April 29, 2024, 4:17 am

Cầu tiên

Trong giấc mộng lên tiên, nhà soạn tuồng danh tiếng Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - tác giả Nguyệt Cô hóa cáo - gặp “những người muôn năm cũ” Ức Trai, Tố Như đang đau đáu một nỗi niềm. Dường như họ, những danh gia ấy, “không cũ” trong cách nhìn khá ý nhị của Triều La Vĩ. Người tiên hay đầm đìa thân cáo tục lụy? Giá trị tinh thần cao khiết hay trần trụi cái bóng của hư danh; cái bát nháo lương tri và ảo vọng văn chương mọi thời? Cầu tiên thú vị và nhẹ nhõm, bàng bạc những cảm nghiệm, từ cách đặt vấn đề có tính khơi gợi. Một “giấc mộng” thăng hoa của nhà văn.

(Lê Hoài Lương)

Rước người hoa chẳng biết tên                                                                                Hơi hương xa thổi vào rèm gió trăng(1)

Quỳnh Phủ là con nhà nghèo nhưng hiếu học, sớm có hoài bão lớn. Khoa thi Canh Thân năm Tự Đức thứ mười ba, Quỳnh Phủ thi đỗ tú tài. Nhưng đi thi cử nhân mãi mà không đậu. Lần nào cũng vậy, cứ vào đến trường thi, lúc chuẩn bị làm bài thì bất giác thấy lòng bấn loạn, rồi ngửi thấy một mùi hương hoa phảng phất dễ chịu khiến lòng chàng cứ lâng lâng xao xuyến. Trong lúc mê mê tỉnh tỉnh Quỳnh Phủ thấy một người con gái xinh đẹp ngồi trước chõng chơi đàn. Tiếng đàn khi nhặt khoan, lúc trầm lúc bổng. Khi hùng tráng hào sảng, lúc lại bi ai não nùng. Chàng vì vậy không tài nào làm trọn bài thi đặng, lòng chán ngán khoa danh về nhà mở trường dạy học. Lúc rảnh rỗi còn soạn tuồng hát bội. Nhờ hay chữ học trò đến xin thọ giáo rất đông.

Quỳnh Phủ trước ở làng Nhơn Ân, sau vì kế sinh nhai về lập nghiệp ở Kỳ Sơn. Nhà chàng nằm dưới chân một ngọn núi có đỉnh hình con chim phượng đang bay. Đỉnh núi ấy gọi là đỉnh Phụng. Dưới đỉnh núi này nổi lên một dãy gò cong cong hình bán nguyệt. Đó là gò Phụng.

Những đêm trăng sáng, nhất là đêm rằm, Quỳnh Phủ thường thấy trên gò Phụng về khuya thấp thoáng bóng giai nhân và văng vẳng tiếng đàn. Hỏi ra thì chẳng ai biết gì. Chàng lấy làm lạ, tưởng mình quáng mắt nhìn gà hóa cuốc. Nhưng thỉnh thoảng Quỳnh Phủ còn gặp tiên trong giấc mơ, gặng hỏi gì người ấy cũng không nói, chỉ lúc khóc lúc cười. Dần dà, lòng chàng thấy nhớ nhớ thương thương, thấy gần gũi thân thiết như tri kỷ. Quỳnh Phủ nhiều lần lên gò Phụng mà chưa lần nào gặp được tri âm. Rồi nhờ duyên may học được cách lập đàn cầu tiên. Đêm trăng tròn tháng nọ, chàng túi thơ bầu rượu quyết gặp cho được giai nhân cho thỏa nỗi nhớ mong.

Gò Phụng gió hiu hiu, khói sương mờ ảo dưới bóng trăng. Quỳnh Phủ chọn một chỗ đất cao ráo đặt cái bàn tre và một chậu sành đựng cát trắng tinh, bên trong cắm một cây bút bằng gỗ đào. Bàn cầu tiên hướng mặt về Đông. Phía ấy chừng vài chục dặm có núi Xương Cá. Nghe đồn rằng ông Khổng Lồ đã bắt cá dưới đầm Thị Nại gần đấy để ăn. Cá ngon quá, ông Khổng Lồ ăn mãi không thấy chán rồi bội thực chết bên đống xương. Cái đống ấy lâu ngày qua mưa gió nắng sương cát bụi mà thành núi. Vì vậy mà linh lắm. Quỳnh Phủ sắp hoa quả, chong đèn rót rượu, rồi thắp ba nén hương lầm rầm khấn vái tên họ và ý muốn gặp tiên. Chờ đủ ba tuần rượu, lúc hương cũng vừa tàn quá nửa, Quỳnh Phủ bắt đầu ngâm nga bài thơ triệu thỉnh thần tiên mà chàng đã ứng tác trong một giấc mơ tiên:

Thần Tiên! Thần Tiên!

Ứng hiện tự nhiên

Ba mươi sáu động

Rực rỡ cảnh tiên(1)

Quỳnh Phủ chưa ngâm hết bài thơ đã nghe gió thổi xào xạc, cát bay rào rào. Rồi một mùi thơm nhẹ và thanh như hương nhài quấn quýt quanh bàn cầu tiên. Chàng rùng mình. Cây bút đào chợt di động, nét chữ hiện hình. Người quen mà không nhận ra sao. Quỳnh Phủ kinh hãi dập đầu lạy ba lạy xin cho biết quý danh, sợ lỡ lời với quý nhân mà mất mạng. Tiên liền cho thơ rằng:

Hoa tàn gió chẳng nhớ tên                                                                                  

Hương xuân còn đọng bên rèm sương trăng(1)


Có thể bạn quan tâm