April 29, 2024, 2:57 am

Câu chuyện Hallyu qua "Đêm Âm nhạc Hàn Quốc tại Đà Nẵng"

 

Tối qua, 4/9/2022, tại Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra “Đêm Âm nhạc Hàn Quốc”, sự kiện chính thức khép lại Lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc lần đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng (do Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tổ chức, khai mạc từ hôm 1/9).

 

Ngài Ahn Min Sik – Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng đêm diễn thành công của Queen và The Goonies Crew. - Ảnh trong bài: T.Ngọc.

“Không phải ngẫu nhiên mà sự lan tỏa của làn sóng Hallyu Hàn Quốc như K-POP và K-Drama ở Đông Nam Á đều bắt đầu từ Việt Nam. Chúng ta cũng đã cùng nhau cổ vũ nhiệt tình, trước chiến thắng của đội tuyển bóng đá  quốc gia Việt Nam, do huấn luyện viên Park Hang-seo dẫn dắt. Qua những điều này, hai quốc gia của chúng ta không chỉ đang phát triển mối quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi cho nhau về mặt kinh tế, mà còn trở thành một mối quan hệ “thân bằng cố hữu”, cùng thưởng thức và chia sẻ văn hóa của nhau mà không có bất kỳ cảm giác khác biệt nào”, Ngài Ahn Min Sik – Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng chia sẻ.

Hallyu được hiểu là cách Hàn Quốc quảng bá hình ảnh đất nước mình ra thế giới, thông qua văn hóa, thông qua nghệ thuật. Sự thành công của Hallyu, nhắc nhở chúng ta lưu ý một điều: Hình ảnh một Hàn Quốc truyền thống mang nặng yếu tố Nho giáo vẫn đến được (và thấm sâu) vào mọi đối tượng công chúng, nếu người nghệ sỹ biết chọn phương tiện (dù là quá khứ hay phong cách trình diễn hiện đại) để truyền bá thông điệp.”

Đóng góp cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Đà Nẵng, là Nhóm nhạc (nữ) Queen và Nhóm B-boy The Goonies Crew. Sau Đà Nẵng, QueenThe Goonies Crew sẽ có buổi ra mắt khán giả Thành phố Hồ Chí Minh vào tối ngày 6/9/2022 (tại hội trường Trịnh Công Sơn, Đại học Văn Lang). 

 

Giọng ca chính của Queen khai thác chất tự sự trong Pansori 

Queen là Nhóm nhạc nữ với 5 thành viên (có phong cách kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại). Một nhóm nghệ nhân – nghệ sỹ âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đã đứng ra thành lập Queen vào năm 2008.

Sau 14 năm hoạt động, Queen cho hay, họ sẽ không ngừng phấn đấu và phát triển ở tầm cao hơn, khẳng định vị trí là Youtuber âm nhạc truyền thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Các cô gái tài năng của Queen say sưa và sáng tạo trong quảng bá, lan tỏa K-Drama (một loại hình âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc) với đầy đủ các loại nhạc khí truyền thống: Gayageum (một biến thể từ đàn dây truyền thống, nhạc cụ đang được Nhóm sử dụng có 25 dây, so với 12 dây ban đầu); Daegeum (Sáo ngang); Janggu (trống có hình dạng đồng hồ cát nằm ngang, mặt trống được phủ các loại da động vật với độ dày/mỏng khác nhau, tạo hiệu ứng âm sắc trầm hoặc vang khác nhau, tỏ bày tâm trạng, cung bậc cảm xúc phù hợp).

 

Bước nhảy Hip hop kết hợp vũ điệu của dây ruy-băng trên mũ …

Giữ nguyên các yếu tố của phong cách K-Drama; Queen đã làm nên bộ sưu tập “đáng nể” về kỳ tích “mang chuông đi đánh xứ người”: hơn 80 lần lưu diễn tại hơn 50 thành phố ở 30 quốc gia. Họ đang ở vị trí dẫn đầu trong thực hiện trọng trách phổ biến và toàn cầu hóa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc.

Không chỉ khai thác tối ưu các thể loại âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, Queen cũng sử dụng cả ngôn ngữ Pansori (một thể loại ca kịch, màn biểu diễn bao gồm một ca sỹ kết hợp một nhạc công trống). Trong nghệ thuật Pansori, ca sỹ vừa hát, vừa kể chuyện với giọng điệu biểu cảm (tự sự mộc mạc về những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, hay được soạn lại lời mới với ngôn ngữ uyên bác) …

Tuy nhiên, khi đến biểu diễn ở quốc gia nào, Queen cũng có kịch bản linh hoạt. Trong quảng bá văn hóa Hàn Quốc, các cô gái biết khai thác mọi thể loại âm nhạc (Hàn Quốc) đa dạng đúng đối tượng, họ sử dụng cả phong cách K-pop một cách “đúng liều lượng, phù hợp với chủ đề tư tưởng bài nhạc”. Họ cũng sử dụng cả Daegeum (vốn là nhạc cụ dùng cho các chương trình âm nhạc phục vụ cung đình hay cho tầng lớp quý tộc trước đây của Hàn Quốc) cho các ca khúc đương đại.

 

Độc tấu Daegeum với tác phẩm quen thuộc Hello Việt Nam

Trên sân khấu nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng, tối 4/5, màn hòa tấu Hello Việt Nam với âm sắc và giọng điệu chủ đạo của Daegeum là một ví dụ.

Nếu Queen luôn thiên về hơi hướng truyền thống thì The Goonies Crew lại chọn nghệ thuật vũ đạo hiện đại, đầy sôi động và ngẫu hứng làm nền tảng: Hip hop. Trong đó, các biến tấu vũ đạo của Breakdance (người trong giới gọi là bước nhảy Hip hop đẹp), được các nghệ sỹ The Goonies Crew khai thác rất hài hòa. Vẻ đẹp và phong cách Hip hop Hàn Quốc được tỏa sáng bởi những Break Boy thuần đã chinh phục khán giả bằng những “cú nhảy tuyệt đẹp trong vũ điệu Hiphop”.

Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, ngài Ahn Min Sik chia sẻ cảm xúc rằng, “hiện nay khi tình hình Covid-19 đã lắng dịu lại và chân trời lại một lần nữa rộng mở, thật vui khi số lượng người Hàn Quốc đến thăm Đà Nẵng đang tăng trở lại.  Thậm chí tại 3 thành phố lớn của Hàn Quốc, hiện đã có 9 hãng hàng không  có đường bay thẳng tới Đà Nẵng, nên đây (Đà Nẵng) chính là nơi có lượng kết nối ra nước ngoài cao. Trong bối cảnh đó, thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức sự kiện Lễ hội Việt – Hàn lần đầu tiên là vô cùng đáng mừng và đúng thời điểm. Đặc biệt tôi rất vui khi có thể kết thúc lễ hội với buổi trình diễn “Đêm Âm nhạc Hàn Quốc” hôm nay. Màn trình diễn của đoàn nhạc Hàn Quốc kết hợp truyền thống và hiện đại. “Queen” và Nhóm B-boy “The Goonies Crew” được kỳ vọng là truyền đạt được đến các bạn tình cảm và nhiệt huyết của Hàn Quốc”.

 

Những cú nhảy tuyệt đẹp trong vũ điệu Hiphop của The Goonies Crew trên sân khấu nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng.

Sự kiện “Đêm Âm nhạc Hàn Quốc” đã mở ra chương mới trong trao đổi giao lưu về văn hóa và nghệ thuật giữa hai quốc gia. Nghệ thuật với ngôn ngữ và sức mạnh mềm riêng có, nhất định sẽ thúc đẩy tiến trình hợp tác, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam. Và cũng đủ để chúng ta hiểu thêm về Hallyu – Sóng Hàn (làn sóng/dòng chảy Hàn Quốc). Điều đáng ngạc nhiên là hai nước chúng ta có khá nhiều nét tương đồng về các mặt như lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán. Và trong 30 năm qua, Hàn quốc và Việt Nam đã trở thành đôi bạn cùng tiến và giúp đỡ lẫn nhau hơn bao giờ hết”

Đi một ngày đàng … Tối qua, câu chuyện học hỏi cách làm văn hóa lẫn nhau chắc chắn sẽ có trong suy nghĩ nhiều khán giả, dù không phải cực nhọc đã đi mất một ngày đường. Bạn mang điều hay - điều cần học đến tận xứ mình. Cái còn lại “học được gì?” trong nghệ thuật quảng bá hình ảnh, cốt cách Việt, lại là câu chuyện từ mỗi chúng ta…


Có thể bạn quan tâm