May 13, 2024, 9:16 am

Cần thực hiện môi trường du lịch không khói thuốc lá

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ

“Đã có bằng chứng rõ ràng: Không có ngưỡng an toàn cho việc phơi nhiễm khói thuốc thụ động. Rất nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới đã bắt tay hành động”...

1 – THỰC TRẠNG SỬ DỤNG THUỐC LÁ:

Trên thế giới hiện có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Tại các nước phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi trong những thập kỷ qua, ngược lại tại các nước đang phát triển việc sử dụng thuốc lá có xu hướng gia tăng.

Tại Việt Nam, theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%. Trong giới trẻ độ tuổi 15-24, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới là 26,1% và nữ giới là 0,3%. Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên phải hút khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các nhà hàng là 84,9%. Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi năm 2014 cho thấy 47,7% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà; 66,5% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại địa điểm công cộng trong nhà,    

2 – TÁC HẠI CỦA HÚT THUỐC VÀ HÚT THUỐC THỤ ĐỘNG:

Tác hại đối với sức khỏe:

Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư. Các hóa chất này khi vào cơ thể, tác động lên tế bào, gây viêm mạn tính, biến đổi tế bào dẫn đến loạn sản rồi ác tính hóa. Nicotine trong khói thuốc lá là chất được cơ quan kiểm soát Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp vào nhóm các chất có tính dược lý gây nghiện tương tự như Heroin và Cocain.

Với các thành phần độc tính trong khói thuốc, khói thuốc lá đã được khoa học chứng minh là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...) và các bệnh về hô hấp… Sử dụng thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm. Tính chung trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính ở Hoa Kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong thế kỷ 20 trên thế giới đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong,  con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người một năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển. Nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện thì trong thế kỷ này sử dụng thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Theo điều tra tại Bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam. Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm mới chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này tăng lên 62.7%. Năm 2008, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm đã chiếm tới 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Khói thuốc lá cũng được xác định là nguyên nhân gây bệnh ở những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Những người này là vợ, con, người sống chung trong gia đình với người hút thuốc và những người làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc lá. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc.

Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30 % so với những người không hút thuốc, làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ. Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc thụ động cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc. Hút thuốc thụ động còn được biết đến là một nguyên nhân làm thai chết lưu và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200-400gam.

“Đã có bằng chứng rõ ràng: Không có ngưỡng an toàn  cho việc phơi nhiễm khói thuốc thụ động. Rất nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới đã bắt tay hành động. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia còn lại hãy tiến hành ngay các biện pháp để thông qua luật yêu cầu phải thực hiện cấm hút thuốc ở tất cả các khu vực công cộng và nơi làm việc trong nhà để bảo vệ sức khỏe người dân”.

Tác hại đối với kinh tế:

Sử dụng thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ cho chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la Mỹ.

Theo ước tính, trong tổng số các vụ hỏa hoạn trên thế giới thì nguyên nhân do sử dụng thuốc lá chiếm 10%. Mỗi năm thuốc lá gây ra khoảng 1.1 triệu vụ cháy, 17.300 ca tử vong, 60.000 ca thương tích và 27 tỷ USD tổn thất tài sản. Chỉ riêng tại Mỹ năm 2005, hút thuốc gây ra 82.400 vụ hỏa hoạn làm chết 800 người, bị thương 1.660 người và thiệt hại 575 triệu USD tài sản.

Tại Việt Nam, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Năm 2012 người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá số tiền là 22 nghìn tỷ đồng. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghãn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỷ đồng một năm.

3 – TÁC HẠI CỦA VIỆC HÚT THUỐC TẠI CÁC KHÁCH SẠN, NHÀ NGHỈ DU LỊCH, NHÀ HÀNG, CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH: Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

- Mức độ ô nhiễm khói thuốc trong nhà hàng cao gấp 3-5 lần so với môi trường làm việc khác và cao gấp 8-20 lần so với môi trường nhà ở có ít nhất 1 người hút thuốc.

- Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, các nhà hàng/quán bar cho phép hút thuốc lá bên trong nhà có mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 4,4 lần mức an toàn theo quy định của cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ.

- Những nhân viên làm việc trong các nhà hàng ô nhiễm khói thuốc nặng tiếp xúc với lượng benzopyren ngang với hút 1-2 bao thuốc/ngày.

- Gây ảnh hưởng sức khỏe của nhân viên và khách.

- Gây ấn tượng không tốt với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng không hút thuốc, phụ nữ, trẻ em.

Tổn thất về kinh tế:

- Tăng ngày nghỉ làm của nhân viên do mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc;

- Khói thuốc làm xỉn màu, làm xấu và nhanh hỏng các tài sản;

- Tăng chi phí quét dọn và bảo dưỡng cơ sở vật chất của khách sạn, nhà hàng;

- Khói thuốc ám mùi lên quần áo, rèm cửa, khăn phủ bàn và các đồ đạc trong khách sạn, nhà hàng làm cho việc xử lí hoặc thay thế tốn kém hơn;

- Mùi khói thuốc ảnh hưởng xấu tới vẻ sang trọng và sức hấp dẫn của khách sạn, nhà hàng;

- Làm tăng nguy cơ cháy nổ.

4 – Ý NGHĨA CỦA VIỆC XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG DU LỊCH KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ

- Môi trường du lịch không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá. 

- Môi trường du lịch không khói thuốc lá giúp người không hút thuốc lá (cán bộ, nhân viên ngành du lịch, khách du lịch) giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

- Môi trường du lịch không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho hút thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như: Thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa.

- Môi trường du lịch không khói thuốc lá sẽ hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc, giảm bớt chi phí vệ sinh môi trường.

- Môi trường du lịch không khói thuốc góp phần bảo vệ cảnh quan du lịch, tạo môi trường du lịch trong lành, thu hút khách du lịch.

- Giúp tăng thêm lợi nhuận cho các cơ sở du lịch: Người không hút thuốc lá là những người chiếm số đông trong cộng đồng, Theo Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010, 76.2% người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) không hút thuốc. Người không hút thuốc có quyền và mong muốn được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá. Người không hút thuốc sẽ không muốn đến những nơi bị ô nhiễm bởi khói thuốc.

P.V

Nguồn Văn nghệ số 28/2017


Có thể bạn quan tâm