April 27, 2024, 4:54 pm

Cây đại thụ trong rừng văn phương Nam

Ở miền Nam, trước năm 1975, sách giáo khoa Việt văn các lớp trung học phổ thông, mà giáo viên văn học đã tham khảo đa phần do tác giả gốc ở miền Bắc biên soạn như Phan Ngô, Đỗ Văn Tú, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Sỹ Tế… và Thẩm Thệ Hà ở Sài Gòn.

 Nhờ những bộ sách này, tôi đã biết thêm ngoài tác giả miền Bắc (nhất là trong Tự lực Văn đoàn) còn có những nhà văn, nhà thơ uy tín miền Nam như: Sơn Nam (1926-2008), Trang Thế Hy (1924-2015), Lý Văn Sâm (1922-2000), Tô Nguyệt Đình tức là Tiêu Kim Thủy (1920-1988),… và đặc biệt là Bình Nguyên Lộc, một nhà văn có tài, nổi trội với khối tác phẩm đồ sộ và đa dạng.

Bình Nguyên Lộc (1914-1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, thường ký với các bút danh: Bình Nguyên Lộc, Phong Ngạn, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Trinh Nguyên Tôn Dzật Huân, Hồ Văn Huấn, Diên Quỳnh. Bình Nguyên Lộc xuất thân trong một gia đình trung lưu đã có mười đời sống tại Tân Uyên, Biên Hòa, cha là ông Tô Phương Sâm làm nghề buôn gỗ và mẹ là bà Dương Thị Mão.

Nhà Bình Nguyên Lộc chỉ cách bờ sông Đồng Nai hơn 100m nên hình ảnh con sông quê hương đã in đậm dấu ấn trong những trang văn sau này của ông ở truyện ngắn Đồng đội (Ký thác), hồi ký Sông vẫn đợi chờ (đăng báo ở hải ngoại).

Lên 5 tuổi, Bình Nguyên Lộc bắt đầu đi học chữ Nho với một ông đồ trong làng, sau đó vào học trường tiểu học ở quê nhà (1921-1927). Năm 1928, ông ở nhà luyện tiếng Pháp để thi vào Trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn. Sau 4 năm học (1929-1933) ở Trường Trung học Pétrus Ký, ông đỗ bằng Thành chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieures). Năm 1934, sau khi về quê lập gia đình với cô Dương Thị Thiệt, Bình Nguyên Lộc thi đỗ vào ngạch thư ký hành chính nhưng phải một năm sau mới đi làm vì kinh tế nhà nước khủng hoảng. Lúc đầu, ông làm công chức tại Kho Bạc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương).

Một số Tác phẩm Bình Nguyên Lộc

Năm 1936, Bình Nguyên Lộc đổi về làm nhân viên kế toán ở Kho Bạc Sài Gòn (sau gọi là Tổng nha Ngân khố Sài Gòn) và bắt đầu viết sung sức từ thời điểm này sau một cơ duyên chữ nghĩa khiến ông đến với làng văn. Trong tập hồi ký viết dở dang Nếu tôi nhớ kỹ, khoảng năm 1930, nữ doanh gia Tô Thị Thân, chủ nhân của 20 tiệm cầm đồ tại Sài Gòn bị báo chí chỉ trích là gian thương nên muốn ra một tờ báo để có tiếng nói bênh vực cho mình.

Bà Thân nhờ người thư ký kế toán của bà là ông Tô Văn Giỏi vốn là anh họ của Bình Nguyên Lộc, tìm hộ người phụ trách tờ báo. Ông Giỏi nhờ Bình Nguyên Lộc tìm người làm báo. Từ việc tìm kiếm người làm báo, ông có dịp tới lui với văn nghệ sĩ khiến ông thấy thích nghề cầm bút  và tập viết báo, viết văn. Năm 1942, Bình Nguyên Lộc bắt đầu cộng tác với báo Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong ban biên tập có cả Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, giao du với Đỗ Đức Thu, Mặc Đỗ, Nguyễn Văn Bổng,…

Năm 1949, Bình Nguyên Lộc xuống Sài Gòn, thôi làm công chức, sống luôn bằng nghề viết văn và cộng tác với các báo: Lẽ sống, Đời mới, Tin mới, Bách khoa, Văn hóa Ngày nay (của Nhất Linh),… Bình Nguyên Lộc cũng chủ nhiệm tuần báo Vui sống (1959) rồi phụ trách trang Văn nghệ của báo Tiếng chuông (1960-1963) và làm Chủ biên nhật báo Tin sớm (1964-1965). Khi bắt đầu viết dài kỳ cho các báo (1951-1952), Bình Nguyên Lộc viết truyện phiêu lưu, dã sử… rồi sau đó là truyện tình cảm. Cao điểm có lúc ông viết 11 truyện dài kỳ mỗi ngày. Từ những năm sau 1975, do bệnh cao huyết áp, sức khỏe suy kém, ông không tham gia hoạt động xã hội và văn nghệ. Sang Mỹ định cư (tháng 10/1985), khi đỡ bệnh, Bình Nguyên Lộc vẫn không quên cầm bút viết trở lại truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết và các loại sách tìm hiểu về nguồn cội và ngôn ngữ dân tộc… cộng tác với các tạp chí văn học ở hải ngoại. Nhiều tiểu thuyết ở dạng bản thảo đang viết dở dang còn được gia đình lưu giữ lại một ít, nhưng phần lớn đã thất lạc sau khi nhà văn qua đời (1987).

Bình Nguyên Lộc để lại một khối tài sản văn hóa đồ sộ (theo Nguyễn Ngu Í) gồm: ngoài bút ký và thơ là khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn, 4 quyển nghiên cứu độc đáo, mỗi quyển hơn nghìn trang. Ông Bình Nguyên Lộc được coi là một nhà văn lớn, với số lượng tác phẩm vô địch viết theo theo nhiều thể loại… Tiêu biểu cho sự nghiệp văn chương của Bình Nguyên Lộc trước tiên phải kể cuốn tiểu thuyết Đò dọc đã đoạt giải nhất cuộc thi Văn chương Toàn quốc năm 1959 tại Sài Gòn. Phơi bày bức tranh xã hội của miền Đông Nam bộ  vào giữa thập niên năm 1950, Bình Nguyên Lộc đã thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong cuộc sống di dân ngược xuôi như những chuyến đò dọc của ông bà Nam Thành cùng 4 cô con gái: Hương, Hồng, Hoa, Quá. Cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt, khiến người gia trưởng cùng vợ con từ Bạc Liêu, Tây Nam bộ lên Sài Gòn sống ở xóm Tây gần thành Ô Ma. Đến ngày Pháp rút khỏi Việt Nam, bốn cô con gái đã học được một ít chữ nghĩa thì cả nhà lại trôi giạt về một sống ở một xóm quê khô cằn ở Thủ Đức, miền Đông Nam bộ.

Cuộc sống đơn điệu với từng ấy gương mặt có nguy cơ biến các cô tiểu thư xinh đẹp thành những cô gái già héo úa. Mỗi cô con gái có một tâm tình riêng, người cha và người mẹ không dễ thấu hiểu và chia sẻ với họ. Viết Đò dọc, tác giả như muốn tôn vinh giá trị gia đình như một nền tảng để con người có thể tựa vào trước bao biến thiên của xã hội. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này được Đạo diễn Nguyễn Trọng Nghĩa, hãng phim truyền hình TFS thực hiện vào năm 2013 quay trong 4 tháng ở Gò Công, Long Khánh, Sa Đéc, Bình Dương, Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài tiểu thuyết, Bình Nguyên Lộc cũng có những tập truyện ngắn và tùy bút thật hay như: Nhốt gió (1950), Ký thác (1960), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1966), Tình đất (1966), Thầm lặng (1967), Cuốn rún chưa lìa (1969),…

Đọc lại khối tác phẩm to lớn, đủ thể loại của Bình Nguyên Lộc, ta có thể thấy điểm sáng nổi bật ở hồn cốt nhà văn này. Có thể do tính cách giản dị của người Nam bộ hoặc công việc của một cây bút viết chạy feuilleton hằng ngày, lời văn Bình Nguyên Lộc như ngôn ngữ đời thường của đa phần quần chúng lao động, đặc biệt truyện sử dụng nhiều đoạn văn ở hình thức đối thoại. Tác giả viết thoải mái mà không chú ý trau chuốt tỉa gọt, dùng cả đến những tiếng lóng, tiếng địa phương của người dân tộc. Bằng phong cách nghệ thuật đại chúng đó, Bình Nguyên Lộc làm hiển thị lên trong tác phẩm của ông nhiều chủ đề lớn trong nội dung tư tưởng tác phẩm:

Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987)

Trước hết là cảm thức về nguồn với tấm lòng biết ơn tiền nhân đã dày công khai phá vùng đất hoang sơ, chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ hại người thể hiện trong những truyện ngắn và tùy bút được coi thể loại sở trường của Bình Nguyên Lộc. Ai cũng biết, Huế, Hà Nội đều có một quá khứ phong phú vàng son đã được bao nhiêu văn nghệ sĩ nói đến qua văn chương nghệ thuật trong khi dĩ vãng của Sài Gòn thì còn rất ít người biết.

Với Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc, nhà văn đã hăm hở đi truy tìm dĩ vãng của nơi ông đến ở gần 40 năm tức là Sài Gòn thành phố mới chưa đọng lớp rêu phong thời gian vì “đất có ở lâu, tình đất mới sâu”. Tư tưởng của nhà văn Bình Nguyên Lộc suy ra cũng khá gần gũi với nhà thơ Chế Lan Viên khi cảm nhận về tình đất tình người: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu).

Chưa nói đến 2 tập thơ (Thơ tay tráiViệt sử trường ca) và 1 truyện thơ (Thơ ba Mén) và tác phẩm thuộc loại sưu tầm, chú giải văn học, những quyển kháo cứu đồ sộ của Bình Nguyên Lộc: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), Lột trần Việt ngữ (1972) đã nói lên tâm huyết nóng bỏng của nhà văn dành cho ngôn ngữ, văn học nước nhà. Nhưng dường như sự cống hiến không mệt mỏi suốt cuộc đời của Bình Nguyên Lộc chưa được văn học sử quan tâm đánh giá thỏa đáng.

Chính vì vậy, hy vọng các nhà nghiên cứu trong tương lai với lăng kính lịch sử văn học dân tộc sẽ soi sáng, định vị tương xứng với tài năng cho Bình Nguyên Lộc. Với sự nghiệp văn chương đồ sộ, trong đó ngồn ngộn những tri thức văn hóa lịch sử thể hiện một tấm lòng đáng quý của ông với văn hóa dân tộc, ắt hẳn công chúng cả nước sẽ còn giữ lại từ tác phẩm và cuộc đời Bình Nguyên Lộc, một phong cách lục tỉnh xưa với tính bình dị, cởi mở và hiền lành. Như một chú nai đồng – ý nghĩa bút danh của nhà văn – trong tác phẩm văn chương của mình.

Nguyễn Thanh

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm