April 28, 2024, 7:12 am

Cha và con. Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

 

Con có cha như nhà có nóc. Chị Huệ luôn lấy câu đó để làm phương châm sống của mình. Nhà phải có nếp có tẻ, có đàn ông, đàn bà mới đầy đủ. Vắng đi một bên thì chẳng còn ý nghĩa gì. Đàn ông có tệ cũng hơn đàn bà khi cần việc đàn ông; đàn bà có tệ cũng hơn đàn ông chuyện con cái, bếp núc.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Huệ lớn lên khi cha đã mất. Nhà chỉ có mấy mẹ con túm lại với nhau. Những khi bị người ngoài bắt nạt, khinh khi, mẹ của Huệ lại nói:

- Nếu cha các con còn sống, đố đứa nào dám tới tận nhà ức hiếp mẹ con mình thế này. Bà vừa nói vừa lau nước mắt, như muốn lau khô những tủi hờn của người đàn bà kém may mắn khi chồng vắn số. Nhà có đàn ông sẽ khác. Người như bà sẽ không bị quấy rầy, gạ gẫm bởi những người đàn ông đã có vợ con đề huề ra ngoài vẫn ghẹo bướm trêu hoa. Tủi nhục nhất là đàn ông khác đều nghĩ phụ nữ góa như chỗ làm từ thiện, có người gõ thì phải đon đả ra mở cửa. Huệ đã chứng kiến bao lần ban ngày thì những người đàn bà kéo tới bắt nạt mẹ Huệ, ban đêm thì bọn đàn ông thay nhau giật cửa đòi vào.

Chồng Huệ ngày nào cũng “chăm sóc” cho chị. Là no đòn với những trận đòn của chồng. Anh ta say, đánh. Anh ta ghen, đánh. Anh ta buồn, đánh. Nhà hết tiền, đánh. Huệ lầm lũi nuôi con, không có ý định bỏ đi. Mà bỏ đi đâu? Xung quanh chị phụ nữ toàn sống như thế. Có rách nát gì cũng là mái nhà của mình, cố chắp lại mà sống. Cố mà hiểu đàn ông ở làng này. Họ có nỗi đau cuộc đời. Họ có nỗi khổ, nỗi nhục mà chẳng bao giờ nói với phụ nữ. Không nuôi nổi gia đình, nhục. Không nuôi nổi bản thân, nhục. Cha mẹ không nhờ vả được, họ bất hiếu, nhục. Vợ không sinh được con trai, nhục. Họ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay chỉ vì họ bất lực với chính mình, với cuộc đời mình. Và cũng để che giấu sự thật rằng họ lười lao động và sống tựa vào những người đàn bà vốn đã đủ lam lũ.

Huệ ít nhất không khiến chồng phải chịu nhục, vì chị sinh được cho anh cậu con trai ngay lần sinh đầu tiên. Những đứa con ra đời dần khẳng định vị trí của người vợ trước chồng và gia đình chồng. Với chị, Lữ - con trai, là tất cả. Nó là nơi mà nhà chồng không đụng được vào chị, vì hai chú em chồng sinh con toàn là gái. Bà mẹ chồng muốn hành con dâu nhưng cũng phải dè chừng thằng cháu nội. Lữ đã bảo vệ chị, từ lúc nó còn chưa biết đi.

Năm nay Lữ đã 17 tuổi, cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Nó lầm lũi làm việc đồng áng phụ cha mẹ. Bạn bè ở tuổi này thường đã có bạn trai, bạn gái hay mắt nghiêng mày ngó, nhưng Lữ thì chưa. Chị Huệ cũng hay quan tâm chuyện của con, đôi khi hỏi:

- Con thích cô nào chưa dẫn tới ăn cơm với mẹ?

Thì Lữ gắt lên:

- Mẹ buồn cười thế nhỉ. Yêu đương mệt người. Dính vào chỉ làm khổ nhau.

- Thì cũng có lúc con đến tuổi lấy vợ, chẳng lẽ không? Khổ thì khổ, như bố mẹ có sung sướng ngày nào đâu, nhưng rồi vẫn sống, thì mới có các con chứ không tự nhiên mà có được à. Đời người ngắn ngủi, có con cái là có tất cả.

- Không phải đâu mẹ. Đời người rất dài. Không có người khác thì mình vẫn có thể sống tốt.

- Con nói thế là thế nào? Là con cái không cần cha mẹ? Hay cha mẹ không cần con cái?

- Mẹ phức tạp quá, nên đời mẹ khổ. À không, mẹ nghĩ đơn giản quá, nên đời mẹ khổ.

Ai bảo Huệ khổ, chị gạt phắt đi. Khổ là phải thua chị kém em. Nhưng nhìn lại, cuộc đời chị không đến nỗi nào. Tuy lúc nhỏ thiếu cha, nhưng lớn lên thì lấy chồng, bước vào gia đình nhà chồng có ông bố chồng, ông chồng, hai người em trai chồng, tổng cộng là bốn người đàn ông. Nhà chồng chị cho chị không khí khác hẳn nhà mẹ chị. Nếu trước kia, mấy mẹ con có chuyện gì là chỉ biết chốt cửa rồi ôm lấy nhau khóc, thì ở nhà chồng chị, cửa mở, cổng mở, đố ai dám xông vào mà gây chuyện, bắt nạt. Chồng chị vẫn nói: “Đời này mà không cứng, sẽ bị nó cưỡi cổ đè đầu”. Đôi khi Huệ tủi thân vì chồng chị cũng lấy phương châm sống đó ra sống với chị, nhưng suy đi xét lại, chị vẫn thấy mình hơn chính mẹ mình và mọi người đàn bà ở chốn làng quê này. Những người đàn bà quê đáo để chống lại chồng, kết cục đều chẳng ra gì.

Đó là bà Thơm, vừa dùng gậy vụt ông chồng hom hem vừa tru tréo: “Ông ấy đánh tôi. Ông ấy muốn giết tôi”, nhưng cả làng chỉ cười vì biết ông chồng bà chẳng bao giờ đánh nổi bà. Nhà bà là ngoại lệ.

Đó là chị Chinh, người phụ nữ bán thịt uốn lượn con dao pha nhoay nhoáy, đã chém cho ông chồng một nhát vào chân vì tội lăng nhăng, giờ thì sống với ông chồng què, vừa bán thịt, vừa nuôi ông ấy.

Chị Huệ chấp nhận để chồng bắt nạt, còn hơn để người ngoài bắt nạt.

Sau này có con dâu, vợ Lữ, chị cũng sẽ dạy con dâu biết cách sống đúng phận người đàn bà. Nhà có thế nào vẫn cần có nhà, đàn ông có thế nào vẫn là đàn ông, mình làm sao thay thế được họ. Xấu tốt gì cũng cứ nhận lấy mà sống, mà sống vì các con.

- Mẹ đừng vì các con mà chấp nhận bị bố đánh như thế.

- Thì nhà nào chẳng thế. Bát đũa cũng có lúc xô lệch. Người Việt mình xưa nay vẫn thế.

- Mẹ đừng nói thế. Ở nước ngoài người ta đâu có thế. Nếu không sống được vợ chồng người ta chia tay nhau liền.

- Nước ngoài nào? Mẹ xem phim Hàn cũng thấy đàn ông, đàn bà họ cũng sống vậy đó thôi.

- Đấy là mẹ không xem được phim khác, mẹ chỉ xem được mấy bộ phim truyền hình.

- Thôi các con đừng đấu tố mẹ. Đời mẹ khổ nhiều rồi.

Nói rồi chị Huệ lại khóc làm Lữ và hai đứa em gái nín thinh.

*

- Mẹ, tại sao mặt mẹ thâm tím thế này?

- Mẹ trượt chân ngã ngoài giếng nước.

- Mẹ nói dối. Bố qua lại với cô Đào chứ gì.

- Con đừng hỗn láo. Bố con biết là chết.

- Mẹ điên rồi. Tại sao bố không sợ mà con lại phải sợ?

- Nhà phải có nóc. Không lẫn lộn trên dưới được. Bố con có tệ với mẹ nhưng vẫn là bố của các con.

- Mẹ ơi. Sao mẹ sống khổ vậy? Sao mẹ bắt chúng con sống khổ vậy? -  Cậu con trai 17 tuổi nấc lên.

Chị Huệ biết chuyện cô Đào. Nhưng chị không dám nói với ai. Chị đã bò ngoài hàng rào nhà cô Đào nhiều buổi chiều chỉ để bắt gặp chồng mình đi vào mà mãi không đi ra. Hai kẻ vụng trộm đón nhau như chủ nhân, kẻ bị mất cắp chui lủi ngoài hàng rào như kẻ trộm. Chị biết rõ chuyện nhà Đào. Cô này chồng đi xuất khẩu lao động, vài năm mới về một lần. Cô ta cũng một mình nuôi ba đứa con, đàn con còn nhỏ hơn con chị. Khi biết chuyện chồng qua lại với người đàn bà này, đầu chị cứng lại như lần đầu tiên chị đi họp lớp, được vào nhà hàng, chị đã ăn nhầm phải cả thìa mù tạt. Cảm giác “ăn trúng mù tạt” đã theo chị cả tháng trời nay. Chị quyết tâm theo dõi chồng và nhân tình để bắt họ tại trận. Nhưng khi bắt được, chị phải làm gì thì chị không biết. Có thể anh chồng sẽ cho chị một bạt tai rồi đuổi về, để hai người lại vui vẻ tiếp. Có thể chị sẽ lao vào giật bung cánh cửa, quyết sống chết với họ một phen. Nhưng chỉ nghĩ đến đó chị đã tim đập chân run. Chị chưa bao giờ dám cãi lời chồng. Chị cũng chưa đánh nhau với ai bao giờ. Chị càng không thể kéo các con theo, vì như thế các con chị sẽ mất bố. Mà chị hiểu cảm giác con gái không có bố sẽ như thế nào.

*

Đêm mùa hè trời oi ả, trời có trăng nhưng những đám mây đen liên tục trườn qua. Lữ và các em đi coi văn nghệ xã, hôm nay có ca sĩ từ thành phố về. Ở chốn quê này, nếu không có những hội chợ xanh xanh đỏ đỏ, sẽ buồn lắm. Buồn vì ai cũng như ai, làm chừng ấy việc, ăn chừng ấy món, năm này qua năm khác. Những người đàn ông sòng sọc điếu cày, những người đàn bà túm tụm ngồi rình chuyện nhà khác. Tivi mở ra toàn game show với quảng cáo thuốc gia truyền. Đám thanh niên chỉ còn nước tụm lại với nhau ngoài quán cóc, hát hò giao lưu qua loa kẹo kéo, uống mấy ly trà sữa, rồi đánh bài, rồi về. Chúng nhìn thế giới của người lớn đạm bạc nhưng chẳng thể quay đầu, vẫn phải nhích chân về cùng phía ấy vì có mấy đứa chịu học hành hay học hành được đâu.

Đêm mùa hè như dài vô tận. Không giống như mùa đông, người ta dễ chìm vào giấc ngủ vì giá rét, như con thú ngủ đông để quên cả thế giới này. Mùa hè mọi thứ rất dài, khi cái nóng làm cho vạn vật như chảy ra, và thời gian cũng vậy. Những đôi vợ chồng trung niên nằm bên nhau nín lặng, vì họ không còn gì để nói với nhau. Chuyện làm ăn, chuyện cửa nhà, con cái thì đã nói với nhau hơn hai chục năm rồi, hết chuyện. Họ cũng không dám nói với nhau chuyện tương lai, vì tương lai mỗi ngày một ngắn. Tóc họ đã hai màu, một nửa màu trắng nhắc họ những ngày đã đi qua, một nửa màu đen còn lại họ chỉ còn đếm từng sợi, từng sợi. Họ sợ màu đen sẽ nhanh chóng bay đi.

- Á! cứu tôi!! Có tiếng người phụ nữ tru lên rồi cổ họng bị bóp nghẹt lại. Chỉ còn nghe tiếng ặc ặc như cá nổi trên nước. Mà không phải tiếng cá, đó là tiếng người sặc nước, hay tiếng người uống nhầm phải nước sôi, hay cái gì khác. Nó quá đỗi bình thường ở chốn này. Đó là tiếng của Huệ.

- Á! - Tiếng kêu lần này to hơn, trầm hơn. Chiếc đòn gánh bổ xuống trúng gáy, lịm hẳn. Rồi không còn tiếng người. Không còn tiếng khóc. Đó là tiếng cuối cùng của chồng Huệ.

*

Chị Huệ ra tòa với tội danh giết người. Người nhà chị đôn đáo chạy đi xin các giấy tờ huân huy chương chứng minh chị có nhân thân tốt. Chỉ là chị mắc tội ngộ sát, vô ý làm chết người trong cơn tự vệ trước người đã có hơi men.

Phiên tòa xét xử lưu động về tận làng đánh thức cả làng từ mấy ngày hôm trước. Già trẻ, trai gái đều mong ngóng ngày được nhìn thấy kẻ sát nhân mang hình hài phụ nữ, kẻ ngày thường đội lốt người hiền lành lương thiện, nay hiện nguyên hình là kẻ ác, mà ác hơn nữa là đoạt mạng chính chồng mình. Họ mong nhìn thấy gương mặt thật của chị, chứ ngày thường họ lạ gì chị ở làng này. Họ nửa mong nhìn thấy kẻ đã dám làm chuyện động trời ở cái làng này, họ vừa sợ câu chuyện của chị tràn vào nhà họ.

- Cô Huệ ngày thường cũng hiền lành nhu mì mà sao ghê gớm thế nhỉ.

- Chắc phải lòng trai rồi về giết chồng.

- Xưa nay nhà đấy tử tế lắm, có trên có dưới, gia đạo đàng hoàng.

- Chắc lỡ tay thôi chứ ông kia khỏe lắm, dễ nặng gấp đôi cô ấy chứ dễ gì mà hạ được ông ấy.

- Kiểu này là lão kia bị chuốc cho say rồi mới ra tay. Các ông chồng sau vụ này cứ liệu hồn, cẩn thận.

Chị Huệ bình thản bước vào phiên tòa. Chị không nhìn một ai, kể cả ảnh thờ của ông chồng được người nhà mang tới. Người làng sửng sốt vì đôi mắt ấy ráo hoảnh, nó không hề gợn chút ăn năn của kẻ vừa làm việc dại dột, bất nghĩa. Nó chỉ có thể là của kẻ gian tà đã lầm đường lạc lối, có nhân tình mới rồi hạ sát chồng. Khi một người đàn bà đã đổ đốn, nó còn đáng sợ hơn một người đàn ông, người ta tin là vậy. Ai thương chị thì nói “Con giun xéo lắm cũng quằn”.

Công tố viên đọc lời buộc tội. Luật sư nhiều lần xin ngắt lời nhưng tòa ra hiệu chờ. Tai chị Huệ không còn nghe thấy gì. Chị đang là tội phạm mang bản án giết người, nhưng chị thấy mình hoàn toàn tự do. Chị thấy mình đang bay lâng lâng như con chim, sà xuống mái nhà nơi chị từng lớn lên với mẹ và các em gái. Mẹ chị như con gà mẹ tần tảo kiếm ăn nuôi các con lớn lên không một lời kêu than. Chị không thể nói giữa chị và mẹ, một người mất chồng sớm, một người mất chồng muộn hơn, ai sướng, ai khổ.

Đám đông chen lấn ồn ào như đi xem kịch. Phải, gia đình chị không phải bi kịch thì cũng là hài kịch còn gì. Đến lúc hạ màn, người ta mới vỡ òa ra nhân vật nữ chính thật là đáo để. Dù là lỡ tay hay cố ý đánh chết chồng, cô ấy cũng làm cho những người dân làng này phải nhớ, phải sợ. Đám đông kiên nhẫn chờ đợi. Trong lúc đó thì họ tranh thủ ra bản án:

- Tội này chắc cũng phải 15 - 20 năm.

- Ông chồng ra đi nhanh gọn thế thì chắc chỉ tù chung thân. Cũng là số phận cả.

- Tử hình chứ. Mạng đền mạng còn gì.

Rồi cũng tới lúc tòa tuyên án:

- Chị Huệ, như lời khai của chị nhất quán từ khi vụ án xảy ra, đã xác nhận rằng vào lúc 11g đêm, khi chồng trở về nhà trễ, đã nảy sinh máu ghen tuông, nên đã vung đòn gánh đập vào gáy chồng. Chị Huệ khai khi đó các con đều đang đi xem ca nhạc ở sân vận động của xã, chị đã một mình chuẩn bị kế hoạch sát hại chồng. Chị chấp nhận mọi hình phạt nghiêm khắc nhất với mình.

Sau khi xem xét tất cả các hồ sơ liên quan, tòa tuyên chị Huệ vô tội, và sẽ được thả tự do ngay tại tòa ngày hôm nay.

Đám đông gào lên, la ó phản đối:

- Thế là thế nào? Giết người mà vô tội à? Kể cả giết người vì phòng vệ thì cô Huệ cũng phải vào tù.

- Xin bà con trật tự. Chúng tôi yêu cầu luật sư đọc lời khai của một nhân chứng qua lá thư này:

Tôi xin kể lại câu chuyện của vợ chồng bà Huệ. Vợ chồng bà Huệ sống không điều tiếng gì với bà con làng xóm, không có nghĩa là vợ chồng hạnh phúc. Tính bà Huệ vốn nhu nhược, ông Lưu chồng bà Huệ là người nóng nảy, cục súc, gia trưởng. Bà Huệ thường xuyên bị đánh đập nhưng nhẫn nhịn vì con. Thời gian gần đây, bà Huệ biết rõ chồng mình thường qua lại nhà cô Đ. trong làng nhưng không dám nói. Bà Huệ đã hai lần định uống thuốc diệt cỏ nhưng rồi lại vất bỏ hai lọ thuốc ở sau nhà. Bà Huệ đã nhiều lần đi theo chồng tới tận nhà cô Đ. nhưng rồi lại quay về, không làm gì cả.

Đêm xảy ra án mạng, bà Huệ muốn một lần nói thẳng với chồng cho hết lẽ, rồi vợ chồng chia tay, nhưng khi bà Huệ vừa đề cập đến chuyện của bà Đ. thì ông chồng đã siết cổ vợ. Nếu không có chiếc đòn gánh đập xuống, thì chắc chắn ông Lưu đã giết chết bà Huệ. Hôm đó ông Lưu đã uống rượu say và không làm chủ được bản thân nữa.

Chính tôi là người đã lẻn vào nhà bà Huệ lúc hai ông bà chỉ có một mình ở nhà. Chính tôi đã chứng kiến vợ chồng họ cãi cọ. Chính tôi là người đã vớ lấy chiếc đòn gánh trong góc nhà đập vào đầu ông Lưu lúc ông lưu chồm lên siết cổ vợ. Bà Huệ sau đó đẩy tôi chạy đi và tự mình đi đầu thú. Nhưng tôi không muốn chạy trốn chính mình. Tôi đã quay lại đồn công an.

Vâng, tôi xin cam đoan mọi lời khai của tôi đều là sự thật, và tôi xin chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.

Ký tên: Nguyễn Văn Lữ (17 tuổi)”.

Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên

Nguồn Văn nghệ số 29/2023


Có thể bạn quan tâm