phùn theo mẹ lên bờ/ Trắng đồng chiêm trũng ngóng chờ lúa lên” (Gió qua đời mẹ); Thì với “Rượu quê” nhà thơ lại lắng đọng trong tâm cảm: “Gian nan trĩu nặng bước đường/ Đắng cay men rượu ngọt hương lúa đồng/ Chắt chiu từng giọt trắng trong/ Rưng rưng trong dạ nỗi lòng cố hương”. Qua gần một nửa tập thơ tác giả luôn gieo vọng ước nặng trĩu tâm hồn về quê hương. Mỗi bài thơ người đọc cảm thấy tác giả đau đáu với tâm nguyện: “Trăm năm giữ một câu thề/ Ngàn năm giữ một lối về quê cha” (Đông Hồ quê tôi).

Thơ lục bát với niêm luật chặt chẽ nếu không có những tìm tòi khám phá về ngôn ngữ và sự tạo hình thấm đẫm hồn thơ ắt sẽ làm bạn đọc nản chí. Bùi Quảng Bạ đã vượt lên những khó khăn đó. Ngay cả những nỗi niềm thế sự nhân gian ngỡ như khó thể hiện nhưng tác giả đã có những góc nhìn độc đáo qua hình tượng thơ. Thật khó thể quên được những không gian kỳ thú mà tác giả đã ngất ngưởng: “Chia tay nhớ rượu San Lùng/ Nhớ người rót rượu bâng khuâng đường về/ Men say níu cả chiều hè/ Buồn vui quyện lẫn tiếng ve lưng đèo” (Rượu San Lùng). Và còn đó là những “Trăng cô đơn giữa ngàn sao/ Biển cô đơn những đêm nào vắng trăng” (Trăng và biển). Người đọc chắc hẳn sẽ đồng cảm với tác giả khi viết trong nỗi buồn lắng đọng: “Thềm xưa chị gói câu thề/ Chiếc khăn gửi lại vụng về tuổi xuân” (Thềm xưa). Thiên nhiên cũng là một trường thi mà tác giả luôn đắm chìm trong tâm trạng thương cảm với nỗi đời mong manh. Nào “Chớm thu”, “Thu muộn” hay “Thu đi”, hay “Gió đồng”, “Tiếng mưa”, cùng với “Bãi cỏ lau” và “Hoa lục bình”… nhà thơ luôn khao khát “Tìm lại giấc mơ” của mình khi anh viết: “Thời gian đi với dãi dầu/ Nửa đời gặp thuở ban đầu ngày xưa/ Nghe như trời trở gió mùa/ Tôi ngồi tìm lại giấc mơ một mình” làm người đọc xao xuyến: “Đêm qua hoa sữa nở đầy/ Lặng thầm hương cốm thoảng bay xóm chùa/ Lội qua sương lạnh gió mưa/ Mây đi vồi vội giữa mùa gọi trăng” (Thu muộn). Những câu thơ hay và đầy tâm trạng trầm mình trong thiên nhiên mà người đọc cảm nhận ở tác giả những nét độc đáo. 

Tác giả Bùi Quảng Bạ luôn có ý thức né tránh được sự dàn trải mà luôn biết dừng đúng lúc khi tứ thơ đã đọng kết. Đôi khi anh buông lửng gợi mở để người đọc cùng cảm nhận. Không ít bài có những khai phá trong việc dùng dấu chấm, dấu phảy tạo nhịp mới. Anh đã viết trong bài Một mình rằng: “Bồn chồn thung lũng Tình Yêu/ Một mình, một nửa, một chiều vắng em” (2-2-3). Hoặc trong bài Trúc xinh nhịp điệu của hồn thơ cũng say bởi những dấu phảy giữa câu 8 tạo nên hình ảnh rất ấn tượng: “Hội Lim giã bạn cuối ngày/ Quai thao, guốc mộc, ngọt say cánh trầu” (2-2-4). Do vậy thơ anh thường ngắn và truyền cảm. Đặc biệt với đề tài thơ tình của Bùi Quảng Bạ đã đem lại hiệu ứng thi cảm khá ấn tượng. Hơn nữa với nét thầm kín và nhu mì trong hình ảnh đã làm nên duyên thơ trong anh. Nỗi niềm thầm kín được bày tỏ nhẹ nhàng: “Thơ trao em vội đi rồi/ Tôi ngồi gỡ sợi tơ trời vấn vương” (Cảm nhận); hoặc lại có khi dằn vặt kín bưng: “Còn duyên sao cứ hững hờ/ Hết duyên nỡ để vần thơ xé lòng” (Tặng Thủy). Dần dần những cảm xúc trong thi nhân dâng trào. Hình ảnh mỗi lúc một dữ dội hơn khi mộng ảo: “Cánh cò nghiêng cả cơn mưa/ Lao xao lá rụng cuối mùa heo may/ Đưa em trở lại những ngày/ Đi trong ký ức ngập đầy bão giông” (Giấc mơ trưa). Đôi khi những ký ức xa xăm vẫn còn ám ảnh mà tác giả đã trăn trở với những câu thơ: “Bến bờ ngày ấy còn đây/ Lòng thuyền rạn vỡ những ngày chờ mong/ Tôi về trả nợ dòng sông/ Mượn thơ vá lại nỗi lòng thuyền em” (Duyên nợ). Ở mảng thơ tình tác giả đã có những cảm xúc hướng nội với dĩ vãng trôi qua đầy yêu thương. Thơ anh không có những nỗi buồn tê tái mà luôn ấm áp vỗ về.

Bùi Quảng Bạ đã neo vào cảm xúc người đọc với những câu thơ toát lên một tấm lòng nhân ái và bao dung. Với góc khuất trong khi “Tìm lại giấc mơ” thơ anh luôn bật ra những hình ảnh đầy khắc khoải về nỗi đời và niềm đau chia sẻ. Đây đó là sự nuối tiếc và đôi khi là nỗi buồn thương sự đời mà nhà thơ đã trải qua. Tôi đã đồng hành cùng anh với tâm trạng khi chia sẻ với tư cách công dân trong những bài thơ như Người đi tìm di họa chiến tranhNhững con sóngNgười bán hàng rong; hay Đông Hồ quê tôiNà Nưa và Đêm sông Hậu… Phải nói đây là những đề tài khó thể hiện trong thơ lục bát, nhưng tác giả đã để lại những ám ảnh khi bày tỏ: “Linh hồn vất vưởng trên cao/ Vô danh chẳng biết nhập vào nơi đâu/ Nỗi oan trần thế dãi dầu/ Đắng cay làm ngọt, tủi sầu dạ mang” (Di họa chiến tranh). Tác giả đã giải mã được tâm trạng ngỡ như cay đắng với người chiến sĩ vô danh khi đi qua chiến tranh. Người đọc luôn luôn đồng cảm cùng nhà thơ với những ưu tư đó. Đồng thời điểm mấu chốt sự lắng đọng về tình yêu quê hương, tác giả đã lý giải: “Có quê hương mới nên người/ Thiếu hương quê để cuộc đời chênh chao”.

Bùi Quảng Bạ thuyết phục bạn đọc qua những đề tài quen thuộc cùng với nghệ thuật thể hiện tài hoa. Ngôn ngữ thơ anh giầu hình ảnh tràn đầy năng lượng cảm xúc. Tác giả có những tìm tòi khám phá nhất định về hình tượng tinh tế qua thể loại thơ lục bát. Tập thơ để lại những dư âm có nét sáng tạo mới về nhịp điệu ngưng ngắt qua sự vận dụng chất liệu dân gian. Người đọc tiếp nhận được hồn thơ anh chân tình nhưng không kém phần lãng mạn qua những ẩn dụ bất ngờ. Đặc biệt thơ anh còn thể hiện tính cộng đồng sâu sắc chứ không dừng lại ở sự mất mát hay nỗi cô đơn sầu muộn. Qua tập thơ tác giả muốn truyền cảm tới bạn đọc những góc khuất tâm cảm cùng nhịp điệu dịu dàng và thấm đẫm tình yêu cuộc sống.

________

* Tập thơ Gửi vào lục bát của Bùi Quảng Bạ, Nxb Hội Nhà văn, 2023

Vương Tâm

Nguồn Văn nghệ số 48/2023


Có thể bạn quan tâm